Hệ thống pháp luật

TỔNG LIÊN ĐOÀN
LAO ĐỘNG VIỆT NAM
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 105/TLĐ

Hà Nội, ngày 25 tháng 12 năm 2000 

 

HƯỚNG DẪN

VỀ TỔ CHỨC, THÀNH LẬP, NHIỆM VỤ VÀ NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG CỦA CÔNG ĐOÀN CƠ SỞ TẠI DOANH NGHIỆP CỔ PHẦN

Căn cứ Điều lệ Công đoàn Việt Nam lần thứ VIII, Thông tri 68/TLĐ ngày 27–5–1999 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn hướng dẫn thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam;
Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, Tổng Liên đoàn về việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam hướng dẫn một số vấn đề chủ yếu sau đây
:

I. NGUYÊN TẮC THÀNH LẬP CÔNG ĐOÀN CƠ SỞ TRONG CÁC DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC CỔ PHẦN HOÁ

Việc thành lập mới công đoàn công ty cổ phần hoặc chuyển đổi công đoàn cơ sở doanh nghiệp nhà nước thành công đoàn cơ sở công ty cổ phần được tiến hành như sau:

1. Đối với doanh nghiệp nhà nước chuyển thành công ty cổ phần 100% vốn của cổ đông

– Nếu doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ mà chuyên thành công ty cổ phần 100% vốn của cổ đông hoặc chuyển một bộ phận (phân xưởng, đội...) trước khi thành lập Công ty cổ phần công đoàn cơ sở đó trực thuộc công đoàn ngành Trung ương (hoặc công đoàn Tổng công ty) thì công đoàn ngành Trung ương hoặc công đoàn Tổng công ty làm việc cụ thể với Liên đoàn lao động địa phương để tiến hành các thủ tục thành lập mới, chỉ định Ban chấp hành lâm thời hoặc chuyển đổi công đoàn cơ sở doanh nghiệp nhà nước thành công đoàn công ty cổ phần theo đúng quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam và Thông tri 68/TLĐ, bàn giao công đoàn công ty cổ phần đó cho Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố quản lý và chỉ đạo hoạt động.

2. Đối với doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ quản lý khi chuyển thành công ty cổ phần mà Nhà nước vẫn giữ cổ phần chi phối hoặc cổ phần đặc biệt:

Công đoàn ngành Trung ương (hoặc Công đoàn Tổng công ty được Công đoàn ngành ủy quyền) tiến hành chuyển đổi Công đoàn cơ sở doanh nghiệp nhà nước thành công đoàn công ty cổ phần hoặc thành lập mới, chỉ định Ban chấp hành công đoàn lâm thời công ty cổ phần đồng thời trực tiếp quản lý và chỉ đạo hoạt động theo Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

3. Những doanh nghiệp nhà nước do ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, quận, huyện quản lý, khi cổ phần hóa theo các dạng a, b mục I thì do Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố (hoặc công đoàn quận, huyện, công đoàn ngành địa phương được Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố ủy quyền) ra quyết định chuyển đổi hoặc thành lập mới, chỉ định Ban chấp hành lâm thời và chỉ đạo hoạt động theo Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

4. Đối với doanh nghiệp nhà nước khi thực hiện Nghị định số 103/1999/NĐ–CP ngày 10–9–1999 của Chính phủ “về giao, bán, khoán kinh doanh, cho thuê doanh nghiệp Nhà nước”. Trong quá trình chuyển nhượng, giao quyền và đăng ký kinh doanh dưới các hình thức sở hữu như: Kinh tế tập thế hợp tác xã ; công ty cổ phần, công ty tư nhân... thì hoạt động của Ban chấp hành công đoàn cơ sở ở nơi đó cũng được chuyển đổi theo các hình thức tương ứng theo Điều lệ Công đoàn Việt Nam đã quy định.

II– NỘI DUNG NHIỆM VỤ HOẠT ĐỘNG CỦA CÔNG ĐOÀN CƠ SỞ CÔNG TY CỔ PHẦN:

Ngoài nhiệm vụ quyền hạn đã quy định tại Điều 17 Điều lệ Công đoàn Việt Nam, nay hướng dẫn như sau:

1. Ban chấp hành công đoàn cơ sở Công ty cổ phần cần tiếp tục tổ chức nghiên cứu quán triệt và tuyên truyền cho công nhân lao động thực hiện tốt các chủ trương, đường lối chính sách, luật pháp của Nhà nước, Tổng Liên đoàn về cổ phần hóa, chính sách đối với người lao động khi chuyển doanh nghiệp sang cổ phần, làm rõ các quyền, lợi ích và trách nhiệm của người lao động (cổ đông) trong công ty.

2. Ban chấp hành công đoàn cơ sở Công ty cổ phần chủ động đề xuất với hội đồng quản trị, giám đốc công ty xây dựng, sửa đổi, bổ sung các quy chế phối hợp, quy chế sử dụng quỹ phúc lợi giữa Ban chấp hành công đoàn và giám đốc Công ty phù hợp với Luật Doanh nghiệp, Luật Công đoàn và Bộ luật Lao động đã quy định.

3. Ban chấp hành công đoàn công ty cổ phần tham gia với giám đốc công ty lập danh sách và phân loại công nhân lao động, chủ động đề xuất các hình thức, biện pháp đào tạo, đào tạo lại nghề, nâng cao trình độ cho công nhân lao động đáp ứng yêu cầu cơ chế quản lý mới của công ty, chủ động bàn bạc với hội đồng quản trị, giám đốc công ty có kế hoạch mở đại hội cổ đông, xây dựng các phương án sản xuất kinh doanh, cải thiện điều kiện lao động, vệ sinh an toàn lao động, các phương án ăn chia, cử đại diện công đoàn tham gia hội đồng quản trị hoặc có thể vận động đoàn viên tập trung cổ phiếu ủy quyền cho đại diện công đoàn tham gia vào hội đồng quản trị cũng như lựa chọn người là đoàn viên công đoàn cơ sở có năng lực tham gia vào Ban kiểm soát của công ty (ở công ty cổ phần không bầu Ban Thanh tra nhân dân mà chỉ bầu Ban Kiểm soát).

4. Ban chấp hành công đoàn vận động công nhân viên chức lao động và các cổ đông tham gia các hoạt động xã hội từ thiện, chăm lo cải thiện điều kiện lao động, xây dựng quỹ tương trợ để giúp đỡ cho công nhân lao động bị dôi dư, chờ việc gặp khó khăn, hoạn nạn trong quá trình cổ phần hóa.

5. Đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên, xây dựng và củng cố tổ công đoàn, công đoàn bộ phận, thực hiện tốt các nội dung xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh, hàng năm tổ chức đăng ký, kiểm tra đánh giá chất lượng công đoàn cơ sở vững mạnh và sơ tổng kết đúc rút kinh nghiệm để động viên khen thưởng kịp thời.

6. Thực hiện thu, chi, quản lý tài chính công đoàn theo quy định của Nhà nước và Tổng Liên đoàn.

III. NHIỆM VỤ CỦA CÔNG ĐOÀN CẤP TRÊN CƠ SỞ

1. Căn cứ vào Nghị định số 44–1998/NĐ–CP, ngày 29–6–1998 của Chính phủ “Về chuyển doanh nghiệp Nhà nước thành công ty cổ phần”, các văn bản hướng dẫn của Tổng Liên đoàn và các cơ quan chức năng để chỉ đạo, giúp công đoàn cơ sở công ty cổ phần đi vào hoạt động phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị.

2. Cử Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch tham gia ban đổi mới doanh nghiệp đồng cấp, xây dựng kế hoạch cụ thể để chỉ đạo hướng dẫn, xét duyệt, lựa chọn những doanh nghiệp nhà nước có đủ điều kiện lập phương án chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần.

3. Tổ chức tập huấn cho cán bộ công đoàn cơ sở về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và nội dung hoạt động của công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa, tổ chức kiểm tra, giám sát công đoàn cơ sở và cơ quan chuyên môn việc thực hiện chính sách đối với người lao động.

Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam yêu cầu các Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương, công đoàn các cấp và công đoàn cơ sở cổ phần hóa thực hiện tốt những nhiệm vụ, nội dung nói trên. Trong quá trình tổ chức thực hiện có gì vướng mắc tồn tại phản ánh về Tổng Liên đoàn để kịp thời bổ sung sửa đổi.

 

TM. ĐOÀN CHỦ TỊCH
TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
PHÓ CHỦ TỊCH



 
Nguyễn Đình Thắng

 



HIỆU LỰC VĂN BẢN

Hướng dẫn 105/TLĐ năm 2000 về việc tổ chức, thành lập, nhiệm vụ và nội dung hoạt động của công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp cổ phần do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành

  • Số hiệu: 105/TLĐ
  • Loại văn bản: Hướng dẫn
  • Ngày ban hành: 25/12/2000
  • Nơi ban hành: Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam
  • Người ký: Nguyễn Đình Thắng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản