Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
CÁC HƯỚNG DẪN LÀM VIỆC VỚI TRẺ EM TRONG HỆ THỐNG TƯ PHÁP HÌNH SỰ, 1997
(Được khuyến nghị bởi Hội đồng Kinh tế - Xã hội Liên Hợp Quốc trong Nghị quyết số 1997/30 ngày 21/7/1997).
1. Chiếu theo Nghị quyết số 1996/13 ngày 23/7/1996 của Hội đồng Kinh tế-Xã hội, Các hướng dẫn này được xây dựng bởi một nhóm chuyên gia trong thời gian làm việc từ ngày 23 đến 25/2/1997 tại Viên, với sự tài trợ của chính phủ Áo. Khi xây dựng văn kiện này, các chuyên gia đã nghiên cứu các ý kiến và thông tin gửi tới từ các chính phủ.
2. Hai mươi chín chuyên gia từ 11 nước ở các khu vực khác nhau, cùng với đại diện của Trung tâm Quyền con người trực thuộc Ban Thư ký Liên Hợp Quốc, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc, Ủy ban về quyền trẻ em, và các quan sát viên thuộc các tổ chức phi chính phủ có liên quan đến vấn đề tư pháp người chưa thành niên đã tham gia cuộc họp này.
3. Văn kiện này được gửi tới Tổng Thư ký và các cơ quan, chương trình có liên quan của Liên Hợp Quốc, các Quốc gia thành viên Công ước về quyền trẻ em để hỗ trợ việc thực hiện công ước này, cũng như tới các Quốc gia thành viên đang sử dụng và áp dụng Các Quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu của Liên Hợp Quốc về áp dụng tư pháp với người chưa thành niên (Các quy tắc Bắc Kinh), các Hướng dẫn của Liên Hợp Quốc về ngăn ngừa người chưa thành niên vi phạm pháp luật (các Hướng dẫn Ri-át) và Các quy tắc của Liên Hợp Quốc về bảo vệ người chưa thành niên bị tước quyền tự do, mà sau đây được gọi chung là các quy tắc và tiêu chuẩn của Liên Hợp Quốc về tư pháp người chưa thành niên.
I. CÁC MỤC ĐÍCH, MỤC TIÊU VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN CẦN ĐƯỢC XEM XÉT
4. Mục đích của các Hướng dẫn này là nhằm cung cấp một khuôn khổ để đạt được các mục tiêu sau đây:
a. Để thực hiện Công ước về quyền trẻ em và đạt được các mục tiêu đã đề ra trong công ước mà liên quan đến trẻ em trong bối cảnh tư pháp người chưa thành niên, cũng như để sử dụng và áp dụng các quy tắc và tiêu chuẩn của Liên Hợp Quốc về tư pháp người chưa thành niên và những văn kiện khác có liên quan, chẳng hạn như Tuyên bố về các nguyên tắc cơ bản về công lý cho các nạn nhân của tội phạm và sự lạm dụng quyền lực.
b. Để thuận tiện cho việc cung cấp sự trợ giúp cho các Quốc gia thành viên trong việc thực hiện có hiệu quả Công ước về quyền trẻ em và các văn kiện có liên quan.
5. Để bảo đảm sử dụng có hiệu quả các Hướng dẫn này, việc tăng cường sự hợp tác giữa các chính phủ, các cơ quan có liên quan trong hệ thống Liên Hợp Quốc, các tổ chức phi chính phủ, các nhóm chuyên môn, giới truyền thông, các cơ quan học thuật, trẻ em và các thành viên của xã hội dân sự là yếu tố thiết yếu.
6. Các Hướng dẫn này cần được dựa trên nguyên tắc là các Quốc gia thành viên có trách nhiệm rõ ràng trong việc thực hiện Công ước về quyền trẻ em.
7. Cơ sở cho việc sử dụng các Hướng dẫn này là những khuyến nghị của Ủy ban về quyền trẻ em.
8. Khi sử dụng bản Hướng dẫn này ở cả hai cấp độ quốc gia và quốc tế, phải quan tâm đến những yếu tố sau đây:
a. Tôn trọng nhân phẩm của con người, phù hợp với bốn nguyên tắc chung được nêu ra trong Công ước về quyền trẻ em, bao gồm: không phân biệt đối xử, kể cả không phân biệt đối xử về giới tính; dành những lợi ích tốt nhất cho trẻ em; quyền được sống, tồn tại và phát triển; và tôn trọng quan điểm của trẻ em;
b. Một sự định hướng dựa trên cơ sở quyền;
c. Một cách tiếp cận thể chế về thực hiện công ước thông qua việc tối đa hóa các nguồn lực và nỗ lực;
d. Tích hợp các dịch vụ dựa trên một cơ sở chiến lược;
e. Sự tham gia của trẻ em và các bộ phận có liên quan trong xã hội;
f. Trao quyền cho các đối tác thông qua một tiến trình phát triển;
g. Tính bền vững không phụ thuộc vào những chủ thể bên ngoài;
h. Sự áp dụng và tiếp cận công bằng với những đối tượng có nhu cầu cấp thiết nhất;
i. Tính tin cậy và minh bạch của quá trình hoạt động;
j. Sự phản hồi tích cực dựa trên những biện pháp phục hồi và phòng ngừa có hiệu quả.
9. Các nguồn lực thích đáng (về con người, tổ chức, công nghệ, tài chính và thông tin) cần được huy động và sử dụng một cách hiệu quả ở mọi cấp độ (quốc tế, khu vực, quốc gia, tỉnh và cơ sở) và trong sự hợp tác với các đối tác có liên quan, bao gồm các chính phủ, các cơ quan Liên Hợp Quốc, các tổ chức phi chính phủ, các nhóm chuyên môn, giới truyền thông, các cơ quan học thuật, trẻ em và những thành viên khác của xã hội dân sự, cũng như với những đối tác khác.
A. Các biện pháp áp dụng chung
10. Cần thấy được tầm quan trọng của một cách tiếp cận quốc gia nhất quán và toàn diện trên lĩnh vực tư pháp người chưa thành niên, dựa trên cơ sở tôn trọng tính liên kết, không thể chia cắt của tất cả các quyền của trẻ em.
11. Cần thực hiện các biện pháp liên quan tới việc hoạch định chính sách, ban hành quyết định, lãnh đạo và cải cách, nhằm bảo đảm rằng:
a. Các nguyên tắc và quy định của Công ước về quyền trẻ em cũng như các quy tắc và tiêu chuẩn của Liên Hợp Quốc về tư pháp người chưa thành niên cần phải được phản ánh đầy đủ trong hệ thống pháp luật và thực tiễn của quốc gia và địa phương, đặc biệt là thông qua việc thiết lập một hệ thống tư pháp người chưa thành niên hướng tới trẻ em, mà có thể bảo đảm các quyền của trẻ em, ngăn chặn sự vi phạm các quyền của trẻ em, thúc đẩy ý thức về nhân phẩm và giá trị của trẻ em, và tôn trọng đầy đủ các yếu tố về độ tuổi, giai đoạn phát triển, quyền được tham gia thực sự và sự đóng góp của trẻ em với xã hội;
b. Những nội dung có liên quan trong các văn kiện đã đề cập ở trên cần phải được phổ biến một cách rộng rãi tới trẻ em, bằng các loại ngôn ngữ mà trẻ em đang sử dụng. Thêm vào đó, nếu thích hợp, cần có các thủ tục cần thiết để bảo đảm rằng mỗi và mọi trẻ em được cung cấp các thông tin có liên quan đến các quyền của các em như đã được nêu trong các văn kiện đó, ít nhất là khi các em có lần đầu tiên liên quan đến hệ thống tư pháp hình sự, và để nhắc nhở các em tuân thủ những nghĩa vụ pháp luật;
c. Cần thúc đẩy sự hiểu biết của giới truyền thông và công chúng về tinh thần, mục đích và các nguyên tắc của tư pháp áp dụng với trẻ em, phù hợp với các quy tắc và tiêu chuẩn của Liên Hợp Quốc về tư pháp người chưa thành niên.
12. Các quốc gia cần bảo đảm tính hiệu quả của các chương trình đăng ký khai sinh ở nước mình. Với những trường hợp không biết rõ độ tuổi của trẻ em liên quan đến hoạt động tư pháp, cần tiến hành các biện pháp nhằm bảo đảm rằng độ tuổi thực sự của một đứa trẻ phải được xác định qua sự đánh giá khách quan và độc lập.
13. Bất kể độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, độ tuổi thành niên trong quan hệ dân sự và độ tuổi kết hôn được quy định như thế nào trong pháp luật quốc gia, các quốc gia phải đảm bảo rằng trẻ em phải được hưởng tất cả các quyền như đã được quy định trong pháp luật quốc tế, đặc biệt là các quyền quy định trong các điều 3, 37 và 40 của Công ước về quyền trẻ em.
14. Cần quan tâm đặc biệt đến các điểm sau đây:
a. Cần có một quy trình tư pháp toàn diện đối với người chưa thành niên trong đó lấy trẻ em làm trung tâm;
b. Các luật hiện hành và dự kiến ban hành về lĩnh vực tư pháp liên quan đến người chưa thành niên cũng như tác động của chúng với trẻ em cần phải được rà soát, đánh giá bởi các chuyên gia độc lập hoặc bằng các hình thức tư vấn khác;
c. Không một trẻ em nào dưới độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự bị cáo buộc trách nhiệm hình sự;
d. Các quốc gia cần thiết lập các tòa án xét xử tội phạm vị thành niên với thẩm quyền xét xử chủ yếu đối với những người chưa thành niên phạm tội hình sự, và các thủ tục đặc biệt cần được xây dựng để đáp ứng những nhu cầu đặc biệt của trẻ em. Các tòa án thông thường cần áp dụng các thủ tục đó như một biện pháp thay thế nếu thích hợp. Trong trường hợp cần thiết, các biện pháp lập pháp và các biện pháp khác cần được xem xét để hài hòa với tất cả các quyền của trẻ em và để bảo vệ trẻ em khi bị đưa ra xét xử trước một tòa án mà không phải là một tòa án xét xử tội phạm vị thành niên, phù hợp với các điều 3, 37 và 40 của Công ước về quyền trẻ em.
15. Cần xem xét lại các thủ tục hiện hành, và nếu có thể, cần phát triển biện pháp thay thế hoặc biện pháp tùy chọn khác thay cho hệ thống tư pháp hình sự truyền thống nhằm tránh phải phụ thuộc vào các hệ thống tư pháp hình sự dành cho những thanh niên bị cáo buộc phạm tội. Cần xác định các bước đi thích hợp nhằm tạo ra trong cả nước một loạt các biện pháp giáo dục và có tính chất thay thế ở các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, nhằm ngăn ngừa sự tái phạm và thúc đẩy khả năng tái hòa nhập xã hội của trẻ em phạm pháp. Khi thích hợp, cần sử dụng các cơ chế giải quyết tranh chấp không chính thức trong các trường hợp liên quan đến trẻ em phạm pháp, bao gồm việc hòa giải và các hình thức tư pháp phục hồi, đặc biệt các quy trình liên quan đến các nạn nhân. Cần huy động sự tham gia của gia đình khi sử dụng các biện pháp khác nhau trong chừng mực sự tham gia đó có lợi cho trẻ em. Các quốc gia cần bảo đảm rằng các biện pháp thay thế phải phù hợp với Công ước về quyền trẻ em, các quy tắc và tiêu chuẩn của Liên Hợp Quốc về hoạt động tư pháp liên quan đến người chưa thành niên, cũng như với các tiêu chuẩn và quy tắc hiện hành khác trong lĩnh vực tư pháp hình sự và phòng chống tội phạm, chẳng hạn như Các quy tắc chuẩn mực tối thiểu của Liên Hợp Quốc về các biện pháp không giam giữ (Quy tắc Tokyo), với sự quan tâm đặc biệt đến việc bảo đảm sự tôn trọng các quy trình thích hợp trong việc áp dụng các biện pháp như vậy, và với các nguyên tắc về sự can thiệp tối thiểu.
16. Cần ưu tiên thành lập các cơ quan và chương trình nhằm cung cấp trợ giúp pháp lý và các trợ giúp khác cho trẻ em; các trợ giúp này sẽ miễn phí nếu cần thiết; chẳng hạn như các dịch vụ phiên dịch, và đặc biệt là để bảo đảm rằng quyền của mọi trẻ em được tiếp cận với sự trợ giúp như vậy ngay từ khi trẻ bị bắt giữ phải được tôn trọng trên thực tế.
17. Cần đưa ra những hành động thích hợp nhằm giải quyết khó khăn của những trẻ em có nhu cầu cần được bảo vệ đặc biệt, chẳng hạn như trẻ em làm việc hoặc sống trên đường phố, trẻ em vĩnh viễn bị tước môi trường gia đình, trẻ em khuyết tật, trẻ em các dân tộc thiểu số, trẻ em nhập cư, trẻ em các dân tộc bản địa và các nhóm trẻ em dễ bị tổn thương khác.
18. Cần giảm thiểu việc đưa trẻ em vào các cơ sở tập trung kín. Việc cách ly trẻ em như vậy chỉ nên thực hiện phù hợp với điều 37(b) của Công ước về quyền trẻ em và chỉ được coi là biện pháp cuối cùng, áp dụng trong một thời gian ngắn. Biện pháp nhục hình trong hệ thống tư pháp và bảo trợ xã hội dành cho trẻ em cần bị nghiêm cấm.
19. Các quy tắc của Liên Hợp Quốc về bảo vệ những người chưa thành niên bị tước tự do và điều 37(d) Công ước về quyền trẻ em cũng được áp dụng đối với bất kỳ cơ sở công hoặc tư nhân nào đang quản chế trẻ em mà tại đó trẻ em không thể rời khỏi nơi quản chế theo ý chí hoặc mệnh lệnh của bất kỳ cơ quan tư pháp, hành chính hay cơ quan công quyền nào khác.
20. Để duy trì mối liên hệ giữa trẻ em bị giam giữ với gia đình các em và với cộng đồng, và để tạo điều kiện cho các em tái hòa nhập vào xã hội, cần bảo đảm rằng những người thân và người đại diện cho lợi ích hợp pháp của trẻ em có thể dễ dàng tiếp cận với các cơ sở giam giữ trẻ - nơi trẻ em bị tước quyền tự do, trừ khi việc đó có thể làm tổn hại đến lợi ích tốt nhất của trẻ em.
21. Trong trường hợp cần thiết, nên thành lập một cơ quan độc lập để giám sát và báo cáo thường xuyên về tình trạng ở các cơ sở giam giữ trẻ em. Sự giám sát cần được tiến hành dựa trên khuôn khổ các quy tắc và tiêu chuẩn của Liên Hợp Quốc về hoạt động tư pháp liên quan đến người chưa thành niên, đặc biệt là dựa trên Các quy tắc của Liên Hợp Quốc về bảo vệ những người chưa thành niên bị tước tự do. Các quốc gia cần cho phép trẻ em được tiếp xúc một cách tự do và riêng rẽ với các cơ quan giám sát đó.
22. Các quốc gia cần xem xét những đề nghị tích cực do các tổ chức quyền con người, nhân đạo và các tổ chức khác đưa ra về việc được tiếp cận với các cơ sở giam giữ, nếu điều đó là thích hợp.
23. Liên quan đến trẻ em trong hệ thống tư pháp hình sự, cần chú ý một cách thích đáng đến những quan tâm của các tổ chức liên chính phủ và phi chính phủ quốc tế, cũng như của các bên liên quan khác, đặc biệt trong các vấn đề thuộc về cơ chế, bao gồm các thủ tục không phù hợp khi đưa trẻ em vào các cơ sở giam giữ, sự trì hoãn kéo dài có tác động đến những trẻ em bị tước quyền tự do.
24. Tất cả những người tiếp xúc hoặc chịu trách nhiệm về trẻ em trong hệ thống tư pháp hình sự cần phải được đào tạo và tập huấn về quyền con người, về các nguyên tắc và quy định của Công ước về quyền trẻ em cũng như các quy tắc và tiêu chuẩn khác của Liên Hợp Quốc về hoạt động tư pháp liên quan đến người chưa thành niên; cần coi đây là một phần không thể thiếu trong các chương trình đào tạo chuyên môn của họ. Những người này bao gồm cảnh sát và các viên chức thực thi pháp luật khác; các thẩm phán và hội thẩm, các công tố viên, luật sư và những người làm công tác quản lý; các giám thị trại giam và những người khác làm việc tại các cơ sở giam giữ trẻ em – nơi trẻ em bị tước quyền tự do; các nhân viên y tế, cán bộ xã hội, nhân viên trong lực lượng gìn giữ hòa bình và những người làm các công tác chuyên môn khác liên quan đến hoạt động tư pháp liên quan đến người chưa thành niên.
25. Trên cơ sở những tiêu chuẩn quốc tế hiện hành, các quốc gia cần thiết lập các cơ chế bảo đảm cho quá trình điều tra những khiếu nại về hành vi vi phạm cố ý các quyền và tự do cơ bản của trẻ em từ phía các viên chức nhà nước được tiến hành nhanh chóng, đầy đủ và vô tư. Các quốc gia cũng đồng thời cần bảo đảm rằng những người vi phạm sẽ bị xử phạt một cách thích đáng.
C. Các biện pháp cần được tiến hành ở cấp độ quốc tế
26. Hoạt động tư pháp liên quan đến người chưa thành niên cần thu hút sự quan tâm ở các cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế, kể cả trong khuôn khổ hoạt động của toàn hệ thống Liên Hợp Quốc.
27. Cần nhanh chóng thiết lập mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa tất cả các cơ quan tham gia trong lĩnh vực này, đặc biệt, các cơ quan như Cơ quan tư pháp hình sự và ngăn ngừa tội phạm của Ban Thư ký Liên Hợp Quốc, Văn phòng Cao ủy Liên Hợp Quốc về quyền con người / Trung tâm quyền con người, Văn phòng Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tỵ nạn, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc, Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc, Ủy ban về quyền trẻ em, Tổ chức Lao động quốc tế, Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên Hợp Quốc, Tổ chức Y tế thế giới. Ngoài ra, Ngân hàng thế giới và các thể chế, tổ chức tài chính khu vực và quốc tế khác, cũng như các tổ chức phi chính phủ và các cơ quan học thuật, cần được huy động để cung cấp các dịch vụ tư vấn và trợ giúp kỹ thuật trong lĩnh vực tư pháp liên quan đến người chưa thành niên. Do vậy, cần phải tăng cường sự hợp tác, đặc biệt trong các hoạt động nghiên cứu, phổ biến thông tin, tập huấn, thực hiện và giám sát thực hiện Công ước về quyền trẻ em, sử dụng và áp dụng các tiêu chuẩn hiện hành, cũng như trong việc cung cấp các chương trình tư vấn và trợ giúp kỹ thuật, chẳng hạn như trong việc tận dụng các mạng lưới quốc tế hiện đang hoạt động trong lĩnh vực tư pháp liên quan đến người chưa thành niên.
28. Việc thực hiện có hiệu quả Công ước về quyền trẻ em cũng như sử dụng và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế thông qua sự hợp tác kỹ thuật và các chương trình dịch vụ tư vấn cần được bảo đảm bằng cách quan tâm đặc biệt đến các khía cạnh sau đây liên quan đến việc bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người của trẻ em bị giam giữ, tăng cường pháp quyền và thúc đẩy việc quản lý hệ thống tư pháp liên quan đến người chưa thành niên:
a. Hỗ trợ cải cách pháp luật;
b. Tăng cường năng lực và cơ sở hạ tầng của quốc gia;
c. Các chương trình tập huấn cho cảnh sát và những viên chức thực thi pháp luật khác, các thẩm phán và hội thẩm, các công tố viên, luật sư và những người làm công tác quản lý, các giám thị trại giam và những người khác làm việc tại các cơ sở giam giữ trẻ em; các nhân viên y tế, cán bộ xã hội, nhân viên trong lực lượng gìn giữ hòa bình và những người làm các công tác chuyên môn khác có liên quan đến hoạt động tư pháp đối với người chưa thành niên.
d. Biên soạn các tài liệu tập huấn;
e. Biên soạn các tài liệu thông tin và giáo dục để giúp trẻ em biết được các quyền của mình trong lĩnh vực tư pháp liên quan đến người chưa thành niên;
f. Hỗ trợ phát triển hệ thống thông tin và quản lý.
29. Cần duy trì sự hợp tác chặt chẽ giữa Cơ quan tư pháp hình sự và ngăn ngừa tội phạm và Cơ quan về hoạt động gìn giữ hòa bình của Ban thư ký Liên Hợp Quốc liên quan đến việc bảo vệ quyền trẻ em trong các chiến dịch giữ gìn hòa bình của Liên Hợp Quốc, bao gồm vấn đề của trẻ em và thanh niên là nạn nhân và thủ phạm của các tội ác diễn ra trong các bối cảnh gìn giữ hòa bình, sau xung đột và trong các tình huống khẩn cấp khác.
D. Các cơ chế thực hiện các dự án trợ giúp và tư vấn kỹ thuật
30. Căn cứ vào các Điều 43, 44 và 45 của Công ước về quyền trẻ em, Ủy ban về quyền trẻ em có trách nhiệm xem xét các báo cáo của các Quốc gia thành viên về việc thực hiện Công ước. Theo quy định tại điều 44 của Công ước, các báo cáo đó phải chỉ ra những yếu tố và khó khăn, nếu có, mà đang ảnh hưởng đến việc hoàn thành các nghĩa vụ của quốc gia theo như Công ước quy định.
31. Trong các báo cáo ban đầu và thường kỳ của nước mình, các Quốc gia thành viên Công ước về quyền trẻ em phải cung cấp những thông tin, số liệu và chỉ dẫn toàn diện về việc thực hiện các điều khoản của công ước và về việc sử dụng, áp dụng các quy tắc và tiêu chuẩn của Liên Hợp Quốc về hoạt động tư pháp liên quan đến người chưa thành niên.
32. Dựa trên kết quả của quá trình xem xét những tiến bộ mà các Quốc gia thành viên đã đạt được trong việc thực hiện các nghĩa vụ của họ theo Công ước về quyền trẻ em, Ủy ban về quyền trẻ em có thể đưa ra các đề xuất và khuyến nghị chung đối với Quốc gia thành viên để bảo đảm việc tuân thủ đầy đủ Công ước về quyền trẻ em (phù hợp với quy định tại Điều 45(d) của công ước). Nhằm thúc đẩy việc thực hiện có hiệu quả công ước và khuyến khích hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tư pháp liên quan đến người chưa thành niên, nếu thấy phù hợp, Ủy ban sẽ chuyển các báo cáo của các Quốc gia thành viên trong đó chứa đựng những yêu cầu hoặc chỉ ra những nhu cầu về dịch vụ tư vấn và trợ giúp kỹ thuật, cùng với các nhận xét và đề xuất của Ủy ban về những yêu cầu hoặc nhu cầu như vậy, tới Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc và các cơ quan có thẩm quyền của tổ chức này (phù hợp với quy định của Điều 45(b) công ước).
33. Với tiến trình trên, nếu báo cáo của Quốc gia thành viên và quá trình xem xét báo cáo đó của Ủy ban về quyền trẻ em cho thấy sự cần thiết phải tiến hành cải tổ trong lĩnh vực tư pháp liên quan đến người chưa thành niên, bao gồm những cải tổ thực hiện thông qua các chương trình tư vấn và trợ giúp kỹ thuật của Liên Hợp Quốc hoặc của các cơ quan chuyên môn của tổ chức này; các Quốc gia thành viên có thể yêu cầu sự trợ giúp như vậy, bao gồm sự trợ giúp của các cơ quan như Cơ quan tư pháp hình sự và ngăn ngừa tội phạm, Trung tâm quyền con người và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc.
34. Nhằm cung cấp sự trợ giúp thích đáng đáp ứng những yêu cầu kể trên, cần thiết lập một ủy ban điều phối về trợ giúp và tư vấn kỹ thuật trong lĩnh vực tư pháp liên quan đến người chưa thành niên; ủy ban này sẽ họp ít nhất mỗi năm một lần theo sự triệu tập của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc. Ủy ban này sẽ bao gồm đại diện của Cơ quan tư pháp hình sự và ngăn ngừa tội phạm của Liên Hợp Quốc, Cao ủy Liên Hợp Quốc về quyền con người / Trung tâm quyền con người, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc, Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc, Ủy ban về quyền trẻ em, các thiết chế hợp thành của mạng lưới chương trình tư pháp hình sự và ngăn ngừa tội phạm và các cơ quan có liên quan khác của Liên Hợp Quốc, cũng như các tổ chức liên chính phủ, phi chính phủ khu vực quan tâm đến vấn đề này, bao gồm mạng lưới quốc tế về tư pháp người chưa thành niên và các cơ quan học thuật tham gia vào việc cung cấp trợ và tư vấn kỹ thuật, phù hợp với quy định ở đoạn 39 dưới đây.
35. Trước cuộc họp đầu tiên của Ủy ban điều phối, cần soạn thảo một chiến lược nhằm giải quyết vấn đề cách thức tăng cường hơn nữa sự hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tư pháp liên quan đến người chưa thành niên. Ủy ban điều phối cũng cần tạo điều kiện để xác định những vấn đề chung, tập hợp các kinh nghiệm tốt và phân tích các nhu cầu và kinh nghiệm có thể chia sẻ, để từ đó có thể xác định một cách tiếp cận mang tính chiến lược hơn trong việc đánh giá các nhu cầu và đưa ra những đề xuất hành động có hiệu quả. Một sự tập hợp như vậy sẽ tạo điều kiện cho sự phối hợp giữa các dịch vụ tư vấn và trợ giúp kỹ thuật trong lĩnh vực tư pháp liên quan đến người vị thành niên, bao gồm một thỏa thuận sớm với các chính phủ đề nghị những sự trợ giúp như vậy, cũng như với tất cả các đối tác khác có năng lực và thẩm quyền thực hiện các phần khác nhau của một dự án quốc gia, từ đó bảo đảm cho việc giải quyết vấn đề đạt hiệu quả cao nhất. Việc tập hợp này cũng cần được phát triển dần dần trong mối quan hệ chặt chẽ với các bên có liên quan. Cũng cần tính đến khả năng giới thiệu những chương trình và biện pháp chuyển đổi để nâng cao trình độ quản lý hệ thống tư pháp liên quan đến người chưa thành niên, và để giảm bớt việc sử dụng các hình thức tạm giữ, tạm giam, cũng như để cải thiện việc đối xử với trẻ em bị tước tự do và tạo ra những chương trình phục hồi và tái hòa nhập cho trẻ em một cách hiệu quả.
36. Cần tập trung vào việc xây dựng các chương trình phòng ngừa toàn diện, như đã được nêu ra trong Các hướng dẫn của Liên Hợp Quốc về phòng ngừa hành vi phạm tội của người chưa thành niên (Hướng dẫn Ri-át). Các dự án cần tập trung vào các chiến lược nhằm xã hội hóa và tái hòa nhập một cách thành công mọi trẻ em và thanh niên, đặc biệt là thông qua gia đình, cộng đồng, các nhóm đồng đẳng, nhà trường, việc đào tạo nghề và qua lao động. Các dự án này cần đặc biệt chú ý đến những trẻ em có nhu cầu bảo vệ đặc biệt, chẳng hạn như trẻ em kiếm sống và sinh sống trên đường phố, trẻ em bị mất môi trường gia đình lâu dài, trẻ em khuyết tật, trẻ em thuộc các nhóm thiểu số, người lao động nhập cư, người bản địa hoặc các nhóm trẻ em dễ bị tổn thương khác. Đặc biệt, việc giam giữ trẻ em trong các cơ sở giam giữ cần được hạn chế càng nhiều càng tốt. Cần đưa ra các biện pháp bảo vệ xã hội nhằm hạn chế nguy cơ trẻ em bị lôi kéo vào con đường phạm tội.
37. Chiến lược kể trên cũng cần đưa ra một quy trình phối hợp cho việc đưa những dịch vụ tư vấn và trợ giúp kỹ thuật quốc tế tới các Quốc gia thành viên của Công ước về quyền trẻ em, trên cơ sở giao cho nhân viên của các tổ chức và cơ quan có liên quan thực hiện các nhiệm vụ chung, nếu thấy thích hợp, nhằm xây dựng những dự án trợ giúp kỹ thuật trong khoảng thời gian dài hơn.
38. Những chủ thể quan trọng trong việc thực hiện các chương trình dịch vụ tư vấn và trợ giúp kỹ thuật ở cấp độ quốc gia là các điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại các quốc gia, những người có vai trò thiết yếu trong các văn phòng dự án của Văn phòng Cao ủy Liên Hợp Quốc về quyền con người / Trung tâm quyền con người, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc, và Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc. Cần nhấn mạnh tính chất thiết yếu của việc lồng ghép hoạt động trợ giúp kỹ thuật về tư pháp liên quan đến người chưa thành niên trong việc xây dựng chương trình và kế hoạch ở các quốc gia thông qua nhận xét về chiến lược quốc gia của Liên Hợp Quốc.
39. Cần huy động các nguồn lực cho cả cơ chế điều phối của ủy ban điều phối và các dự án quốc gia và khu vực được xây dựng nhằm nâng cao giám sát việc thực hiện Công ước về quyền trẻ em. Các nguồn lực cho những mục tiêu đó (xem các đoạn từ 34 đến 38 ở trên) được lấy từ ngân sách thường xuyên hoặc từ các nguồn lực ngoài ngân sách. Hầu hết các nguồn lực cho các dự án cụ thể được huy động từ các nguồn bên ngoài ngân sách.
40. Ủy ban điều phối có thể khuyến khích, và trên thực tế là một công cụ cho hoạt động điều phối để huy động các nguồn lực trên lĩnh vực này. Việc huy động các nguồn lực như vậy cần dựa trên cơ sở một chiến lược chung như đã được nêu trong một văn kiện chương trình được biên soạn để hỗ trợ một chương trình toàn cầu trên lĩnh vực này. Tất cả các cơ quan và tổ chức có liên quan của Liên Hợp Quốc cũng như các tổ chức phi chính phủ có năng lực rõ ràng trong việc thực hiện các dịch vụ hợp tác kỹ thuật trên lĩnh vực này cần phải được mời tham gia vào tiến trình đó.
E. Những vấn đề cần cân nhắc thêm để thực hiện các dự án quốc gia
41. Một trong những nguyên tắc rõ ràng trong việc phòng ngừa người chưa thành niên vi phạm pháp luật và trong lĩnh vực tư pháp liên quan đến người chưa thành niên là chỉ khi giải quyết được không chỉ các triệu chứng mà còn các nguyên nhân gốc rễ của vấn đề thì mới tạo ra được sự thay đổi lâu dài. Ví dụ, tình trạng lạm dụng hình thức giam giữ người chưa thành niên chỉ có thể được giải quyết một cách thích đáng bằng cách áp dụng một cách tiếp cận toàn diện, cả về cơ cấu tổ chức và quản lý, ở tất cả các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử cũng như hệ thống trại cải tạo. Việc này đòi hỏi phải có sự liên hệ với, và giữa, các chủ thể như cảnh sát, công tố viên, thẩm phán, hội thẩm, nhà cầm quyền địa phương, các quan chức hành chính và với các quan chức có liên quan ở các cơ sở giam giữ. Thêm vào đó, việc này cũng yêu cầu các bên liên quan phải có mong muốn và khả năng hợp tác chặt chẽ với nhau.
42. Để ngăn ngừa tình trạng lạm dụng các biện pháp tư pháp hình sự trong xử lý hành vi của trẻ em, cần nỗ lực thiết lập và áp dụng các chương trình nhằm tăng cường sự trợ giúp xã hội; sự trợ giúp này, nếu thích hợp, có thể cho phép đưa trẻ em ra khỏi hệ thống tư pháp hình sự, cũng như thúc đẩy việc áp dụng các biện pháp không giam giữ và các chương trình tái hòa nhập. Để thiết lập và áp dụng các chương trình như vậy, cần phải thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ giữa các bộ phận tư pháp liên quan đến trẻ em và các bộ phận cung cấp những dịch vụ khác nhau thuộc các cơ quan thực thi pháp luật, phúc lợi xã hội và giáo dục.
III. CÁC KẾ HOẠCH LIÊN QUAN ĐẾN TRẺ EM LÀ NẠN NHÂN VÀ NHÂN CHỨNG
43. Theo Tuyên bố về các nguyên tắc xét xử cơ bản đối với các nạn nhân của tội phạm và sự lạm dụng quyền lực, các quốc gia cần cam kết bảo đảm rằng các nạn nhân và nhân chứng là trẻ em phải được tiếp cận một cách thích đáng với công lý và được đối xử, phục hồi, bồi thường và được sự trợ giúp của xã hội một cách công bằng. Nếu có thể áp dụng được, cần phải có các biện pháp ngăn ngừa việc giải quyết các vấn đề hình sự thông qua việc đền bù bên ngoài cơ chế tư pháp, khi mà việc làm như vậy không vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.
44. Cảnh sát, luật sư, thẩm phán và các viên chức tòa án khác cần được tập huấn về giải quyết các vụ việc mà trẻ em là nạn nhân. Các quốc gia cần xem xét việc thành lập các văn phòng và đơn vị đặc biệt có trách nhiệm giải quyết các vụ việc liên quan tới những tội phạm mà nạn nhân là trẻ em, nếu như việc này chưa được thực hiện. Khi thích hợp, các nhà nước cần ban hành một bộ quy tắc hành động nhằm giải quyết thỏa đáng những vụ việc mà trẻ em là nạn nhân.
45. Các nạn nhân là trẻ em cần được đối xử với sự cảm thông và tôn trọng nhân phẩm. Trẻ em có quyền được tiếp cận với các cơ chế tư pháp và quyền được bồi thường nhanh chóng cho những tổn thương mà các em phải chịu đựng, theo như quy định của pháp luật quốc gia.
46. Trẻ em là nạn nhân cần phải được trợ giúp để đáp ứng các nhu cầu của mình, chẳng hạn như nhu cầu về bào chữa, bảo vệ, hỗ trợ về mặt kinh tế, tư vấn, sức khỏe, các dịch vụ xã hội, tái hòa nhập với xã hội, các dịch vụ phục hồi về thể chất và tâm lý. Cần cung cấp cho những trẻ em bị khuyết tật và ốm đau những trợ giúp đặc biệt. Cần chú trọng biện pháp giúp trẻ em phục hồi dựa trên cơ sở gia đình và cộng đồng, hơn là dựa trên các tổ chức.
47. Cần thiết lập và củng cố các cơ chế hành chính và tư pháp ở những nơi cần thiết nhằm giúp trẻ em là nạn nhân có thể nhận được sự bồi thường một cách nhanh chóng, công bằng và thuận tiện thông qua các thủ tục chính thức hoặc không chính thức. Trẻ em là nạn nhân và/hoặc những người đại diện pháp lý của trẻ em cần phải được thông báo về các thủ tục đó.
48. Cần đảm bảo rằng mọi trẻ em là nạn nhân của những vi phạm quyền con người, đặc biệt là nạn nhân của những hình thức tra tấn, đối xử hay trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo và hạ thấp nhân phẩm, bao gồm bị hãm hiếp, lạm dụng tình dục, bị tước tự do một cách tùy tiện, trái pháp luật, bị giam giữ một cách bất công và bị xét xử oan sai sẽ được đền bù một cách thích đáng và công bằng. Cần có đại diện pháp lý cần thiết cho trẻ em để đưa vụ việc ra trước một tòa án hay cơ quan tài phán thích hợp, cũng như có phiên dịch sang ngôn ngữ mẹ đẻ của trẻ em, nếu cần thiết.
49. Trẻ em là nhân chứng cần được trợ giúp trong tất cả các quy trình hành chính và tư pháp. Các quốc gia cần rà soát, đánh giá và cải thiện tình trạng của trẻ em là nhân chứng của các tội ác trong luật về thủ tục và chứng cứ, nếu thấy cần thiết, nhằm bảo đảm cho các quyền của trẻ em được bảo vệ một cách đầy đủ. Tùy thuộc vào những truyền thống, thực tiễn pháp luật và khuôn khổ pháp lý khác nhau, cần hạn chế tối đa sự liên hệ trực tiếp giữa trẻ em là nạn nhân và những kẻ phạm tội trong quá trình điều tra, truy tố cũng như trong quá trình xét xử. Khi cần thiết, cần nghiêm cấm công khai nhận dạng của trẻ em là nạn nhân trên các phương tiện thông tin đại chúng để bảo vệ đời tư của trẻ. Nếu việc nghiêm cấm như vậy là trái với các nguyên tắc pháp lý cơ bản của Quốc gia thành viên, cần không khuyến khích những hình thức công khai đó.
50. Các quốc gia cần xem xét việc sửa đổi các bộ luật tố tụng hình sự, nếu thấy cần thiết, nhằm tạo điều kiện cho việc quay phim khi trẻ em cung cấp lời khai và chiếu các phim đó ở trong phiên tòa như là một chứng cứ chính thức. Đặc biệt, cảnh sát, công tố viên, thẩm phán và hội thẩm cần áp dụng các hình thức làm việc thân thiện với trẻ em hơn, ví dụ như trong các hoạt động của cảnh sát và trong việc phỏng vấn trẻ em là nhân chứng.
51. Việc đáp ứng các nhu cầu của trẻ em là nạn nhân và nhân chứng trong các quy trình hành chính và tư pháp cần được tạo thuận lợi bằng những việc sau:
a. Thông báo cho trẻ em nạn nhân về vai trò của mình, phạm vi, thời gian và các tiến trình tố tụng cũng như khuynh hướng diễn biến các vụ án liên quan đến các em, đặc biệt trong những vụ án liên quan đến các tội phạm nghiêm trọng;
b. Khuyến khích việc xây dựng các kế hoạch chuẩn bị cho trẻ em là nhân chứng để giúp các em hiểu biết đầy đủ về quy trình tư pháp hình sự trước khi cung cấp chứng cứ. Cần cung cấp cho trẻ em là nạn nhân sự trợ giúp thích hợp trong toàn bộ tiến trình pháp lý;
c. Cho phép trẻ em là nạn nhân được trình bày các quan điểm và lo ngại của mình và cần phải xem xét các quan điểm, lo ngại đó ở mọi giai đoạn thích hợp của tiến trình tố tụng khi mà lợi ích của các em bị ảnh hưởng, nhưng không làm tổn hại đến bị cáo và phù hợp với cơ chế tư pháp hình sự quốc gia tương ứng.
d. Áp dụng những biện pháp nhằm giảm thiểu sự chậm trễ trong quy trình tư pháp hình sự, bảo vệ đời tư của trẻ em là nạn nhân và nhân chứng, và khi cần thiết, bảo đảm sự an toàn của trẻ em trước những sự đe dọa và trả thù.
52. Theo nguyên tắc chung, cần hồi hương về nước gốc tất cả trẻ em vượt biên bất hợp pháp hoặc bị giữ lại trái phép ở bên kia biên giới. Cần quan tâm thích đáng đến sự an toàn của các em, và cần phải đối xử với các em một cách nhân đạo cũng như cung cấp cho các em những trợ giúp cần thiết trước khi hồi hương. Việc hồi hương trẻ em cần được thực hiện một cách nhanh chóng để bảo đảm tuân thủ Công ước về quyền trẻ em. Cần áp dụng nhanh chóng các điều khoản liên quan đến vấn đề hồi hương trẻ em được quy định trong các Công ước như Công ước La-hay về các khía cạnh dân sự của việc bắt cóc trẻ em có tính chất quốc tế và Công ước La-hay về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nhận con nuôi liên quốc gia được thông qua tại Hội nghị La-hay về Tư pháp quốc tế các năm 1980 và 1993, và Công ước về thẩm quyền tài phán, luật áp dụng, sự công nhận, hiệu lực và sự hợp tác liên quan đến các vấn đề trách nhiệm của các bậc cha mẹ và các biện pháp bảo vệ trẻ em, ở những quốc gia mà các Công ước này có hiệu lực. Khi trẻ em được hồi hương, nước gốc phải đối xử với các em với sự tôn trọng, phù hợp với các nguyên tắc về quyền con người, và phải có những biện pháp thích đáng để giúp các em tái hòa nhập với xã hội dựa trên nền tảng gia đình.
53. Chương trình tư pháp hình sự và ngăn ngừa tội phạm của Liên Hợp Quốc, bao gồm các thiết chế cấu thành mạng lưới chương trình, Văn phòng Cao ủy Liên Hợp Quốc về quyền con người / Trung tâm quyền con người, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc, Ủy ban quyền trẻ em, Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên Hợp Quốc, Ngân hàng thế giới và các tổ chức phi chính phủ quan tâm đến vấn đề này, cần trợ giúp các Quốc gia thành viên trên cơ sở những yêu cầu do các quốc gia này đưa ra, trong phạm vi cho phép của ngân sách tổng thể của Liên Hợp Quốc hoặc từ các nguồn tài chính bổ sung, trong việc tổ chức các hoạt động thông tin, giáo dục và tập huấn về đa dạng hóa các hình thức xử phạt cho các viên chức thực thi pháp luật và các viên chức tư pháp hình sự khác, bao gồm các quan chức cảnh sát, công tố viên, thẩm phán và hội thẩm.
- 1Công ước 157 năm 1982 về thiết lập một hệ thống quốc tế để duy trì các quyền về an toàn xã hội
- 2Công ước La Haye 1993 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực con nuôi quốc tế
- 3Hiệp định tương trợ tư pháp về vấn đề dân sự, gia đình và hình sự giữa Việt Nam - Ba Lan
- 4Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em
- 5Các quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu về đối xử với tù nhân, 1955
- 6Hướng dẫn của Liên hợp quốc về phòng ngừa phạm pháp ở người chưa thành niên (các Hướng dẫn Ri-Át), 1990
- 7Quy tắc của Liên hợp quốc về bảo vệ người chưa thành niên bị tước tự do, 1990
- 8Tuyên ngôn về các nguyên tắc công lý cơ bản cho các nạn nhân của tội phạm và lạm dụng quyền lực, 1985
- 9Quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu của Liên hợp quốc về hoạt động tư pháp đối với người vị thành niên, 1985
Hướng dẫn làm việc với trẻ em trong hệ thống tư pháp hình sự, 1997
- Số hiệu: Khongso
- Loại văn bản: Điều ước quốc tế
- Ngày ban hành: 21/07/1997
- Nơi ban hành: Liên hợp quốc
- Người ký: ***
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra