Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 59/KH-UBND

Hải Phòng, ngày 14 tháng 3 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH TRUYỀN THÔNG VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐẾN NĂM 2030

Thực hiện Quyết định số 1790/QĐ-TTg, ngày 23/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030; Công văn số 129/LĐTBXH-BĐG ngày 17/01/2022 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

- Cụ thể hoá các nội dung và triển khai thực hiện thống nhất, đồng bộ, hiệu quả các hoạt động truyền thông về bình đẳng giới trên địa bàn thành phố nhằm đạt được các mục tiêu của Chương trình truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030.

- Đẩy mạnh công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về bình đẳng giới trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống thông tin cơ sở; ứng dụng, khai thác những lợi thế của công nghệ thông tin và các loại hình truyền thông trên nền tảng số nhằm nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, nhận thức, chuyển đổi hành vi về bình đẳng giới, nêu cao vai trò của cả hai giới trong gia đình và xã hội.

2. Yêu cầu:

Xác định rõ nội dung, nhiệm vụ và trách nhiệm của các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị trong việc triển khai thực hiện các hoạt động truyền thông về bình đẳng giới. Tăng cường phối hợp giữa các sở, ngành, đoàn thể, cơ quan, tổ chức để triển khai công tác truyền thông, giáo dục về bình đẳng giới, huy động các tổ chức, cá nhân tích cực ủng hộ và tham gia các hoạt động truyền thông về bình đẳng giới.

II. MỤC TIÊU

- Hằng năm, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân được truyền thông, phổ biến, cập nhật thông tin về pháp luật, chính sách về bình đẳng giới ít nhất 02 cuộc.

- Đến năm 2025 đạt 100% sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố và các quận, huyện, xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch, triển khai hoạt động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới hằng năm.

- Phấn đấu đến năm 2030 nhận thức về bình đẳng giới của các nhóm đối tượng trong cộng đồng tăng từ 15-20% so với năm 2025.

- Phấn đấu đến năm 2025 đạt từ 80% cơ quan truyền thông áp dụng thí điểm và đến năm 2030 đạt 90% cơ quan truyền thông chính thức áp dụng Bộ chỉ số về giới trong truyền thông.

- Đến năm 2025 đạt 95% và đến năm 2030 đạt 100% các hương ước, quy ước của cộng đồng đã được thông qua không có sự phân biệt đối xử về giới.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Tăng cường cung cấp thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách và kết quả thực hiện công tác bình đẳng giới cho các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền phù hợp cho các nhóm đối tượng theo định kỳ và vào các đợt cao điểm hằng năm.

a) Hoạt động 1: Xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới từ 15/11 đến 15/12 hằng năm.

- Cơ quan chủ trì: Các sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố và Ủy ban nhân dân các quận, huyện.

- Thời gian thực hiện: Hàng năm

b) Hoạt động 2: Xây dựng và triển khai các mô hình, hình thức truyền thông phù hợp với các nhóm đối tượng trong từng lĩnh vực và các nhóm đặc thù tại địa phương như người di cư, người khuyết tật, người cao tuổi, người cư trú ở vùng khó khăn, hải đảo...

- Cơ quan chủ trì: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố, Liên đoàn Lao động thành phố, Hội nông dân thành phố, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thành phố và Ủy ban nhân dân các quận, huyện.

- Thời gian thực hiện: Hàng năm

c) Hoạt động 3: Biên tập, xây dựng, phát hành và cung cấp các sản phẩm truyền thông như: bản tin, tờ rơi, tài liệu, phim ngắn... về bình đẳng giới; truyền thông về lợi ích của việc đầu tư cho công tác bình đẳng giới nhằm vận động cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp ban hành các nghị quyết, chính sách, quy định, văn bản nhằm ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới.

- Cơ quan chủ trì: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố, Hội nông dân thành phố và Ủy ban nhân dân các quận, huyện.

- Thời gian thực hiện: Hàng năm

2. Đổi mới về hình thức và phương tiện truyền thông, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và nền tảng số, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm trong công tác truyền thông về bình đẳng giới.

a) Hoạt động 1: Mở rộng việc chuyển tải các nội dung, tài liệu truyền thông về bình đẳng giới từ hình thức bản in sang bản điện tử trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, điện thoại di động và các phương tiện truyền tin khác. Chú trọng truyền thông về bình đẳng giới trên các trang thông tin có nhiều người truy cập, các trang tin thu hút sự quan tâm của người chưa thành niên, thanh niên.

- Cơ quan chủ trì: Các sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố và Ủy ban nhân dân các quận, huyện.

- Thời gian thực hiện: Hàng năm

b) Hoạt động 2: Tổ chức các chương trình giao lưu, hội nghị, hội thảo, tọa đàm trên các kênh truyền hình, phát thanh với sự tham gia của các nhà quản lý và các chuyên gia về các vấn đề bình đẳng giới.

- Cơ quan chủ trì: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố và Ủy ban nhân dân các quận, huyện.

- Thời gian thực hiện: Hàng năm

c) Hoạt động 3: Tăng cường nội dung về bình đẳng giới trên các chương trình của Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng, Đài Phát thanh cấp huyện và hệ thống thông tin cơ sở.

- Cơ quan chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa và Thể thao, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng.

- Thời gian thực hiện: Hàng năm

3. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác truyền thông, huy động nguồn lực, phương tiện và sự tham gia, hưởng ứng của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là các nhà lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, những người có uy tín và ảnh hưởng lớn trong xã hội.

a) Hoạt động 1: Xây dựng nội dung hợp tác chiến lược với các tổ chức, doanh nghiệp có điều kiện và phương thức hoạt động phù hợp để tăng hiệu ứng, mở rộng phạm vi và nâng cao chất lượng truyền thông gắn với bình đẳng giới ở các cấp, nhất là ở cơ sở.

- Cơ quan chủ trì: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố, Liên đoàn Lao động thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện.

- Cơ quan phối hợp: Ban Quản lý Khu Kinh tế, các tổ chức có liên quan.

- Thời gian thực hiện: Hàng năm

b) Hoạt động 2: Vận động, phối hợp với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân tổ chức các cuộc tập huấn, nói chuyện chuyên đề, thi sáng tác, triển lãm, truyền thông trực tiếp và gián tiếp nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ chính quyền, đoàn thể các cấp và người dân về bình đẳng giới; tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; Tháng hành động về phòng chống bạo lực gia đình; Tháng hành động về dân số và các dịp kỷ niệm như ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3), ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3), Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10) hằng năm.

- Cơ quan chủ trì: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Y tế, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố, Liên đoàn lao động thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện.

- Cơ quan phối hợp: Ban Quản lý Khu Kinh tế, các tổ chức có liên quan.

- Thời gian thực hiện: Hàng năm

c) Hoạt động 3: Huy động nam giới, huy động người có uy tín trong cộng đồng, người nổi tiếng tích cực ủng hộ các hành vi mẫu về bình đẳng giới; lồng ghép nội dung truyền thông bình đẳng giới vào sinh hoạt của cộng đồng, sinh hoạt văn hóa dân gian, phiên chợ, đưa các tiêu chí về bình đẳng giới vào hương ước, quy ước của cộng đồng, vào tiêu chuẩn làng, thôn/tổ dân phố văn hóa, gia đình văn hóa.

- Cơ quan chủ trì: Sở Văn hoa và Thể thao, Ủy ban nhân dân các quận, huyện.

- Thời gian thực hiện: Hàng năm

4. Mở rộng và đẩy mạnh công tác giáo dục về bình đẳng giới trong gia đình, nhà trường, cộng đồng và thúc đẩy sự tham gia của trẻ em.

a) Hoạt động 1: Xây dựng và triển khai các mô hình giáo dục, truyền thông chuyên biệt cho nam giới, vị thành niên, thanh niên có hiệu quả như câu lạc bộ, góc thân thiện tại các cơ sở giáo dục quốc dân, các khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất, các doanh nghiệp và tại cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội, dịch vụ hỗ trợ bình đẳng giới.

- Cơ quan chủ trì: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thành phố, Liên đoàn Lao động thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện.

- Cơ quan phối hợp: Ban Quản lý Khu Kinh tế.

- Thời gian thực hiện: Hàng năm

b) Hoạt động 2: Đào tạo và nâng cao về kỹ năng làm việc với nam giới, người chưa thành niên, thanh niên, kỹ năng tư vấn cho người cung cấp dịch vụ xã hội, dịch vụ hỗ trợ bình đẳng giới để bảo đảm cung cấp các dịch vụ mang tính thân thiện, bình đẳng, riêng tư, bảo mật và phù hợp với tâm lý của đối tượng.

- Cơ quan chủ trì: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Cơ quan phối hợp: Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện.

- Thời gian thực hiện: Hàng năm

c) Hoạt động 3: Tổ chức các hoạt động ngoại khóa định kỳ hằng tháng, sinh hoạt dưới cờ hằng tuần, sinh hoạt chính trị đầu khóa có lồng ghép nội dung tuyên truyền về bình đẳng giới bằng các hình thức mới lạ, hấp dẫn, phù hợp với từng lứa tuổi (trẻ em, học sinh, sinh viên).

- Cơ quan chủ trì: Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân các quận, huyện.

- Thời gian thực hiện: Hàng năm

d) Hoạt động 4: Biên tập, xây dựng các sản phẩm truyền thông và tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ phù hợp nhằm huy động sự tham gia của nam giới, thanh niên, vị thành niên vào công tác bình đẳng giới.

- Cơ quan chủ trì: Sở Văn hóa và thể thao, Ủy ban nhân dân các quận, huyện.

- Cơ quan phối hợp: Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thành phố, Hội Nông dân thành phố, Liên đoàn Lao động thành phố.

- Thời gian thực hiện: Hàng năm

5. Triển khai và áp dụng Bộ chỉ số về giới trong truyền thông; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ truyền thông, phóng viên, biên tập viên, báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên truyền thông các ngành, các cấp.

a) Hoạt động 1: Nghiên cứu, áp dụng và chỉ đạo việc áp dụng Bộ chỉ số về giới trong truyền thông tại các cơ quan truyền thông ở địa phương.

- Cơ quan chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông

- Cơ quan phối hợp: Ủy ban nhân dân các quận, huyện, các cơ quan thông tin đại chúng

- Thời gian thực hiện: Hàng năm

b) Hoạt động 2: Cung cấp thông tin cập nhật về bình đẳng giới, chính sách, pháp luật mới ban hành; hướng dẫn về nội dung ưu tiên, thông điệp, chủ đề bình đẳng giới cho đội ngũ phóng viên báo chí của cơ quan truyền thông, đội ngũ báo cáo viên pháp luật, cán bộ truyền thông của các trung tâm, điểm tư vấn các cấp, tuyên truyền viên, cộng tác viên cơ sở.

- Cơ quan chủ trì: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Cơ quan phối hợp: Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tư pháp, các cơ quan thông tin đại chúng

- Thời gian thực hiện: Hàng năm

c) Hoạt động 3: Tổ chức, phối hợp tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức, kỹ thuật, kỹ năng sử dụng, ứng dụng các thiết bị, phương tiện truyền thông hiện đại cho đội ngũ nhân viên thực hiện của cơ quan, tổ chức.

- Cơ quan chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông

- Cơ quan phối hợp: Các cơ quan thông tin đại chúng

- Thời gian thực hiện: Hàng năm

6. Tăng cường truyền thông về luật pháp, chính sách và những thành tựu, kết quả về bình đẳng giới của Việt Nam, thành phố cho các đối tác quốc tế; tích cực đấu tranh, phản bác những thông tin sai lệch về bình đẳng giới và các chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

a) Hoạt động 1: Trao đổi, chia sẻ, học tập kinh nghiệm về bình đẳng giới, kinh nghiệm triển khai truyền thông về bình đẳng giới của các nước, các tỉnh, thành phố khác.

- Cơ quan chủ trì: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Cơ quan phối hợp: Các sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố và Ủy ban nhân dân các quận, huyện.

- Thời gian thực hiện: Hàng năm

b) Hoạt động 2: Phối hợp với các tổ chức quốc tế triển khai các chương trình truyền thông về bình đẳng giới. Tăng cường tuyên truyền đối ngoại về chủ trương, chính sách, pháp luật Việt Nam về bình đẳng giới, kiên quyết đấu tranh với những thông tin sai lệch, thù địch về bình đẳng giới tại Việt Nam và các chính sách của Đảng và Nhà nước.

- Cơ quan chủ trì: Sở Ngoại vụ, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Thông tin và Truyền thông.

- Cơ quan phối hợp: Các sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố và Ủy ban nhân dân các quận, huyện.

- Thời gian thực hiện: Hàng năm

7. Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới. Sơ kết, tổng kết kế hoạch và nhân rộng các mô hình truyền thông về bình đẳng giới có hiệu quả.

a) Hoạt động 1: Phối hợp triển khai các cuộc khảo sát, điều tra quốc gia về nhận thức bình đẳng giới vào giữa và cuối giai đoạn.

- Cơ quan chủ trì: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Cơ quan phối hợp: Các sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố và Ủy ban nhân dân các quận, huyện.

- Thời gian thực hiện: Năm 2025, 2030

b) Hoạt động 2: Tổ chức kiểm tra, giám sát công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới, nhân rộng các mô hình truyền thông về bình đẳng giới có hiệu quả.

- Cơ quan chủ trì: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Cơ quan phối hợp: Các sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố và Ủy ban nhân dân các quận, huyện.

- Thời gian thực hiện: Hàng năm

c) Hoạt động 3: Tổ chức sơ kết, đánh giá giữa kỳ việc thực hiện Kế hoạch giai đoạn 2022-2025 vào năm 2025; điều chỉnh bổ sung kế hoạch giai đoạn 2026 - 2030 (nếu cần thiết). Tổng kết việc thực hiện kế hoạch vào năm 2030; khen thưởng, động viên kịp thời các tập thể, cá nhân thành tích xuất sắc, có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong quá trình triển khai Chương trình

- Cơ quan chủ trì: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Cơ quan phối hợp: Các sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố và Ủy ban nhân dân các quận, huyện.

- Thời gian thực hiện: Năm 2025, 2030

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN:

Ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán chi thường xuyên hằng năm của các sở, ngành, đoàn thể và các địa phương; các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án, đề án liên quan khác theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật và huy động, cộng đồng, các nguồn hợp pháp khác.

Các sở, ngành, đoàn thể thành phố, các địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn có trách nhiệm chỉ đạo, lập dự toán ngân sách hằng năm để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch.

V. THU THẬP SỐ LIỆU VÀ BÁO CÁO:

Hằng năm, các Sở, ngành, đoàn thể thành phố và các quận, huyện thông tin, báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch gửi về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trước ngày 10/12 để tổng hợp, báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Ủy ban nhân dân thành phố theo quy định.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở, ngành, đoàn thể thành phố và Ủy ban nhân dân các các quận, huyện tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch trên địa bàn thành phố; đồng thời phối hợp triển khai các hoạt động được phân công tại Kế hoạch. Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, tổng hợp tình hình thực hiện Kế hoạch và định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định.

2. Sở Tài chính chủ trì, căn cứ khả năng ngân sách Nhà nước hàng năm, bảo đảm nguồn chi ngân sách để thực hiện công tác truyền thông về bình đẳng giới trên địa bàn thành phố. Hướng dẫn các ngành, các cấp lập dự toán kinh phí hàng năm tại các cơ quan, ban, ngành, địa phương.

3. Các Sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ và nội dung được giao triển khai các hoạt động đề ra trong Kế hoạch; nghiên cứu, xem xét đưa nội dung thực hiện các nhiệm vụ được giao tại kế hoạch vào tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, phòng, ban, đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu được giao chủ trì, tham mưu triển khai. Đẩy mạnh công tác phối hợp trong việc triển khai hoạt động truyền thông về bình đẳng giới; kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Kế hoạch tại cơ quan mình.

4. Đề nghị Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố, Liên đoàn Lao động thành phố, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thành phố, Hội Nông dân thành phố và các tổ chức liên quan khác, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, phối hợp tổ chức triển khai Kế hoạch.

5. Ủy ban nhân dân các quận, huyện xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch tại địa phương; bố trí kinh phí để đảm bảo thực hiện các hoạt động; thực hiện chế độ báo cáo theo quy định. Nghiên cứu, xem xét đưa nội dung thực hiện các nhiệm vụ được giao tại kế hoạch của địa phương vào tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, phòng, ban, đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu.

Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu phát sinh các khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị phản ánh kịp thời về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, đề xuất, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- Bộ LĐTBXH;
- CT, các PCT UBND TP;
- Vụ Bình đẳng giới - Bộ LĐTBXH;
- Ban VHXHHĐND TP, Ban TG TU;
- Các Sở/ngành, Đoàn thể TP liên quan;
- UBND các quận, huyện;
- Đài PTTH HP, Báo HP, Cổng TTĐT TP, Chuyên đề ANHP;
- CVP, PCVP Trần Huy Kiên;
- CV: LĐ;
- Lưu: VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Khắc Nam

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 59/KH-UBND năm 2022 thực hiện Chương trình truyền thông về Bình đẳng giới trên địa bàn thành phố Hải Phòng đến năm 2030

  • Số hiệu: 59/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 14/03/2022
  • Nơi ban hành: Thành phố Hải Phòng
  • Người ký: Lê Khắc Nam
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 14/03/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản