Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TRÀ VINH
--------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 03/KH-UBND

Trà Vinh, ngày 21 tháng 01 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

THEO DÕI TÌNH HÌNH THI HÀNH PHÁP LUẬT TRONG LĨNH VỰC BẢO VỆ TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TRÀ VINH NĂM 2020

Triển khai thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh xây dựng Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh năm 2020 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện các quy định tại Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật (sau đây gọi là Nghị định số 59/2012/NĐ-CP của Chính phủ).

- Xem xét, đánh giá khách quan thực trạng thi hành pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, để kịp thời phát hiện những tồn tại, vướng mắc, bất cập và đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường.

2. Yêu cầu

- Thực hiện đầy đủ nguyên tắc, phạm vi trách nhiệm trong công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật được quy định tại Nghị định số 59/2012/NĐ-CP.

- Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở Tư pháp với các sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị, tổ chức có liên quan (sau đây gọi chung là cơ quan, đơn vị) trong công tác theo dõi thi hành pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường.

- Xác định cụ thể nội dung công việc, thời hạn hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao.

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Phạm vi theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường được điều chỉnh bởi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể như sau:

- Luật Bảo vệ Môi trường năm 2014; Nghị định số 127/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ quy định điều kiện tổ chức hoạt động quan trắc môi trường; Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường; Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ quy định về quản lý chất thải và phế liệu; Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường.

- Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật năm 2013, Nghị định số 116/2014/NĐ-CP ngày 04/12/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật; Nghị định số 22/2012/NĐ-CP ngày 26/3/2012 của Chính phủ quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản; Luật Tài nguyên nước năm 2012, Nghị định số 43/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 của Chính phủ quy định lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước.

2. Nội dung theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường.

2.1. Đánh giá tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết:

- Tính kịp thời, đầy đủ của việc ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.

- Tính thống nhất, đồng bộ của các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.

- Tính khả thi của văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.

2.2. Đánh giá tình hình bảo đảm các điều kiện cho thi hành pháp luật:

- Tính kịp thời, đầy đủ, phù hợp và hiệu quả của hoạt động tập huấn, phổ biến pháp luật.

- Tính phù hợp của tổ chức bộ máy; mức độ đáp ứng về nguồn nhân lực cho thi hành pháp luật.

- Mức độ đáp ứng về kinh phí, cơ sở vật chất bảo đảm cho thi hành pháp luật.

2.3. Đánh giá tình hình tuân thủ pháp luật:

- Tính kịp thời, đầy đủ trong thi hành pháp luật của cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền.

- Tính chính xác, thống nhất trong hướng dẫn áp dụng pháp luật và trong áp dụng pháp luật của cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền.

- Mức độ tuân thủ pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

3. Các hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp trong lĩnh vực bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường.

3.1. Thu thập thông tin về tình hình thi hành pháp luật:

Nội dung hoạt động:

- Thu thập thông tin từ báo cáo của các cơ quan nhà nước về tình hình thi hành pháp luật.

- Thu thập thông tin về tình hình thi hành pháp luật được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông tin do tổ chức, cá nhân phản ánh, cung cấp.

+ Sản phẩm đầu ra: Văn bản xử lý hoặc văn bản kiến nghị xử lý thông tin về tình hình thi hành pháp luật.

+ Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp.

+ Cơ quan phối hợp: Các cơ quan, đơn vị.

+ Thời gian thực hiện: Đến tháng 9/2020

3.2. Kiểm tra tình hình thi hành pháp luật:

Nội dung hoạt động:

- Kiểm tra liên ngành theo kế hoạch và kiểm tra đột xuất về tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, trong đó, xác định rõ thời gian, đối tượng và địa điểm kiểm tra.

- Đoàn kiểm tra liên ngành: Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành tỉnh: Y tế, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Công an tỉnh tiến hành kiểm tra các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan đến lĩnh vực bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường.

- Địa điểm kiểm tra liên ngành: Thực hiện tại một số cơ quan nhà nước cấp tỉnh, tổ chức, cá nhân có liên quan và các huyện, thị xã, thành phố.

- Thời gian kiểm tra: Dự kiến từ tháng 8/2020 đến tháng 9/2020.

- Sản phẩm đầu ra: Thông báo kết luận kiểm tra.

3.3. Điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật:

Nội dung hoạt động: Tiến hành điều tra, khảo sát về tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường.

- Đối tượng điều tra, khảo sát: Cơ quan quản lý nhà nước; cán bộ, công chức và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

- Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp.

- Cơ quan phối hợp: Các cơ quan, đơn vị.

- Thời gian thực hiện: Đến tháng 10/2020.

3.4. Xử lý kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật:

Trong quá trình thu thập thông tin, kiểm tra, điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật, nếu phát hiện những hạn chế, bất cập trong thực tiễn thi hành, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh kịp thời xử lý theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 59/2012/NĐ-CP.

Thời gian thực hiện: Đến tháng 10/2020.

III. KINH PHÍ

Sử dụng kinh phí thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật được giao năm 2020 theo quy định.

IV. THỜI GIAN BÁO CÁO

1. Các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện và báo cáo kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật thuộc ngành, lĩnh vực, phạm vi quản lý đến Sở Tư pháp trước ngày 25/9/2020 (kèm file điện tử gửi về địa chỉ mail: thtam@travinh.gov.vn).

2. Sở Tư pháp chịu trách nhiệm tổng hợp, báo cáo chung và báo cáo chuyên sâu về công tác theo dõi thi hành pháp luật trọng tâm, trọng điểm năm 2020 trình Ủy ban nhân dân tỉnh trước ngày 12/12/2020.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Tư pháp

- Chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trong tổ chức các hoạt động cụ thể để thực hiện có hiệu quả công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh được nêu tại Kế hoạch này.

- Tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường tại một số cơ quan, đơn vị. Kết thúc kiểm tra, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị thực hiện điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật đối với một số vấn đề và đối tượng cụ thể thông qua phiếu khảo sát trong lĩnh vực bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường đối với những tổ chức, cá nhân có liên quan trực tiếp.

- Thu thập thông tin về tình hình thực hiện pháp luật từ báo cáo của các cơ quan, đơn vị; kết quả của các đoàn kiểm tra; kết quả điều tra, khảo sát và các thông tin khác.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chỉ đạo, đôn đốc, các đơn vị thuộc quyền quản lý trong việc thực hiện rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến thực hiện nhiệm vụ bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường theo chức năng, nhiệm vụ được giao và theo Kế hoạch này.

- Phối hợp với Sở Tư pháp xây dựng báo cáo chung về tình hình thi hành pháp luật về thực hiện nhiệm vụ bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường.

- Cử cán bộ tham gia đoàn kiểm tra, điều tra, khảo sát liên ngành về tình hình thi hành pháp luật về thực hiện nhiệm vụ bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường.

- Bảo đảm các điều kiện cần thiết cho công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong phạm vi cơ quan, đơn vị.

3. Các Sở, ngành tỉnh: Y tế, Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Công an tỉnh

- Tổ chức theo dõi tình hình thi pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường trong phạm vi được giao quản lý.

- Cử cán bộ tham gia đoàn kiểm tra, điều tra, khảo sát liên ngành về tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường.

- Bảo đảm các điều kiện cần thiết cho công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong phạm vi cơ quan, đơn vị mình.

4. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh thông qua hoạt động của mình phối hợp thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh.

6. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

- Chỉ đạo Phòng Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan; Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường trên địa bàn quản lý.

- Phối hợp với đoàn kiểm tra, điều tra, khảo sát liên ngành của tỉnh thực hiện các hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường trên địa bàn.

Trong quá trình thực hiện nếu có phát sinh khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, địa phương phản ánh về Sở Tư pháp để được hướng dẫn./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Tư pháp (b/c);
- Cục QLXLVPHC&TDTHPL-BTP;
- Cục Công tác phía Nam-BTP;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ngành tỉnh;
- BLĐ VPUBND tỉnh;
- Lưu: VT, NC.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Văn Hẳn