Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 103/KH-UBND

Ninh Bình, ngày 20 tháng 12 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

THU GOM, VẬN CHUYỂN VÀ XỬ LÝ CHẤT THẢI Y TẾ NGUY HẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH

Thực hiện Luật Bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014; Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu; Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất thải nguy hại; Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất thải y tế, UBND tỉnh Ninh Bình ban hành Kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh Ninh Bình như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Thực hiện đúng các quy định của pháp luật về quản lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh.

- Chất thải y tế nguy hại phát sinh từ các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh được thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý theo đúng quy định bằng các công trình xử lý môi trường tại các cơ sở y tế đã được đầu tư ở mức tối đa có thể.

- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các chủ cơ sở y tế trong công tác thu gom, phân loại, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại.

- Nâng cao hiệu quả quản lý chất thải y tế nguy hại, cải thiện chất lượng môi trường, đảm bảo sức khỏe cộng đồng và góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh.

2. Yêu cầu

- Đảm bảo đúng theo các quy định của pháp luật về quản lý chất thải y tế nguy hại và phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh.

- Chất thải y tế nguy hại phải được thu gom, phân loại riêng theo quy định về quản lý chất thải y tế và phân loại riêng với chất thải y tế thông thường ngay tại nguồn phát sinh và tại thời điểm phát sinh.

- Các phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải tế nguy hại; công trình xử lý chất thải tế nguy hại phải đáp ứng yêu cầu theo quy định.

- Các cơ sở y tế phải bố trí nguồn lực nhằm đảm bảo thực hiện tốt công tác quản lý, xử lý chất thải tế nguy hại của cơ sở.

II. TỔNG QUAN VỀ CÁC CƠ SỞ Y TẾ, CHẤT THẢI Y TẾ VÀ CÔNG TÁC QUẢN LÝ, XỬ LÝ CHẤT THẢI Y TẾ NGUY HẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

1. Tổng quan về các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có 427 cơ sở y tế, trong đó: có 182 cơ sở Y tế công lập trực thuộc Sở Y tế (07 bệnh viện tuyến tỉnh; 09 Trung tâm y tế tuyến tỉnh; 02 bệnh viện tuyến huyện; 08 Trung tâm Y tế tuyến huyện, thành phố; 11 Phòng khám đa khoa khu vực trực thuộc Bệnh viện và Trung tâm Y tế huyện; 145 Trạm Y tế xã, phường, thị trấn); 245 cơ sở y tế khác, gồm: Bệnh viện Quân y 5; Bệnh viện Công an tỉnh; Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng thuộc Sở Lao động - Thương binh & Xã hội; Bệnh xá Tỉnh đội; Trạm xá 145 - Quân đoàn I; 240 cơ sở hành nghề y tư nhân.

2. Khối lượng và loại chất thải y tế nguy hại phát sinh trên địa bàn tỉnh

2.1. Khối lượng chất thải y tế nguy hại phát sinh tại các cơ sở y tế trên địa bàn tnh

Tổng lượng chất thải y tế nguy hại phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 156.588kg/năm, trong đó lượng chất thải phát sinh chủ yếu từ các bệnh viện, cụ thể:

Bảng 1. Lượng chất thải y tế nguy hại phát sinh của các cơ sở khám chữa bệnh

TT

Tên đơn vị

Số lượng/năm (kg)

1

Bệnh viện đa khoa tỉnh

60.225

2

Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Ninh Bình

20.075

3

Bệnh viện Tâm Thần

475

4

Bệnh viện Phổi

1.460

5

Bệnh viện Y học cổ truyền

1.692

6

Bệnh viện Mắt

967

7

Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng

720

8

Trung tâm Y tế huyện Hoa Lư

1.800

9

Trung tâm Y tế thành phố Tam Điệp

6.480

10

Trung tâm Y tế huyện Gia Viễn

3.000

11

Bệnh viện đa khoa huyện Nho Quan

10.950

12

Trung tâm Y tế huyện Yên Khánh

1.800

13

Trung tâm Y tế huyện Yên Mô

3.730

14

Bệnh viện đa khoa huyện Kim Sơn

7.829

15

Trung tâm Y tế thành phố Ninh Bình

1.560

16

Trung tâm Y tế huyện Kim Sơn

3,65

17

Trung tâm Y tế huyện Nho Quan

3,65

18

Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh

900

19

Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS

600

20

Trung tâm Da liễu

75

21

Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản

120

22

Bệnh viện 5 - Quân khu III

9.125

23

Bệnh viện Công an tỉnh

1.460

24

Bệnh viện Chỉnh hình

1.825

25

Bệnh xá Tỉnh đội

11

26

11 phòng khám đa khoa khu vực

1.277

27

145 Trạm Y tế xã, phường, thị trấn

10.767

28

240 cơ sở y tế tư nhân

7.665

 

Tổng cộng

156.588

2.2. Loại chất thải y tế nguy hại phát sinh tại các cơ sở y tế

Chất thải y tế nguy hại là chất thải y tế chứa yếu tố lây nhiễm hoặc có đặc tính nguy hại khác vượt ngưỡng chất thải nguy hại, bao gồm chất thải lây nhiễm và chất thải nguy hại không lây nhiễm.

- Chất thải lây nhiễm gồm:

+ Chất thải lây nhiễm sắc nhọn là chất thải lây nhiễm có thể gây ra các vết cắt hoặc xuyên thủng bao gồm: kim tiêm; bơm liền kim tiêm; đầu sắc nhọn của dây truyền; kim chọc dò; kim châm cứu; lưỡi dao mổ; đinh, cưa dùng trong phẫu thuật và các vật sắc nhọn khác. Chất thải lây nhiễm sắc nhọn chiếm khoảng 13% tổng lượng chất thải y tế nguy hại phát sinh, tương đương 20.356 kg/năm;

+ Chất thải lây nhiễm không sắc nhọn bao gồm: Chất thải thấm, dính, chứa máu hoặc dịch sinh học của cơ thể; các chất thải phát sinh từ buồng bệnh cách ly. Chất thải lây nhiễm không sắc nhọn chiếm khoảng 80% tổng lượng chất thải y tế nguy hại phát sinh, tương đương 127.272 kg/năm;

+ Chất thải giải phẫu bao gồm: Mô, bộ phận cơ thể người thải bỏ và xác động vật thí nghiệm. Chất thải giải phẫu chiếm khoảng 4% tổng lượng chất thải y tế nguy hại phát sinh, tương đương 6.263 kg/năm.

- Chất thải nguy hại không lây nhiễm gồm: Hóa chất thải bỏ bao gồm hoặc có các thành phần nguy hại; Dược phẩm thải bỏ thuộc nhóm gây độc tế bào hoặc có cảnh báo nguy hại từ nhà sản xuất; Thiết bị y tế bị vỡ, hỏng, đã qua sử dụng thải bỏ có chứa thủy ngân và các kim loại nặng; Chất hàn răng amalgam thải bỏ. Chất thải nguy hại không lây nhiễm chiếm khoảng 2% tổng lượng chất thải y tế nguy hại phát sinh, tương đương 3.132 kg/năm.

- Chất thải nguy hại khác theo quy định tại Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải nguy hại. Chất thải nguy hại này chiếm khoảng 1% tổng lượng chất thải y tế nguy hại phát sinh, tương đương 1.565 kg/năm.

3. Hiện trạng công tác quản lý và năng lực xử lý chất thải tế nguy hại tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh

3.1. Công tác phân loại, thu gom

Chất thải y tế nguy hại tại các cơ sở y tế được phân loại ngay tại nơi phát sinh và đựng trong các túi nilon có màu sắc khác nhau để phân biệt, sau đó lưu giữ vào kho hoặc khu vực tập trung theo quy định. Tuy nhiên, còn một số cơ sở chưa bố trí hoặc bố trí khu vực lưu giữ chất thải y tế nguy hại chưa đáp ứng theo quy định.

3.2. Năng lực xử lý

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 10 cơ sở y tế được đầu tư hệ thống xử lý chất thải y tế nguy hại, cụ thể như sau:

Bảng 2: Thực trạng hệ thống xử lý chất thải y tế nguy hại tại các đơn vị

TT

Tên đơn vị

Hiện trạng hệ thống xử lý chất thải y tế

Dạng công nghệ

Tình trạng hoạt động

Công suất hoạt động

1

Bệnh viện đa khoa tỉnh

Đốt

Tốt

25kg/lần đốt

Hấp ướt

Đang dừng vận hành

30kg/lần

2

Bệnh viện Sản Nhi tỉnh

Đốt

Hỏng

25kg/lần đốt (tại cơ sở cũ)

Hấp ướt

Tốt

35-70kg/lần (tại cơ sở mới)

3

Bệnh viện đa khoa huyện Nho Quan

Đốt

Hỏng

20kg/lần đốt

4

Trung tâm Y tế huyện Gia Viễn

Đốt

Xuống cấp

20kg/lần đốt

5

Trung tâm Y tế huyện Hoa Lư

Đốt

Xuống cấp

20kg/lần đốt

6

Trung tâm y tế huyện Yên Khánh

Đốt

Hỏng

20kg/lần đốt

7

Trung tâm Y tế huyện Yên Mô

Đốt

Hỏng

20kg/lần đốt

8

Bệnh viện đa khoa huyện Kim Sơn

Đốt

Xuống cấp

20kg/lần đốt

9

Trung tâm Y tế thành phố Tam Điệp

Đốt

Xuống cấp

20kg/lần đốt

10

Bệnh viện 5 - Quân khu III

Đốt

Xuống cấp

50kg/lần đốt

- Bệnh viện đa khoa tỉnh: Chất thải y tế nguy hại phát sinh một phần được xử lý tại lò đốt chất thải y tế của bệnh viện, một phần được bệnh viện ký hợp đồng với đơn vị có chức năng để xử lý. Đồng thời, năm 2010 Bệnh viện được tiếp nhận một hệ thống xử lý chất thải rắn nguy hại bằng công nghệ hấp ướt theo Dự án “Trình diễn và thúc đẩy những kỹ thuật và phương thức tốt nhất giảm chất thải y tế nhằm tránh phát thải những chất có chứa thủy ngân hay dioxin ra môi trường” do Quỹ môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ không hoàn lại thông qua chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) của Tổng Cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tuy nhiên, hệ thống này đang bị hỏng.

- Bệnh viện Sản Nhi tỉnh: Lượng chất thải y tế lây nhiễm không sắc nhọn được xử lý tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh (cơ sở mới) bằng công nghệ hấp ướt; chất thải sắc nhọn và chất thải nguy hại không lây nhiễm được bệnh viện ký hợp đồng với đơn vị có chức năng để vận chuyển, xử lý theo quy định.

- Các Bệnh viện và trung tâm y tế tuyến tỉnh, tuyến huyện còn lại: chất thải y tế nguy hại được các đơn vị thu gom, lưu giữ và ký hợp đồng với đơn vị có chức năng để vận chuyển, xử lý.

- Các trạm Y tế, phòng khám đa khoa khu vực: chất thải y tế nguy hại được các đơn vị thu gom, xử lý theo phương pháp đốt thủ công.

III. KẾ HOẠCH THU GOM, VẬN CHUYỂN VÀ XỬ LÝ CHẤT THẢI Y TẾ NGUY HẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

1. Kế hoạch xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh

1.1. Đối với các cơ sở xử lý chất thải y tế nguy hại theo cụm

- Chất thải y tế nguy hại trong một cụm được thu gom và xử lý chung tại hệ thống, thiết bị xử lý đáp ứng yêu cầu quy định của một cơ sở trong cụm. Các cơ sở y tế không có hệ thống, thiết bị xử lý chất thải y tế nguy hại theo quy định sẽ được áp dụng mô hình xử lý chất thải y tế nguy hại theo cụm cơ sở y tế.

- Thiết bị xử lý chất thải y tế nguy hại của cơ sở phải đáp ứng quy chuẩn về bảo vệ môi trường và vận hành thường xuyên, bảo trì, bảo dưỡng định kỳ và ghi đầy đủ thông tin vào Sổ nhật ký vận hành theo quy định về xử lý chất thải y tế nguy hại.

- Trường hợp chất thải y tế nguy hại trong cụm phát sinh vượt quá khả năng xử lý của cơ sở được chỉ định xử lý thì cơ sở này phải ký hợp đồng với tổ chức, cá nhân có giấy phép phù hợp theo quy định để xử lý, đảm bảo không để tồn đọng chất thải y tế trên tại cơ sở.

Các cơ sở y tế phát sinh chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh Ninh Bình được phân thành 03 cụm theo địa giới hành chính để xử lý như sau:

* Cụm 1: Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Ninh Bình (cơ sở mới): Thực hiện xử lý chất thải y tế nguy hại phát sinh tại đơn vị và xử lý chất thải y tế nguy hại cho các cơ sở y tế công lập và tư nhân trên địa bàn thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư (trừ Bệnh viện đa khoa tỉnh và Bệnh viện 5 - Quân khu III).

* Cụm 2: Bệnh viện đa khoa huyện Nho Quan: Thực hiện xử lý chất thải y tế nguy hại phát sinh tại đơn vị và xử lý chất thải y tế nguy hại cho các cơ sở Y tế công lập và tư nhân trên địa bàn các huyện: Nho Quan, Gia Viễn và thành phố Tam Điệp.

* Cụm 3: Bệnh viện đa khoa huyện Kim Sơn: Thực hiện xử lý chất thải y tế nguy hại phát sinh tại đơn vị và xử lý chất thải y tế nguy hại cho các cơ sở Y tế công lập và tư nhân trên địa bàn các huyện: Kim Sơn, Yên Khánh, Yên Mô.

1.2. Đối với các cơ sở xử lý chất thải y tế nguy hại tại chỗ

Đối với các cơ sở y tế không thuộc danh mục các cơ sở y tế xử lý theo mô hình cụm và đã được đầu tư công trình xử lý chất thải y tế nguy hại đảm bảo theo quy định thì tự xử lý chất thải y tế nguy hại phát sinh từ hoạt động của đơn vị, như: Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện 5 - Quân khu III. Trường hợp chất thải y tế nguy hại phát sinh vượt quá khả năng xử lý của cơ sở thì phải ký hợp đồng với cơ sở xử lý chất thải y tế nguy hại của các cụm trong tỉnh hoặc cơ sở xử lý chất thải nguy hại tập trung có Giấy phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép, trong đó có chức năng thu gom chất thải y tế nguy hại để xử lý.

2. Yêu cầu cụ thể về thu gom, vận chuyển, lưu giữ chất thải y tế nguy hại.

2.1. Phân loại, thu gom

Các cơ sở y tế có trách nhiệm thu gom, phân loại, lưu giữ chất thải y tế nguy hại theo đúng quy định tại Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT, trong đó lưu ý:

- Đối với chất thải y tế nguy hại: phải phân loại riêng chất thải y tế nguy hại và chất thải y tế thông thường ngay tại nơi phát sinh và tại thời điểm phát sinh;

- Tần suất thu gom chất thải lây nhiễm từ nơi phát sinh về khu lưu giữ chất thải trong khuôn viên cơ sở y tế ít nhất là 01 (một) lần/ngày. Riêng đối với các cơ sở y tế có lượng chất thải lây nhiễm phát sinh dưới 05 kg/ngày, tần suất thu gom chất thải lây nhiễm sắc nhọn từ nơi phát sinh về khu lưu giữ tạm thời hoặc đưa đi xử lý, tiêu hủy tối thiểu là 01 (một) lần/tháng.

2.2. Lưu giữ

- Yêu cầu đối với khu vực lưu giữ chất thải y tế nguy hại: Các cơ sở y tế thực hiện xử lý chất thải y tế nguy hại phải có khu vực lưu giữ chất thải y tế nguy hại đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật theo quy định tại Phụ lục 01 ban hành kèm theo Kế hoạch này;

- Chất thải y tế nguy hại và chất thải y tế thông thường phải lưu giữ riêng biệt tại khu vực lưu giữ chất thải trong khuôn viên cơ sở y tế;

- Chất thải lây nhiễm và chất thải nguy hại không lây nhiễm phải lưu giữ riêng, trừ trường hợp các loại chất thải này áp dụng cùng một phương pháp xử lý

- Thời gian lưu giữ chất thải y tế lây nhiễm:

+ Đối với chất thải y tế lây nhiễm phát sinh tại cơ sở y tế, thời gian lưu giữ chất thải lây nhiễm tại cơ sở y tế không quá 02 ngày trong điều kiện bình thường. Trường hợp lưu giữ chất thải lây nhiễm trong thiết bị bảo quản lạnh dưới 8°C, thời gian lưu giữ tối đa là 07 ngày. Đối với cơ sở y tế có lượng chất thải lây nhiễm phát sinh dưới 05 kg/ngày, thời gian lưu giữ không quá 03 ngày trong điều kiện bình thường và phải được lưu giữ trong các bao bì được buộc kín hoặc thiết bị lưu chứa được đậy nắp kín;

+ Đối với chất thải y tế lây nhiễm được vận chuyển từ cơ sở y tế khác về để xử lý theo mô hình cụm, phải ưu tiên xử lý trong ngày. Trường hợp chưa xử lý ngay trong ngày, phải lưu giữ ở nhiệt độ dưới 20°C và thời gian lưu giữ tối đa không quá 02 ngày.

- Yêu cầu về dụng cụ, thiết bị lưu chứa chất thải y tế nguy hại:

+ Có thành cứng, không bị bục vỡ, rò rỉ dịch thải trong quá trình lưu giữ chất thải và phải có nắp đậy kín và chống được sự xâm nhập của các loài động vật;

+ Có biểu tượng, nhãn mác loại chất thải lưu giữ theo quy định tại Phụ lục 02 ban hành kèm theo Kế hoạch này;

+ Dụng cụ, thiết bị lưu chứa hóa chất thải phải được làm bằng vật liệu không có phản ứng với chất thải lưu chứa và có khả năng chống được sự ăn mòn nếu lưu chứa chất thải có tính ăn mòn. Trường hợp lưu chứa hóa chất thải - ở dạng lỏng phải có nắp đậy chống bay hơi và tràn đổ chất thải.

2.3. Phương thức vận chuyển

Phương thức vận chuyển chất thải y tế nguy hại theo lộ trình tối ưu về tuyến đường, thời gian, bảo đảm an toàn giao thông và phòng ngừa, ứng phó sự cố, có sổ ghi chép giữa bên giao, bên nhận.

a. Đối với các cơ sở xử lý chất thải y tế nguy hại tại chỗ: Thực hiện vận chuyển chất thải y tế nguy hại từ các khu vực phát sinh về khu vực lưu giữ chất thải y tế của đơn vị để xử lý đảm bảo đúng quy trình.

b. Đối với các cơ sở xử lý chất thải y tế nguy hại theo cụm: Việc vận chuyển chất thải y tế nguy hại từ các cơ sở y tế trong cụm đến cơ sở được chỉ định xử lý cho cụm phải thực hiện bằng các hình thức sau:

- Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Ninh Bình, Bệnh viện đa khoa huyện Nho Quan và Bệnh viện đa khoa huyện Kim Sơn sử dụng xe ô tô chuyên dụng tổ chức đi thu gom, vận chuyển chất thải y tế nguy hại tại các cơ sở y tế theo mô hình cụm.

- Trường hợp cơ sở y tế trong cụm thuê đơn vị bên ngoài phải có giấy phép xử lý chất thải nguy hại hoặc giấy phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại để thực hiện vận chuyển chất thải y tế nguy hại của cơ sở mình đến cơ sở xử lý cho cụm. Đối với chủ xử lý chất thải nguy hại, chủ hành nghề quản lý chất thải nguy hại tham gia vận chuyển chất thải y tế nguy hại trong cụm nhưng nằm ngoài phạm vi của giấy phép do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, phải báo cáo cơ quan cấp giấy phép theo quy định tại Khoản 5 Điều 23 Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT trước khi thực hiện.

c. Trong quá trình vận chuyển chất thải y tế nguy hại từ cơ sở y tế đến cơ sở xử lý chất thải y tế của cụm, khi xảy ra tràn đổ, cháy, nổ chất thải y tế hoặc các sự cố khác phải thực hiện ngay các biện pháp ứng phó, khắc phục sự cố môi trường theo quy định của pháp luật.

2.4. Tần suất vận chuyển chất thải y tế nguy hại tới cụm xử lý

Các cơ sở y tế trong cụm vận chuyển chất thải y tế nguy hại tới cơ sở y tế xử lý của cụm với tần suất phải đảm bảo về thời gian lưu giữ theo quy định.

3. Tổng hợp Kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh:

TT

Nội dung

Địa điểm thực hiện

Công suất xử lý CTYTNH (kg/h)

Phạm vi thực hiện

Đơn vị thu gom, vận chuyển

I

Các cụm xử lý chất thải y tế bằng công nghệ hấp ướt

1

Cụm 1: Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Ninh Bình

Phường Nam Thành, thành phố Ninh Bình

35-70kg/mẻ

Thực hiện xử lý chất thải y tế nguy hại phát sinh tại đơn vị và xử lý chất thải y tế nguy hại cho các cơ sở Y tế trên địa bàn thành phố Ninh Bình, huyện Hoa Lư trừ Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện 5.

- Đơn vị thu gom: Các cơ sở phát sinh chất thải y tế nguy hại tự thu gom, lưu giữ tạm thời tại khu vực chờ vận chuyển, xử lý.

- Đơn vị vận chuyển: Bệnh viện Sản Nhi tỉnh sử dụng xe ô tô (được cấp xe ô tô vận chuyển chất thải y tế nguy hại của Dự án hỗ trợ xử lý chất thải bệnh viện) tổ chức đi thu gom, vận chuyển đảm bảo theo quy định về để xử lý theo cụm.

2

Cụm 2: Bệnh viện đa khoa huyện Nho Quan

Huyện Nho Quan

35-70kg/mẻ

Thực hiện xử lý chất thải y tế nguy hại phát sinh tại đơn vị và xử lý chất thải y tế nguy hại cho các cơ sở y tế thuộc huyện Gia Viễn, Nho Quan, Tam Điệp.

- Đơn vị thu gom: Các cơ sở phát sinh chất thải y tế nguy hại tự thu gom, lưu giữ tạm thời tại khu vực chờ vận chuyển, xử lý.

- Đơn vị vận chuyển: Bệnh viện đa khoa huyện Nho Quan sử dụng xe ô tô (được cấp xe ô tô vận chuyển chất thải y tế nguy hại của Dự án hỗ trợ xử lý chất thải bệnh viện) tổ chức đi thu gom, vận chuyển đảm bảo theo quy định về để xử lý theo cụm.

3

Cụm 3: Bệnh viện Đa khoa huyện Kim Sơn

Huyện Kim Sơn

35-70kg/mẻ

Thực hiện xử lý chất thải y tế nguy hại phát sinh tại đơn vị và xử lý chất thải y tế nguy hại cho các cơ sở Y tế thuộc huyện Kim Sơn, Yên Khánh và Yên Mô

- Đơn vị thu gom: Các cơ sở phát sinh chất thải y tế nguy hại tự thu gom, lưu giữ tạm thời tại khu vực chờ vận chuyển, xử lý.

- Đơn vị vận chuyển: Bệnh viện đã khoa huyện Kim Sơn sử dụng xe ô tô (được cấp xe ô tô vận chuyển chất thải y tế nguy hại của Dự án hỗ trợ xử lý chất thải bệnh viện) tổ chức đi thu gom, vận chuyển đảm bảo theo quy định về để xử lý theo cụm.

II

Đơn vị tự xử

1

Bệnh viện Đa khoa tỉnh

Phường Nam Thành, thành phố Ninh Bình

- Đốt 25kg/lần.

- Hấp ướt: 30kg/lần

Tại cơ sở

Bệnh viện đa khoa tỉnh

2

Bệnh viện Quân y 5

Phường Phúc Thành, thành phố Ninh Bình

Đốt: 50kg/lần

Tại cơ sở

Bệnh viện Quân y 5

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế nguy hại của chủ nguồn thải (bao gồm cả công lập và tư nhân) do chủ nguồn thải trả trực tiếp cho đơn vị vận chuyển, xử lý theo giá thỏa thuận giữa 02 bên và theo quy định của Pháp luật hiện hành.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan có liên quan chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh nghiêm túc triển khai thực hiện Kế hoạch.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức tập huấn, hướng dẫn các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh thực hiện việc thu gom, phân loại, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải y tế nguy hại theo đúng quy định tại Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT hướng dẫn chi tiết việc sử dụng các phương tiện vận chuyển thích hợp để tự vận chuyển chất thải y tế nguy hại từ cơ sở phát sinh đến cơ sở xử lý cho cụm và các nội dung khác trong Kế hoạch;

- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường, việc thực hiện các quy định về quản lý chất thải y tế đặc biệt là chất thải y tế nguy hại theo quy định tại Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT và Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT;

- Kịp thời thông tin, đề xuất và phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc xây dựng, điều chỉnh Kế hoạch theo đúng quy định hiện hành trong trường hợp nội dung kế hoạch không phù hợp với điều kiện thực tế hoặc không phù hợp với những nội dung điều chỉnh của các văn bản pháp luật;

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan có liên quan hướng dẫn xây dựng đơn giá xử lý chất thải y tế nguy hại đối với các cơ sở y tế xử lý theo mô hình cụm;

- Hằng năm đề xuất, báo cáo UBND tỉnh xem xét, bố trí kinh phí duy tu, bảo dưỡng và vận hành các công trình xử lý chất thải y tế nguy hại cho các cụm xử lý; kinh phí quan trắc chất lượng môi trường định kỳ theo quy định để đánh giá mức độ ảnh hưởng của các công trình xử lý chất thải y tế nguy hại đến môi trường;

- Tổng hợp, báo cáo kết quả công tác quản lý chất thải y tế trên địa bàn theo mẫu quy định tại Phụ lục số 06 (B) ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT và gửi về Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế, Sở Tài nguyên và môi trường trước ngày 31 tháng 3 của năm tiếp theo.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan có liên quan chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh nghiêm túc triển khai thực hiện.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế tiến hành thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường, việc thực hiện các quy định về quản lý chất thải y tế đặc biệt là chất thải y tế nguy hại theo quy định tại Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT và Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT.

- Phối hợp với Sở Y tế tổ chức đào tạo, truyền thông, phổ biến pháp luật về quản lý chất thải y tế cho các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.

- Tổng hợp, báo cáo định kỳ về kết quả quản lý chất thải nguy hại (bao gồm cả chất thải y tế) theo quy định tại Khoản 4, Điều 11 Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Tham mưu, đề xuất phương án cân đối, bố trí nguồn vốn đầu tư cho các công trình, dự án quản lý chất thải y tế được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại; kinh phí vận hành công trình xử lý chất thải y tế nguy hại và quan trắc chất lượng môi trường định kỳ để đánh giá mức độ ảnh hưởng của các công trình xử lý đến môi trường.

4. Sở Tài chính

- Tham mưu cho UBND tỉnh xem xét, bố trí kinh phí sự nghiệp môi trường, phân bổ cho Sở Y tế hỗ trợ các cơ sở y tế công lập trong công tác xử lý chất thải y tế nguy hại; kinh phí vận hành công trình xử lý chất thải y tế nguy hại và quan trắc chất lượng môi trường định kỳ để đánh giá mức độ ảnh hưởng của các công trình xử lý đến môi trường;

- Phối hợp với Sở Y tế hướng dẫn xây dựng đơn giá xử lý chất thải y tế nguy hại đối với các cơ sở y tế xử lý theo cụm.

5. Sở Xây dựng

Thẩm định thiết kế cơ sở và cấp phép xây dựng các công trình y tế phải đáp ứng yêu cầu về xử lý chất thải y tế.

6. Sở Khoa học và Công nghệ

Chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan thẩm định, lựa chọn về công nghệ, thiết bị xử lý chất thải y tế đáp ứng yêu cầu theo quy định.

7. Sở Thông tin và Truyền thông

Chỉ đạo các cơ quan Báo, Đài địa phương, Cổng thông tin điện tử tỉnh tổ chức tuyên truyền nội dung của Kế hoạch rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

8. Công an tỉnh

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm trong việc thu gom, phân loại, vận chuyển, xử lý chất thải y tế nguy hại của các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh, kịp thời thông tin cho Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Y tế để thực hiện tốt công tác quản lý về chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh.

9. Công ty cổ phần môi trường và dịch vụ đô thị thành phố Ninh Bình, Công ty cổ phần môi trường đô thị Tam Điệp và các Trung tâm vệ sinh môi trường các huyện

Thực hiện vận chuyển và xử lý những chất thải y tế lây nhiễm sau khi đã được xử lý đạt tiêu chuẩn theo quy định tại các cụm cơ sở Y tế trên địa bàn.

10. UBND các huyện, thành phố

- Phối hợp với Sở Y tế, Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác quản lý và xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn;

- Tổ chức truyền thông, phổ biến pháp luật về quản lý chất thải y tế cho các cơ sở y tế và các đối tượng liên quan trên địa bàn quản lý.

- Tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường, việc thực hiện các quy định về quản lý chất thải y tế của các cơ sở y tế trên địa bàn quản lý.

11. Trách nhiệm của người đứng đầu các cơ sở y tế và 3 cụm xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh

- Thực hiện quản lý chất thải y tế theo đúng quy định tại Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT và Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan;

- Phân công 01 Lãnh đạo phụ trách về công tác quản lý chất thải y tế và 01 khoa, phòng hoặc cán bộ chuyên trách về công tác quản lý chất thải y tế của cơ sở;

- Lập và ghi đầy đủ thông tin vào sổ giao nhận chất thải y tế nguy hại theo quy định tại Phụ lục 03 ban hành kèm theo Kế hoạch này, sử dụng sổ giao nhận chất thải y tế nguy hại thay thế cho chứng từ chất thải y tế nguy hại khi chuyển giao;

- Bố trí đủ kinh phí, nhân lực hoặc ký hợp đồng với đơn vị bên ngoài để thực hiện việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế;

- Thống nhất đơn giá xử lý chất thải y tế nguy hại trong cụm xử lý với cơ sở xử lý cho cụm theo hướng dẫn của Sở Y tế, Sở Tài chính;

- Tổ chức truyền thông, phổ biến pháp luật về quản lý chất thải y tế cho tất cả cán bộ, viên chức, hợp đồng và các đối tượng liên quan. Hằng năm, tổ chức đào tạo về quản lý chất thải y tế cho công chức, viên chức, người lao động của đơn vị và các đối tượng có liên quan;

- Báo cáo kết quả quản lý chất thải y tế của cơ sở theo mẫu quy định tại Phụ lục 04 ban hành kèm theo Kế hoạch này về Sở Y tế, Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 31 tháng 01 của năm tiếp theo;

- Đối với các cơ sở thực hiện xử lý chất thải y tế cho cụm phải bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật về phương tiện vận chuyển và thiết bị lưu chứa chất thải trên phương tiện vận chuyển theo quy định.

Trên đây là Kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện để công tác quản lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh đạt kết quả tốt, góp phần bảo vệ môi trường./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Bộ Y tế;
- Thường trực Tỉnh ủy
- Lãnh đạo UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành của tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Công ty CP môi trường và DV đô thị TP Ninh Bình;
- Công ty CP môi trường đô thị Tam Điệp; các Trung tâm vệ sinh môi trường các huyện;
- Lưu: VT, VP3, 2, 5, 6, 10;
kh 05

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Thạch

 

PHỤ LỤC 01

YÊU CẦU KỸ THUẬT KHU LƯU GIỮ CHẤT THẢI TẠI CƠ SỞ Y TẾ
(Kèm theo Kế hoạch số 103/KH-UBND ngày 20/12/2018 của UBND tỉnh Ninh Bình)

1. Có mái che cho khu vực lưu giữ; nền đảm bảo không bị ngập lụt, tránh được nước mưa chảy tràn từ bên ngoài vào, không bị chảy tràn chất lỏng ra bên ngoài khi có sự cố rò rỉ, đổ tràn.

2. Có phân chia các ô hoặc có dụng cụ, thiết bị lưu giữ riêng cho từng loại chất thải hoặc nhóm chất thải có cùng tính chất; từng ô, dụng cụ, thiết bị lưu chứa chất thải y tế nguy hại trong khu vực lưu giữ phải có biển dấu hiệu cảnh báo, phòng ngừa phù hợp với loại chất thải y tế nguy hại được lưu giữ theo Phụ lục số 02 của Kế hoạch này với kích thước phù hợp, dễ nhận biết;

3. Có vật liệu hấp thụ (như cát khô hoặc mùn cưa) và xẻng để sử dụng trong trường hợp rò rỉ, đổ tràn chất thải y tế nguy hại ở dạng lỏng.

4. Có thiết bị phòng cháy chữa cháy theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền về phòng cháy chữa cháy.

5. Dụng cụ, thiết bị lưu chứa chất thải phải thường xuyên vệ sinh sạch sẽ.

 

PHỤ LỤC SỐ 02

BIỂU TƯỢNG TRÊN BAO BÌ, DỤNG CỤ, THIẾT BỊ LƯU CHỨA CHẤT THẢI Y TẾ

 

Ghi chú: Trình bày, thiết kế và màu sắc của dấu hiệu cảnh báo chất thải y tế nguy hại áp dụng theo các quy định trong TCVN 5053 : 1990.

 

PHỤ LỤC 03

MẪU SỔ GIAO NHẬN CHẤT THẢI Y TẾ NGUY HẠI

I. Mẫu bìa Sổ giao nhận chất thải y tế nguy hại

TÊN CƠ QUAN CHỦ QUẢN

TÊN CƠ SỞ Y TẾ

 

SỔ GIAO NHẬN CHẤT THẢI Y TẾ NGUY HẠI

II. Nội dung ghi trong sổ giao nhận chất thải y tế nguy hại

Ngày tháng năm

Lượng chất thải bàn giao (Kg)

Người giao chất thải (Ký ghi rõ họ và tên)

Người nhận chất thải (Ký ghi rõ họ và tên)

Chất thải lây nhiễm

Chất thải nguy hại khác

Tổng số

Sắc nhọn

Không sắc nhọn

Giải phẫu

Chất thải A

Chất thải B

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

...

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Cộng tháng...

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ghi chú:

- Sổ bàn giao chất thải được Chủ nguồn thải/Đơn vị vận chuyển lập thành 02 Sổ, Chủ nguồn thải/Đơn vị vận chuyển giữ 01 Sổ và Cơ sở xử lý chất thải giữ 01 Sổ. Mỗi lần giao nhận chất thải giữa hai bên phải điền đầy đủ thông tin và ký nhận giữa hai bên vào 02 Sổ để theo dõi, đối chiếu và quản lư;

- Không được tẩy xóa, sửa chữa các thông tin trong Sổ.

 

PHỤ LỤC 04

MẪU BÁO CÁO KẾT QUẢ QUẢN LÝ CHẤT THẢI Y TẾ ĐỊNH KỲ CỦA CƠ SỞ Y TẾ

ĐƠN VỊ CHỦ QUẢN....
TÊN CƠ SỞ Y TẾ....
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ....../............

............, ngày ..... tháng ..... năm ......

 

BÁO CÁO KẾT QUẢ QUẢN LÝ CHẤT THẢI Y TẾ

(Kỳ báo cáo: từ ngày 01/01/20… đến ngày 31/12/20…)

Kính gửi:

- Sở Y tế;
- Sở Tài nguyên và Môi trường.

Phần 1. Thông tin chung

1.1. Tên cơ sở y tế (Chủ nguồn thải): ......................................................................................

Địa chỉ:..................................................................................................................................

Điện thoại: ............................................................ Fax: ........................................................

Mã số QLCTYTNH (Nếu không có thì thay bằng số Chứng minh nhân dân đối với cá nhân):

Tên người tổng hợp báo cáo: ................................................................................................  

Điện thoại: .........................................................; Email: .......................................................

1.2. Cơ sở phát sinh CTYTNH (trường hợp có nhiều hơn một thì trình bày từng cơ sở)

Tên cơ sở (nếu có): ...............................................................................................................

Địa chỉ:..................................................................................................................................

Điện thoại: ............................................................ Fax: ........................................................

1.3. Số giường bệnh kế hoạch (nếu có): ...................; Số giường bệnh thực kê:............

Phần 2. Tình hình chung về quản lý chất thải y tế tại cơ sở y tế trong kỳ báo cáo

2.1. Tình hình chung về quản lý chất thải y tế tại cơ sở y tế trong kỳ báo cáo:

2.2. Thống kê chất thải y tế phát sinh và được xử lý trong kỳ báo cáo:

(Trường hợp có nhiều hơn một cơ sở phát sinh chất thải y tế thì báo cáo lần lượt đối với từng cơ sở y tế)

TT

Loại chất thải y tế

Mã CTYTNH

Đơn vị tính

Số lượng chất thải phát sinh

Xử lý chất thải y tế

Chuyển giao cho đơn vị khác xử lý

Tự xử lý tại cơ sở y tế

Hình thức/ Phương pháp xử lý(*)

Số lượng

Tên và mã số QLCTYTNH

Số lượng

1

Chất thải lây nhiễm, gồm:

 

kg/năm

 

 

 

 

 

1.1

Chất thải lây nhiễm sắc nhọn

 

kg/năm

 

 

 

 

 

1.2

Chất thải lây nhiễm không sắc nhọn

 

kg/năm

 

 

 

 

 

1.3

Chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao

 

kg/năm

 

 

 

 

 

1.4

Chất thải giải phẫu

 

kg/năm

 

 

 

 

 

2

Chất thải nguy hại không lây nhiễm, gồm:

 

kg/năm

 

 

 

 

 

2.1

Hóa chất thải bỏ bao gồm hoặc có các thành phần nguy hại

 

kg/năm

 

 

 

 

 

2.2

Dược phẩm thải bỏ thuộc nhóm gây độc tế bào hoặc có cảnh báo nguy hại từ nhà sản xuất

 

kg/năm

 

 

 

 

 

2.3

Thiết bị y tế bị vỡ, hỏng, đã qua sử dụng thải bỏ có chứa thủy ngân và các kim loại nặng

 

kg/năm

 

 

 

 

 

2.4

Chất hàn răng amalgam thải bỏ

 

kg/năm

 

 

 

 

 

2.5

Chất thải nguy lại khác

 

kg/năm

 

 

 

 

 

3

Chất thải y tế thông thường

 

kg/năm

 

 

 

 

 

4

Nước thải y tế

 

m3/năm

 

 

 

 

 

Ghi chú: (*) Hình thức/phương pháp tự xử lý chất thải y tế tại cơ sở y tế:

- Chất thải y tế nguy hại và chất thải y tế thông thường: KĐ (hấp ướt, vi sóng), C (Chôn lấp), LĐ (lò đốt 2 buồng). TC (đốt 1 buồng hoặc đốt thủ công), K (phương pháp khác);

Trường hợp một loại chất thải có áp dụng đồng thời trong kỳ báo cáo cả việc thuê xử lý và tự xử lý thì cần ghi rõ hình thức và phương pháp xử lý cho từng trường hợp cụ thể.

- Nước thải y tế: HTXLNT (xử lý qua hệ thống xử lý nước thải), KT (Không xử lý bằng hệ thống xử lý nước thải, chỉ khử trùng nước thải trước khi xả ra môi trường), KXL (Không xử lý, thải thẳng ra môi trường).

2.3. Thống kê xử lý chất thải y tế trong năm theo mô hình cụm cơ sở y tế:

TT

Loại chất thải y tế

Lượng chất thải y tế nhận từ các cơ sở y tế trong cụm (kg/năm)

Phạm vi xử lý (ghi tên các cơ sở y tế trong cụm)

1

 

 

 

...

 

 

 

Phần 3. Kế hoạch quản lý chất thải y tế trong năm tiếp theo

Phần 4. Các vấn đề khác

Phần 5. Kết luận, kiến nghị

 


Nơi nhận:
- Như trên
....

THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ
(Ký, ghi họ tên, đóng dấu)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 103/KH-UBND năm 2018 về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

  • Số hiệu: 103/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 20/12/2018
  • Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Bình
  • Người ký: Nguyễn Ngọc Thạch
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 20/12/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản