Hệ thống pháp luật

HIỆP ÐỊNH THƯƠNG MẠI

GIỮA CHÍNH PHỦ CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ CỘNG HOÀ DÂN CHỦ NHÂN DÂN LÀO

Ngày 09 tháng 03 năm 1998

Với lòng mong muốn củng cố và phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước; Trên cơ sở hợp tác, bình đẳng cùng có lợi, tôn trọng truyền thống hợp tác giúp đỡ lẫn nhau trong lĩnh vực thương mại giữa hai nước, và tập quán thương mại quốc tế, đồng thời khuyến khích việc trao đổi, buôn bán những hàng hoá do hai nước sản xuất; Hai bên đã thoả thuận như sau:

Điều 1

Phù hợp với pháp luật và quy định hiện hành của hai nước. Hai Bên căn cứ vào nhu cầu và khả năng của mỗi nước có các biện pháp thích hợp để thúc đẩy quan hệ thương mại giữa hai nước phát triển ổn định, bền vững và lâu dài.

Điều 2

Hai Bên khuyến khích mua bán các loại hàng hoá, trừ các mặt hàng thuộc danh mục hàng hoá cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu của mỗi nước và tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu đối với các loại hàng hoá đó theo đúng pháp luật hiện hành của mỗi nước và thông lệ quốc tế.

Điều 3

Hai bên dành cho nhau chế độ nước được ưu đãi nhất về thuế quan, các chi phí và thủ tục hải quan liên quan đến việc xuất khẩu và nhập khẩu hàng hoá từ nước này sang nước kia.

Tuy nhiên, quy định này sẽ không được áp dụng cho những lợi thế, miễn trừ, ưu đãi mà Hai Bên dành hoặc sẽ dành cho những nước tham gia với bất kỳ bên nào trong hiệp hội hải quan, hay khu vực mậu dịch tự do, hoặc trong khuôn khổ của hiệp hội khu vực về hợp tác kinh tế hiện có, hoặc có thể sẽ được hình thành trong tương lai.

Điều 4

Việc mua bán hàng hoá và cung ứng dịch vụ thương mại giữa hai nước, được tiến hành trên cơ sở các hợp đồng ký kết giữa các doanh nghiệp được phép kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ thương mại của hai nước, phù hợp với pháp luật hiện hành của mỗi nước và các điều khoản của Hiệp định này.

Điều 5

Các doanh nghiệp được phép kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ thương mại của hai nước, được áp dụng các phương thức mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ thích hợp, kể cả hình thức đổi hàng... phù hợp với pháp luật của từng nước, tập quán thương mại quốc tế và truyền thống hợp tác trong lĩnh vực thương mại giữa hai nước.

Điều 6

Giá cả hàng hoá và giá các dịch vụ thương mại trong hợp đồng được dựa trên mức giá thị trường thế giới của hàng hoá và dịch vụ đó, do các doanh nghiệp của hai nước thoả thuận.

Điều 7

Mọi khoản thanh toán có liên quan đến mua bán hàng hoá và cung ứng dịch vụ thương mại giữa các doanh nghiệp hai nước được thực hiện qua Ngân hàng thương mại được uỷ quyền của mỗi nước bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi, hoặc bằng Ðồng Việt Nam, hoặc bằng Kíp Lào do doanh nghiệp hai nước thoả thuận phù hợp với các điều khoản của Hiệp định thanh toán ký kết giữa Ngân hàng Nhà nước của hai bên.

Điều 8

Hai Bên khuyến khích các hoạt động xúc tiến thương mại như tổ chức triển lãm, lập các gian hàng, cửa hàng giới thiệu sản phẩm, hàng hoá và tạo điều kiện để các doanh nghiệp của mình tham gia hội chợ tại mỗi nước; khuyến khích việc đặt các Văn phòng đại diện của doanh nghiệp trên lãnh thổ của mỗi rước, phù hợp với pháp luật của nước sở tại

Điều 9

Phù hợp với pháp luật của mỗi nước, hai Bên có các biện pháp thích hợp để thúc đẩy việc trao đổi hàng hoá của cư dân vùng biên giới hai nước, áp dụng các chính sách khuyến khích đối với hàng hoá được sản xuất tại hai nước trong buôn bán biên giới và trao đổi của cư dân vùng biên giới hai nước.

Điều 10

Ðối với hàng hoá quá cảnh thực hiện theo quy định của Hiệp định quá cảnh hàng hoá và Hiệp định vận tải đường bộ được ký kết giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào.

Điều 11

Hai Bên chỉ định đại diện của mình là Bộ Thương mại Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Thương mại và Du lịch Nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào, luân phiên gặp nhau tại lãnh thổ của mỗi nước để đánh giá việc thực hiện các quy định của Hiệp định này, trao đổi ý kiến, tìm các biện pháp thiết thực nhằm thúc đẩy phát triển quan hệ thương mại giữa hai nước.

Điều 12

Mọi sự khác biệt trong việc giải thích hoặc thực hiện những điều khoản của Hiệp định này sẽ được giải quyết thông qua tham khảo ý kiến giữa hai Bên.

Điều 13

Hiệp định này có thể được sửa đổi hoặc bổ sung với sự thoả thuận bằng văn bản của Hai Bên. Các sửa đổi, bổ sung sẽ có hiệu lực theo trình tự ghi trong Điều 14, trừ phi Hai Bên có thoả thuận khác.

Điều 14

1. Hiệp định này có hiệu lực trong thời hạn ba (3) năm kể từ ngày Hai Bên thông báo cho nhau bằng văn bản qua đường ngoại giao, sau khi mỗi bên đã hoàn thành các thủ tục pháp lý để Hiệp định này có hiệu lực; và sẽ được mặc nhiên gia hạn từng năm một, trừ trường hợp Một Bên ký kết bày tỏ ý muốn chấm dứt Hiệp định bằng văn bản ba tháng trước khi Hiệp định hết hạn.

2. Khi Hiệp định hết hiệu lực, các quy định của Hiệp định này vẫn được áp dụng đối với các hợp đồng đã ký kết trong khuôn khổ Hiệp định nhưng chưa thực hiện xong.

Làm tại Vientiane, ngày 09 tháng 3 năm 1998, thành hai (2) bản chính bằng tiếng Việt và tiếng Lào, cả hai bản đều có giá trị ngang nhau.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Hiệp định thương mại giữa Việt - Lào

  • Số hiệu: Khongso
  • Loại văn bản: Điều ước quốc tế
  • Ngày ban hành: 09/03/1998
  • Nơi ban hành: Chính phủ Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào, Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
  • Người ký: ***
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/01/1900
  • Ngày hết hiệu lực: 03/10/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản