Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 05/KH-UBND

Đồng Nai, ngày 12 tháng 01 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN Y DƯỢC CỔ TRUYỀN, KẾT HỢP Y DƯỢC CỔ TRUYỀN VỚI Y DƯỢC HIỆN ĐẠI ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI

Căn cứ Quyết định số 1893/QĐ-TTg ngày 25/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc Ban hành chương trình phát triển y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại đến năm 2030;

Thực hiện Công văn số 911/BYT-YDCT ngày 26/02/2020 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn triển khai Quyết định số 1893/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ;

UBND tỉnh Đồng Nai xây dựng Kế hoạch phát triển Y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Phát triển toàn diện y dược cổ truyền, tăng cường kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại nhằm bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030

a) Phát triển toàn diện y dược cổ truyền

Tăng cường năng lực khám bệnh, chữa bệnh về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh YDCT.

- Nhân lực: Đến năm 2025: 40% trạm y tế có bác sĩ, y sĩ YHCT; năm 2030: 80% trạm y tế có bác sĩ, y sĩ YHCT.

- Cơ sở vật chất, trang thiết bị:

Phấn đấu đến năm 2025 phát triển Bệnh viện Y dược cổ truyền tỉnh thành Bệnh viện đa khoa Y dược cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh. Chú trọng đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị theo định hướng đa khoa, lấy YDCT làm nòng cốt, kết hợp phát triển hệ thống Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng (PHCN) nhằm thực hiện tốt nhu cầu nghiên cứu, điều trị, giảng dạy, chỉ đạo tuyến ... về YDCT - PHCN.

95% Bệnh viện đa khoa, Bệnh viện chuyên khoa có khoa YDCT.

100% Trạm y tế xã, phường, thị trấn có triển khai hoạt động tư vấn sử dụng YDCT trong chăm sóc sức khỏe hoặc tổ chức khám bệnh, chữa bệnh YDCT.

- Tăng tỷ lệ khám bệnh, chữa bệnh YDCT, kết hợp YDCT với YHHĐ ở tất cả các tuyến; đến năm 2025: tuyến tỉnh đạt 20%, tuyến huyện đạt 25%, tuyến xã đạt 30%; đến năm 2030: tuyến tỉnh đạt 25%, tuyến huyện đạt 30%, tuyến xã đạt 40%.

- Tăng tỷ lệ chi trả thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ quỹ Bảo hiểm y tế trong tổng số chi phí cho thuốc: đến năm 2025 tối thiểu là 20% và đến năm 2030 là 30%; trong đó chi phí sử dụng dược liệu sẵn có tại địa phương trong chữa bệnh tối thiểu là 5% trong tổng số chi phí thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền.

- Tăng số lượng đề tài nghiên cứu khoa học về YDCT được ứng dụng trong thực tiễn; triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ về YDCT.

- Quy hoạch vùng chuyên trồng; chế biến cây, con làm thuốc theo hướng công nghiệp; nghiên cứu, điều tra, bảo tồn nguồn gen về dược liệu, cây thuốc quý.

- Phát triển YDCT khối tư nhân, tăng cường vai trò của các hội, hiệp hội nghề nghiệp trong lĩnh vực YDCT.

b) Kết hợp Y dược cổ truyền với Y học hiện đại

- Đến năm 2025:

Phấn đấu đến năm 2025 các khoa YHCT của các Bệnh viện, Trung tâm y tế có kết hợp tốt YDCT với YHHĐ trong khám, chữa bệnh. Chú trọng đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại phục vụ khám, chữa bệnh.

100% bác sỹ YHCT được đào tạo, cập nhật kiến thức sử dụng trang thiết bị hiện đại phục vụ khám chữa bệnh.

Bệnh viện YDCT tỉnh và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh YHCT tuyến tỉnh từng bước đầu tư mua sắm trang thiết bị sản xuất chế phẩm thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu; phấn đấu đạt mục tiêu các thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền sản xuất tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cung ứng trên địa bàn tỉnh được quỹ bảo hiểm y tế chi trả.

- Đến năm 2030:

Bệnh viện đa khoa YDCT - PHCN tỉnh từng bước được đầu tư trang thiết bị bào chế, sản xuất các dạng bào chế hiện đại thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu; phấn đấu đạt mục tiêu các thuốc dạng bào chế hiện đại thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu sản xuất tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cung ứng trên địa bàn tỉnh được quỹ bảo hiểm y tế chi trả.

100% bác sỹ YHCT được đào tạo liên tục hoặc đào tạo chuyên sâu sau đại học các chuyên khoa về YHHĐ.

Tăng tỷ lệ khám bệnh, chữa bệnh, số lượng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có lồng ghép giữa YDCT với YHHĐ.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Tổ chức bộ máy và phát triển nguồn nhân lực

a) Tổ chức bộ máy

- Sở Y tế có cán bộ chuyên trách quản lý về YDCT.

- Phòng Y tế, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố, Trạm y tế các xã, phường, thị trấn có cán bộ chuyên trách về công tác YDCT.

- Xây dựng quy chế phối hợp hoạt động giữa Sở Y tế và Hội Đông y tỉnh về phát triển y, dược học cổ truyền theo Nghị quyết liên tịch số 02/NQLT-BYT-TWHĐYVN ngày 31/7/2014 của Bộ Y tế và Trung ương Hội Đông y Việt Nam.

b) Phát triển nguồn nhân lực

Thu hút, đào tạo cán bộ y tế tại các cơ sở y tế chuyên ngành y dược cổ truyền bằng nhiều hình thức như: Chính quy, liên thông, đào tạo theo địa chỉ sử dụng để nâng cao trình độ cán bộ y tế về chuyên ngành này. Tổ chức đào tạo lại và cấp chứng nhận đủ điều kiện hành nghề cho đội ngũ lương y, lương dược; đến năm 2025 đáp ứng đủ nhân lực, đảm bảo số lượng, chất lượng cán bộ hoạt động về y dược cổ truyền trên địa bàn tỉnh.

2. Phát triển hệ thống khám chữa bệnh

a) Phát triển Bệnh viện Y dược cổ truyền tỉnh thành Bệnh viện đa khoa Y dược cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh: Xây dựng Đề án Phát triển Bệnh viện y dược cổ truyền tỉnh thành Bệnh viện y dược cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và bổ sung nhân lực cho Bệnh viện y dược cổ truyền theo định hướng đa khoa, lấy YDCT làm nòng cốt, kết hợp phát triển hệ thống Vật lý trị liệu - PHCN nhằm thực hiện tốt nhu cầu nghiên cứu, điều trị, giảng dạy, chỉ đạo tuyến về YDCT - PHCN.

b) Củng cố phát triển khoa YDCT tại các bệnh viện đa khoa tỉnh; bệnh viện chuyên khoa; bệnh viện đa khoa khu vực; trung tâm y tế huyện, thành phố. Kết hợp hiệu quả giữa YDCT và YHHĐ trong điều trị bệnh.

c) Củng cố công tác khám, chữa bệnh bằng YDCT tại các Trạm y tế xã, phường, thị trấn; triển khai hoạt động tư vấn sử dụng YDCT trong chăm sóc sức khỏe nhân dân.

d) Khuyến khích YDCT khối tư nhân; đẩy mạnh công tác xã hội hóa YHCT.

3. Phát triển cây dược liệu; nâng cao chất lượng, chủng loại dược liệu, thuốc đông y, thuốc từ dược liệu

a) Tiếp tục xây dựng, triển khai các đề án tổ chức các vùng nuôi, trồng dược liệu theo tiêu chuẩn thực hành tốt nuôi trồng, thu hoạch dược liệu theo quy mô công nghiệp, gắn liền với đẩy mạnh công tác quy hoạch, ưu tiên các loại cây, con chữa bệnh tốt, giá trị kinh tế cao, nhu cầu sử dụng lớn.

b) Xây dựng các trung tâm Bảo tồn và phát triển nguồn gen cây thuốc đặc hữu, quý, hiếm và có giá trị kinh tế, dược liệu trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt là xây dựng Vườn Bảo tồn và Phát triển cây thuốc Quốc gia Nam bộ tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai, làm cơ sở bảo tồn và nhân giống các loài cây thuốc có giá trị cao

c) Khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng thuốc nam, thuốc dân gian, thuốc gia truyền để đưa vào sản xuất với quy mô lớn đáp ứng nhu cầu sử dụng trong và ngoài tỉnh.

d) Có cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích đầu tư sản xuất, chế biến dược liệu có quy mô đáp ứng nhu cầu thị hiếu, thúc đẩy tiêu dùng của xã hội ngày càng tăng.

4. Tăng cường vai trò của Hội Đông y, Hội Châm cứu

a) Hội Đông y, Hội Châm cứu các cấp, củng cố, ổn định tổ chức, nhân lực, đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất để hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích của Hội; đóng vai trò nòng cốt trong sự nghiệp phát triển nền đông y của tỉnh, góp phần vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân. Phát triển hội viên, kết hợp với ngành y tế trong quản lý hành nghề gắn với sự phát triển y dược cổ truyền tại địa phương.

b) Hội Đông y tỉnh phối hợp với các ngành liên quan, các địa phương đẩy mạnh sưu tầm, phát hiện, tập hợp các cây, con làm thuốc, quy hoạch bảo tồn gen các cây, con làm thuốc; đặc biệt những cây con quý hiếm có nguy cơ tiệt chủng.

5. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và hợp tác về YDCT

Triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ về YDCT, tối thiểu 2 nhiệm vụ khoa học cấp tỉnh, ngành/01 năm.

Tăng cường hợp tác với các đơn vị, cá nhân trong việc liên kết tạo các sản phẩm YDCT, thực phẩm chức năng. Tạo đầu ra cho các vùng trồng nguyên liệu trên địa bàn tỉnh.

6. Thông tin, truyền thông về lĩnh vực YDCT

Tăng cường tuyên truyền, phổ biến về vai trò của YHCT trong điều trị bệnh, nhất là sự kết hợp đông y với tây y trong phòng bệnh, trị bệnh, bảo vệ sức khỏe bằng những bài thuốc hay, thuốc gia truyền giúp mọi người hiểu rõ vai trò, vị trí của nền Đông y Việt Nam, phát huy thế mạnh của các cây, con làm thuốc và các phương pháp khám, chữa bệnh YHCT có hiệu quả là bảo tồn và phát huy một bộ phận của nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Cập nhật, phổ biến các thông tư, quy định... liên quan đến lĩnh vực YHCT để các cơ sở khám, chữa bệnh, kinh doanh về lĩnh vực YDCT biết và thực hiện đúng.

7. Hợp tác quốc tế

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về YDCT, tập trung hợp tác trong các hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu, nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân lực, chuyển giao kỹ thuật và học tập kinh nghiệm các nước có nền YDCT phát triển.

8. Công tác thanh tra, kiểm tra

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở khám, chữa bệnh YDCT và hoạt động mua bán, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu dược liệu, thuốc cổ truyền.

9. Kinh phí

Huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn, đáp ứng yêu cầu phát triển YHCT trên địa bàn tỉnh như: Nguồn ngân sách nhà nước, vốn vay, nguồn viện trợ và các nguồn khác (nếu có) để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo nhân lực về YHCT tại các cơ sở y tế.

Khuyến khích việc xã hội hóa, huy động các nguồn kinh phí hợp pháp ngoài ngân sách nhà nước để thực hiện chương trình.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế:

a) Là cơ quan thường trực chủ trì phối hợp các sở, ban, ngành trong việc triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y học hiện đại của tỉnh.

b) Xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu tại kế hoạch; có nội dung và lộ trình thực hiện để đạt các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, có giải pháp để phát triển hệ thống khám chữa bệnh YDCT trên địa bàn tỉnh.

c) Đề xuất đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bằng YDCT và kết hợp YDCT với YHHĐ ở các khoa Y học cổ truyền của các Bệnh viện đa khoa, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố; trạm y tế xã, phường, thị trấn.

d) Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng đề án nghiên cứu và đề xuất các vùng chuyên nuôi trồng dược liệu theo quy định; ban hành các quy trình trong nuôi trồng dược liệu, công nhận giống dược liệu; phát triển nuôi trồng các loại dược liệu, chú trọng các loại dược liệu có giá trị y tế và kinh tế cao.

e) Phối hợp với Khu Bảo tồn thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai nghiên cứu, phát triển nuôi trồng các loài cây, con để làm thuốc, chú trọng các loại dược liệu có giá trị y tế và kinh tế, đảm bảo nguồn dược liệu cung cấp cho các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.

f) Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, xây dựng đề án hiện đại hóa YDCT, kết hợp YDCT với YDHĐ; tăng cường công tác nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực YDCT, kết hợp YDCT với YDHĐ.

f) Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Ngoại vụ, các sở, ban, ngành liên quan xây dựng kế hoạch hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học, khám, chữa bệnh; nuôi trồng, chế biến dược liệu, trao đổi chuyên gia về y dược cổ truyền.

h) Phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, cơ quan truyền thông đại chúng tuyên truyền, phổ biến về vai trò của YDCT trong phòng và chữa bệnh.

i) Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan, Hội Đông y tỉnh, Hội Châm cứu tỉnh, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện Kế hoạch trên địa bàn tỉnh.

k) Có kế hoạch thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về khám chữa bệnh bằng YDCT; về sản xuất, kinh doanh dược liệu, thuốc đông y, thuốc từ dược liệu tại các cơ sở y tế, các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, các sở, ban, ngành, các địa phương xây dựng quy hoạch, phân bổ diện tích vùng nuôi trồng, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia nuôi trồng các cây, con làm thuốc, ưu tiên phát triển vùng nuôi, trồng cây, con làm thuốc với quy mô lớn; ban hành các quy trình trong nuôi trồng dược liệu, công nhận giống dược liệu.

3. Sở Khoa học và Công nghệ: Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, các sở, ban, ngành triển khai đề tài nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực YDCT, kết hợp YDCT với YDHĐ.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Trên cơ sở đề xuất của Sở Y tế, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh quyết định đầu tư các dự án và tham mưu khả năng cân đối bố trí nguồn vốn đầu tư công theo quy định để thực hiện Kế hoạch.

5. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, các sở, ban, ngành bố trí kinh phí, hướng dẫn các đơn vị quản lý và sử dụng nguồn kinh phí thực hiện Kế hoạch theo quy định hiện hành.

6. Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Báo Đồng Nai, Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Nai: Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, các sở, ban, ngành để được cung cấp thông tin, tài liệu tuyên truyền về vai trò của YHCT trong điều trị bệnh, nhất là sự kết hợp đông y với tây y trong phòng bệnh, trị bệnh, bảo vệ sức khỏe bằng những bài thuốc hay, thuốc gia truyền; đồng thời tuyên truyền, vận động và hướng dẫn cộng đồng tham gia bảo vệ, quảng bá và phát huy giá trị di sản văn hóa của YDCT và bảo tồn, phát triển nguồn cây dược liệu.

7. Sở Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, các sở, ban, ngành quản lý và phát triển nguồn gen cây thuốc; kiểm tra việc xử lý các nguồn thải tại các cơ sở sản xuất, chế biến dược liệu.

8. Sở Công Thương: Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, các sở, ban, ngành quản lý về thị trường nguồn thuốc dược liệu và các loại hình kinh doanh, dịch vụ liên quan.

9. Bảo hiểm xã hội tỉnh:

a) Phối hợp với Sở Y tế trong việc phát triển công tác khám chữa bệnh, cấp thuốc YHCT bằng nguồn Bảo hiểm y tế tại các Bệnh viện, Phòng khám đa khoa, Trạm Y tế theo đúng mục tiêu đề ra.

b) Phối hợp trong công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác khám bệnh, chữa bệnh Bảo hiểm y tế trong các Bệnh viện YHCT, khoa YHCT các Bệnh viện, Phòng khám đa khoa, Trạm Y tế theo đúng quy định.

10. Khu Bảo tồn thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai:

a) Sưu tầm, phát hiện, tập hợp và quy hoạch bảo tồn gen các loại cây, con làm thuốc; đặc biệt là những loại dược liệu đặc hữu, quý hiếm của địa phương.

b) Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế xây dựng, triển khai các đề án tổ chức các vùng nuôi, trồng dược liệu theo tiêu chuẩn thực hành tốt nuôi trồng, thu hoạch dược liệu theo quy mô công nghiệp, gắn liền với đẩy mạnh công tác quy hoạch, ưu tiên các loại cây, con chữa bệnh tốt, giá trị kinh tế cao, nhu cầu sử dụng lớn.

11. Hội Đông y, Hội Châm cứu tỉnh:

a) Xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện Kế hoạch này theo chức năng, nhiệm vụ của Hội; tiếp tục củng cố, ổn định tổ chức Hội; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và y đức cho hội viên, vận động hội viên đem hết khả năng, kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn cống hiến cho sự bảo tồn và phát triển nền đông y của tỉnh.

b) Phối hợp với Sở Y tế xây dựng quy chế phối hợp hoạt động giữa Sở Y tế và Hội Đông y tỉnh về phát triển y, dược cổ truyền.

c) Chỉ đạo, hướng dẫn Hội Đông y, Hội Châm cứu các cấp củng cố, kiện toàn tổ chức, tăng cường phát triển hội viên và hoạt động theo nguyên tắc tổ chức Điều lệ Hội đã ban hành; chủ động phối hợp với ngành y tế trong việc nghiên cứu, ứng dụng, kế thừa, bảo tồn và kết hợp đông y với tây y, góp phần phát triển nền đông y và y học tại địa phương.

d) Đẩy mạnh sưu tầm, phát hiện, tập hợp và quy hoạch bảo tồn gen các loại cây, con làm thuốc; đặc biệt là những loại dược liệu đặc hữu, quý hiếm của địa phương. Kết hợp chặt chẽ giữa khuyến khích trồng cây thuốc tại vườn, tại nhà và các cơ sở khám, chữa bệnh.

12. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Long Khánh, thành phố Biên Hòa:

a) Xây dựng kế hoạch thực hiện Kế hoạch phát triển Y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh tại địa phương; đề ra các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn.

b) Chỉ đạo Phòng Y tế phối hợp với các cơ quan liên quan, UBND các xã, phường, trị trấn triển khai, tổ chức thực hiện kế hoạch trên địa bàn.

c) Tạo điều kiện thuận lợi cho Hội Đông y các huyện, thành phố, các Chi hội hoạt động và phát triển, góp phần tích cực vào sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

d) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở y tế, phòng khám chuyên khoa, phòng chẩn trị YHCT tại địa phương, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Sở Y tế là cơ quan đầu mối, theo dõi, tổng hợp việc triển khai, tổ chức thực hiện Kế hoạch; đôn đốc, nhắc nhở các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương có kế hoạch, lộ trình thực hiện nhằm đạt các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, góp phần bảo tồn, phát triển YDCT tại địa phương và bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Trên đây là Kế hoạch Phát triển y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện, định kỳ báo cáo kết quả thực hiện (qua Sở Y tế tổng hợp), báo cáo UBND tỉnh theo quy định./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Y tế;
- TT. TU, HĐND tỉnh;
- Ban TGTU;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các cơ quan, đơn vị tại Mục III;
- Chánh, Phó VP.UBND tỉnh (KGVX);
- Lưu: VT, KGVX, KTN, KTNS, Cổng TTĐT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Sơn Hùng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 05/KH-UBND năm 2022 về phát triển Y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai

  • Số hiệu: 05/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 12/01/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Nai
  • Người ký: Nguyễn Sơn Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 12/01/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản