Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 101/KH-UBND

Quảng Ninh, ngày 09 tháng 4 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

THÚC ĐẨY ỨNG DỤNG QUẢN LÝ SỨC KHỎE CÂY TRỒNG TỔNG HỢP (IPHM) TRÊN CÂY TRỒNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH ĐẾN NĂM 2030

Căn cứ Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược phát triển Nông nghiệp và Nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050; các Quyết định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: số 1909/QĐ-BNN-KH ngày 27/5/2022 về việc ban hành chương trình hành động triển khai chiến lược phát triển Nông nghiệp và Nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến 2050; số 3444/QĐ-BNN-KH ngày 12/9/2022 về việc phê duyệt kế hoạch hành động thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; số 3592/QĐ-BNN-BVTV ngày 23/9/2022 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động thúc đẩy ứng dụng Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây trồng chủ lực Việt Nam giai đoạn 2022-2030; số 5416/QĐ-BNN-BVTV ngày 18/12/2023 về việc phê duyệt Đề án Phát triển quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) đến năm 2030. Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 1394/TTr-SNNPTNT ngày 18/3/2024; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch “Thúc đẩy ứng dụng Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây trồng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030”, với các nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ và người sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt về sức khỏe cây trồng, môi trường xanh, nông sản sạch, an toàn và hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu;

- Đề ra các nhiệm vụ và giải pháp cần ưu tiên thực hiện để thúc đẩy ứng dụng IPHM trên cây trồng chủ lực và có lợi thế tại tỉnh Quảng Ninh.

2. Yêu cầu

- Xác định các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, thống nhất phương án phối hợp và tổ chức thực hiện giữa các đơn vị có liên quan nhằm thúc đẩy ứng dụng IPHM góp phần thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ;

- Khai thác, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ thúc đẩy ứng dụng IPHM trên cây trồng chính, chủ lực và lợi thế của tỉnh đến năm 2030;

- Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giám sát, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện Kế hoạch, điều chỉnh những nội dung không phù hợp; nhân rộng các mô hình, cách làm hay, đồng thời làm tốt công tác thi đua khen thưởng đối với các điển hình trong thực hiện Kế hoạch.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Đẩy mạnh ứng dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) nhằm chủ động phòng chống sinh vật gây hại (SVGH) cây trồng, giảm chi phí đầu vào, giảm hóa chất độc hại, giảm phát thải khí nhà kính, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030

- Phấn đấu có trên 80% diện tích lúa, rau màu, cây ăn quả, cây cảnh và cây dược liệu áp dụng IPHM (ít nhất 50% diện tích lúa, cây dược liệu và 30% diện tích rau màu, cây ăn quả, cây hoa áp dụng đầy đủ các biện pháp IPHM); 60-70% diện tích ngô, cây công nghiệp được áp dụng IPHM (ít nhất 40-50% diện tích được áp dụng đầy đủ các biện pháp IPHM); thuốc bảo vệ thực vật hóa học và phân bón vô cơ giảm 20-30% về lượng và tăng hiệu quả kinh tế 15-20% so với sản xuất nông nghiệp;

- Trên 80% số xã, phường, thị trấn (gọi chung là xã) sản xuất trồng trọt có đội ngũ nông dân nòng cốt (ít nhất 05 nông dân IPHM nòng cốt/01 xã) có hiểu biết, kỹ năng và ứng dụng hiệu quả IPHM, có khả năng hướng dẫn nông dân khác ứng dụng IPHM, đánh giá hiệu quả và phổ biến kết quả cho cộng đồng;

- Có ít nhất 02 giảng viên IPHM Quốc gia; trên 80% giảng viên TOT-IPM được tập huấn nâng cao lên giảng viên TOT-IPHM, đảm bảo mỗi địa phương có ít nhất 01 giảng viên TOT - IPHM; tối thiểu 01 xã có sản xuất nông nghiệp tập trung có ít nhất 02 hướng dẫn viên IPHM cộng đồng;

- Trên 90% số xã sản xuất nông nghiệp thực hiện thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng đúng theo quy định.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về IPHM

- Ứng dụng công nghệ số trong công tác truyền thông, nâng cao nhận thức và trách nhiệm cho các cấp, các ngành và cộng đồng về IPHM;

- Tuyên truyền, phổ biến trong các buổi sinh hoạt cộng đồng (câu lạc bộ, hợp tác xã, tổ hợp tác, hội thảo đầu bờ, các buổi tọa đàm, tập huấn, truyền thanh xã...) để người sản xuất trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, tương tác với các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp... nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng dụng IPHM và khả năng tiếp cận thị trường;

- Xây dựng in ấn phát hành tờ rơi, pano, áp phích, sổ tay... nhằm tuyên truyền, phổ biến IPHM đến được với nhiều nhóm đối tượng trong xã hội;

- Xây dựng và phát sóng tin bài/phóng sự truyền hình về chương trình quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM), thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, quy định của pháp luật về quản lý sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, phổ biến tới mọi người dân.

2. Xây dựng tài liệu hướng dẫn về IPHM

- Hướng dẫn xây dựng và thực hiện mô hình IPHM gắn với nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, cảnh quan nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, mô hình cộng đồng ứng dụng IPHM trên diện rộng cho mỗi loại cây trồng;

- Xây dựng tài liệu hướng dẫn ứng dụng IPHM trên cây trồng để tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho các đối tượng sản xuất trồng trọt;

- Xây dựng tài liệu tuyên truyền về quy định của pháp luật trong quản lý vật tư nông nghiệp (thuốc bảo vệ thực vật, giống, phân bón) và hướng dẫn thu gom đúng cách bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng;

- Hướng dẫn các địa phương kỹ thuật tưới tiết kiệm nước cho lúa và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn.

3. Đào tạo, tập huấn, phát triển nguồn nhân lực

3.1. Đào tạo và bồi dưỡng giảng viên

- Cử cán bộ tham gia các khóa đào tạo giảng viên để phát triển lực lượng giảng viên IPHM cấp tỉnh;

- Tập huấn nâng cao về IPHM cho đội ngũ giảng viên đã được đào tạo về IPM để phát triển nguồn nhân lực IPHM tại địa phương. Tổ chức 01 lớp, số lượng học viên theo nguồn hiện có tại các địa phương đã được đào tạo TOT-IPM; thời gian theo quy định chương trình khung của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các hướng dẫn có liên quan.

3.2. Tập huấn hướng dẫn viên cộng đồng về IPHM

Tập huấn hướng dẫn viên cộng đồng nhằm bổ sung kiến thức IPHM để các học viên am hiểu về IPHM, giúp chính quyền, các tổ chức đoàn thể tổ chức triển khai các hoạt động ứng dụng IPHM ở cấp xã.

- Tổng số lớp tập huấn: 64 lớp. Thời gian học và số lượng học viên/lớp theo quy định chương trình khung của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các hướng dẫn có liên quan;

- Đối tượng: Là cán bộ phụ trách Nông nghiệp cấp xã (trồng trọt, Bảo vệ thực vật hoặc khuyến nông), cán bộ thôn, bản; cán bộ hoặc thành viên các Hợp tác xã nông nghiệp, thành viên tổ Khuyến nông cộng đồng; tổ hợp tác, câu lạc bộ sản xuất nông nghiệp; cán bộ nông vụ thuộc doanh nghiệp trực tiếp sản xuất hoặc tổ chức sản xuất trồng trọt; nông dân đã qua huấn luyện FFS-IPM hoặc FFS-IPHM.

3.3. Huấn luyện nông dân nòng cốt (FFS) về IPHM

Huấn luyện nông dân nòng cốt (FFS) về IPHM nhằm trang bị các kiến thức, kỹ năng cho người sản xuất để họ có thể trực tiếp thử nghiệm ứng dụng các kỹ thuật IPHM và hướng dẫn người sản xuất cùng ứng dụng;

- Tổng số lớp huấn luyện IPHM cho nông dân đến năm 2030 khoảng 345 lớp (khoảng 57 lớp/năm). Trong đó:

+ Trên cây lúa: Tổ chức 222 lớp ở các huyện, thị xã, thành phố;

+ Trên cây rau, màu: Tổ chức 70 lớp ở các huyện, thị xã, thành phố;

+ Trên cây ăn quả: Tổ chức 47 lớp ở các địa phương trọng điểm sản xuất cây ăn quả: thị xã Đông Triều, thành phố Uông Bí, thị xã Quảng Yên thành phố Hạ Long, huyện Vân Đồn, huyện Tiên Yên, huyện Đầm Hà, huyện Hải Hà;

+ Trên cây trồng chủ lực khác (cây chè, cây dược liệu, cây dong riềng...): Tổ chức 06 lớp ở địa phương: Hải Hà, Đầm Hà, Bình Liêu, Ba Chẽ.

- Thời gian huấn luyện: 14 ngày/lớp không kể ngày khai giảng, tổng kết (theo chu kỳ sinh trưởng của cây trồng).

- Đối tượng: Học viên là nông dân trực tiếp sản xuất trồng trọt hoặc thuộc doanh nghiệp, hợp tác xã trực tiếp sản xuất trồng trọt.

3.4. Tập huấn hướng dẫn kỹ thuật về quản lý sức khỏe tổng hợp cây trồng (IPHM)

Tổ chức tập huấn nhằm tuyên truyền, vận động cộng đồng áp dụng các biện pháp kỹ thuật, các nguyên tắc, quy trình kỹ thuật ứng dụng IPHM; các biện pháp kỹ thuật cần áp dụng trong sản xuất để hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhằm giảm thiểu mối nguy hại do lạm dụng hóa chất (nhất là thuốc bảo vệ thực vật) đối với sức khỏe cộng đồng, môi trường, góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm, tăng hiệu quả sản xuất và phát triển nông nghiệp bền vững;

- Cấp tỉnh tổ chức 40-50 lớp/năm (50 người/lớp); cấp huyện căn cứ theo tình hình thực tế tại địa phương xây dựng các lớp tập huấn cho phù hợp;

- Đối tượng: Nông dân trực tiếp sản xuất trồng trọt trên địa bàn tỉnh;

- Thời gian: 01 ngày/lớp.

4. Xây dựng và nhân các mô hình ứng dụng IPHM trong sản xuất trồng trọt

- Xây dựng mô hình ứng dụng IPHM làm cơ sở để nhân rộng ứng dụng IPHM trong thực tế sản xuất, gắn sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; tăng cường mở rộng ứng dụng khoa học kỹ thuật, giảm giá thành trong sản xuất nhằm tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế và giảm phát thải khí nhà kính hướng tới nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn;

- Triển khai đồng bộ các hoạt động ứng dụng IPHM từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã; huy động sự tham gia của các sở, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức, các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác... gắn sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị;

- Tổ chức các cuộc khảo sát học tập tỉnh ngoài để áp dụng mô hình IPHM có hiệu quả trong sản xuất trồng trọt cho các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung trên địa bàn tỉnh;

- Nhân rộng mô hình “Nông dân hướng dẫn nông dân” thông qua thực nghiệm ứng dụng IPHM thực tế đồng ruộng.

4.1. Đối với cây lúa

Xây dựng mô hình áp dụng các biện pháp thâm canh bền vững nhằm giảm sử dụng hóa chất, giảm nước tưới, giảm lượng giống, giảm phát thải khí nhà kính, tăng khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu, luân canh cây trồng, sử dụng chế phẩm sinh học kiểm soát sâu bệnh hại, xử lý nguồn rơm rạ để cải tạo đất, sử dụng giống có khả năng chống chịu tốt với sâu bệnh và điều kiện thời tiết bất lợi.

4.2. Đối với cây rau màu

Xây dựng mô hình áp dụng các quy trình kỹ thuật sử dụng chế phẩm sinh học, phân hữu cơ, phân vi sinh, thuốc thảo mộc, thuốc sinh học, pheromone, bẫy bả diệt sâu hại... không sử dụng hóa chất.

4.3. Đối với cây ăn quả và cây trồng chủ lực khác

Xây dựng mô hình áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp thông qua việc hạn chế sử dụng hóa chất; tăng cường sử dụng phân hữu cơ, phân vi sinh, chế phẩm sinh học nhằm nâng cao sức khỏe cây trồng, ngăn chặn sự bùng phát của sinh vật gây hại, đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái và đa dạng sinh học.

5. Chuyển giao khoa học công nghệ

- Tăng cường ứng dụng các giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao, khả năng chống chịu tốt với sinh vật hại, phù hợp với điều kiện tự nhiên, canh tác ở địa phương nhằm giảm thiệt hại do sinh vật hại gây ra, bảo vệ năng suất cây trồng;

- Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới trong bảo vệ thực vật. Ứng dụng các chế phẩm sinh học, các vi sinh vật đối kháng, phân bón hữu cơ vi sinh... trong quản lý sinh vật hại nhằm giảm sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật;

- Ứng dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, điều tra phát hiện, dự tính dự báo, cảnh báo sớm, phòng chống sinh vật gây hại cây trồng;

- Ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ để bảo vệ sức khỏe đất, nguồn nước, giảm phát thải khí nhà kính;

- Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ phát triển các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ với một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực; ứng dụng công nghệ thông tin, các giải pháp chuyển đổi số trong việc theo dõi cảnh báo tình hình dịch bệnh cây trồng; các giải pháp truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm áp dụng IPHM.

(Chi tiết nội dung, phân kỳ thực hiện tại các phụ lục kèm theo)

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Nguồn kinh phí thực hiện Kế hoạch gồm: Ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán chi ngân sách hằng năm của các sở, ban, ngành, địa phương theo phân cấp ngân sách hiện hành; nguồn kinh phí lồng ghép các chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ có liên quan theo quy định của pháp luật; nguồn tài trợ, viện trợ và huy động từ xã hội, cộng đồng và các nguồn hợp pháp khác (nếu có).

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì, phố hợp với các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức triển khai đồng bộ các nhiệm vụ trong Kế hoạch. Chỉ đạo, hướng dẫn thúc đẩy áp dụng rộng rãi IPHM trong thực tiễn sản xuất. Là cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện Kế hoạch và tổng hợp báo cáo kết quả về Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo định kỳ hàng năm hoặc đột xuất khi có yêu cầu;

- Hàng năm xây dựng dự toán chi tiết kinh phí cấp tỉnh thực hiện các hoạt động: Tuyên truyền, tập huấn, khảo sát học tập tỉnh ngoài, in ấn tài liệu, Pano, áp phích, cẩm nang về phòng trừ sinh vật hại trên cây trồng chính, chủ lực và lợi thế của tỉnh; hướng dẫn quy trình IPHM trên cây lúa, cây rau màu, cây ăn quả và cây trồng chủ lực khác. Tổ chức các khóa đào tạo tập huấn nâng cao cho giảng viên TOT về IPHM và các lớp tập huấn hướng dẫn viên cộng đồng về IPHM, lớp huấn luyện nông dân về IPHM, Tập huấn hướng dẫn kỹ thuật về quản lý sức khỏe tổng hợp cây trồng; Xây dựng mô hình ứng dụng các biện pháp kỹ thuật IPHM, giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm giống, giảm phân bón và giảm nước tưới; tổ chức hội nghị để tuyên truyền nhân rộng. Các nội dung hoạt động phải phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố để không trùng lặp nội dung;

- Phối hợp với Trung tâm Truyền thông tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức phổ biến, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ứng dụng IPHM trên cây trồng cho nông dân, doanh nghiệp biết, áp dụng;

- Tổ chức Hội nghị tổng kết đánh giá kết quả triển khai chương trình trên toàn tỉnh khi kết thúc giai đoạn; đề xuất khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện chương trình (nếu có).

2. Sở Tài chính

Trên cơ sở đề xuất của các sở, ban, ngành, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí để các đơn vị thực hiện nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch trên nguyên tắc lồng ghép các chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ của các sở, ban, ngành đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.

3. Các sở, ban, ngành có liên quan

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện Kế hoạch; định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để tổng hợp báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

4. Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh

- Chủ động phối hợp và tham gia tổ chức vận động, nâng cao nhận thức của người dân về ứng dụng IPHM nhằm khuyến khích sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng các sản phẩm nông sản an toàn; phối hợp với Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền, phổ biến, triển khai công tác vận động, giáo dục phát động các phong trào ứng dụng IPHM gắn với cuộc vận động xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, tăng cường công tác giám sát cộng đồng trong việc ứng dụng IPHM vào sản xuất nông nghiệp;

- Chỉ đạo Ủy ban Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp vận động nông dân tham gia ứng dụng IPHM trên cây trồng, phát hiện và đấu tranh với những hành vi vi phạm an toàn thực phẩm.

5. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

- Căn cứ Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh và tình hình thực tế của địa phương, xây dựng kế hoạch và bố trí kinh phí hàng năm để triển khai thực hiện các hoạt động thúc đẩy ứng dụng IPHM trên địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý;

- Chỉ đạo cơ quan chuyên môn cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã phối hợp với các tổ chức chính trị, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người sản xuất trồng trọt, doanh nghiệp ứng dụng IPHM trên cây trồng tại địa phương;

- Phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch; đẩy mạnh áp dụng IPHM vào sản xuất cây trồng chính, chủ lực và cây trồng có lợi thế của địa phương; xây dựng các mô hình điểm áp dụng IPHM trên cây trồng;

- Định kỳ hàng năm tổng kết, đánh giá tình hình và két quả thực hiện Kế hoạch trên địa bàn, báo cáo kết quả triển khai thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) trước ngày 05/12 hàng năm.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức, triển khai thực hiện. Trong quá trình triển khai, thực hiện nếu có vướng mắc, các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp) điều chỉnh cho phù hợp./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT (b/c);
- CT, P3 UBND tỉnh (b/c);
- Các sở: NNPTNT, TC, KHCN, LĐTBXH;
- Trung tâm truyền thông tỉnh;
- UBND các huyện, tx, tp;
- V0, V1, V2, NLN1, 3, TM3;
- Lưu: VT, NLN3 (05b, KH06).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nghiêm Xuân Cường


PHỤ LỤC 1:

NỘI DUNG TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH THÚC ĐẨY ỨNG DỤNG QUẢN LÝ SỨC KHỎE CÂY TRỒNG TỔNG HỢP (IPHM) TRÊN CÂY TRỒNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Kế hoạch số: 101/KH-UBND ngày 09/4/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh)

STT

Nội dung

Tổng số lớp

Cấp tỉnh tổ chức thực hiện

Cấp huyện tổ chức thực hiện

1

Đào tạo, tập huấn nâng cao cho giảng viên từ TOT-IPM lên TOT-IPHM

01 lớp

01 lớp

-

2

Tập huấn hướng dẫn viên cộng đồng về IPHM

64 lớp

20 lớp

44 lớp

3

Huấn luyện nông dân nòng cốt (FFS) về IPHM

345 lớp

45 lớp

300 lớp

-

Trên cây lúa

222 lớp

32 lớp

190 lớp

-

Trên cây rau, màu

70 lớp

10 lớp

60 lớp

-

Trên cây ăn quả

47 lớp

3 lớp

44 lớp

-

Trên cây trồng chủ lực khác (cây chè, cây dược liệu, cây dong riềng...)

06 lớp

-

06 lớp

4

Tổ chức khảo sát, học tập tỉnh ngoài (Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật).

06 cuộc

06 cuộc

 

5

Tập huấn hướng dẫn kỹ thuật về quản lý sức khỏe tổng hợp cây trồng (IPHM).

 

250 - 300 lớp

Căn cứ tình hình thực tế tại địa phương để xây dựng nội dung, kinh phí triển khai thực hiện

6

Xây dựng mô hình ứng dụng IPHM trong sản xuất trồng trọt

 

30 - 35 mô hình

Căn cứ tình hình thực tế tại địa phương để nhân rộng, phát triển mô hình

7

Thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn (in sổ tay, tờ rơi, tin/phóng sự...)

 

Hàng năm

 

PHỤ LỤC 02:

PHÂN KỲ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH TẬP HUẤN HƯỚNG DẪN VIÊN CỘNG ĐỒNG VỀ IPHM TRÊN CÂY TRỒNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Kế hoạch số: 101/KH-UBND ngày 09/4/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh)

ĐVT: Lớp

STT

Đơn vị

Năm 2025

Năm 2026

Năm 2027

Năm 2028

Năm 2029

Năm 2030

Tổng cộng

I

Cấp tỉnh (Chi cục Trồng trọt và BVTV)

4

4

3

3

3

3

20

II

Cấp huyện

15

11

11

2

3

2

44

1

Thị xã Đông Triều

3

3

3

1

1

1

12

2

Thị xã Quảng Yên

2

3

3

1

1

1

11

3

Thành phố Hạ Long

1

-

1

-

1

-

3

4

Thành phố Uông Bí

1

1

1

-

-

-

3

5

Thành phố Cẩm Phả

1

-

-

-

-

-

1

6

Thành phố Móng Cái

-

1

-

-

-

-

1

7

Huyện Đầm Hà

1

1

-

-

-

-

2

8

Huyện Hải Hà

2

1

-

-

-

-

3

9

Huyện Tiên Yên

1

1

-

-

 

-

2

10

Huyện Vân Đồn, Cô Tô

1

-

1

-

-

-

2

11

Huyện Ba Chẽ

1

-

1

-

-

-

2

12

Huyện Bình Liêu

1

-

1

-

-

-

2

 

Tổng (I + II)

19

15

14

5

6

5

64

 

PHỤ LỤC 03:

ĐỐI TƯỢNG CÂY TRỒNG CHỦ LỰC MỞ LỚP HUẤN LUYỆN IPHM ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Kế hoạch số: 101/KH-UBND ngày 09/4/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh)

STT

Cây trồng

Đơn vị

Cây lúa (lớp)

Cây rau, màu (lớp)

Cây ăn quả (lớp)

Cây trồng chủ lực khác (lớp)

Tổng (lớp)

I

Cấp tỉnh (Chi cục Trồng trọt và BVTV)

32

10

3

-

45

II

Cấp huyện

190

60

44

06

300

1

Thị xã Đông Triều

21

12

17

-

50

2

Thị xã Quảng Yên

26

7

1

-

34

3

Thành phố Hạ Long

20

7

3

-

30

4

Thành phố Uông Bí

17

2

10

-

27

5

Thành phố Cẩm Phả

2

2

-

-

4

6

Thành phố Móng Cái

15

5

-

-

20

7

Huyện Đầm Hà

18

5

2

-

25

8

Huyện Hải Hà

20

5

2

1

28

9

Huyện Tiên Yên

14

5

5

1

25

10

Huyện Vân Đồn

12

3

2

-

17

11

Huyện Ba Chẽ

10

3

1

2

16

12

Huyện Bình Liêu

15

4

1

2

22

 

Tổng (I + II)

222

70

47

06

345

 

PHỤ LỤC 4:

PHÂN KỲ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH ĐẾN NĂM 2030, CẤP TỈNH
(Kèm theo Kế hoạch số: 101/KH-UBND ngày 09/4/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh)

STT

Nội dung

Năm 2025

Năm 2026

Năm 2027

Năm 2028

Năm 2029

Năm 2030

Tổng

1

Đào tạo, tập huấn nâng cao cho giảng viên từ TOT-IPM lên TOT-IPHM (lớp)

01

-

-

-

-

 

01

2

Tập huấn hướng dẫn viên cộng đồng về IPHM (lớp)

4

4

3

3

3

3

20

-

Huấn luyện nông dân nòng cốt (FFS) về IPHM

08

08

08

07

07

07

45

-

Cây lúa (lớp)

06

06

06

05

05

04

32

-

Cây rau màu (lớp)

02

01

02

02

02

02

10

3

Cây ăn quả (lớp)

 

01

-

01

-

01

03

4

Tập huấn hướng dẫn kỹ thuật về quản lý sức khỏe tổng hợp cây trồng (IPHM)

40-50

40-50

40-50

40-50

40-50

40-50

250-300

5

Xây dựng mô hình ứng dụng IPHM trong sản xuất trồng trọt.

4-5

4-5

4-5

4-5

4-5

4-5

30-35

6

Tổ chức khảo sát, học tập tỉnh ngoài (cuộc).

01

01

01

01

01

01

06

7

Thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn (in sổ tay, tờ rơi, tin/phóng sự...)

Thực hiện hàng năm

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 101/KH-UBND năm 2024 thúc đẩy ứng dụng Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây trồng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030

  • Số hiệu: 101/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 09/04/2024
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ninh
  • Người ký: Nghiêm Xuân Cường
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 09/04/2024
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản