Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 03/KH-UBND | Hà Nội, ngày 05 tháng 01 năm 2017 |
PHÒNG CHỐNG DỊCH THÀNH PHỐ HÀ NỘI NĂM 2017
Năm 2016 tình hình dịch bệnh trên Thế giới và tại Việt Nam có nhiều diễn biến phức tạp. Trên Thế giới các loại dịch bệnh mới nổi, nguy hiểm rộng tại nhiều quốc gia như dịch bệnh do vi rút Zika, hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông (MERS-CoV), bệnh cúm A (H7N9), dịch hạch...; các loại bệnh có vắc xin tiêm chủng có nguy cơ bùng phát trở lại do tỷ lệ tiêm chủng thấp như bạch hầu, ho gà, bại liệt, sởi. Trong nước các loại dịch bệnh lưu hành có số mắc gia tăng như sốt xuất huyết Dengue, tay chân miệng, dại, liên cầu lợn; dịch cúm A (H5N1), cúm A (H5N6) xuất hiện trên đàn gia cầm tại nhiều tỉnh thành nguy cơ lây sang người; dịch bệnh do vi rút Zika có xu hướng gia tăng vào các tháng cuối năm tại một số tỉnh thành đặc biệt là tại thành phố Hồ Chí Minh.
Với sự giao lưu, hội nhập Quốc tế ngày càng sâu rộng, nhiều hoạt động thương mại và du lịch đang diễn ra, Hà Nội sẽ đối mặt với khả năng nhiều dịch bệnh mới xâm nhập từ các nước trên Thế giới trong khi vẫn phải tiếp tục đối phó với các loại dịch bệnh đang lưu hành. Để chủ động triển khai các hoạt động phòng chống bệnh dịch trên địa bàn Thành phố nhằm hạn chế tới mức tối đa những thiệt hại do bệnh dịch gây nên, UBND Thành phố xây dựng kế hoạch phòng chống dịch năm 2017, cụ thể như sau:
a) Mục tiêu chung:
Giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm, khống chế kịp thời dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế, xã hội Thủ đô.
b) Mục tiêu cụ thể:
- 100% UBND các cấp từ Thành phố đến xã, phường, thị trấn xây dựng và triển khai kế hoạch phòng chống dịch bệnh.
- 100% các cơ sở khám chữa bệnh và cơ sở y tế dự phòng đóng trên địa bàn Hà Nội thực hiện khai báo, báo cáo bệnh truyền nhiễm bằng phần mềm trực tuyến theo quy định của Bộ Y tế.
- 100% các cơ sở tiêm chủng đóng trên địa bàn Hà Nội triển khai thực hiện hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia.
- 100% cán bộ y tế trong hệ thống giám sát dịch từ Thành phố đến cơ sở được tập huấn để nắm vững kiến thức, kỹ năng trong giám sát, xử lý dịch bệnh.
- 100% các quận, huyện, thị xã đến các xã, phường, thị trấn, các trường học, cơ quan, đơn vị duy trì hoạt động tổng vệ sinh môi trường vào chiều thứ Sáu và sáng thứ Bảy hàng tuần theo Chỉ thị số 04/2003/CT-UB ngày 17/01/2003 của UBND thành phố Hà Nội.
- Phát hiện sớm, xử lý kịp thời, giám số mắc và tử vong do một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đang lưu hành, sẵn sàng ứng phó có hiệu quả với những dịch bệnh mới nổi, xâm nhập nhằm hạn chế thấp nhất tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong, giảm thiểu tối đa những thiệt hại về kinh tế, xã hội.
- Đảm bảo duy trì các tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cao trong chương trình tiêm chủng mở rộng, giữ vững những thành quả đã đạt được của chương trình.
- Tăng cường công tác thông tin giáo dục truyền thông nguy cơ, phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm và truyền thông nâng cao sức khỏe tại cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi.
- Tăng cường hiệu quả phối hợp liên ngành triển khai các biện pháp phòng chống dịch, kiểm tra, giám sát các hoạt động tại địa phương.
a) Kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch và xây dựng kế hoạch phòng chống dịch:
- Kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, các ngành từ Thành phố đến cơ sở.
- Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, các ngành phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế trong triển khai công tác phòng chống dịch; xây dựng Kế hoạch phòng chống dịch năm 2017, báo cáo UBND Thành phố trước ngày 15/1/2017 (qua Sở Y tế để tổng hợp).
b) Về công tác tuyên truyền:
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và hình thành thói quen áp dụng các biện pháp phòng chống dịch cho cộng đồng.
- Đa dạng hoá các hình thức truyền thông: qua Đài truyền hình, báo đài của Trung ương và Hà Nội; qua hệ thống đài truyền thanh quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn; qua pano, tờ rơi, tờ gấp và tuyên truyền trực tiếp tại cộng đồng. Nội dung và phương pháp tuyên truyền phải phong phú, hấp dẫn để mọi người dân dễ tiếp thu và thực hiện, chú trọng tuyên truyền những bệnh pháp phòng chống dịch.
- Thông tin kịp thời, chính xác diễn biến dịch bệnh và các hoạt động phòng, chống dịch của Thành phố để nhân dân chủ động áp dụng các biện pháp phòng dịch bệnh nhưng không hoang mang, lo lắng.
- Thực hiện truyền thông nguy cơ, phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm.
c) Công tác giám sát, xử lý dịch:
- Tiếp tục củng cố, nâng cao năng lực hệ thống giám sát dịch từ Thành phố đến cơ sở với mục tiêu phát hiện sớm, đáp ứng kịp thời trước mọi diễn biến của bệnh dịch không để dịch lan rộng.
- Phát huy hiệu quả hoạt động mạng lưới y tế thôn bản, cơ sở y tế tư nhân, y tế cơ quan, xí nghiệp, trường học đặc biệt là mạng lưới cộng tác viên phòng chống dịch trong việc phát hiện, thông tin, báo cáo kịp thời ca bệnh dịch để tổ chức xử lý dịch kịp thời, triệt để và huy động sự tham gia của cộng đồng trong công tác phòng chống dịch.
- Giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm để chủ động triển khai các biện pháp phòng bệnh dịch lây từ động vật sang người; dịch bệnh truyền qua thực phẩm.
- Tăng cường công tác giám sát dịch tại các cửa khẩu, đặc biệt là tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài; thường xuyên theo dõi (diễn biến tình hình dịch bệnh ở các nước trong khu vực, các tỉnh, thành trong nước; tổ chức giám sát dịch chặt chẽ đảm bảo phát hiện sớm dịch bệnh xâm nhập vào Thành phố.
- Ứng dụng công nghệ thông tin trong dự báo, giám sát, thống kê số liệu dịch.
- Tổ chức bao vây khoanh vùng xử lý kịp thời và hiệu quả đảm bảo không để dịch lan rộng.
d) Công tác thu dung điều trị bệnh nhân:
- Tăng cường năng lực cho bệnh viện các tuyến, tổ chức phân tuyến điều trị, phòng lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám, chữa bệnh.
- Tập huấn thường xuyên về phác đồ điều trị một số bệnh truyền nhiễm gây dịch, phác đồ chống sốc, chống kháng thuốc.
- Tổ chức các đội cấp cứu lưu động để hỗ trợ các đơn vị dự phòng.
- Trang bị phương tiện chẩn đoán, điều trị, cấp cứu bệnh nhân để đạt mục tiêu giảm tử vong.
đ) Công tác đào tạo, tập huấn:
- Tổ chức tập huấn cho thành viên Ban Chỉ đạo các cấp, các ngành về những văn bản pháp luật trong công tác phòng, chống dịch: Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật...
- Tập huấn cho đội ngũ cộng tác viên những kiến thức trong giám sát, phát hiện ca bệnh dịch; công tác khai báo, thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm và trang bị kỹ năng truyền thông phòng, chống dịch cho cộng đồng.
- Thường xuyên cập nhật các quy định, quy trình về giám sát, xử lý dịch, phác đồ điều trị các bệnh mới nổi có nguy cơ xâm nhập và triển khai tập huấn cho cán bộ, nhân viên y tế.
e) Công tác vệ sinh môi trường phòng, chống dịch:
- Các cơ quan, đơn vị và cộng đồng thực hiện tổng vệ sinh môi trường vào chiều thứ Sáu và sáng thứ Bảy hàng tuần theo Chỉ thị số 04/2003/CT-UB ngày 17/01/2003 của UBND thành phố Hà Nội.
- Tổ chức các đợt cao điểm tổng vệ sinh môi trường phòng chống dịch bệnh: trong dịp Tết Nguyên đán; vệ sinh môi trường sau mưa, lũ; vệ sinh môi trường trong trường học; tổ chức các chiến dịch thu gom phế thải, phế liệu phòng chống dịch sốt xuất huyết và Zika vi rút trước, trong mùa dịch...
g) Công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm:
- Thực hiện nghiêm túc Luật An toàn thực phẩm (ATTP) và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; Chỉ thị số 08-CT/TW ngày 21/10/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chỉ thị số 10-CT/TU ngày 27/10/2016 của Thành Ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với vấn đề ATTP trong tình hình mới; Kế hoạch số 46/KH-UBND ngày 29/3/2012 của UBND Thành phố về triển khai thực hiện Chiến lược Quốc gia An toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến 2030; Kế hoạch số 203/KH-UBND ngày 30/11/2015 của UBND Thành phố về triển khai kế hoạch Chương trình truyền thống chung tay vì ATTP giai đoạn 2015-2020. Quyết định 16/2016/QĐ-UBND ngày 09/5/2016 của UBND Thành phố về "Quy định Phân công trách nhiệm quản lý về an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội". Chỉ thị số 08/CT-UBND ngày 14/4/2016 của UBND Thành phố về "Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố"; Kế hoạch 148/KH-UBND ngày 01/8/2016 của UBND và Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố về "Thực hiện Chương trình phối hợp vận động giám sát ATTP giai đoạn 2016-2020".
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm để chủ động phòng ngừa bệnh dịch lây sang người.
h) Công tác tiêm chủng vắc xin:
- Tiếp tục thực hiện tốt công tác tiêm chủng mở rộng: Đảm bảo các đối tượng được tiêm đủ mũi, đúng thời gian. Tăng cường kiểm tra việc đảm bảo an toàn trong tiêm chủng theo chỉ đạo của Bộ Y tế và quy định của Chính phủ tại Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 quy định về hoạt động tiêm chủng.
- Tổ chức tập huấn thực hành an toàn tiêm chủng và cấp giấy chứng nhận tham gia tập huấn thường xuyên, đảm bảo tất cả cán bộ làm công tác tiêm chủng phải có đầy đủ kỹ năng theo quy định.
- Ứng dụng thống kê báo cáo tiêm chủng mở rộng bằng phần mềm.
- Triển khai tốt tiêm vắc xin phòng một số dịch, bệnh trên gia súc, gia cầm như: Bệnh dại trên chó, mèo; cúm gia cầm; bệnh tai xanh trên lợn; lở mồm long móng trên gia súc...
i) Công tác đảm bảo hậu cần cho phòng chống dịch:
- Chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, phương tiện, hóa chất, thuốc men cho công tác phòng chống dịch.
- Đảm bảo cung ứng đủ vắc xin phòng dịch ở người cũng như vắc xin phòng dịch cho gia súc, gia cầm.
- Bố trí đủ giường bệnh, dịch truyền, thuốc men sẵn sàng cấp cứu, điều trị bệnh nhân hạn chế thấp nhất tử vong do dịch.
j) Công tác kiểm tra:
- Kiểm tra định kỳ: Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp có kế hoạch định kỳ kiểm tra công tác phòng, chống dịch (Thành phố kiểm tra quận, huyện 2 lần/năm; hàng quý quận, huyện, thị xã tổ chức kiểm tra việc thực hiện của các xã, phường, thị trấn; hàng tháng xã, phường, thị trấn tổ chức kiểm tra công tác phòng chống dịch trên địa bàn).
- Căn cứ vào diễn biến dịch bệnh Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp tổ chức kiểm tra đột xuất để kịp thời chỉ đạo công tác phòng, chống dịch.
- Các Sở, Ban, ngành tổ chức kiểm tra công tác phòng, chống dịch của các đơn vị trực thuộc và tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành của Thành phố.
k) Tiếp tục triển khai các dự án thuộc đề án “Nâng cao năng lực hệ thống giám sát, cảnh báo sớm, đáp ứng nhanh với một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm tại Hà Nội đến năm 2020”.
a) Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Thành phố:
- Kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Thành phố, xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch năm 2017 trình UBND Thành phố phê duyệt.
- Chỉ đạo kịp thời công tác phòng, chống dịch theo đặc trưng dịch bệnh từng mùa cũng như trước diễn biến bất thường của dịch bệnh.
- Tổ chức giao ban định kỳ, giao ban đột xuất (khi cần thiết), nắm bắt thông tin về diễn biến của dịch để có chỉ đạo kịp thời.
- Tổ chức kiểm tra công tác phòng, chống dịch của các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã.
b) Sở Y tế (Thường trực BCĐ Thành phố):
- Tham mưu UBND Thành phố chỉ đạo công tác phòng, chống dịch.
- Hướng dẫn, kiểm tra công tác phòng, chống dịch của các Sở, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã.
- Chỉ đạo các đơn vị trong ngành thực hiện tốt các hoạt động chuyên môn trong công tác phòng, chống dịch: Giám sát chặt chẽ dịch tại cộng đồng, cơ sở y tế (giám sát trọng điểm, giám sát ổ dịch cũ, giám sát véc tơ truyền bệnh, giám sát ca bệnh...) để kịp thời phát hiện sớm, xử lý triệt để không để dịch bùng phát; giám sát hành khách nhập cảnh từ các vùng có dịch, vùng có ổ dịch cũ nhằm phát hiện sớm ca bệnh dịch để cách ly không để dịch xâm nhập. Các bệnh viện chuẩn bị khu cách ly đủ giường bệnh, thuốc, dịch truyền, trang thiết bị và nhân lực sẵn sàng tiếp nhận, cách ly, điều trị bệnh nhân.
- Chỉ đạo xây dựng và triển khai hệ thống giám sát trọng điểm bệnh truyền nhiễm.
- Đảm bảo đầy đủ các trang thiết bị, vật tư, hóa chất, thuốc men... cho công tác phòng, chống dịch.
- Phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí của Trung ương và Hà Nội thông tin kịp thời, chính xác diễn biến dịch. Phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông và các Sở, ngành, đoàn thể trong hoạt động truyền thông phòng, chống dịch tại cộng đồng.
- Chỉ đạo các đơn vị trong ngành tiếp tục triển khai các dự án thuộc đề án “Nâng cao năng lực hệ thống giám sát, cảnh báo sớm, đáp ứng nhanh với một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm tại Hà Nội đến năm 2020” đã được UBND Thành phố phê duyệt tại Quyết định số 2830/QĐ-UBND ngày 02/5/2013. Tập trung vào những nhiệm vụ: Nâng cấp phòng xét nghiệm của Trung tâm Y tế dự phòng Thành phố với mục tiêu đạt tiêu chuẩn phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp độ III, tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng, chống dịch, triển khai hệ thống thông tin điện tử báo cáo dịch.
c) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Xây dựng và triển khai kế hoạch phòng chống dịch trên gia súc, gia cầm, thực hiện tốt việc tiêm vắc xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm. Đặc biệt tăng cường việc tiêm vắc xin phòng chống bệnh dại cho đàn chó, mèo tại các huyện nguy cơ cao về bệnh dại như Sóc Sơn, Chương Mỹ, Ba Vì, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Hoài Đức...
- Phối hợp Sở Y tế xây dựng kế hoạch liên ngành phòng, chống dịch bệnh lây từ động vật sang người.
- Tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch cho gia súc, gia cầm để nhân dân chủ động áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch trong chăn nuôi.
- Tổ chức và duy trì hoạt động của các chốt kiểm dịch động vật, không để gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc lưu thông trên địa bàn Thành phố. Thực hiện tiêu độc, khử trùng tại các chợ đầu mối, khu vực chăn nuôi gia súc, gia cầm.
- Tổ chức bao vây, xử lý triệt để các ổ dịch trên gia súc, gia cầm, chú trọng các dịch bệnh có khả năng lây sang người.
- Thông tin kịp thời diễn biến dịch bệnh trên gia súc, gia cầm cho ngành Y tế để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch trên người.
- Đảm bảo chất lượng nước ăn uống và sinh hoạt và nước sạch nông thôn, hạn chế các loại dịch, bệnh lây qua đường tiêu hóa.
d) Sở Giáo dục và Đào tạo:
- Phối hợp Sở Y tế xây dựng kế hoạch liên ngành phòng, chống dịch bệnh trong trường học.
- Chỉ đạo triển khai các hoạt động phòng, chống dịch trong trường học, chú trọng công tác vệ sinh môi trường phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là bệnh dịch có nguy cơ lan nhanh trong trường học như: Dịch, bệnh đường hô hấp, bệnh tay chân miệng và các dịch, bệnh khác.
- Phối hợp với ngành Y tế triển khai các chiến dịch tiêm chủng vắc xin tại các trường học.
- Thực hiện tốt công tác y tế học đường (quản lý, chăm sóc sức khỏe học sinh), công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong trường học.
- Tuyên truyền cho học sinh về dịch, bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch trong nhà trường; khuyến khích học sinh tham gia vào các hoạt động phòng chống dịch tại cộng đồng. Phổ biến kiến thức phòng, chống dịch, bệnh trên bảng tin của các trường học.
- Cung cấp kịp thời thông tin về trường hợp học sinh mắc bệnh, dịch trong trường học cho ngành Y tế để phối hợp xử lý.
đ) Sở Du lịch:
- Chỉ đạo các công ty du lịch, các khách sạn tổ chức tập huấn về công tác phòng, chống dịch, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm cho cán bộ, nhân viên nhất là nhân viên phục vụ ăn, uống.
- Thông báo kịp thời các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, dịch và hành trình của các đoàn khách đến từ vùng có dịch với Sở Y tế để phối hợp giám sát.
e) Sở Công Thương:
- Chỉ đạo việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định trong kinh doanh, giết mổ gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm của các cơ sở kinh doanh.
- Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý thị trường không để thực phẩm không rõ nguồn gốc xâm nhập vào địa bàn Thành phố.
g) Sở Thông tin và Truyền thông:
- Đôn đốc, phối hợp các cơ quan báo, đài Thành phố (Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, Báo Hà Nội mới, Báo Kinh tế và Đô thị, Báo An ninh Thủ đô) phối hợp các cơ quan thông tấn, báo chí của Trung ương thông tin kịp thời, chính xác về diễn biến dịch bệnh và công tác phòng chống dịch trên địa bàn Thành phố, phổ biến cách làm hay, gương điển hình trong công tác phòng, chống dịch.
- Phối hợp ngành Y tế tổ chức truyền thông giáo dục sức khỏe nâng cao nhận thức của người dân để người dân chủ động phòng bệnh và hợp tác với cơ quan y tế trong phòng, chống dịch.
h) Sở Xây dựng:
- Chỉ đạo thực hiện tốt vệ sinh môi trường, thu gom phế thải, phế liệu, diệt bọ gậy phòng chống sốt xuất huyết và các dịch bệnh khác tại các công trình xây dựng.
- Đảm bảo cung cấp nước sạch cho ăn uống, sinh hoạt ở khu vực đô thị, đặc biệt tại các khu chung cư, nhà cao tầng.
- Phối hợp với ngành Y tế trong việc kiểm tra giám sát chất lượng nguồn nước ăn uống, sinh hoạt trên địa bàn.
- Tuyên truyền công tác phòng, chống dịch cho cán bộ, công nhân tại các công trường xây dựng.
i) Sở Tài nguyên và Môi trường:
- Chỉ đạo các công ty môi trường đô thị triển khai tốt công tác thu gom, quản lý, xử lý nguồn chất thải, rác thải sinh hoạt và rác thải y tế.
- Quản lý môi trường, nguồn nước: Tổ chức thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh có nguồn nước thải, đảm bảo nguồn nước thải được xử lý trước khi xả thải ra môi trường.
j) Sở Khoa học và Công nghệ:
- Khuyến khích triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực xử lý môi trường phòng, chống dịch, bệnh.
- Phổ biến và áp dụng những tiến bộ khoa học, công nghệ trong lĩnh vực phòng, chống dịch.
k) Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư:
- Cấp đủ kinh phí cho hoạt động phòng chống dịch, chuẩn bị nguồn kinh phí dự phòng cho công tác phòng chống dịch trong trường hợp cần thiết.
- Phối hợp thẩm định và tham mưu cho UBND Thành phố phê duyệt các dự án thuộc đề án “Nâng cao năng lực hệ thống giám sát, cảnh báo sớm, đáp ứng nhanh với một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm tại Hà Nội đến năm 2020” theo Quyết định số 2830/QĐ-UBND ngày 02/5/2013 của UBND Thành phố.
I) Công an thành phố Hà Nội:
- Chỉ đạo Cảnh sát môi trường tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm, đúng quy định pháp luật những đơn vị gây ô nhiễm môi trường.
- Phối hợp, tham gia các đoàn liên ngành kiểm tra công tác đảm bảo an toàn thực phẩm phòng, chống dịch.
m) Sở Ngoại vụ:
- Phối hợp với ngành y tế quản lý các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm có yếu tố nước ngoài.
- Phổ biến, tuyên truyền phòng, chống dịch, bệnh cho người nước ngoài đến Việt Nam.
n) Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội:
- Chỉ đạo phòng quân Y các đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch.
- Có phương án triển khai khu vực cách ly và bệnh viện dã chiến chi viện cho ngành Y tế trong tình huống khẩn cấp vượt quá khả năng đáp ứng của ngành Y tế.
o) Sở Giao thông vận tải:
- Có phương án huy động các phương tiện vận tải công cộng đáp ứng tình huống dịch bùng phát, cần di chuyển người dân đến khu vực cách ly theo đề nghị của ngành Y tế.
- Chỉ đạo thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường tại nhà ga, bến xe, bến tàu.
p) Sở Lao động Thương binh và Xã hội:
Đảm bảo công tác an sinh xã hội cho những người trong khu vực dịch, hỗ trợ kịp thời đối với trường hợp tử vong do bệnh, dịch theo quy định.
q) Cảng vụ Hàng không miền Bắc:
Chỉ đạo các đơn vị tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài triển khai các biện pháp phòng chống dịch, phối hợp với các đơn vị liên quan giám sát chặt chẽ hành khách, hàng hóa nhập cảnh từ vùng có dịch.
r) Cục Hải Quan thành phố Hà Nội:
Chỉ đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay Nội Bài và các đơn vị trong ngành phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế xử lý hàng hóa bị ô nhiễm có nguy cơ phát tán mầm bệnh gây dịch.
s) Bảo hiểm Xã hội thành phố Hà Nội:
Phối hợp Sở Y tế trong thanh toán chi phí điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh, dịch theo quy định.
t) UBND các quận, huyện, thị xã:
- UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn trước UBND Thành phố.
- Chỉ đạo xây dựng kế hoạch và kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch từ quận, huyện, thị xã đến xã, phường, thị trấn.
- Bố trí kinh phí hoạt động phòng, chống dịch trên địa bàn từ nguồn kinh địa phương và chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn bố trí kinh phí cho hoạt động phòng, chống dịch của tuyến xã, phường, thị trấn.
- Chỉ đạo Phòng Y tế phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Y tế tổ chức giám sát chặt chẽ phát hiện sớm dịch, bệnh truyền nhiễm tại cộng đồng, xử lý kịp thời không để dịch bùng phát, lan rộng.
- Chỉ đạo các ban, ngành thực hiện công tác phòng, chống dịch theo nhiệm vụ được phân công. Huy động lực lượng của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội tham gia công tác phòng, chống dịch.
- Huy động cộng đồng duy trì tổng vệ sinh môi trường hàng tuần. Tổ chức và phát động các chiến dịch tổng vệ sinh vệ sinh môi trường thu gom phế thải, phế liệu phòng, chống sốt xuất huyết và các dịch bệnh khác.
- Tăng cường chỉ đạo công tác quản lý súc vật nuôi nhất là chó, mèo; chỉ đạo triển khai tốt việc tiêm vắc xin phòng dại cho chó, mèo; tiêm vắc xin phòng cúm A/H5N1 cho gia cầm; vắc xin phòng bệnh tai xanh, lở mồm, long móng trên đàn gia súc.
- Chỉ đạo tuyên truyền để nhân dân biết cách tự phòng bệnh, chủ động đến các cơ sở y tế khi có dấu hiệu nghi ngờ và tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống dịch tại cộng đồng.
- Thực hiện quản lý, thanh tra, kiểm tra công tác đảm bảo An toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc hoạt động phòng, chống dịch tại địa phương.
u) Đề nghị UBMTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội và các Đoàn thể Thành phố:
- Phối hợp ngành Y tế và các Sở, Ban, ngành Thành phố trong chỉ đạo tổ chức triển khai công tác phòng, chống dịch.
- Chỉ đạo tổ chức tuyên truyền sâu rộng cho thành viên, hội viên các cấp MTTQ, các hội, đoàn thể về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch và tích cực tham gia công tác phòng,chống dịch tại cộng đồng.
4. Chế độ giao ban và thông tin, báo cáo
- Duy trì giao ban Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp định kỳ 01 lần/quý (khi không có dịch), khi có dịch giao ban định kỳ 01 lần/tuần (khi có tình huống khẩn cấp sẽ triệu tập họp đột xuất để kịp thời chỉ đạo).
- Sở Y tế là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch, bệnh Thành phố, đôn đốc các thành viên Ban Chỉ đạo triển khai các hoạt động phòng, chống dịch và tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố. Các thành viên Ban Chỉ đạo có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống dịch theo nhiệm vụ được phân công.
- Thực hiện nghiêm túc Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ Y tế hướng dẫn chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm.
- UBND Thành phố bố trí kinh phí cho các hoạt động phòng chống dịch cấp Thành phố.
- UBND quận, huyện, thị xã: Cân đối bố trí kinh phí cho công tác tổ chức, triển khai phòng, chống dịch trên địa bàn theo quy định từ nguồn kinh phí của địa phương và chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn bố trí kinh phí cho công tác này.
UBND Thành phố đề nghị Ủy ban MTTQ việt Nam thành phố Hà Nội và các đoàn thể Thành phố, yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện nghiêm túc Kế hoạch này, định kỳ báo cáo UBND Thành phố (qua Sở Y tế để tổng hợp)./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Kế hoạch 2069/KH-UBND năm 2016 phòng, chống dịch bệnh cho động vật thủy sản nuôi năm 2017 do tỉnh Quảng Bình ban hành
- 2Công điện 03/CĐ-UBND năm 2017 về tăng cường phòng, chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn thành phố Hà Nội ban hành
- 3Kế hoạch 322/KH-UBND phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2017 do tỉnh Hà Nam ban hành
- 1Chỉ thị 04/2003/CT-UB về việc Tổng vệ sinh toàn Thành phố vào 6h30 thứ Bảy hàng tuần đón Xuân Quí Mùi và hướng tới Sea games 22 do Ủy ban nhân dân Thành phố Hà nội ban hành
- 2Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007
- 3Luật an toàn thực phẩm 2010
- 4Chỉ thị 08-CT/TW năm 2011 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới do Ban Bí thư ban hành
- 5Quyết định 2830/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Đề án Nâng cao năng lực hệ thống giám sát, cảnh báo sớm, đáp ứng nhanh với dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm tại Hà Nội đến năm 2020
- 6Kế hoạch 46/KH-UBND năm 2012 thực hiện Chiến lược Quốc gia An toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến 2030 do thành phố Hà Nội ban hành
- 7Thông tư 54/2015/TT-BYT hướng dẫn chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 8Kế hoạch 203/KH-UBND năm 2015 triển khai kế hoạch chương trình truyền thông "Chung tay vì an toàn thực phẩm" thành phố Hà Nội giai đoạn 2015-2020
- 9Quyết định 16/2016/QĐ-UBND Quy định phân công trách nhiệm quản lý về An toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội
- 10Nghị định 104/2016/NĐ-CP quy định về hoạt động tiêm chủng
- 11Kế hoạch 2069/KH-UBND năm 2016 phòng, chống dịch bệnh cho động vật thủy sản nuôi năm 2017 do tỉnh Quảng Bình ban hành
- 12Công điện 03/CĐ-UBND năm 2017 về tăng cường phòng, chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn thành phố Hà Nội ban hành
- 13Kế hoạch 322/KH-UBND phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2017 do tỉnh Hà Nam ban hành
Kế hoạch 03/KH-UBND phòng chống dịch thành phố Hà Nội năm 2017
- Số hiệu: 03/KH-UBND
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 05/01/2017
- Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
- Người ký: Ngô Văn Quý
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra