Chương 13 Free Trade Agreement between The Socialist Republic of Viet Nam, of the one part, and the Eurasian Economic Union and its member states, of the other part
CÔNG NGHỆ ĐIỆN TỬ TRONG THƯƠNG MẠI
Điều 13.1. Phạm vi
1. Các Bên công nhận thương mại điện tử có thể làm gia tăng cơ hội kinh doanh thương mại và góp phần vào tăng trưởng kinh tế, đồng thời cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ điện tử trong thương mại nhằm giảm thiểu các chi phí và tạo thuận lợi thương mại, cũng như tầm quan trọng của việc hợp tác giữa các Bên đối với các vấn đề về thương mại điện tử được quy định trong Chương này.
2. Chương này sẽ điều chỉnh các biện pháp do các Bên đưa ra liên quan đến:
a) việc sử dụng các văn bản điện tử trong thương mại giữa các Bên bằng chữ ký số và bên thứ ba được uỷ thác;
b) thương mại điện tử như được định nghĩa ở Khoản (b) thuộc Điều 13.2 của Chương này;
3. Theo các mục đích của Khoản 2 thuộc Điều này, các biện pháp đó sẽ bao gồm các biện pháp được đưa ra bởi:
a) Chính quyền và các cơ quan trung ương và địa phương; và
b) Các cơ quan phi chính phủ được uỷ quyền thay mặt chính quyền và các cơ quan trung ương và địa phương.
4. Để thực hiện các nghĩa vụ và cam kết của mình trong Chương này, mỗi Bên sẽ phải tiến hành những biện pháp hợp lý đó, nếu có, nhằm đảm bảo việc thực hiện các nghĩa vụ và cam kết đó bởi chính quyền, cơ quan trung ương và địa phương, và cả các tổ cơ quan phi chính phủ trong lãnh thổ của mình.
5. Chương này sẽ được thực hiện bởi các Bên theo Điều 8.
Điều 13.2. Định nghĩa
Theo các mục đích của Chương này:
a) “chứng thư số” là một văn bản điện tử được ban hành bởi một tổ chức có thẩm quyền, bao gồm các thông tin xác nhận rằng một chữ ký số thuộc về một cá nhân nhất định nào đó.
b) “thương mại điện tử” là hoạt động thương mại có sử dụng các công nghệ điện tử;
c) “văn bản điện tử” là một văn bản mà các thông tin được thể hiện dưới dạng điện tử được chứng thực bằng chữ ký số;
d) “chữ ký số” là thông tin ở dạng điện tử thu được bằng mã khoá công khai - là sự chuyển đổi thông tin thông qua việc sử dụng khoá chữ ký riêng được xác minh bởi khoá chữ ký công khai - và được gắn hoặc liên kết với các thông tin khác ở dạng điện tử (thông tin được ký), xác nhận tính toàn vẹn và xác thực của thông tin đó và đảm bảo không có khả năng để từ chối quyền tác giả;
e) “công nghệ điện tử” là sự kết hợp giữa phần cứng và phần mềm nhằm tạo ra sự tương tác giữa các pháp nhân của các Bên thông qua sử dụng văn bản điện tử;
f) “chứng thực điện tử” là quá trình tạo ra sự tin cậy đối với danh tính người sử dụng khi được thể hiện ở dạng điện tử tới một hệ thống thông tin;
g) “bên thứ ba được uỷ thác” là một tổ chức được uỷ quyền, theo quy định và luật pháp của mỗi Bên, xác thực chữ ký số trong một văn bản điện tử được ký bằng công nghệ số trong một thời gian cố định đối với tác giả và/hoặc người nhận văn bản điện tử;
Điều 13.3. Chứng thực điện tử
Các Bên sẽ nỗ lực để hướng tới việc công nhận lẫn nhau về chữ ký số trong việc trao đổi các văn bản điện tử thông qua dịch vụ của bên thứ ba được uỷ thác.
Điều 13.4. Sử dụng văn bản điện tử
1. Các Bên sẽ nỗ lực:
a) Không áp dụng và duy trì các quy định và luật pháp trong nước có yêu cầu xác minh tính xác thực của giao dịch ở dạng điện tử bằng việc trình diện văn bản ở dạng giấy;
b) Đảm bảo rằng các văn bản liên quan đến giao dịch thương mại được trình diện đến các cơ quan có thẩm quyền của các Bên ở dạng văn bản điện tử được ký số.
2. Các Bên sẽ nỗ lực để đảm bảo rằng trong trường hợp nếu có văn bản nào được yêu cầu đối với việc nhập khẩu một sản phẩm, người tham gia giao dịch có thể nhận được văn bản đó xác minh sản phẩm được nhập khẩu phù hợp với các yêu cầu của nước nhập khẩu ở dạng điện tử.
Điều 13.5. Bảo vệ dữ liệu riêng tư
Các Bên sẽ nỗ lực để áp dụng và duy trì các biện pháp có hiệu lực nhằm mục tiêu bảo vệ dữ liệu riêng tư của người sử dụng thương mại điện tử.
Điều 13.6. Hợp tác về Công nghệ điện tử trong Thương mại
1. Việc thảo luận về các vấn đề liên quan đến Chương này có thể được thực hiện trong khuôn khổ của một uỷ ban về công nghệ điện tử trong thương mại sẽ được thành lập nếu cần thiết.
2. Các Bên sẽ trao đổi thông tin và kinh nghiệm về luật pháp, quy định và các chương trình trong lĩnh vực công nghệ điện tử trong thương mại, cụ thể là về các vấn đề bảo vệ dữ liệu riêng tư và nâng cao lòng tin của người tiêu dùng.
3. Các Bên ghi nhận sự cần thiết của việc tham gia vào các diễn đàn song phương, khu vực và đa phương về xây dựng khung pháp lý quy định thương mại điện tử.
Điều 13.7. Phát triển thương mại điện tử
Ghi nhận tính chất toàn cầu của thương mại điện tử và tầm quan trọng của việc thúc đẩy ứng dụng và phát triển thương mại điện tử, các Bên sẽ:
a) Nỗ lực xây dựng khung pháp lý về thương mại điện tử có sử dụng các tiêu chuẩn quốc tế liên quan về thu thập dữ liệu và phù hợp với các thực tiễn quốc tế, bao gồm các quyết định được đưa ra trong khuôn khổ WTO, nếu có thể;
b) Khuyến khích khu vực tư nhân áp dụng các quy định tự quản, bao gồm các quy tắc ứng xử, hợp đồng mẫu, hướng dẫn và các cơ chế thực thi có thể thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử;
c) Thúc đẩy việc ứng dụng các biện pháp minh bạch và phù hợp để bảo vệ người tiêu dùng khỏi các hành vi gian lận và lừa đảo khi tham gia vào thương mại điện tử;
d) Thúc đẩy hợp tác giữa các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng quốc gia các Bên đối với các vấn đề liên quan đến thương mại điện tử xuyên biên giới nhằm nâng cao phúc lợi cho người tiêu dùng.
Điều 13.8.
1. Cơ quan có thẩm quyền của các Bên có thể cam kết thực thi bất kỳ vấn đề nào trong phạm vi của chương này. Cụ thể, các thỏa thuận thực thi sẽ thể hiện các cam kết đạt được tại các Điều 13.3, 13.4 và 13.5 của Hiệp định này;
2. Thỏa thuận thực thi khi được thông qua sẽ được áp dụng đối với hoạt động thương mại giữa các Bên.
3. Các Bên, thông qua các cơ quan có thẩm quyền, sẽ có những hành động cần thiết để áp dụng các thỏa thuận thực thi trong một khoảng thời gian hợp lý do hai Bên cùng quyết định.
Free Trade Agreement between The Socialist Republic of Viet Nam, of the one part, and the Eurasian Economic Union and its member states, of the other part
- Số hiệu: Khongso
- Loại văn bản: Điều ước quốc tế
- Ngày ban hành: 29/05/2015
- Nơi ban hành: Quốc hội
- Người ký: ***
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 08/05/2025
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra