Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN
TỐI CAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 18/HD-VKSTC

Hà Nội, ngày 27 tháng 01 năm 2021

 

HƯỚNG DẪN

THỰC HIỆN DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2021

Căn cứ Thông tư số 109/2020/TT-BTC ngày 25/12/2020 của Bộ Tài chính quy định về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2021;

Căn cứ Quyết định số 303/QĐ-VKSTC ngày 31/12/2020 của Viện trưởng VKSND tối cao về việc ban hành định mức phân bổ dự toán chi NSNN năm 2021 áp dụng thống nhất trong ngành KSND; Quyết định số 305/QĐ-VKSTC ngày 31/12/2020 của Viện trưởng VKSND tối cao về việc giao dự toán NSNN năm 2021; Quyết định số 02/QĐ-VKSTC ngày 08/01/2021 của Viện trưởng VKSND tối cao về việc ủy quyền phân bổ, giao và điều chỉnh dự toán chi NSNN năm 2021 cho các đơn vị trong ngành Kiểm sát nhân dân,

VKSND tối cao hướng dẫn một số nội dung cụ thể để thực hiện thống nhất trong toàn Ngành như sau:

1. Đối với kinh phí quản lý hành chính

1.1. Về thực hiện tinh giản biên chế

Năm 2021, ngành Kiểm sát tiếp tục bị cắt giảm kinh phí tiền lương và định mức chi thường xuyên của số biên chế phải tinh giản theo Kết luận số 17-KL/TW ngày 11/9/2017 của Bộ Chính trị. Trong khi chờ xem xét số liệu cụ thể về kế hoạch giảm biên chế năm 2021 cho từng đơn vị trong ngành, để kịp thời phân bổ dự toán năm 2021 theo quy định, VKSND tối cao tạm phân bổ giảm kinh phí (gồm tiền lương 61 triệu đồng/biên chế/năm và chi thường xuyên theo định mức) tương ứng với giảm 3,4% biên chế trên tổng biên chế được giao của các đơn vị theo mức cắt giảm của Bộ Tài chính.

1.2. Thực hiện quỹ tiền lương năm 2021

Đảm bảo Quỹ tiền lương của biên chế, tính đủ cho 12 tháng theo mức lương cơ sở 1,49 triệu đồng (theo dự toán chi tiết quỹ tiền lương của các đơn vị), đã tính giảm quỹ tiền lương của số biên chế tinh giản là 61 triệu đồng/người. Các đơn vị căn cứ nội dung Quyết định số 02/QĐ-VKSTC ngày 08/01/2021 về việc ủy quyền phân bổ, giao và điều chỉnh dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2021 cho các đơn vị trong ngành Kiểm sát nhân dân để thực hiện quỹ tiền lương và chi thường xuyên theo định mức cho phù hợp với thực tế tại đơn vị mình và các đơn vị trực thuộc theo quy định.

1.3. Kinh phí chi thường xuyên

Căn cứ dự toán chi ngân sách nhà nước được giao và định mức phân bổ dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2021, các đơn vị tổ chức thực hiện đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức quy định của Nhà nước, của Ngành bảo đảm phục vụ hoạt động thường xuyên thực hiện chức năng, nhiệm vụ.

- Định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên năm 2021 cho các đơn vị dự toán trong Ngành đã bao gồm các nội dung:

+ Các khoản chi đảm bảo cho hoạt động thường xuyên thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị; chi quản lý, chỉ đạo, điều hành; chi khen thưởng theo chế độ, phúc lợi tập thể, chi hỗ trợ hoạt động của các đoàn thể (công tác Đảng, hoạt động Hội Cựu chiến binh, hoạt động dân quân tự vệ, hoạt động Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ...), chi mua báo, tạp chí kiểm sát v.v.... Các khoản chi nghiệp vụ đặc thù: Trực nghiệp vụ; trực ban hình sự của Cơ quan điều tra VKSND tối cao; bồi dưỡng tiếp công dân; chi hỗ trợ hoạt động khám nghiệm hiện trường, tử thi; chi hoạt động điều tra tội phạm; chi án lớn, án điểm, xét xử lưu động; chi bồi dưỡng phiên tòa, phiên họp; chi công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật; chi triển khai thực hiện các luật mới; chi tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn; xây dựng, hoàn thiện, rà soát văn bản quy phạm pháp luật. Chi sửa chữa thường xuyên tài sản, trụ sở làm việc; kinh phí đo đạc các cơ sở nhà, đất và chi phí làm thủ tục, hồ sơ pháp lý đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai năm 2013; kinh phí mua sắm, thay thế trang thiết bị, phương tiện làm việc của cán bộ, công chức theo quy định v.v...

+ Chi tiền lương, tiền công lao động và chi thường xuyên cho hợp đồng lao động (HĐLĐ) theo Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ năm 2021 đã được Lãnh đạo VKSND tối cao đồng ý đưa vào định mức chi thường xuyên (ngoại trừ đối tượng là HĐLĐ lái xe ô tô chuyên dùng cấp huyện do chưa bảo đảm đủ xe ô tô cho các đơn vị). Việc kết cấu chi cho HĐLĐ vào định mức chi thường xuyên tính theo số biên chế là bảo đảm thực hiện theo đúng quy định của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 46/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 về việc ban hành định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2017), đồng thời tăng quyền chủ động cho Thủ trưởng đơn vị căn cứ dự toán được giao để chủ động tính toán số lượng hợp đồng lao động đảm bảo nhiệm vụ của đơn vị.

- Bổ sung định mức 03 triệu đồng/người/năm đối với VKSND cấp huyện được trang bị xe ô tô chuyên dùng. VKSND tối cao phân bổ về VKSND tỉnh và ủy quyền cho Viện trưởng VKSND cấp tỉnh chủ động điều hành cho phù hợp với hoạt động của các đơn vị.

- Đối với HĐLĐ là lái xe ô tô chuyên dùng cấp huyện vẫn cấp riêng (chưa kết cấu vào định mức do chưa bảo đảm đủ 100% xe ô tô cho các VKSND cấp huyện). Trường hợp chuyển đổi HĐLĐ theo Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ phát sinh tăng kinh phí cho đối tượng này, đơn vị chủ động sử dụng trong định mức chi thường xuyên được giao để bảo đảm chế độ cho người lao động.

1.4. Kinh phí chi đặc thù

- Kinh phí thuê luật sư, trợ cấp nhân chứng được giao và ủy quyền cho Viện trưởng VKSND cấp tỉnh phân bổ, điều chỉnh giữa các đơn vị dự toán cấp III trực thuộc nhưng không làm thay đổi tổng mức kinh phí thuê luật sư, trợ cấp nhân chứng đã được giao.

- Kinh phí chi hỗ trợ công tác kiểm sát trại giam, trại tạm giam, VKSND tỉnh căn cứ nguồn kinh phí được cấp để chi cho công tác kiểm sát đối với những trại giam, trại tạm giam được VKSND tối cao phân cấp, ủy quyền quản lý.

1.5. Kinh phí chi nhiệm vụ tăng thêm theo quy định tại Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự

Kinh phí chi nhiệm vụ tăng thêm theo quy định tại Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự là kinh phí phục vụ nhiệm vụ xác minh tin báo tố giác tội phạm; nhiệm vụ điều tra tội phạm; nhiệm vụ cung cấp hồ sơ cho bị can; nhiệm vụ số hóa hồ sơ vụ án và các nhiệm vụ tăng thêm khác.

Nội dung chi gồm: Chi công tác phí, xăng xe; chi văn phòng phẩm; chi tập huấn thực hiện luật mới; chi khác phục vụ nhiệm vụ tăng thêm (chi thuê phiên dịch, dịch thuật, chi mua sắm trang thiết bị ...). Riêng hoạt động điều tra tội phạm nội dung chi, mức chi theo quy định tại Thông tư số 1018/2020/TT-BTC ngày 18/9/2020 của Bộ Tài chính quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí hoạt động điều tra trong ngành KSND (thay thế Thông tư số 148/2011/TT-BTC ngày 07/11/2011).

- Kinh phí chi hoạt động điều tra, chi thực hiện nhiệm vụ tăng thêm của Cơ quan điều tra VKSND tối cao và kinh phí chi điều tra, xác minh giai đoạn giám đốc thẩm, tái thẩm, án tử hình, chi nhiệm vụ tăng thêm của 03 VKSND cấp cao phân bổ theo nhiệm vụ.

- Kinh phí chi cho nhiệm vụ tăng thêm của VKSND các cấp tính trên cơ sở số biên chế được giao năm 2020: Văn phòng VKSND tối cao, định mức 10 triệu đồng/biên chế/năm; VKSND TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh (VKSND tỉnh và VKSND cấp huyện trực thuộc), định mức 08 triệu đồng/biên chế/năm. VKSND các tỉnh còn lại (bao gồm cả VKSND cấp huyện trực thuộc), định mức 06 triệu đồng/biên chế/năm.

1.6. Kinh phí bảo trì, sửa chữa trụ sở làm việc

Việc bố trí kinh phí bảo trì, sửa chữa trụ sở trên cơ sở dự toán với các đơn vị và khả năng ngân sách, theo nguyên tắc ưu tiên về tính cấp bách, có trọng tâm, trọng điểm. Việc sửa chữa, bảo trì trụ sở phải thực hiện trong phạm vi dự toán kinh phí được giao, đúng quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật đấu thầu, Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn, đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình. Các đơn vị không được tự ý điều chỉnh dự toán đã được phê duyệt, không tự điều chuyển kinh phí bảo trì, sửa chữa từ trụ sở này sang trụ sở khác hoặc chi nội dung khác. Trường hợp có thay đổi, đơn vị báo cáo VKSND tối cao cho ý kiến trước khi thực hiện.

1.7. Việc may sắm trang phục

VKSND tối cao sẽ hướng dẫn chi tiết việc thực hiện may sắm trang phục theo niên hạn năm 2021.

1.8. Thực hiện điều chỉnh dự toán

- Các đơn vị dự toán cấp II được thực hiện điều chỉnh dự toán ngân sách giữa các đơn vị dự toán trực thuộc theo Quyết định số 02/QĐ-VKSTC ngày 08/01/2021 của Viện trưởng VKSND tối cao về việc ủy quyền phân bổ, điều chỉnh dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2021 trong ngành Kiểm sát nhân dân. Cụ thể:

+ Điều chỉnh định mức chi thường xuyên cơ sở giữa các đơn vị VKSND cấp huyện trực thuộc, bảo đảm định mức tối thiểu là 40 triệu đồng/biên chế/năm.

+ Điều chỉnh dự toán chi thường xuyên hỗ trợ duy trì hoạt động xe chuyên dùng giữa các đơn vị VKSND cấp huyện trực thuộc, phù hợp với khối lượng công việc, đặc điểm cụ thể của từng đơn vị.

+ Điều chỉnh dự toán đối với phần kinh phí giao thực hiện chế độ tự chủ giữa các đơn vị dự toán cấp III trực thuộc khi thực hiện việc điều động, luân chuyển cán bộ, điều chuyển biên chế, tinh giản biên chế, biên chế giảm và khi cán bộ nghỉ hưu để đảm bảo chi lương, chi thường xuyên cho các đơn vị theo quy định của pháp luật.

+ Điều chỉnh dự toán kinh phí thuê luật sư, trợ cấp nhân chứng giữa các đơn vị dự toán cấp III trực thuộc nhưng không làm thay đổi tổng mức kinh phí thuê luật sư, trợ cấp nhân chứng đã được VKSND tối cao giao.

- Đối với khoản kinh phí chi cho nhiệm vụ tăng thêm giao theo định mức (kinh phí giao không thực hiện tự chủ), việc điều chỉnh giữa các đơn vị dự toán trực thuộc VKSND tỉnh phải có ý kiến đồng ý bằng văn bản của VKSND tối cao.

- Thời gian thực hiện điều chỉnh dự toán: Việc điều chỉnh dự toán đã giao cho các đơn vị sử dụng ngân sách năm 2021 phải hoàn thành trước ngày 15/11/2021 (bao gồm cả việc điều chỉnh qua hệ thống Tabmis). Do đó, đơn vị nào có thực hiện điều chỉnh dự toán giữa các đơn vị trực thuộc hoặc đề nghị VKSND tối cao điều chỉnh dự toán phải đặc biệt lưu ý, hoàn thành trước thời hạn quy định.

1.9. Tổ chức điều hành dự toán chi ngân sách nhà nước

- Yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị dự toán chủ động cân đối và điều hành ngân sách đảm bảo hoạt động thường xuyên của đơn vị trong năm. Việc sử dụng ngân sách phải trong phạm vi dự toán được giao, thực hiện chi tiêu chặt chẽ đảm bảo đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức, chế độ Nhà nước quy định và hướng dẫn của Ngành.

- Thực hiện tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên; giảm tối đa các khoản chi hội nghị, hội thảo, công tác phí trong và ngoài nước; quản lý chặt chẽ, đúng quy định kinh phí mua sắm trang thiết bị, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất; đẩy mạnh cải cách hành chính đặc biệt là việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành để giảm chi phí quản lý hành chính, công văn, giấy tờ...nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản nhà nước ở đơn vị mình và các đơn vị dự toán trực thuộc (nếu có), kịp thời phát hiện những vi phạm về chế độ, chính sách quản lý tài chính để có biện pháp xử lý.

- VKSND tối cao sẽ tăng cường kiểm tra công tác tài chính, kế toán đối với các đơn vị dự toán trong Ngành, kịp thời đề xuất với Viện trưởng VKSND tối cao biện pháp xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm kỷ luật tài chính trong quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước.

2. Đối với nguồn vốn đầu tư xây dựng

Việc phân bổ kế hoạch vốn đầu tư năm 2021 thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công năm 2019, các nghị quyết của Quốc hội và quyết định giao kế hoạch vốn đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành phân bổ vốn đầu tư năm 2021 theo 02 đợt:

- Đợt 1: Phân bổ vốn cho các dự án đã nằm trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

- Đợt 2: Phân bổ cho các dự án sẽ được Quốc hội khóa XV phê duyệt trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Do đó, đối với các dự án chuyển tiếp sau khi được giao vốn Chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư năm 2021 và chấp hành nghiêm chế độ báo cáo giải ngân kế hoạch vốn hằng tháng, quý, 06 tháng, 09 tháng và báo cáo năm theo quy định.

3. Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng công chức

Tại Quyết định số 1934/QĐ-BTC ngày 03/12/2020 của Bộ Tài chính về việc giao dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2021 ngành Kiểm sát chưa được cấp kinh phí đào tạo, bồi dưỡng công chức. Do đó, ngày 28/12/2020, VKSND tối cao đã có Công văn số 5827/VKSTC-C3 gửi Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ đề nghị cấp bổ sung dự toán kinh phí đào tạo, bồi dưỡng công chức năm 2021. Hiện nay Ngành đang chờ Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ để cấp bổ sung kinh phí trong năm.

Vì vậy, trong khi chưa được cấp dự toán kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, đơn vị chủ trì mở lớp có thể sử dụng từ nguồn kinh phí thường xuyên hoặc nguồn kinh phí hợp pháp khác (nếu có) để thực hiện.

4. Đối với các đơn vị sự nghiệp

- Phương án tự chủ giai đoạn 2021-2023 của các đơn vị sự nghiệp đến nay chưa trình thẩm định do chờ ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập. Ngày 18/01/2021 VKSND tối cao đã có Công văn số 222/VKTC-C3 gửi Bộ Tài chính đề nghị thống nhất phân bổ kinh phí hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập vào nguồn kinh phí thường xuyên. Lý do, căn cứ khoản 3 Điều 2 Quyết định số 1950/QĐ-TTg ngày 28/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2021: “Năm 2021, tiếp tục kéo dài thời kỳ ổn định ngân sách nhà nước giai đoạn 2017-2020 sang năm 2021 theo Nghị quyết số 122/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội”.

Do vậy, căn cứ nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ hoạt động thường xuyên, đơn vị đẩy mạnh đổi mới theo hướng tăng cường tự chủ gắn liền với lộ trình điều chỉnh giá, phí dịch vụ sự nghiệp công; sắp xếp lại tổ chức bộ máy, có thể giảm số lượng viên chức hưởng lương trực tiếp từ NSNN cho phù hợp.

- Đối với kinh phí chi không thường xuyên được giao để thực hiện nhiệm vụ, đơn vị tổ chức triển khai thực hiện chặt chẽ, đúng quy định.

5. Thực hiện công khai tài chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

- Yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc chế độ công khai tài chính theo quy định tại Thông tư số 61/2017/TT-BTC ngày 15/6/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện quy chế công khai tài chính đối với các đơn vị dự toán ngân sách và các tổ chức được ngân sách hỗ trợ; Thông tư số 90/2018/TT-BTC ngày 28/9/2018 sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 61/2017/TT-BTC; Thông tư số 144/2017/TT-BTC ngày 29/12/2017 hướng dẫn một số nội dung của Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Đối với các đơn vị đã có Trang/Cổng thông tin điện tử lập chuyên mục công khai ngân sách trên Trang/Cổng thông tin điện tử để công khai số liệu, báo cáo thuyết minh ngân sách theo quy định, trong đó tạo lập các chuyên mục con theo các nội dung công khai như: Dự toán ngân sách đã được cấp có thẩm quyền giao; tình hình thực hiện dự toán ngân sách trong năm (quý, 06 tháng, 09 tháng, năm); quyết toán ngân sách đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; tổng hợp tình hình công khai ngân sách. Các đơn vị dự toán cấp II, cấp III trực thuộc VKSND tối cao gửi Báo cáo tổng hợp tình hình công khai phân bổ dự toán ngân sách năm 2021 (theo biểu mẫu đính kèm) trước ngày 31/3/2021 để tổng hợp báo cáo Bộ Tài chính theo quy định.

- Thủ trưởng các đơn vị rà soát sửa đổi các quy chế (Quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế quản lý, sử dụng tài sản công ...), ban hành văn bản và chủ trì việc thực hiện các biện pháp nhằm triệt để tiết kiệm trong quản lý, sử dụng ngân sách; tài sản công, chống lãng phí, phối hợp với tổ chức Đảng, Đoàn thể tại cơ quan phát động cán bộ, công chức và người lao động trong đơn vị thực hiện tốt phong trào tiết kiệm, chống lãng phí, ban hành chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo chương trình của VKSND tối cao hằng năm và báo cáo thực hiện theo quy định.

6. Tổ chức thực hiện

Thủ trưởng các đơn vị dự toán trong Ngành triển khai nghiên cứu kỹ các quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, Chỉ thị số 07/CT-VKSTC ngày 05/4/2016 của Viện trưởng VKSND tối cao về việc tăng cường công tác quản lý tài chính trong ngành KSND và hướng dẫn này để tổ chức thực hiện và hướng dẫn các đơn vị dự toán cấp dưới thực hiện.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các đơn vị phản ánh kịp thời về VKSND tối cao (Cục Kế hoạch - Tài chính) để được giải đáp./.

 


Nơi nhận:
- Đ/c Lê Minh Trí, VT (để báo/cáo);
- Các đồng chí PVT (để báo/cáo);
- Các đơn vị dự toán trực thuộc VKSNDTC;
- Trang tin điện tử VKSND tối cao;
- Lưu: VP, Cục 3 (Vth, LĐC, các phòng, P.KHNS).
Nga 110b.

TL. VIỆN TRƯỞNG
CỤC TRƯỞNG CỤC KẾ HOẠCH - TÀI CHÍNH




Nguyễn Văn Hà