Hệ thống pháp luật

BỘ NỘI VỤ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 422/HD-BNV

Hà Nội, ngày 02 tháng 3 năm 2004

 

HƯỚNG DẪN CÔNG TÁC THI ĐUA KHEN THƯỞNG NGÀNH TỔ CHỨC NHÀ NƯỚC NĂM 2004

Kính gửi:

 

- Vụ (Ban) Tổ chức cán bộ các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

 

Căn cứ Nghị định số 56/1998/NĐ-CP ngày 30/7/1998 của Chính phủ quy định các hình thức, đối tượng và tiêu chuẩn khen thưởng của Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các cấp; cụ thể hoá tiêu chuẩn khen thưởng huân chương lao động;

Để động viên khuyến khích tinh thần hăng hái thi đua hoàn thành xuất sắc công tác của ngành, đảm bảo cho cơ sở đánh giá xếp loại thi đua khen thưởng thành tích công tác tổ chức nhà nước đối với các đơn vị trong ngành, Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện công tác thi đua khen thưởng năm 2004 như sau:

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Điều kiện xét khen thưởng:

Hội đồng Thi đua khen thưởng Bộ Nội vụ chỉ xét khen thưởng thành tích công tác năm 2004 cho tập thể, cá nhân có đủ các điều kiện sau:

1.1. Đối với tập thể:

a. Có đăng ký thi đua đúng thời gian quy định (đăng ký bằng văn bản với các mục tiêu phấn đấu cụ thể theo nội dung hướng dẫn, gửi về Bộ Nội vụ trước ngày 31/3/2004).

b. Có báo cáo thành tích thi đua đúng thời gian và yêu cầu về nội dung.

c. Có xác nhận thành tích và đề nghị hình thức thi đua khen thưởng của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố (đối với Sở Nội vụ), của thủ trưởng Bộ, ngành (đối với các Vụ (Ban) Tổ chức cán bộ).

1.2. Đối với cá nhân:

a. Có đăng ký thi đua bằng văn bản gửi về Bộ Nội vụ trước ngày 31/3/2004.

b. Là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu các đơn vị được tặng cờ của ngành tổ chức Nhà nước hoặc bằng khen của Bộ trưởng.

c. Có báo cáo thành tích cá nhân, xác nhận thành tích và đề nghị hình thức khen thưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố hoặc của thủ trưởng Bộ, ngành.

1.3. Những trường hợp đã được Bộ trưởng Bộ Nội vụ khen thưởng 3 năm liên tục trở lên (đối với tập thể), 5 năm liên tục (đối với cá nhân) Hội đồng thi đua khen thưởng Bộ Nội vụ có thể đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Bộ, ngành xem xét đề nghị hình thức khen thưởng cao hơn (Chiến sĩ thi đua toàn quốc, Cờ thi đua của Chính phủ, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ...).

2. Hồ sơ khen thưởng: (Đối với cả tập thể và cá nhân)

Hồ sơ đề nghị khen thưởng gồm:

- Báo cáo thành tích thi đua của năm 2004. Nội dung báo cáo phản ánh trung thực và cụ thể những thành tích công tác trong năm với dẫn chứng tiêu biểu, điển hình và so sánh với năm trước đối với từng nội dung, tự chấm điểm mỗi nội dung và điểm thi đua tổng cộng, mức đề nghị khen thưởng; cá nhân có bản báo cáo thành tích riêng (kể cả mức đề nghị khen thưởng).

-Biên bản bình xét, bản xác nhận thành tích và đề nghị hình thức khen thưởng đối với tập thể và cá nhân của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố (đối với các Sở Nội vụ), của thủ trưởng Bộ, ngành (đối với các Vụ (ban) Tổ chức cán bộ).

- Hồ sơ khen thưởng gửi về Bộ Nội vụ phải là bản chính, có dấu và chữ ký của lãnh đạo đơn vị; thời gian gửi hồ sơ trước ngày 5/12/2004 (theo dấu bưu điện hoặc dấu công văn đến của Văn phòng Bộ Nội vụ).

3. Trình tự xét khen thưởng của Hội đồng thi đua khen thưởng Bộ Nội vụ

- Căn cứ báo cáo kết quả công tác năm 2004, kết quả kiểm tra việc thực hiện công tác thi đua và trên cơ sở hướng dẫn thi đua này, Hội đồng Thi đua khen thưởng của Bộ Nội vụ sẽ chấm điểm từng nội dung thi đua đối với từng đơn vị, xem xét thành tích đối với từng cá nhân và đề nghị mức khen thường cụ thể theo hình thức công khai, dân chủ để trình Bộ trưởng Bộ Nội vụ xem xét quyết định.

- Hội đồng thi đua khen thưởng Bộ Nội vụ sẽ tổ chức kiểm tra công tác thi đua ở một số đơn vị có đăng ký thi đua trong quá trình triển khai thực hiện phong trào thi đua của ngành.

4. Hình thức và tiêu chuẩn khen thưởng:

Hình thức khen thưởng năm 2004 của ngành Tổ chức nhà nước được quy định như sau:

- Cờ thi đua của ngành Tổ chức nhà nước.

- Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

4.1. Cờ thi đua của ngành Tổ chức nhà nước:

Tập thể được khen thưởng Cờ thi đua của ngành Tổ chức nhà nước phải đạt các tiêu chuẩn sau đây:

- Hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu thi đua và nhiệm vụ được giao với chất lượng, hiệu suất công tác cao; là tập thể tiêu biểu xuất sắc của ngành.

- Có nhân tố mới, mô hình mới trong công tác, được các đơn vị khác trong ngành học tập (tại khu vực hoặc toàn ngành).

- Nội bộ đoàn kết, tích cực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng và các tệ nạn xã hội khác.

4.2. Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nội vụ:

Bộ trưởng Bộ Nội vụ tặng Bằng khen cho tập thể đạt các tiêu chuẩn sau đây:

- Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao;

- Nội bộ đoàn kết, thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua;

- Đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần trong tập thể; thực hành tiết kiệm;

- Thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với mọi thành viên trong tập thể;

- Tổ chức Đảng, đoàn thể trong sạch, vững mạnh.

4.3. Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nội vụ tặng cho các cá nhân có thành tích sau:

- Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

- Có phẩm chất đạo đức tốt; đoàn kết, gương mẫu chấp hành chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước;

- Tích cực học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Các tập thể và cá nhân lãnh đạo các Sở Nội vụ, Vụ (Ban) tổ chức cán bộ các Bộ, ngành được khen thưởng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nội vụ được thưởng cờ, Bằng khen, kèm theo khung bằng và một khoản tiền thưởng theo chế độ quy định.

II. NỘI DUNG THI ĐUA VÀ ĐIỂM THI ĐUA CHO CÁC NỘI DUNG CỤ THỂ:

A. Đối với Vụ (Ban) tổ chức cán bộ các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

1. Về tổ chức biên chế

Tham mưu cho các Bộ, ngành rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành, nghiên cứu, hoàn thiện theo hướng đổi mới cơ chế quản lý các lĩnh vực công tác được giao.

- Tiếp tục rà soát làm rõ về chức năng, nhiệm vụ giữa các đơn vị trong nội bộ cơ quan, tổ chức theo hướng tách rõ quản lý hành chính Nhà nước với quản lý sản xuất kinh doanh, quản lý sự nghiệp và dịch vụ công, xã hội hoá các hoạt động sự nghiệp.

- Xác định rõ mục tiêu hoạt động, khối lượng công việc cụ thể của từng ngành, từng tổ chức để xác định cơ cấu ngạch công chức phù hợp; đẩy mạnh tinh giản biên chế hành chính, biên chế trong các đơn vị sự nghiệp do Bộ, ngành quản lý theo tinh thần Nghị quyết 09 của Chính phủ;

- Điểm tối đa: 10 điểm.

2. Về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở:

Tổ chức triển khai có hiệu quả và tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện Quy chế dân chủ trong hoạt động của cơ quan, đặc biệt là quy chế dân chủ trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ, ngành; Quy chế dân chủ trong doanh nghiệp Nhà nước (kết quả được thể hiện bằng số liệu cụ thể như tỷ lệ % các đơn vị cơ sở trong Bộ, ngành triển khai thực hiện các quy chế dân chủ).

Điểm tối đa: 10 điểm.

3- Về quản lý cán bộ công chức, viên chức:

Thực hiện quản lý tốt đội ngũ cán bộ, công chức hành chính và cán bộ, viên chức sự nghiệp:

- Triển khai và thực hiện tốt Pháp lệnh cán bộ, công chức (sửa đổi) và các văn bản hướng dẫn thi hành.

- Chấp hành và thực hiện các quy định về thi tuyển, thi nâng ngạch, xét nâng ngạch, phân loại, luân chuyển, bổ nhiệm lại cán bộ, công chức; báo cáo đầy đủ, kịp thời về công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức với Chính phủ và các cơ quan có trách nhiệm theo dõi quản lý theo phân cấp. Thực hiện nghiêm các quy định về hưu trí và chính sách chế độ hiện hành của Nhà nước về công chức, công vụ;

- Thực hiện tốt việc thống kê quản lý đội ngũ cán bộ, công chức; phản ánh kịp thời, đầy đủ những diễn biến trong bộ máy cơ quan.

- Tham mưu cho lãnh đạo việc sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức cho đúng người, đúng việc, đảm bảo sử dụng cán bộ, công chức đúng vị trí và trình độ chuyên môn theo quy định.

Điểm tối đa: 10 điểm.

4- Về công tác thanh tra, kiểm tra:

Xây dựng kế hoạch và tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành và thực hiện các quy định về công tác tổ chức Nhà nước, chú trọng đến các lĩnh vực như: sắp xếp lại tổ chức bộ máy và việc tinh giản biên chế, đầu tư bồi dưỡng cán bộ, công chức, quản lý hồ sơ cán bộ, thi tuyển công chức. Giải quyết kịp thời và đúng thẩm quyền các khiếu nại, tố cáo của cán bộ, công chức và công dân có liên quan đến chức năng, quyền hạn của đơn vị cũng như các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức.

Điểm tối đa: 10 điểm.

5- Về công tác đào tạo:

Có kế hoạch và các mục tiêu đào tạo cụ thể sát với yêu cầu thực tế gắn với quy hoạch sử dụng. Tiến hành tốt sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định số 74/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức Nhà nước. Kết quả công tác đào tạo, bồi dưỡng được thể hiện bằng số lượng lớp đào tạo được mở, số cán bộ, công chức của đơn vị được đào tạo, bồi dưỡng trong năm 2004.

Điểm tối đa: 10 điểm.

6- Về công tác thông tin báo cáo:

Chấp hành đầy đủ chế độ thông tin báo cáo định kỳ, quý, năm, các báo cáo đột xuất đúng thời hạn, đảm bảo thông tin có chất lượng và chính xác. Trong các nội dung báo cáo phải có phản ánh về tình hình thực hiện công tác thi đua của đơn vị theo nội dung đã được hướng dẫn.

Điểm tối đa: 10 điểm.

7- Về quản lý tiền lương:

Quản lý và sử dụng quỹ tiền lương, thực hiện chế độ nâng lương hàng năm đúng quy định.

Triển khai đề án cải cách chính sách tiền lương và trợ cấp xã hội: Thực hiện chính xác, đầy đủ, đúng thời gian các quy định về áp dụng hệ thống thang, bảng lương và phụ cấp mới. Tiếp tục đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp theo Nghị định số 10/2001/NĐ-CP của Chính phủ. Thực hiện việc thống kê tiền lương theo đúng quy định.

Điểm tối đa: 10 điểm.

8- Về cải cách hành chính:

Xây dựng kế hoạch cải cách hành chính của Bộ, ngành năm 2004 và triển khai có hiệu quả các chương trình hành động thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2001 - 2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trên cơ sở kết quả 2 năm thực hiện chương trình tổng thể và các nhiệm vụ cải cách hành chính đã được xác định trong năm 2004 và 2005.

Tham mưu xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các quy định về phân cấp quản lý giữa Trung ương và địa phương; theo dõi, đôn đốc việc rà soát lại để loại bỏ các thủ tục hành chính rườm rà, không còn phù hợp trong lĩnh vực tổ chức cán bộ Nhà nước.

Điểm tối đa: 10 điểm.

9- Về công tác hội và tổ chức phi Chính phủ:

Tham mưu cho Bộ, ngành nâng cao chất lượng công tác quản lý hội và tổ chức phi Chính phủ, tạo điều kiện để hội và tổ chức phi Chính phủ tham gia xã hội hoá và thực hiện các chương trình, dự án do các cấp chính quyền giao; thanh tra, kiểm tra các hoạt động của hội, tổ chức phi Chính phủ trong việc chấp hành pháp luật của nhà nước trong lĩnh vực do bộ ngành quản lý.

Điểm tối đa: 10 điểm

10- Về công tác nghiên cứu khoa học:

Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng rộng rãi những thành tựu của khoa học và công nghệ và giải quyết những vấn đề thực tiễn của ngành tổ chức Nhà nước. Triển khai có kết quả đề án tin học hoá cơ quan Bộ, ngành theo tinh thần Chỉ thị 58 của Bộ Chính trị và Quyết định 112 của Thủ tướng Chính phủ.

Điểm tối đa: 10 điểm

Tổng cộng điểm của các nội dung tối đa là 100 điểm.

B. Đối với Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

1- Về tổ chức biên chế

Triển khai có kết quả Nghị quyết số 09 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp.

Thực hiện tốt việc sắp xếp lại tổ chức bộ may của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, huyện theo đề án đã được phê duyệt, đảm bảo ổn định hoạt động của bộ máy.

- Tham mưu giúp Chính phủ xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tổ chức và cán bộ.

Điểm tối đa: 10 điểm.

2- Về quản lý chính quyền địa phương

Chuẩn bị và tổ chức thực hiện tốt cuộc bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2004 - 2009 theo tinh thần an toàn, dân chủ, đúng luật, tiết kiệm, góp phần xây dựng và hoàn thiện bộ máy chính quyền các cấp theo Luật tổ chức HĐND và UBND.

Tổ chức triển khai, kiểm tra, giám sát và đôn đốc việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và nghị quyết Trung ương 5 khoá IX về đổi mới, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở; tạo điều kiện để nhân dân tham gia tích cực vào việc xây dựng và củng cố chính quyền cơ sở. Thực hiện tốt quy chế dân chủ trong các doanh nghiệp Nhà nước và quy chế dân chủ trong hoạt động các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp tại địa phương.

Tiến hành phân loại đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn theo tiêu chí được Chính phủ ban hành; tập trung giải quyết một số điểm tranh chấp địa giới hành chính đã kéo dài nhiều năm. Thực hiện tốt quy trình hồ sơ và điều chỉnh địa giới hành chính mà địa phương đã trình Chính phủ xem xét. Nghiên cứu, lập hồ sơ bản đồ địa giới hành chính cho các đơn vị hành chính mới được thành lập, chia tách.

Điểm tối đa: 20 điểm

3. Về quản lý cán bộ, công chức, viên chức:

Thực hiện tốt việc quản lý đội ngũ cán bộ, công chức hành chính, cán bộ, viên chức sự nghiệp. Triển khai pháp lệnh cán bộ, công chức (sửa đổi) và các nghị định hướng dẫn thi hành của Chính phủ, thực hiện cơ chế quản lý cán bộ, công chức phù hợp với việc tách công chức hành chính với viên chức sự nghiệp, với hệ thống phân loại và phân cấp quản lý cán bộ, công chức; tiếp tục hoàn thiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức kể cả cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn.

Thực hiện đúng quy định việc thi tuyển, xét tuyển công chức, thi nâng ngạch, phân loại, luân chuyển, bổ nhiệm lại, điều động cán bộ, báo cáo đầy đủ, kịp thời về công tác cán bộ với Chính phủ và các cơ quan có trách nhiệm quản lý theo dõi.

Bảo đảm thống kê đội ngũ cán bộ, công chức đầy đủ, chính xác, phản ánh kịp thời những thay đổi trong đội ngũ cán bộ, công chức hành chính sự nghiệp ở đơn vị.

Điểm tối đa: 10 điểm.

4- Về công tác thanh tra, kiểm tra:

Tổ chức thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành và thực hiện các quy định về công tác tổ chức Nhà nước, tập trung thanh tra, kiểm tra một số lĩnh vực công tác như: thi tuyển, xét tuyển, quản lý biên chế, quỹ tiền lương, thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức và cán bộ chính quyền cơ sở.

Giải quyết dứt điểm các trường hợp khiếu nại, tố cáo của cán bộ, công chức và công dân thuộc thẩm quyền.

Điểm tối đa: 10 điểm.

5- Về công tác đào tạo:

Đổi mới quy hoạch, lập kế hoạch và xác định mục tiêu đào tạo sát với yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị, tập trung đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, công chức hành chính và cán bộ, công chức cơ sở. Tiến hành tốt sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định 74 củ Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện tốt kế hoạch bồi dưỡng đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2004 - 2009. Kết quả đào tạo của địa phương năm 2004 được thể hiện bằng số lượng cụ thể các lớp đào tạo được mở, số cán bộ, công chức đào tạo và bồi dưỡng.

Điểm tối đa: 10 điểm.

6- Về thông tin báo cáo:

Chấp hành đầy đủ chế độ thông tin báo cáo định kỳ, quý, năm và các báo cáo đột xuất đúng thời hạn, có chất lượng và đảm bảo chính xác. Trong các nội dung báo cáo phải có phản ánh về tình hình thực hiện công tác thi đua khen thưởng của đơn vị theo nội dung đã được hướng dẫn.

Điểm tối đa: 10 điểm.

7- Về quản lý tiền lương:

Quản lý và sử dụng quỹ tiền lương đúng chế độ. Thực hiện đầy đủ, chính xác các quy định về áp dụng hệ thống thang, bảng lương và phụ cấp mới nhằm triển khai có kết quả đề án cải cách chính sách tiền lương và trợ cấp xã hội. Tiếp tục thực hiện Nghị định số 10 của Chính phủ và Quyết định số 192 của Thủ tướng Chính phủ góp phần đổi mới cơ chế quản lý tiền lương theo hướng tách rõ giữa cán bộ, công chức hành chính Nhà nước và cán bộ, viên chức sự nghiệp. Nghiên cứu thực hiện chế độ chính sách đãi ngộ hợp lý nhằm khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức, các nhà khoa học làm việc ở các vùng sâu, vùng xa.

Điểm tối đa: 10 điểm.

8- Về công tác cải cách hành chính:

Xây dựng kế hoạch cải cách hành chính năm 2004 của tỉnh, thành phố và triển khai có hiệu quả các chương trình hành động thực hiện tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2001 - 2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và kế hoạch cải cách hành chính của địa phương năm 2004. Triển khai đồng bộ cơ chế “một cửa” tại các cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh, huyện; tiếp tục rà soát loại bỏ các thủ tục hành chính không còn phù hợp trong lĩnh vực tổ chức cán bộ nhà nước. Tham mưu với lãnh đạo tỉnh, thành phố việc phân cấp quản lý giữa các cấp chính quyền của địa phương.

Điểm tối đa: 10 điểm.

9- Về công tác hội, tổ chức phi Chính phủ:

Tham mưu cho lãnh đạo địa phương nâng cao chất lượng công tác quản lý hội và tổ chức phi Chính phủ. Củng cố kiện toàn đội ngũ cán bộ quản lý và tổ chức hội và tổ chức phi Chính phủ.

Tạo điều kiện để hội và tổ chức phi Chính phủ trong việc tham gia các chương trình, dự án do các cấp chính quyền giao và kiểm tra việc chấp hành pháp luật của hội, tổ chức phi Chính phủ.

Điểm tối đa: 10 điểm.

Điểm tổng cộng của các nội dung tối đa là 100 điểm.

C. Điểm thưởng thêm (tối đa 10 điểm cho 2 nội dung thi đua)

Ngoài số điểm cho từng nội dung thi đua nêu trên, các đơn vị có đăng ký thi đua được chọn 2 trong số các nội dung thi đua đạt kết quả nổi bật nhất của mình để báo cáo với Hội đồng thi đua khen thưởng cụ thể về những kết quả nổi bật đó và có thể cộng thêm 5 điểm cho mỗi nội dung.

Nhận được văn bản hướng dẫn này, yêu cầu các đồng chí Lãnh đạo Vụ (Ban) tổ chức cán bộ các Bộ, ngành Trung ương, Giám đốc Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức phổ biến, thông báo đến tất cả các cán bộ, công chức trong đơn vị và hệ thống trực thuộc biết để thực hiện và phát động phong trào thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác năm 2004; tăng cường hiệu quả công tác tại đơn vị, xây dựng ngành tổ chức Nhà nước vững mạnh, từng bước cải cách nền hành chính Nhà nước góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới.

Trong quá trình triển khai, thực hiện công tác thi đua khen thưởng của ngành Tổ chức nhà nước nếu có ý kiến cần làm rõ đề nghị liên hệ với Văn phòng Bộ Nội vụ để tổng hợp và báo cáo Hội đồng Thi đua khen thưởng Bộ Nội vụ và Bộ trưởng Bộ Nội vụ xem xét giải quyết./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
THỨ TRƯỞNG




Đặng Quốc Tiến

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Hướng dẫn 422/HD-BNV về công tác thi đua khen thưởng ngành tổ chức nhà nước năm 2004 do Bộ Nội vụ ban hành

  • Số hiệu: 422/HD-BNV
  • Loại văn bản: Hướng dẫn
  • Ngày ban hành: 02/03/2004
  • Nơi ban hành: Bộ Nội vụ
  • Người ký: Đặng Quốc Tiến
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 02/03/2004
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản