Chương 3 Free Trade Agreement between The Socialist Republic of Viet Nam, of the one part, and the Eurasian Economic Union and its member states, of the other part
Điều. 3.1. Các biện pháp đối kháng
1. Các Bên cần phải áp dụng các biện pháp đối kháng tuân thủ các Điều Khoản quy định tại Điều VI và Điều XVI của Hiệp định GATT 1994 và Hiệp định SCM.
2. Trong trường hợp Việt Nam tiến hành điều tra và áp dụng biện pháp đối kháng, các Thành viên của Liên minh Kinh tế Á-Âu phải được điều tra riêng rẽ chứ không phải với tư cách là cả Liên minh trừ khi Việt Nam xác định được rằng có tồn tại các chương trình trợ cấp được quy định tại Điều XVI của GATT và Hiệp định SCM do Liên minh Kinh tế Á-Âu cấp cho tất cả các Thành viên của Liên minh này.
Điều. 3.2. Các biện pháp chống bán phá giá
1. Các Bên cần phải áp dụng các biện pháp chống bán phá giá tuân thủ các điều Khoản quy định tại Điều VI của GATT 1994 và Hiệp định về Thực thi Điều VI của GATT 1994, được nêu tại Phụ lục 1A của Hiệp định WTO.
2. Trong trường hợp Việt Nam tiến hành điều tra và áp dụng biện pháp chống bán phá giá, các Thành viên của Liên minh Kinh tế Á-Âu phải được xem là từng thành viên riêng rẽ chứ không phải với tư cách khối Liên minh Kinh tế Á Âu trừ khi cả hai Bên có thỏa thuận khác.
Điều 3.3. Các biện pháp tự vệ toàn cầu
Các Bên cần phải áp dụng các biện pháp tự vệ toàn cầu tuân thủ các Điều Khoản quy định tại Điều XIX của GATT 1994 và Hiệp định về các biện pháp tự vệ, được nêu tại Phụ lục 1A của Hiệp định WTO.
Điều 3.4. Các biện pháp tự vệ song phương
1. Trong trường hợp do kết quả của việc cắt giảm hoặc xóa bỏ thuế quan theo cam kết của Hiệp định này, bất kỳ hàng hóa có xuất xứ từ một Bên được nhập khẩu vào lãnh thổ của Bên còn lại có sự gia tăng tương đối hoặc tuyệt đối về lượng so với sản xuất nội địa của Bên nhập khẩu và sự gia tăng đó là nguyên nhân dẫn tới thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại nghiêm trọng đối với ngành sản xuất hàng hóa tương tự hoặc hàng hóa cạnh tranh trực tiếp của Bên nhập khẩu, Bên nhập khẩu có thể áp dụng biện pháp tự vệ song phương trong giai đoạn chuyển đổi đối với hàng hóa đó với mức độ cần thiết nhằm khắc phục hoặc ngăn chặn thiệt hại dựa trên các quy định tại Điều Khoản này.
2. Các biện pháp tự vệ song phương chỉ có thể được áp dụng khi có bằng chứng rõ ràng để chứng minh rằng sự gia tăng nhập khẩu là nguyên nhân chính gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng.
3. Khi một Bên có ý định áp dụng biện pháp tự vệ song phương theo quy định của điều này cần phải nhanh chóng thông báo cho Bên kia và Ủy ban Hỗn hợp, trong mọi trường hợp thì việc thông báo này phải được thực hiện trước khi áp dụng biện pháp tự vệ song phương. Thông báo phải bao gồm đầy đủ các thông tin cần thiết, cụ thể gồm: các bằng chứng chứng minh thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại do sự gia tăng nhập khẩu; mô tả chính xác hàng hóa thuộc đối tượng bị điều tra; đề xuất biện pháp áp dụng và đề xuất thời điểm áp dụng biện pháp, thời hạn áp dụng biện pháp cũng như lộ trình cho việc xóa bỏ dần biện pháp.
4. Bên chịu ảnh hưởng bởi biện pháp tự vệ song phương sẽ được Bên áp dụng biện pháp tự vệ song phương bồi thường dưới hình thức tự do hóa thương mại tương đương đáng kể đối với hàng hóa nhập khẩu từ Bên bị tác động. Trong vòng 30 ngày kể từ ngày thông báo biện pháp được nêu tại đoạn 3 của Điều này, Bên áp dụng biện pháp tự vệ phải xem xét các thông tin được cung cấp để thúc đẩy nhanh chóng một giải pháp hợp lý cho vấn đề này. Trong trường hợp không đạt được giải pháp nào, Bên nhập khẩu có thể áp dụng biện pháp tự vệ song phương để khắc phục thiệt hại gây ra do sự gia tăng nhập khẩu; và trong trường hợp không đạt được thỏa thuận về vấn đề bồi thường, Bên chịu tác động của việc áp dụng biện pháp tự vệ song phương có thể áp dụng biện pháp trả đũa. Cả biện pháp tự vệ song phương cũng như biện pháp trả đũa phải được thông báo ngay lập tức cho các Bên liên quan. Biện pháp trả đũa có thể bao gồm việc đình chỉ thực thi các cam kết tương đương với tác động về mặt thương mại mà bên bị áp dụng phải chịu và/hoặc đình chỉ thực hiện các cam kết tương đương với trị giá khoản thuế nhập khẩu của biện pháp tự vệ song phương. Biện pháp trả đũa chỉ được áp dụng trong khỏang thời gian cần thiết tối thiểu để đạt được mục tiêu nêu trên và chỉ được áp dụng khi biện pháp tự vệ song phương được quy định tại đoạn 5 của Điều này được áp dụng.
5. Nếu thỏa mãn các điều kiện được quy định tại đoạn 1 của Điều này, Bên nhập khẩu có thể áp dụng biện pháp tự vệ song phương dưới hình thức:
a) đình chỉ cắt giảm thuế nhập khẩu đang có hiệu lực theo quy định trong Hiệp định này đối với hàng hóa nhập khẩu bị điều tra; hoặc
b) tăng mức thuế nhập khẩu đang có hiệu lực đối với hàng hóa nhập khẩu bị điều tra với một mức độ cần thiết nhưng không được vượt quá mức thuế cơ bản được nêu trong Phụ lục 1 của Hiệp định này.
Các Bên có thể áp dụng biện pháp tự vệ song phương theo một trong các khoảng thời gian như sau:
a) Đối với hàng hóa có mức thuế nhập khẩu đạt đến mức cắt giảm thuế cuối cùng (final reduction rate) trong vòng 3 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực, một Bên có thể áp dụng biện pháp tự vệ song phương đối với hàng hóa đó trong khỏang thời gian tối đa là 2 năm. Một Bên không được tái áp dụng biện pháp tự vệ song phương trong vòng một năm kể từ ngày hết hạn biện pháp tự vệ song phương. Bất kỳ biện pháp tự vệ song phương nào cũng không được áp dụng quá hai lần đối với cùng một loại hàng hóa.
b) Đối với hàng hóa có mức thuế nhập khẩu đạt đến mức cắt giảm thuế cuối cùng (final reduction rate) sau 3 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực, một Bên có thể áp dụng biện pháp tự vệ song phương đối với hàng hóa đó trong khoảng thời gian tối đa là 2 năm. Thời gian áp dụng biện pháp tự vệ song phương có thể được gia hạn tối đa thêm 01 năm nếu có đầy đủ bằng chứng rằng việc gia hạn là cần thiết để ngăn cản hoặc khắc phục thiệt hại nghiêm trọng và ngành sản xuất trong nước nhập khẩu đang trong quá trình điều chỉnh. Một Bên không được tái áp dụng biện pháp tự vệ song phương trong khỏang thời gian bằng thời gian áp dụng biện pháp ban đầu. Bất kỳ biện pháp tự vệ song phương nào cũng không được áp dụng quá hai lần đối với cùng một loại hàng hóa.
6. Khi kết thúc việc áp dụng biện pháp tự vệ song phương, mức thuế suất nhập khẩu sẽ là mức thuế đang có hiệu lực tại thời điểm chấm dứt biện pháp.
7. Các Bên không được áp dụng đồng thời đối với cùng một hàng hóa:
a) biện pháp tự vệ song phương; và
b) biện pháp theo quy định Điều XIX của GATT và Hiệp định Tự vệ, tại Phụ lục 1A của Hiệp định WTO.
8. Ngành sản xuất trong nước được nêu trong đoạn 1 của Điều này được hiểu là toàn bộ các nhà sản xuất hàng hóa tương tự hoặc hàng hóa cạnh tranh trực tiếp hoạt động trên lãnh thổ của một Bên hoặc tập hợp các nhà sản xuất mà tổng lượng sản xuất hàng hóa tương tự hoặc hàng hóa cạnh tranh trực tiếp chiếm tỷ lệ đa số và chiếm trên 25% tổng sản lượng toàn ngành sản xuất trong nước của hàng hóa đó.
9. Giai đoạn chuyển đổi của hàng hóa là đối tượng của biện pháp tự vệ song phương nêu tại đoạn 1 của Điều này là:
a) Khoảng thời gian kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực cho đến 07 năm sau ngày hoàn thành việc xóa bỏ hoặc cắt giảm thuế đối với nhóm hàng hóa có lộ trình cắt giảm đến mức thuế cuối cùng trong vòng 3 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực;
b) Khoảng thời gian kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực cho đến 05 năm sau ngày hoàn thành việc xóa bỏ hoặc cắt giảm thuế đối với nhóm hàng hóa có lộ trình cắt giảm đến mức thuế cuối cùng trong hoặc sau 03 năm nhưng chỉ đến 05 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực
c) Khoảng thời gian kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực cho đến 03 năm sau ngày hoàn thành việc xóa bỏ hoặc cắt giảm thuế đối với nhóm hàng hóa có lộ trình cắt giảm đến mức thuế cuối cùng sau 05 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực
Điều 3.5. Thông báo
1. Tất cả các trao đổi chính thức và các tài liệu được trao đổi giữa các Bên liên quan đến các vấn đề thuộc phạm vi của Chương này phải được thực hiện giữa các cơ quan có liên quan có thẩm quyền pháp lý khởi xướng và tiến hành cuộc điều tra theo quy định của Chương này (sau đây được gọi là “cơ quan điều tra”). Trong trường hợp Việt Nam dự định áp dụng một biện pháp được quy định trong Chương này, Bên kia có thể chỉ định một cơ quan có thẩm quyền khác và thông báo cho Việt Nam về việc chỉ định này.
2. Các Bên phải trao đổi thông tin về tên, thông tin liên hệ của các cơ quan điều tra trong vòng 30 ngày kể từ ngày Hiệp định này có hiệu lực. Các Bên phải nhanh chóng thông báo cho bên kia bất kỳ sự thay đổi nào liên quan đến cơ quan điều tra.
3. Bên nào có dự định áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu phải ngay lập tức cung cấp cho Bên kia một bản thông báo bằng văn bản có đầy đủ các thông tin về việc khởi xướng điều tra, kết luận sơ bộ cũng như kết luận cuối cùng của vụ việc
Free Trade Agreement between The Socialist Republic of Viet Nam, of the one part, and the Eurasian Economic Union and its member states, of the other part
- Số hiệu: Khongso
- Loại văn bản: Điều ước quốc tế
- Ngày ban hành: 29/05/2015
- Nơi ban hành: Quốc hội
- Người ký: ***
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 08/05/2025
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra