Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 08/KH-UBND

Cà Mau, ngày 21 tháng 01 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH TRỢ GIÚP PHÁP LÝ CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT CÓ KHÓ KHĂN VỀ TÀI CHÍNH NĂM 2021

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các hoạt động trợ giúp pháp lý và nâng cao chất lượng trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính, đảm bảo tối đa việc cung cấp các dịch vụ pháp lý miễn phí theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính trên địa bàn tỉnh khi họ có nhu cầu.

2. Yêu cầu

a) Bám sát nội dung chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật trong Kế hoạch số 132/KH-UBND ngày 23/11/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh Cà Mau; Kế hoạch thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật ban hành kèm theo Quyết định số 1100/QĐ-TTg ngày 21/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch tổ chức thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 01/11/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 753/QĐ-TTg ngày 03/6/2020, bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017.

b) Bảo đảm lộ trình và phân công trách nhiệm tổ chức thực hiện Kế hoạch phù hợp với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được xác định trong các kế hoạch, chương trình, đề án về người khuyết tật.

c) Có sự tham gia, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan, nhất là các cơ quan, tổ chức về người khuyết tật trong quá trình triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính.

d) Việc triển khai các hoạt động trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính có thể lồng ghép với các hoạt động trợ giúp pháp lý khác nhằm đảm bảo tính khả thi, hiệu quả.

II. CÁC HOẠT ĐỘNG THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH TRỢ GIÚP PHÁP LÝ CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT CÓ KHÓ KHĂN VỀ TÀI CHÍNH

1. Thực hiện trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính

Hoạt động 1: Thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý cho 100% người khuyết tật có khó khăn về tài chính được cung cấp các dịch vụ pháp lý miễn phí theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý khi họ có nhu cầu; thực hiện hoạt động trợ giúp pháp lý tại xã, phường, thị trấn nơi nhiều người khuyết tật có khó khăn về tài chính có nhu cầu trợ giúp pháp lý, tại Hội Người khuyết tật, các cơ sở bảo trợ xã hội, trường học, cơ sở kinh doanh và các tổ chức khác của người khuyết tật khi có yêu cầu và phù hợp với điều kiện của địa phương.

a) Đơn vị chủ trì: Sở Tư pháp (Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước).

b) Đơn vị phối hợp: Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng; Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và Hội Người khuyết tật; Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh; cơ sở kinh doanh; các tổ chức khác của người khuyết tật.

c) Thời gian thực hiện: Từ Quý I đến Quý IV.

d) Kết quả đầu ra: Yêu cầu trợ giúp pháp lý của người khuyết tật có khó khăn về tài chính được đáp ứng.

Hoạt động 2: Cung cấp danh sách người thực hiện trợ giúp pháp lý và phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, Nhà tạm giữ và trại giam, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã, Hội Người khuyết tật, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, cơ sở kinh doanh, các tổ chức khác của người khuyết tật để tiếp cận và giới thiệu người khuyết tật có khó khăn về tài chính đến Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước khi họ có yêu cầu trợ giúp pháp lý.

a) Đơn vị chủ trì: Sở Tư pháp (Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước).

b) Đơn vị phối hợp: Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng; Nhà tạm giữ và trại giam; Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn; Hội Người khuyết tật; Trung tâm Bảo trợ xã hội; cơ sở kinh doanh; các tổ chức khác của người khuyết tật.

c) Thời gian thực hiện: Từ Quý I đến Quý IV.

d) Kết quả đầu ra: Nhu cầu trợ giúp pháp lý của người khuyết tật có khó khăn về tài chính được giới thiệu và chuyển đến Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước.

2. Nâng cao nhận thức về trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính

Hoạt động 1: Truyền thông về hoạt động trợ giúp pháp lý và quyền được trợ giúp pháp lý của người khuyết tật có khó khăn về tài chính trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc các hình thức truyền thông khác phù hợp với các dạng tật của người khuyết tật; lồng ghép việc truyền thông về hoạt động trợ giúp pháp lý và quyền được trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật với các Chương trình, Đề án khác về người khuyết tật ở địa phương, chú trọng những nơi có nhiều người khuyết tật, đặc biệt trẻ em là người khuyết tật; ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội trong hoạt động truyền thông.

a) Đơn vị chủ trì: Sở Tư pháp (Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước).

b) Đơn vị phối hợp: Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; Báo Cà Mau và Đài phát thanh các huyện, thành phố; các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng; Nhà tạm giữ và trại giam; Sở Lao động – Thương binh và Xã hội; Ủy ban nhân dân cấp huyện; Ủy ban nhân dân cấp xã; Hội Người khuyết tật; Trung tâm Bảo trợ xã hội; trường học; cơ sở kinh doanh; các tổ chức khác của người khuyết tật.

c) Thời gian thực hiện: Từ Quý I đến Quý IV.

d) Kết quả đầu ra: Các sản phẩm truyền thông được thực hiện (xây dựng các chuyên đề phát sóng trên truyền hình, truyền thanh, báo chí; kênh truyền thông mạng xã hội,…), nhận thức về hoạt động trợ giúp pháp lý và quyền được trợ giúp pháp lý của người khuyết tật có khó khăn về tài chính được nâng cao.

Hoạt động 2: Biên soạn và phát hành các tài liệu truyền thông có nội dung về chính sách trợ giúp pháp lý và quyền được trợ giúp pháp lý của người khuyết tật có khó khăn về tài chính cho các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng; Nhà tạm giữ và trại giam; Hội Người khuyết tật; Trung tâm Bảo trợ xã hội; trường học; cơ sở kinh doanh và các tổ chức khác của người khuyết tật.

a) Đơn vị chủ trì: Sở Tư pháp (Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước).

b) Đơn vị phối hợp: Các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng; Nhà tạm giữ và trại giam; Hội Người khuyết tật; Trung tâm Bảo trợ xã hội; trường học; cơ sở kinh doanh và các tổ chức khác của người khuyết tật.

c) Thời gian thực hiện: Từ Quý I đến Quý IV.

d) Kết quả đầu ra: Băng ghi âm, đĩa ghi âm, USB và các ấn phẩm chuyên dụng khác có nội dung dành cho người khuyết tật; bảng thông tin, tờ thông tin, hộp tin về trợ giúp pháp lý, tờ gấp pháp luật cung cấp cho các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, Nhà tạm giữ và trại giam, Hội Người khuyết tật, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ em mồ côi, các cơ sở bảo trợ xã hội, trường học, cơ sở kinh doanh và các tổ chức khác của người khuyết tật.

Hoạt động 3: Tổ chức các hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý trọng tâm nhân Ngày Người khuyết tật Việt Nam (18/4); Ngày Quốc tế Người khuyết tật (3/12) bằng các hình thức phù hợp.

a) Đơn vị chủ trì: Sở Tư pháp (Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước).

b) Đơn vị phối hợp: Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; Báo Cà Mau và Đài phát thanh các huyện, thành phố trong tỉnh; các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng; Nhà tạm giữ và trại giam; Sở Lao động – Thương binh và Xã hội; Ủy ban nhân dân cấp huyện; Ủy ban nhân dân cấp xã; Hội Người khuyết tật; Trung tâm Bảo trợ xã hội; trường học; cơ sở kinh doanh; các tổ chức khác của người khuyết tật.

c) Thời gian thực hiện: Quý II và Quý IV.

d) Kết quả đầu ra: Các sản phẩm truyền thông được thực hiện (thực hiện các phóng sự, Pa nô, băng rôn tuyên truyền, tọa đàm,…).

3. Nâng cao năng lực cho người thực hiện trợ giúp pháp lý

Hoạt động: Cử đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính do Trung ương tổ chức.

a) Đơn vị chủ trì: Sở Tư pháp (Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước).

b) Đơn vị phối hợp: Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

c) Thời gian thực hiện: Từ Quý I đến Quý IV.

d) Kết quả đầu ra: Số lượng người thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia các lớp tập huấn.

4. Theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính

Hoạt động: Theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

a) Đơn vị chủ trì: Sở Tư pháp (Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước).

b) Đơn vị phối hợp: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Hội Người khuyết tật; Trung tâm Bảo trợ xã hội; cơ sở kinh doanh và các tổ chức khác của người khuyết tật.

c) Thời gian thực hiện: Từ Quý I đến Quý IV.

d) Kết quả đầu ra: Các văn bản hướng dẫn, kết quả kiểm tra.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Nguồn kinh phí

- Kinh phí thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý tại Kế hoạch này được bố trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm giao cho Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước (nguồn kinh phí không tự chủ) và các Chương trình mục tiêu quốc gia, các Chương trình, Đề án liên quan khác theo phân cấp của pháp luật về ngân sách nhà nước.

- Đóng góp, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

2. Lập, sử dụng và quyết toán kinh phí

- Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước có trách nhiệm xây dựng dự toán kinh phí thực hiện cùng thời gian lập dự toán hàng năm gửi Sở Tư pháp, để tổng hợp gửi Sở Tài chính thẩm định trình cơ quan có thẩm quyền theo quy định.

- Việc lập, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật theo Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Trách nhiệm của Sở Tư pháp

Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; các sở, ban, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp huyện triển khai thực hiện Kế hoạch này; giúp Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá và báo cáo Bộ Tư pháp, Ủy ban nhân dân tỉnh về kết quả thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính trên địa bàn tỉnh.

2. Trách nhiệm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Phối hợp với Sở Tư pháp triển khai các nhiệm vụ và thực hiện các nhiệm vụ có liên quan tại Kế hoạch này.

3. Trách nhiệm của Sở Tài chính

Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí bảo đảm công tác trợ giúp pháp lý tại các đơn vị theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước; hướng dẫn việc lập, quản lý, sử dụng, quyết toán nguồn kinh phí theo quy định.

4. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các huyện và thành phố Cà Mau

Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình chủ động phối hợp với Sở Tư pháp triển khai thực hiện tốt Kế hoạch này và tạo mọi điều kiện thuận lợi để Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước thực hiện tốt nhiệm vụ trợ giúp pháp lý. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã phối hợp triển khai thực hiện tốt các hoạt động trợ giúp pháp lý tại địa phương.

5. Trách nhiệm của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước

- Lập, quản lý, sử dụng, quyết toán nguồn kinh phí ngân sách đối với hoạt động trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả và chất lượng.

- Tham mưu Sở Tư pháp phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan triển khai thực hiện Kế hoạch này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức, cá nhân cần kịp thời đề xuất báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Tư pháp tổng hợp)./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Hồng Quân

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 08/KH-UBND thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính năm 2021 do tỉnh Cà Mau ban hành

  • Số hiệu: 08/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 21/01/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Cà Mau
  • Người ký: Trần Hồng Quân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 21/01/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản