ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 102/KH-UBND | Thừa Thiên Huế, ngày 27 tháng 06 năm 2016 |
KẾ HOẠCH
HỖ TRỢ LÀNG NGHỀ VÀ SẢN PHẨM LÀNG NGHỀ TỈNH THỪA THIÊN HUẾ NĂM 2016
Căn cứ Quyết định số 111/QĐ-UBND ngày 17 tháng 01 năm 2015 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển nghề truyền thống và làng nghề trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020, định hướng đến 2025;
Thực hiện Chương trình số 57/CTr-UBND ngày 22 tháng 4 năm 2016 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về Chương trình phát triển thị trường sản phẩm đặc sản Huế 2016 - 2020;
Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Kế hoạch hỗ trợ làng nghề và sản phẩm làng nghề tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2016 với các nội dung chủ yếu sau đây:
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống và làng nghề, các nghề và làng nghề có các sản phẩm đặc trưng Huế; từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng bền vững, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
2. Mục tiêu cụ thể
- Tiếp tục bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống và làng nghề; các nghề và làng nghề có sức lan tỏa; phát triển các làng nghề gắn với du lịch.
- Nâng cao năng lực cho các nghề truyền thống, làng nghề thông qua đẩy mạnh cơ giới hóa và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất; cải tiến, hoàn thiện và phát triển các mẫu mã mới phù hợp nhu cầu thị trường, đảm bảo tính nghệ thuật truyền thống và thương mại cao.
- Đầu tư, xây dựng, hoàn thiện mô hình phát triển làng nghề kết hợp du lịch cho Làng nghề mây tre đan Bao La.
- Xử lý cơ bản tình trạng ô nhiễm môi trường tại một số làng nghề, cơ sở sản xuất nghề.
- Có từ 20 - 30 hội, hiệp hội, cơ sở ngành nghề nông thôn và làng nghề tham dự các hoạt động xúc tiến thương mại và kết nối, cung cấp thông tin trên các bản tin, ấn phẩm liên quan đến nghề, làng nghề.
- Công nhận từ 15 - 20 nghề truyền thống, làng nghề và làng nghề truyền thống; trong đó định hướng mỗi làng gắn liền một sản phẩm chủ lực.
II. NHIỆM VỤ CHỦ YẾU
1. Mở rộng phát triển vùng nguyên liệu
Hỗ trợ mở rộng phát triển vùng nguyên liệu trồng cây tràm gió (khoảng 20 ha) tại huyện Phú Lộc để phục vụ sản xuất nghề chưng cất tinh dầu tràm cho làng nghề Lộc Thủy và các địa phương tại Phú Lộc...
2. Đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cải tiến phát triển mẫu mã sản phẩm
- Hỗ trợ việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật; cơ giới hóa một số công đoạn thủ công để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
- Hỗ trợ thiết kế, cải tiến mẫu mã, bao bì, nhãn mác hàng hóa phù hợp thị trường theo hướng đa dạng hóa sản phẩm; đảm bảo tính tiện ích, tiện dụng, tính nghệ thuật và thương mại cao.
Ưu tiên hỗ trợ cho các sản phẩm tại các nghề, làng nghề và làng nghề truyền thống đã được UBND tỉnh công nhận và các sản phẩm của Chương trình phát triển thị trường sản phẩm đặc sản Huế giai đoạn 2016 - 2020.
3. Phát triển làng nghề gắn với du lịch
Tập trung đầu tư phát triển du lịch cho các Làng nghề mây tre Bao La, Làng nghề Hoa giấy Thanh Tiên, Làng nghề nón, Làng nghề gốm cổ Phước Tích để có thể tổ chức phát triển khai thác, quảng bá trở thành điểm đến trong các tour du lịch của địa phương và tỉnh.
- Triển khai một số hạng mục đầu tư tại các làng nghề: Hoàn thiện khu trưng bày giới thiệu sản phẩm làng nghề; khu sản xuất tập trung; Tổ chức khôi phục, phát triển lễ hội, hoạt động sinh hoạt văn hóa truyền thống ở các làng nghề và cải tạo một số khu vực, hình thành khu vực không gian xanh trên cơ sở giữ gìn nét đặc sắc, đặc trưng của làng nghề.
- Tổ chức kết nối các tour, tuyến du lịch và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, đa dạng hóa các loại hình du lịch làng nghề gắn với tham quan các di tích lịch sử văn hóa, du lịch sinh thái trong địa phương và khu vực lân cận.
4. Xúc tiến thương mại cho làng nghề và sản phẩm làng nghề
Xây dựng quy trình giới thiệu sản phẩm làng nghề; trưng bày giới thiệu sản phẩm làng nghề phục vụ quà tặng lưu niệm; giới thiệu, cung cấp, đăng tải thông tin về làng nghề và sản phẩm làng nghề trên các phương tiện truyền thông, các website thương mại điện tử, các ấn phẩm sách báo về xúc tiến thương mại nông nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của Trung ương và các ấn phẩm xúc tiến thương mại của một số địa phương.
5. Tập huấn nâng cao năng lực
- Tập huấn, phổ biến kiến thức, nâng cao năng lực cho 100 - 120 đại biểu thuộc các hội, hiệp hội, cơ sở sản xuất tại các làng nghề về phát triển thương hiệu, phát triển chuỗi giá trị cho sản phẩm làng nghề, mô hình quản lý làng nghề thuộc 02 nhóm sản phẩm: Thủ công mỹ nghệ (mây tre, gốm, đúc đồng, nón lá, hoa giấy...) và Sản phẩm chế biến nông thủy sản, đặc sản ẩm thực, đặc trưng địa phương.
- Tập huấn về an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường cho 50 đến 70 cơ sở tại các làng nghề trên địa bàn huyện Phong Điền.
6. Nhiệm vụ khác
- Tổ chức Hội thi sản phẩm trái ngon thanh trà Huế quy mô cấp tỉnh.
- Tổ chức Hội thi sản phẩm thủ công Huế nhằm tôn vinh, khuyến khích khả năng sáng tác các mẫu mã mới và sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm hàng lưu niệm và quà tặng mang bản sắc văn hóa Huế nhằm phục vụ phát triển du lịch và xuất khẩu.
- Công nhận các nghề truyền thống, làng nghề và làng nghề truyền thống tỉnh Thừa Thiên Huế.
III. NGUỒN LỰC THỰC HIỆN
Tổng nguồn vốn dự kiến huy động để thực hiện Kế hoạch phát triển làng nghề và sản phẩm làng nghề năm 2016 là 5.400 triệu đồng, trong đó:
- Vốn ngân sách tỉnh: 2.600 triệu đồng.
- Vốn ngân sách huyện: 200 triệu đồng.
- Vốn huy động từ các doanh nghiệp, tổ chức, cơ sở: 2.600 triệu đồng.
(Chi tiết Phụ lục kèm theo)
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Các Sở, Ban ngành địa phương và UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ các chương trình, kế hoạch, hoạt động trong năm của từng đơn vị để lồng ghép hiệu quả các nội dung và nguồn lực thực hiện nhằm đảm bảo cho việc khôi phục, bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống, làng nghề và làng nghề truyền thống.
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Chủ trì phối hợp các Sở, Ban ngành, địa phương tổ chức triển khai đến các làng nghề, hội, hiệp hội và cơ sở ngành nghề nông thôn; tổng hợp, định kỳ 06 tháng báo cáo UBND tỉnh tình hình thực hiện và đột xuất khi cần thiết.
2. Sở Công Thương
Phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để triển khai các nội dung nhiệm vụ tại Kế hoạch này; chủ trì tổ chức chương trình phát triển thị trường sản phẩm Huế, chương trình khuyến công.
3. Sở Tài chính
Chủ trì phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư cân đối, tham mưu bố trí các nguồn kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ tại Kế hoạch.
4. Sở Khoa học và Công nghệ:
Chủ trì triển khai Kế hoạch phát triển thương hiệu, Dự án nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa. Tham mưu, đề xuất việc xây dựng, bảo hộ và quản lý các thương hiệu đặc sản, sản phẩm nghề và làng nghề truyền thống.
5. Sở Du lịch
Phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để triển khai các mô hình phát triển làng nghề gắn với hoạt động du lịch.
6. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội
Phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong quá trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
7. UBND các huyện, thị xã và thành phố
Phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch; chủ động bố trí thêm nguồn kinh phí của địa phương để tổ chức thực hiện Kế hoạch đạt hiệu quả.
Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu phát sinh các vấn đề mới cần giải quyết đề nghị các cơ quan liên quan gửi ý kiến, đề xuất về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét điều chỉnh để đảm bảo kế hoạch triển khai thực hiện hiệu quả./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
KẾ HOẠCH
HỖ TRỢ LÀNG NGHỀ VÀ SẢN PHẨM LÀNG NGHỀ TỈNH THỪA THIÊN HUẾ NĂM 2016
(Kèm theo Kế hoạch số 102/KH-UBND ngày 27 tháng 6 năm 2016 của UBND tỉnh)
ĐTV: triệu đồng
TT | Nội dung | Cơ quan chủ trì thực hiện | Tổng | Ngân sách tỉnh | Ngân sách huyện | Vốn huy động | Ghi chú |
I | Mở rộng phát triển vùng nguyên liệu sản xuất dầu tràm | UBND huyện Phú Lộc | 400 |
| 200 | 200 |
|
II | Ứng dụng KHKT; cải tiến hoàn thiện mẫu mã nâng cao chất lượng sản phẩm |
| 2.200 | 900 |
| 1.300 |
|
1 | Xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật và ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất cho các nghề, làng nghề | Sở Nông nghiệp và PTNT | 1.500 | 600 |
| 900 | Trên cơ sở đề xuất danh mục hỗ trợ của huyện và nhu cầu của các cơ sở, làng nghề, trình UBND tỉnh phê duyệt |
2 | Cải tiến, hoàn thiện bao bì nhãn mác bảo hộ thương hiệu đối với các sản phẩm làng nghề đã được chọn | Sở Nông nghiệp và PTNT | 700 | 300 |
| 400 | Trên cơ sở các sản phẩm được đưa vào Chương trình phát triển thị trường sản phẩm Huế |
III | Đầu tư hoàn thiện mô hình làng nghề truyền thống kết hợp du lịch | Các làng nghề | 2.000 | 1.000 |
| 1.000 | Làng Hoa giấy Thanh Tiên, Làng nón, Làng Gốm cổ Phước Tích, Làng nghề Bao La |
IV | Đầu tư hạ tầng làng nghề |
|
|
|
|
| Phê duyệt theo dự án cụ thể |
V | Xây dựng, nâng cấp hệ thống xử lý môi trường |
|
|
|
|
| Phê duyệt theo dự án cụ thể |
VI | Xúc tiến thương mại |
| 350 | 250 |
| 100 |
|
1 | Hội chợ Làng nghề Việt Nam (tổ chức khu vực gian hàng tham gia trưng bày quảng bá và hỗ trợ các đơn vị tham gia Hội chợ) | Sở Nông nghiệp và PTNT | 200 | 100 |
| 100 | Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức |
2 | Xây dựng quy trình giới thiệu sản phẩm làng nghề Thừa Thiên Huế |
| 50 | 50 |
|
|
|
3 | Hỗ trợ trưng bày giới thiệu sản phẩm làng nghề phục vụ quà tặng lưu niệm | Sở Nông nghiệp và PTNT | 100 | 100 |
| 0 | Xây dựng kịch bản và chọn đơn vị thi công |
VII | Tập huấn nâng cao năng lực |
| 50 | 50 | 0 | 0 |
|
1 | Tập huấn phổ biến kiến thức cho các cơ sở sản xuất làng nghề về xây dựng thương hiệu, phát triển chuỗi giá trị cho sản phẩm làng nghề | Sở Nông nghiệp và PTNT | 100 | 100 |
| 0 | Gắn mẫu Logo thương hiệu cho các sản phẩm làng nghề |
VIII | Chương trình khác |
| 400 | 400 |
| 0 |
|
1 | Tổ chức Hội thi sản phẩm trái ngon Thanh trà | Sở Nông nghiệp và PTNT | 100 | 100 |
| 0 |
|
2 | Tổ chức đặt hàng sản phẩm quà tặng lưu niệm thủ công mỹ nghệ Huế | Sở Nông nghiệp và PTNT | 200 | 200 |
| 0 | Tổ chức định kỳ vào các năm lẻ (kết hợp Festival nghề truyền thống Huế) |
3 | Công nhận nghề, làng nghề và làng nghề truyền thống | Sở Nông nghiệp và PTNT | 100 | 100 |
| 0 | Đã công nhận năm 2016 |
| TỔNG |
| 5.400 | 2.600 | 200 | 2.600 |
|
- 1Quyết định 44/2011/QĐ-UBND điều chỉnh tăng mức hỗ trợ làng nghề, khen thưởng nghệ nhân, thợ giỏi tại Quyết định 2891/2007/QĐ-UBND do Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên ban hành
- 2Quyết định 2154/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Xây dựng hạ tầng khu đấu giá quyền sử dụng đất phát triển làng nghề thôn Hạ, xã Liên Trung, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội
- 3Quyết định 2088/QĐ.UBND-CNTM năm 2016 về Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU do Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An ban hành về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng làng nghề giai đoạn 2011 - 2020
- 1Quyết định 44/2011/QĐ-UBND điều chỉnh tăng mức hỗ trợ làng nghề, khen thưởng nghệ nhân, thợ giỏi tại Quyết định 2891/2007/QĐ-UBND do Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên ban hành
- 2Quyết định 111/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Quy hoạch phát triển nghề truyền thống và làng nghề tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020, định hướng đến năm 2025
- 3Chương trình 57/CTr-UBND năm 2016 phát triển thị trường sản phẩm đặc sản Huế giai đoạn 2016-2020 do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
- 4Quyết định 2154/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Xây dựng hạ tầng khu đấu giá quyền sử dụng đất phát triển làng nghề thôn Hạ, xã Liên Trung, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội
- 5Quyết định 2088/QĐ.UBND-CNTM năm 2016 về Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU do Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An ban hành về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng làng nghề giai đoạn 2011 - 2020
Kế hoạch 102/KH-UBND hỗ trợ làng nghề và sản phẩm làng nghề tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2016
- Số hiệu: 102/KH-UBND
- Loại văn bản: Kế hoạch
- Ngày ban hành: 27/06/2016
- Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
- Người ký: Phan Ngọc Thọ
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 27/06/2016
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định