Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08/KH-UBND

Ninh Bình, ngày 13 tháng 02 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH SỮA HỌC ĐƯỜNG TỈNH NINH BÌNH ĐẾN NĂM 2020

Căn cứ Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 8/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình Sữa học đường trên địa bàn tỉnh như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em mẫu giáo và tiểu học thông qua hoạt động cho trẻ em uống sữa nhằm giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc, thể lực của trẻ em tỉnh Ninh Bình, góp phần phát triển nguồn nhân lực trong tương lai.

2. Các mục tiêu cụ thể đến năm 2020

- 90% bố, mẹ, người chăm sóc trẻ ở thành thị và 60% bố, mẹ, người chăm sóc trẻ ở nông thôn được truyền thông, giáo dục và tư vấn về dinh dưỡng;

- 100% số học sinh mẫu giáo và tiểu học thuộc các xã nghèo trên địa bàn tỉnh được uống sữa theo Chương trình Sữa học đường;

- Ít nhất 30% số học sinh mẫu giáo và tiểu học ở vùng thành thị, nông thôn được uống sữa theo Chương trình Sữa học đường;

- Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em mẫu giáo và tiểu học trung bình 0,3%/năm;

- Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em mẫu giáo và tiểu học trung bình 0,35%/năm.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Giải pháp cơ chế chính sách

- Áp dụng các quy định, định mức về sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường đến năm 2020 của Bộ Y tế nhằm đáp ứng các chỉ tiêu của Chương trình;

- Ban hành các chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp có sản phẩm Sữa tham gia chương trình để đảm bảo nguồn lực, sự bền vững của Chương trình Sữa học đường. Thực hiện các chính sách khuyến khích theo quy định hiện hành;

- Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp để thực hiện Chương trình Sữa học đường.

2. Giải pháp truyền thông vận động và thông tin giáo dục truyền thông

- Tổ chức công tác truyền thông nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ của các cấp ủy Đảng, chính quyền về vai trò, tầm quan trọng của Chương trình Sữa học đường nhằm tăng cường nguồn lực thực hiện Chương trình;

- Đẩy mạnh công tác thông tin giáo dục truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng, bố, mẹ, người chăm sóc trẻ về tầm quan trọng của dinh dưỡng đối với sự phát triển toàn diện về tầm vóc, thể lực và trí tuệ của trẻ em, đặc biệt là bữa ăn học đường và sử dụng các sản phẩm sữa phù hợp theo nhóm tuổi;

- Đa dạng loại hình, phương thức truyền thông phù hợp với các nhóm đối tượng và vùng miền;

- Kết hợp truyền thông giáo dục dinh dưỡng với giáo dục thể chất trong hệ thống trường học.

3. Giải pháp chuyên môn kỹ thuật

- Lồng ghép việc đào tạo, tập huấn kiến thức, kỹ thuật, kỹ năng theo dõi, đánh giá tình trạng dinh dưỡng, sức khỏe trẻ cho đội ngũ cán bộ y tế, giáo viên tham gia Chương trình Sữa học đường vào các chương trình tập huấn về y tế trường học, kịp thời phát hiện và giải quyết các vấn đề nảy sinh trong quá trình triển khai thực hiện;

- Theo dõi, giám sát việc triển khai và đánh giá hiệu quả của Chương trình Sữa học đường.

III. LỘ TRÌNH THỰC HIỆN

1. Từ tháng 03/2017 đến 31/5/2018

a) Từ tháng 03/2017 đến 31/8/2017

Triển khai công tác truyền thông trên địa bàn toàn tỉnh về Chương trình sữa học đường và vai trò của dinh dưỡng đối với sự phát triển của trẻ thông qua các tin, bài, phóng sự trên phương tiện thông tin đại chúng; tuyên truyền trực quan như dựng pa nô, áp phích và chăng treo băng rôn tại các trường mầm non, tiểu học và những nơi đông người qua lại; phát tờ rơi thông qua học sinh mầm non và tiểu học để chuyển tải thông điệp tới gia đình học sinh; tuyên truyền trực tiếp tại trường học qua các cuộc họp cha mẹ học sinh tại các trường mầm non và tiểu học, lồng ghép giáo dục dinh dưỡng với giáo dục thể chất trong các trường học...nhằm tăng cường nhận thức của cha mẹ học sinh, của cộng đồng về lợi ích của Chương trình. Từ đó kêu gọi cha mẹ học sinh chủ động cho trẻ uống sữa để nâng cao tầm vóc trẻ, huy động cộng đồng đặc biệt là các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tích cực hưởng ứng, tham gia thực hiện Chương trình.

b) Năm học 2017 - 2018 (Từ 01/9/2017 đến 31/5/2018)

- Triển khai cho trẻ em mầm non và tiểu học uống sữa theo Chương trình sữa học đường tại 05 xã ven biển của huyện Kim Sơn (bao gồm xã: Kim Trung, Kim Tân, Kim Mỹ, Kim Hải, Cồn Thoi) và 05 xã miền núi thuộc huyện Nho Quan (bao gồm xã: Phú Long, Kỳ Phú, Cúc Phương, Thạch Bình, Quảng Lạc). Định mức mỗi trẻ 02 hộp sữa tươi nguyên chất loại 180ml trong một tuần, uống vào sáng thứ 3 và thứ 5 hàng tuần.

Tại các xã còn lại của huyện Kim Sơn và Nho Quan, các huyện, thành phố chưa triển khai cho trẻ uống sữa theo Chương trình: Động viên, khuyến khích cha mẹ học sinh tự mua sữa cho trẻ uống ít nhất 2 hộp sữa/tuần (Sản phẩm sữa tươi đưa vào trường học phải đảm bảo theo quy định tại Quyết định số 5450/QĐ-BYT ngày 28/9/2016 của Bộ Y tế về việc Quy định tạm thời đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020).

2. Năm học 2018 - 2019 (Từ 01/9/2018 đến 31/5/2019)

- Trên cơ sở kết quả triển khai của năm học 2017-2018, xây dựng kế hoạch triển khai trong năm học 2018-2019, trong đó phấn đấu cho trẻ mầm non và tiểu học uống sữa theo chương trình sữa học đường mở rộng ra ít nhất 20% các xã còn lại của huyện Kim Sơn và Nho Quan, 30% các xã thuộc huyện: Yên Mô, Yên Khánh, Hoa Lư, Gia Viễn (Lựa chọn xã dựa trên tiêu chí ưu tiên các xã có thu nhập bình quân đầu người thấp hơn trong từng huyện theo kết quả báo cáo năm 2017).

- Tiếp tục triển khai truyền thông sâu rộng trong toàn tỉnh về Chương trình sữa học đường, đặc biệt tại các xã, huyện, thành phố chưa triển khai cho trẻ uống sữa theo Chương trình, đa dạng nội dung và hình thức tuyên truyền qua phương tiện thông tin đại chúng cũng như tăng cường truyền thông trực tiếp cho học sinh, cha mẹ và người nuôi dưỡng trẻ, kêu gọi cộng đồng tích cực tham gia Chương trình sữa học đường; Khuyến khích cha mẹ học sinh cho trẻ uống sữa tươi nguyên chất theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

3. Năm học 2019 - 2020 (Từ 01/9/2019 đến 31/5/2020)

- Trên cơ sở kết quả triển khai của năm học 2018-2019, xây dựng kế hoạch thực hiện trong năm học 2019-2020, trong đó phấn đấu triển khai cho trẻ mầm non và tiểu học uống sữa theo chương trình sữa học đường mở rộng ra ít nhất 30% các xã/phường của thành phố Ninh Bình và thành phố Tam Điệp (Lựa chọn xã/phường dựa trên tiêu chí ưu tiên các xã/phường có thu nhập bình quân đầu người thấp hơn theo kết quả báo cáo năm 2018).

- Tiếp tục triển khai truyền thông sâu rộng trong toàn tỉnh về Chương trình sữa học đường, đặc biệt tại các xã, huyện, thành phố chưa triển khai cho trẻ uống sữa theo Chương trình, đa dạng nội dung và hình thức tuyên truyền qua phương tiện thông tin đại chúng cũng như tăng cường truyền thông trực tiếp cho học sinh, cha mẹ và người nuôi dưỡng trẻ, kêu gọi cộng đồng tích cực tham gia Chương trình sữa học đường; khuyến khích cha mẹ học sinh cho trẻ uống sữa tươi nguyên chất theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

IV. KINH PHÍ

1. Chính sách hỗ trợ

- Diện A: Hỗ trợ toàn bộ 100% chi phí sản phẩm đối với trẻ mầm non và học sinh tiểu học thuộc diện hộ nghèo theo tiêu chí hiện hành, con thương binh, con liệt sỹ, con của người có công với cách mạng (có giấy xác nhận của địa phương).

- Diện B: Hỗ trợ 50% chi phí sản phẩm đối với trẻ mầm non và học sinh tiểu học thuộc diện hộ cận nghèo theo tiêu chí hiện hành.

- Diện C: Hỗ trợ 30% chi phí sản phẩm đối với trẻ mầm non và học sinh tiểu học không thuộc Diện A, B nhằm khuyến khích phụ huynh cho trẻ uống sữa tại trường.

2. Nguồn kinh phí

2.1. Ngân sách tỉnh

Đảm bảo kinh phí thực hiện công tác truyền thông cho Chương trình sữa học đường trên địa bàn tỉnh.

2.2. Nguồn xã hội hóa

Vận động các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp tích cực ủng hộ Chương trình Sữa học đường.

2.3. Đóng góp của phụ huynh học sinh tham gia chương trình

- Diện A: Miễn phí hoàn toàn.

- Diện B: Đóng góp 50% giá trị sản phẩm sữa.

- Diện C: Đóng góp 70% giá trị sản phẩm sữa.

3. Kinh phí thực hiện

3.1. Từ tháng 02/2017 đến 31/5/2018

- Công tác truyền thông: Do ngân sách nhà nước đảm bảo.

- Chi phí mua sữa: 6.120.736.000 đồng, gồm:

+ Nguồn xã hội hóa: 2.465.196.800 đồng (Phụ lục 1)

+ Nguồn đóng góp của gia đình học sinh: 3.655.539.200 đồng (Phụ lục 2)

3.2. Năm học 2018 - 2019

Căn cứ kết quả triển khai thực hiện năm học 2017 - 2018, tiến hành đánh giá, rút kinh nghiệm và xây dựng kế hoạch cụ thể cho năm học 2018 -2019.

3.3. Năm học 2019 - 2020

Căn cứ kết quả triển khai thực hiện năm học 2018 - 2019, tiến hành đánh giá, rút kinh nghiệm và xây dựng kế hoạch cụ thể cho năm học 2019 - 2020.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ban chỉ đạo Y tế trường học tỉnh

- Chỉ đạo các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai kế hoạch Chương trình Sữa học đường trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đến năm 2020;

- Vận động các nguồn lực để thực hiện chương trình;

2. Sở Y tế

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan tham mưu cho Ban chỉ đạo Y tế trường học tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình;

- Hàng năm, Sở Y tế chủ trì phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thống kê số trẻ em mầm non và tiểu học, trẻ em thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn được lựa chọn triển khai Chương trình, lập kế hoạch cụ thể, dự trù kinh phí gửi Sở Tài chính thẩm định.

- Chủ trì thực hiện in ấn các tài liệu truyền thông, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông làm các tin, bài, phóng sự truyền thông về Chương trình.

- Lồng ghép tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, giáo viên, cán bộ y tế trường học tham gia chương trình vào kế hoạch tập huấn về y tế trường học;

- Chịu trách nhiệm giám sát, đánh giá hiệu quả Chương trình; Giám sát việc triển khai thực hiện kế hoạch từ khâu sản xuất đến tiếp nhận và thực hành cho học sinh uống sữa nhằm đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm;

- Nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh xem xét thành lập "Quỹ Sữa học đường - Vì Tầm vóc Việt tỉnh Ninh Bình";

- Chỉ đạo các đơn vị trong ngành phối hợp với các đơn vị cùng cấp thuộc ngành Giáo dục và Đào tạo để triển khai kế hoạch Chương trình Sữa học đường đạt hiệu quả và đúng tiến độ;

- Tiếp nhận, quản lý, giám sát, thanh quyết toán phần kinh phí cấp từ ngân sách tỉnh chi cho công tác truyền thông chương trình Sữa học đường.

3. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo triển khai thực hiện các hoạt động của chương trình:

+ Hàng năm thông báo cho phụ huynh học sinh thuộc diện A và diện B phô tô xác nhận tương ứng nộp cho nhà trường vào đầu năm học để thống kê chính xác danh sách thụ hưởng thuộc các diện này.

+ Tổ chức tuyên truyền vận động trực tiếp tại trường học, tại các cuộc họp cha mẹ học sinh về Chương trình sữa học đường và vai trò của sữa đối với tầm vóc, thể trạng, trí tuệ của trẻ;

+ Thu kinh phí phần đóng góp từ phụ huynh học sinh;

+ Tiếp nhận, quản lý, giám sát, thanh quyết toán phần kinh phí từ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hỗ trợ cho Chương trình sữa học đường;

+ Liên hệ mua sữa, tiếp nhận, bảo quản và cho học sinh uống sữa theo Kế hoạch;

- Phối hợp với Sở Y tế giám sát các trường Mầm non và Tiểu học thực hiện thu, chi kinh phí mua sữa và thực hành cho trẻ uống sữa theo Chương trình.

- Phối hợp với các Sở, ngành khác để triển khai các nội dung liên quan.

- Định kỳ thống kê, gửi báo cáo kết quả triển khai chương trình về sở Y tế để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh theo quy định.

4. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Hàng năm, thống kê, cung cấp cho Sở Y tế số liệu cụ thể về các đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách trên địa bàn triển khai Chương trình;

- Phối hợp với Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai các hoạt động liên quan thuộc phạm vi Chương trình.

5. Sở Thông tin và Truyền thông

Chỉ đạo các cơ quan truyền thông trên địa bàn tăng cường triển khai các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cho các cấp chính quyền, cán bộ y tế, nhà trường, cộng đồng về vai trò, tầm quan trọng của Chương trình.

6. Sở Tài chính

Hàng năm, căn cứ khả năng ngân sách tham mưu cho UBND tỉnh cân đối kinh phí để thực hiện Kế hoạch theo quy định.

7. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Phối hợp với Sở Tài chính trong việc tham mưu cho UBND tỉnh cân đối nguồn vốn hỗ trợ kinh phí cho Chương trình. Vận động các nguồn tài trợ trong và ngoài nước đầu tư cho Chương trình Sữa học đường.

8. Sở Khoa học và Công nghệ

Có trách nhiệm ưu tiên kinh phí nhằm nghiên cứu đánh giá hiệu quả cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng, thiếu vi chất sau các giai đoạn triển khai Chương trình.

9. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh quán triệt đầy đủ mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Chương trình Sữa học đường đến các cấp, các ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở, chủ động tham gia thực hiện Chương trình; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về chăm sóc dinh dưỡng trẻ em. Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp tuyên truyền, vận động để các bà mẹ nâng cao nhận thức và tự giác tham gia Chương trình.

10. UBND các huyện, thành phố

Chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức triển khai các nội dung Chương trình tại địa bàn. Bổ sung kinh phí và các nguồn lực khác tại địa phương cho các hoạt động của Chương trình.

Trên đây là kế hoạch triển khai Chương trình Sữa học đường trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đến năm 2020, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện. Trong quá trình triển khai nếu có khó khăn, vướng mắc giao Sở Y tế phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổng hợp, tham mưu trình UBND tỉnh xem xét, giải quyết./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Y tế;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Lãnh đạo UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Lưu: VT, VP6.
ĐN01/KHYT2017

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Tống Quang Thìn

 

PHỤ LỤC 1

DỰ TOÁN KINH PHÍ HỖ TRỢ MUA SỮA GIAI ĐOẠN I
(Kèm theo Kế hoạch số 08/KH-UBND ngày 13/02/2017 của UBND tỉnh Ninh Bình)

(180ml/hộp sữa x 02 hộp sữa/ tuần/1 cháu x 38 tuần; Trị giá mỗi hộp sữa 8.000 đồng (bao gồm cả chi phí vận chuyển, bốc dỡ)

Đơn vị tính: 1.000 đồng

STT

Huyện/thành phố

Tổng số lượng học sinh

Tổng chi phí sữa cho 9 tháng

Học sinh nghèo và chính sách (Diện A)

Học sinh cận nghèo (Diện B)

Học sinh bình thường (Diện C)

Tổng chi phí hỗ trợ sản phẩm sữa

Số lượng học sinh

Chi phí hỗ trợ sản phẩm sữa (Chương trình hỗ trợ 100%)

Số lượng học sinh

Chi phí hỗ trợ sản phẩm sữa (Chương trình hỗ trợ 50%)

Số lượng học sinh

Chi phí hỗ trợ sản phẩm sữa (Chương trình hỗ trợ 30%)

1

H. Kim Sơn

5.428

3.300.224

522

317.376

553

168.112

4.353

793.987,2

1.279.475,2

2

H.Nho Quan

4.639

2.820.512

635

386.080

570

173.280

3.434

626.361,6

1.185.721,6

 

Tổng chung

10.067

6.120.736

1.157

703.456

1.123

341.392

7.787

1.420.348,8

2.465.196,8

 

PHỤ LỤC 2

KINH PHÍ ĐÓNG GÓP CỦA PHỤ HUYNH HỌC SINH GIAI ĐOẠN I
(Kèm theo Kế hoạch số 08/KH-UBND ngày 13/02/2017 của UBND tỉnh Ninh Bình)

(180ml/hộp sữa x 02 hộp sữa/ tuần/1 cháu x 38 tuần; Trị giá mỗi hộp sữa 8.000 đồng (bao gồm cả chi phí vận chuyển, bốc dỡ)

Đơn vị tính: 1.000 đồng

STT

Huyện/thành phố

Tổng số lượng học sinh

Học sinh nghèo và chính sách (Diện A)

Học sinh cận nghèo (Diện B)

Học sinh bình thường (Diện C)

Tổng chi phí hỗ trợ sản phẩm sữa

Số lượng học sinh

Đóng góp của gia đình học sinh (hỗ trợ 100%)

Số lượng học sinh

Đóng góp của gia đình học sinh (50%)

Số lượng học sinh

Đóng góp của gia đình học sinh (70%)

1

H. Kim Sơn

5.428

522

0

553

168.112

4.353

1.852.636,8

2.020.748,8

2

H.Nho Quan

4.639

635

0

570

173.280

3.434

1.461.510,4

1.634.790,4

 

Tổng chung

10.067

1.157

0

1.123

341.392

7.787

3.314.147,2

3.655.539,2

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 08/KH-UBND năm 2017 triển khai Chương trình Sữa học đường trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đến năm 2020

  • Số hiệu: 08/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 13/02/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Bình
  • Người ký: Tống Quang Thìn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 13/02/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản