Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ CÔNG AN - BỘ QUỐC PHÒNG - BỘ TƯ PHÁP - BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN - BỘ TÀI CHÍNH - VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO - TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/2025/TTLT-BCA-BQP-BTP-BNN&PTNT-BTC-VKSNDTC-TANDTC | Hà Nội, ngày 15 tháng 01 năm 2025 |
QUY ĐỊNH QUAN HỆ PHỐI HỢP TRONG HOẠT ĐỘNG GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ
Căn cứ Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự số 02/2021/QH15 ngày 12 tháng 11 năm 2021;
Căn cứ Luật Giám định tư pháp số 13/2012/QH13 ngày 20 tháng 6 năm 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp số 56/2020/QH14 ngày 10 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 80/2015/QH13 ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 63/2020/QH14 ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao thống nhất ban hành Thông tư liên tịch quy định quan hệ phối hợp trong hoạt động giám định tư pháp trong tố tụng hình sự.
1. Thông tư liên tịch này quy định về cơ chế thông tin, cách thức, trình tự và trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng với cá nhân, tổ chức giám định tư pháp và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong trưng cầu giám định, tiến hành giám định, đánh giá, sử dụng kết luận giám định tư pháp trong tố tụng hình sự.
2. Việc phối hợp trong hoạt động giám định tư pháp đối với vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế được thực hiện theo Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP ngày 13 tháng 12 năm 2017 của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp quy định những trường hợp cần thiết phải trưng cầu giám định trong các vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế và những quy định tại Thông tư liên tịch này không trái với quy định tại Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP.
1. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;
2. Cá nhân, tổ chức giám định tư pháp;
3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
1. Việc phối hợp thực hiện giám định phải bảo đảm các nguyên tắc được quy định tại Điều 3 Luật Giám định tư pháp; phối hợp trong trưng cầu giám định, đánh giá, sử dụng kết luận giám định phải bảo đảm khách quan, khoa học, chính xác, đúng quy định pháp luật.
2. Quá trình phối hợp không gây cản trở, kéo dài, ảnh hưởng đến tính chính xác, khách quan, kịp thời trong giải quyết vụ án, vụ việc.
3. Bảo đảm thực hiện đầy đủ, đúng thời hạn, hiệu quả quyền và nghĩa vụ của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phối hợp thực hiện hoạt động giám định tư pháp trong tố tụng hình sự.
4. Công tác thông tin, phối hợp phải tuân thủ quy định của pháp luật, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động, kịp thời, trách nhiệm, hiệu quả.
5. Bảo đảm bí mật nhà nước, bí mật công tác theo quy định của pháp luật.
Điều 4. Phương thức thông tin, phối hợp
1. Trao đổi trực tiếp, gửi văn bản giấy, văn bản điện tử, tổ chức họp, phối hợp kiểm tra liên ngành.
2. Cung cấp thông tin, số liệu về trưng cầu giám định, tiến hành giám định, đánh giá, sử dụng kết luận giám định và các thông tin tài liệu khác có liên quan đến hoạt động giám định tư pháp trong tố tụng hình sự.
3. Trường hợp phát sinh khó khăn, vướng mắc hoặc theo đề nghị của cá nhân, tổ chức giám định tư pháp thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã trưng cầu giám định giải quyết hoặc chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan giải quyết.
Điều 5. Xem xét, quyết định trưng cầu giám định khi xét thấy cần thiết
1. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng căn cứ vào chứng cứ, tài liệu đã thu thập được và quy định của pháp luật về những vấn đề phải chứng minh trong vụ án, vụ việc, để xác định trường hợp cần thiết phải trưng cầu giám định.
2. Việc trưng cầu giám định khi xét thấy cần thiết chỉ được thực hiện khi chứng cứ, tài liệu đã thu thập chưa làm rõ những vấn đề phải chứng minh, cần có kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan để xem xét, đánh giá nhằm củng cố chứng cứ hoặc quyết định các hoạt động tố tụng hình sự tiếp theo.
3. Trường hợp chứng cứ, tài liệu thu thập đã đủ để làm rõ những vấn đề phải chứng minh thì không phải trưng cầu giám định. Khi cần thêm thông tin về quy chuẩn chuyên môn để xem xét, đánh giá chứng cứ, tài liệu đã thu thập thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trao đổi trực tiếp, trao đổi bằng văn bản hoặc tổ chức họp với cá nhân, tổ chức giám định tư pháp.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, cá nhân, tổ chức giám định tư pháp có văn bản trả lời, phối hợp cung cấp thông tin chuyên môn cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
4. Những trường hợp cần thiết phải trưng cầu giám định tư pháp trong giải quyết vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP.
Điều 6. Phối hợp trong trưng cầu giám định
1. Trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng:
a) Thu thập đối tượng cần giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật có liên quan đến đối tượng, nội dung cần giám định, cung cấp cho cá nhân, tổ chức giám định tư pháp được trưng cầu;
b) Căn cứ tính chất, nội dung, yêu cầu cần chứng minh của vụ án, vụ việc để dự kiến nội dung cần giám định phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cá nhân, tổ chức giám định tư pháp được trưng cầu.
Chỉ đặt câu hỏi về chuyên môn, không yêu cầu cá nhân, tổ chức giám định tư pháp được trưng cầu trả lời câu hỏi thuộc trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Câu hỏi phải cụ thể, rõ ràng, phù hợp với đối tượng cần giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật giám định.
Trường hợp nội dung cần giám định liên quan đến nhiều lĩnh vực, thuộc trách nhiệm của nhiều tổ chức thì việc xác định nội dung cần giám định thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 25 Luật Giám định tư pháp;
c) Căn cứ nội dung cần giám định, pháp luật về giám định tư pháp chuyên ngành, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng lựa chọn cá nhân, tổ chức giám định tư pháp đủ năng lực, điều kiện cần thiết ở lĩnh vực hoặc chuyên ngành cần giám định để ra quyết định trưng cầu giám định;
d) Không lựa chọn cá nhân, tổ chức giám định tư pháp thuộc trường hợp quy định tại Điều 34 của Luật Giám định tư pháp.
Trường hợp có căn cứ cho rằng cá nhân, tổ chức giám định tư pháp có liên quan đến vụ án, vụ việc cần trưng cầu giám định có thể dẫn đến việc thực hiện giám định không vô tư, khách quan thì không trưng cầu cá nhân, tổ chức giám định tư pháp đó, trừ trường hợp không có lựa chọn khác;
đ) Các vụ án, vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng ở Trung ương thì trưng cầu giám định đối với cá nhân, tổ chức giám định tư pháp thuộc bộ, ngành, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ hoặc địa phương.
Các vụ án, vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng cấp tỉnh, cấp huyện thì trưng cầu cá nhân, tổ chức giám định tư pháp trên địa bàn cấp tỉnh, do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý, cá nhân, tổ chức giám định tư pháp thuộc cơ quan trung ương đóng trên địa bàn cấp tỉnh hoặc trưng cầu cá nhân, tổ chức giám định tư pháp thuộc bộ, ngành, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong các trường hợp: Cá nhân, tổ chức giám định tư pháp thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đồng ý tiếp nhận trưng cầu giám định; cá nhân, tổ chức giám định tư pháp trên địa bàn cấp tỉnh, do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý, cá nhân, tổ chức giám định tư pháp thuộc cơ quan trung ương đóng trên địa bàn cấp tỉnh từ chối giám định do không đủ năng lực, điều kiện cần thiết cho việc thực hiện giám định; trường hợp quy định tại điểm d khoản này.
Trường hợp trưng cầu giám định trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng thì thực hiện theo quy định tại Điều 11 Thông tư số 14/2020/TT-NHNN ngày 16 tháng 11 năm 2020 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
e) Việc xác định thời hạn giám định thực hiện theo quy định tại Điều 208 của Bộ luật Tố tụng hình sự và Điều 26a của Luật Giám định tư pháp;
g) Trước khi ra quyết định trưng cầu giám định, nếu cần thiết thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trao đổi trực tiếp hoặc bằng văn bản hoặc tổ chức họp với cá nhân, tổ chức dự kiến được trưng cầu giám định và cơ quan, đơn vị khác có liên quan để thống nhất nội dung cần giám định, xác định nội dung chính cần giám định trong trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 25 Luật Giám định tư pháp; đối tượng cần giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật cần cung cấp, thời hạn giám định; thống nhất cách thức, phương pháp lấy mẫu phục vụ giám định đối với trường hợp đối tượng cần giám định, tài liệu, đồ vật, mẫu vật có số lượng, khối lượng lớn mà chưa có quy định của pháp luật chuyên ngành hướng dẫn cụ thể;
h) Sau khi thực hiện các nội dung quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, g khoản này, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng ra quyết định trưng cầu giám định. Trường hợp trưng cầu giám định pháp y thương tích, pháp y tình dục phải ra quyết định trưng cầu ngay sau khi tiếp nhận vụ việc.
Quyết định trưng cầu giám định phải đầy đủ nội dung theo quy định tại khoản 2 Điều 205 của Bộ luật Tố tụng hình sự và khoản 2 Điều 25 Luật Giám định tư pháp. Trường hợp trưng cầu giám định bổ sung hoặc trưng cầu giám định lại thì quyết định trưng cầu phải bảo đảm nội dung tại khoản 3 Điều 25 Luật Giám định tư pháp;
i) Việc sử dụng biểu mẫu về trưng cầu giám định được thực hiện theo quy định do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ ban hành. Trường hợp chưa ban hành biểu mẫu thì thực hiện theo quy định tại Thông tư số 119/2021/TT-BCA ngày 08 tháng 12 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định biểu mẫu, giấy tờ, sổ sách về điều tra hình sự.
2. Trách nhiệm của cá nhân, tổ chức giám định tư pháp:
a) Cung cấp thông tin về những lĩnh vực, chuyên môn được giám định theo chức năng, nhiệm vụ, năng lực, điều kiện thực hiện của cá nhân, tổ chức mình khi cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đề nghị;
b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đề nghị thống nhất các nội dung tại điểm g khoản 1 Điều này, cá nhân, tổ chức giám định tư pháp trao đổi trực tiếp hoặc trả lời bằng văn;
c) Tiếp nhận quyết định trưng cầu giám định, hồ sơ, đối tượng cần giám định, tài liệu, đồ vật, mẫu vật theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp từ chối giám định;
d) Trường hợp nội dung cần giám định liên quan đến nhiều lĩnh vực, thuộc trách nhiệm của nhiều tổ chức thì thực hiện giám định theo quy định tại khoản 5 Điều 25 Luật Giám định tư pháp;
đ) Trường hợp trưng cầu giám định được thực hiện trên hồ sơ thì cá nhân, tổ chức giám định tư pháp được trưng cầu trao đổi, thống nhất với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng chuẩn bị các điều kiện cần thiết để bảo đảm thực hiện giám định;
e) Từ chối giám định trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 11, điểm b khoản 1 Điều 24, Điều 34 Luật Giám định tư pháp.
3. Việc giao, nhận quyết định trưng cầu giám định, hồ sơ, đối tượng, tài liệu, đồ vật, mẫu vật trưng cầu giám định được thực hiện theo quy định tại Điều 27 Luật Giám định tư pháp.
Trường hợp đối tượng cần giám định, tài liệu, đồ vật, mẫu vật có số lượng, khối lượng, kích thước lớn hoặc không thể di chuyển được thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng và cá nhân, tổ chức giám định tư pháp thống nhất hình thức giao, nhận, cách thức bảo quản đối tượng cần giám định, tài liệu, đồ vật, mẫu vật theo quy định của pháp luật để phục vụ việc giám định.
Điều 7. Phối hợp trong thực hiện giám định
1. Trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng:
a) Theo dõi, đôn đốc việc thực hiện giám định; đề nghị tổ chức giám định tư pháp được trưng cầu phân công người giám định tư pháp;
b) Thu thập, cung cấp bổ sung thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật liên quan đến nội dung cần giám định theo đề nghị của cá nhân, tổ chức giám định tư pháp được trưng cầu (nếu có). Trường hợp không thể cung cấp được thì phải thông báo bằng văn bản cho cá nhân, tổ chức giám định tư pháp được trưng cầu biết và nêu rõ lý do để thống nhất phương án thực hiện giám định;
c) Trường hợp người bị hại từ chối việc giám định mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì thực hiện việc dẫn giải theo quy định tại Điều 127 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Trường hợp không thực hiện được việc dẫn giải người bị hại để thực hiện giám định trong các vụ án, vụ việc bị xâm hại tình dục, bạo lực gia đình, ngược đãi trẻ em, xâm phạm an toàn giao thông, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác thì thực hiện giám định tại nơi người bị hại đang cư trú hoặc điều trị. Trường hợp không xác định được nơi cư trú của người bị hại, người bị hại đã xuất cảnh không có điều kiện đi lại hoặc không tiến hành giám định được tại nơi người bị hại điều trị thì thực hiện việc giám định trên hồ sơ (nếu đủ điều kiện giám định trên hồ sơ theo quy định về quy trình giám định của Bộ Y tế).
Việc tiến hành giám định tại nơi người bị hại đang cư trú, điều trị hoặc giám định trên hồ sơ phải có văn bản thống nhất của các cơ quan tiến hành tố tụng và trao đổi với cá nhân, tổ chức giám định tư pháp trước khi trưng cầu giám định;
d) Trường hợp để đáp ứng kịp thời yêu cầu giải quyết vụ án, vụ việc, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; có văn bản trao đổi, thống nhất với cá nhân, tổ chức giám định tư pháp được trưng cầu hoàn thành việc giám định trước thời hạn tối đa đối với từng trường hợp mà pháp luật quy định hoặc tham dự giám định theo quy định tại Điều 209 Bộ luật Tố tụng hình sự nhưng không làm ảnh hưởng tới sự vô tư, khách quan trong thực hiện giám định;
đ) Trường hợp phát sinh khó khăn, vướng mắc mà cá nhân, tổ chức giám định tư pháp đề nghị thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng chủ trì giải quyết.
2. Trách nhiệm của cá nhân, tổ chức giám định tư pháp:
a) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định trưng cầu giám định, hồ sơ, đối tượng cần giám định, tài liệu, đồ vật, mẫu vật, người đứng đầu tổ chức giám định tư pháp được trưng cầu phân công người giám định tư pháp có trình độ chuyên môn, khả năng nghiệp vụ phù hợp với nội dung được trưng cầu giám định; gửi cho cơ quan trưng cầu giám định danh sách người được phân công thực hiện giám định, đầu mối liên hệ;
b) Đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng cung cấp bổ sung thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật liên quan đến nội dung cần giám định để đảm bảo kết luận giám định chính xác, khách quan;
c) Thông báo bằng văn bản cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khi có sự thay đổi người thực hiện giám định, có vấn đề mới phát sinh hoặc có khó khăn, vướng mắc;
d) Trường hợp không thể hoàn thành việc giám định trong thời hạn của quyết định trưng cầu giám định thì cá nhân, tổ chức giám định tư pháp thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 26a Luật Giám định tư pháp;
đ) Thống nhất xác định thời gian hoàn thành giám định trước thời hạn theo đề nghị của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;
e) Việc tham dự hỏi cung, lấy lời khai và đặt câu hỏi về những vấn đề liên quan đến đối tượng giám định của người giám định tư pháp thực hiện theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 68 Bộ luật Tố tụng hình sự. Việc tham dự không làm ảnh hưởng đến quá trình hoạt động nghiệp vụ của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;
g) Ban hành kết luận giám định bảo đảm quy định tại Điều 32 Luật Giám định tư pháp và đúng quy định pháp luật chuyên ngành. Nội dung kết luận giám định phải cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu, đầy đủ, đúng trọng tâm, nêu rõ ý kiến chuyên môn đối với nội dung được trưng cầu, trường hợp cần phải viện dẫn căn cứ pháp lý thì trích dẫn tên của điều, khoản, điểm mà không trích dẫn toàn bộ nội dung của văn bản được áp dụng;
h) Cá nhân, tổ chức giám định tư pháp sử dụng biểu mẫu do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ ban hành quy định chi tiết về mẫu, thành phần hồ sơ từng loại việc giám định và chế độ lưu trữ hồ sơ giám định tư pháp ở lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý. Trường hợp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ chưa quy định biểu mẫu thì sử dụng biểu mẫu quy định tại Thông tư số 119/2021/TT-BCA.
Điều 8. Phối hợp trong đánh giá, sử dụng kết luận giám định
1. Trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;
a) Việc đánh giá, sử dụng kết luận giám định phải bảo đảm tính hợp pháp, khách quan, khoa học, chính xác, thống nhất, phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác trong vụ án, vụ việc;
b) Trường hợp kết luận giám định chưa trả lời rõ nội dung cần giám định thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng yêu cầu cá nhân, tổ chức giám định tư pháp giải thích, làm rõ. Trường hợp cần thiết, có thể tổ chức họp với cá nhân, tổ chức giám định tư pháp và chuyên gia ở lĩnh vực chuyên môn đó hoặc đại diện của cơ quan có liên quan để làm rõ nội dung kết luận giám định;
c) Trường hợp trong vụ án, vụ việc có kết luận giám định khác nhau về cùng một nội dung thì xem xét, đánh giá, sử dụng kết luận giám định theo các tiêu chí: Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của người giám định; phương pháp, quy trình thực hiện giám định; trang thiết bị, phương tiện chuyên dụng sử dụng thực hiện giám định; sự độc lập, khách quan của việc thực hiện giám định;
đ) Hằng năm thông báo bằng văn bản cho cá nhân, tổ chức giám định tư pháp kết quả đánh giá, sử dụng kết luận giám định.
2. Trách nhiệm của cá nhân, tổ chức giám định tư pháp:
a) Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được văn bản của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đề nghị giải thích, làm rõ nội dung kết luận giám định, cá nhân, tổ chức giám định tư pháp có văn bản trả lời. Nếu không đảm bảo thời gian trả lời phải có văn bản nêu rõ lý do;
b) Đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng cung cấp kết quả đánh giá, sử dụng kết luận giám định để rút kinh nghiệm, nâng cao hiệu quả công tác.
3. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã trưng cầu giám định và cá nhân, tổ chức giám định tư pháp thống nhất, thực hiện việc giao, nhận kết luận giám định, hồ sơ, đối tượng cần giám định, tài liệu, đồ vật, mẫu vật kèm theo quyết định trưng cầu sau khi kết thúc việc thực hiện giám định.
1. Thông tư liên tịch có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 3 năm 2025.
2. Các văn bản quy phạm pháp luật được dẫn chiếu trong Thông tư liên tịch khi được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì những nội dung dẫn chiếu trong Thông tư liên tịch này sẽ được thay đổi, áp dụng theo các văn bản quy phạm pháp luật được sửa đổi, bổ sung, thay thế.
1. Các bộ, ngành, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ căn cứ chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư liên tịch này; cử đầu mối tiếp nhận, trao đổi thông tin về công tác giám định tư pháp trong tố tụng hình sự và thông báo bằng văn bản đến các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để phối hợp thực hiện.
2. Các cơ quan ký Thông tư liên tịch thống nhất cử đơn vị đầu mối cấp trung ương tham mưu tổ chức triển khai, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Thông tư liên tịch này, gồm: Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an; Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng; Cục Bổ trợ tư pháp Bộ Tư pháp; Vụ Pháp chế Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Vụ Pháp chế Bộ Tài chính; Vụ Pháp chế và quản lý khoa học Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Vụ Pháp chế và quản lý khoa học Tòa án nhân dân tối cao.
3. Hằng năm, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và cơ quan có liên quan xây dựng kế hoạch, tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong trưng cầu, đánh giá, sử dụng kết luận giám định tại cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng ở Trung ương và địa phương; Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và cơ quan có liên quan xây dựng kế hoạch, tổ chức kiểm tra việc tiếp nhận, thực hiện giám định của các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức khác ở cấp Trung ương và ở địa phương.
4. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tiến hành tố tụng thuộc bộ, ngành mình thực hiện thống kê, đánh giá tình hình trưng cầu giám định; đánh giá, sử dụng kết luận giám định; dự báo nhu cầu giám định của hoạt động tố tụng và các nội dung khác có liên quan trong hoạt động giám định tư pháp theo định kỳ (06 tháng và hằng năm) theo quy định của Luật Giám định tư pháp, văn bản pháp luật khác có liên quan hoặc đột xuất theo đề nghị của Bộ Tư pháp hoặc cơ quan khác có thẩm quyền.
Báo cáo, thống kê về giám định tư pháp của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án và cơ quan khác có thẩm quyền tiến hành tố tụng ở cấp Trung ương gửi đến Bộ Tư pháp; ở địa phương gửi đến Sở tư pháp.
5. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc hoặc phát sinh những vấn đề cần phải sửa đổi, bổ sung, đề nghị kịp thời phản ánh về cơ quan, đơn vị đầu mối quy định tại khoản 2 Điều này để tham mưu, báo cáo lãnh đạo liên ngành hướng dẫn hoặc sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
KT. BỘ TRƯỞNG | KT. BỘ TRƯỞNG | KT. BỘ TRƯỞNG | |
KT. VIỆN TRƯỞNG | KT. BỘ TRƯỞNG | KT. BỘ TRƯỞNG | |
|
| KT. CHÁNH ÁN | |
|
| ||
|
|
|
|
BỘ CÔNG AN - BỘ QUỐC PHÒNG - BỘ TƯ PHÁP - BỘ Y TẾ - VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO - TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: /2017/TTLT-BCA-BQP-BTP-BYT-VKSNDTC-TANDTC | Hà Nội, ngày tháng năm 2017 |
DỰ THẢO 2 |
|
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
HƯỚNG DẪN VỀ MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ
Căn cứ Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015;
Căn cứ Luật giám định tư pháp năm 2012;
Để áp dụng đúng và thống nhất các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 về hoạt động giám định tư pháp, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Y tế, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Toà án nhân dân tối cao ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn về một số hoạt động giám định tư pháp trong tố tụng hình sự.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư liên tịch này hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 về hoạt động giám định tư pháp.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư liên tịch này áp dụng đối với các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, cá nhân, tổ chức giám định tư pháp và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động giám định tư pháp trong tố tụng hình sự.
Điều 3. Giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể
1. Khi xảy ra các vụ việc có dấu hiệu của tội phạm, liên quan đến thương tích, tổn hại sức khỏe của người bị hại, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải khẩn trương thu thập các thông tin, tài liệu có liên quan đến thương tích, tổn hại sức khỏe của người bị hại như: lập biên bản xem xét dấu vết thân thể, biên bản mô tả về thương tích, chụp ảnh vết thương… để làm căn cứ giải quyết sau này. Đưa ngay người bị thương tích, tổn hại sức khỏe đến cơ sở khám, chữa bệnh nếu người đó chưa vào cơ sở khám, chữa bệnh để điều trị.
2. Thời điểm giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể:
a) Việc giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể được tiến hành ngay sau khi người bị thương tích hoặc bị gây tổn hại về sức khỏe đã được điều trị ổn định do cơ sở khám, chữa bệnh xác nhận.
Trường hợp để đáp ứng yêu cầu giải quyết vụ án cơ quan có thẩm quyền có thể trưng cầu giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể tạm thời đối với người bị thương tích, người bị gây tổn hại về sức khỏe khi người đó vừa bị xâm hại hoặc đang điều trị. Quyết định trưng cầu giám định yêu cầu kết luận về tỷ lệ tổn thương cơ thể ở mức tối thiểu và mức tối đa có thể đối với thương tích hoặc tổn hại sức khỏe. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng sử dụng kết luận về tỷ lệ tổn thương cơ thể ở mức tối thiểu làm căn cứ ban đầu để giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm hoặc vụ án hình sự.
Ví dụ: tổn thương xương ức biến dạng lồng ngực nhiều, tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 16-20% thì kết luận tỷ lệ thương tật mức tối thiểu là 16% và mức tối đa là 20%, cơ quan tiến hành tố tụng lấy tỉ lệ thương tật là 16% làm căn cứ ban đầu để giải quyết...
3. Giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể trong trường hợp người bị hại từ chối đi giám định:
Trường hợp người bị thương tích, người bị tổn hại về sức khỏe hoặc người đại diện của họ có văn bản từ chối không đi giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể mà có nghi ngờ tỷ lệ tổn thương cơ thể của người bị gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe do hành vi vi phạm cấu thành tội phạm khác không thuộc các tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139 Bộ luật hình sự 2015 thì Cơ quan điều tra phối hợp với người có chứng chỉ hành nghề thuộc cơ sở khám, chữa bệnh đã điều trị cho người bị hại hoặc người giám định tư pháp căn cứ hồ sơ bệnh án do cơ sở khám, chữa bệnh cấp, đối chiếu với bảng tỷ lệ tổn thương cơ thể áp dụng trong giám định pháp y theo quy định của pháp luật hiện hành để xác định tỷ lệ thương tật theo hướng có lợi cho người đã gây thương tích, tổn hại sức khỏe (xem ví dụ tại điểm a khoản 2 Điều này).
Sau khi đối chiếu xác định hành vi không cấu thành tội phạm hoặc cấu thành tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139 Bộ luật hình sự 2015 mà không có yêu cầu của người bị hại thì quyết định không khởi tố vụ án hình sự.
Nếu có cơ sở nghi ngờ hành vi vi phạm cấu thành tội phạm khác (không thuộc các tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139 Bộ luật hình sự 2015) thì triệu tập người bị thương tích hoặc tổn hại về sức khỏe đến trụ sở Cơ quan điều tra, giải thích cho họ về quy định pháp luật có liên quan, yêu cầu họ giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể để xử lý nghiêm minh các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật, nếu có thể thì kết hợp với cơ quan giám định tiến hành giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể ngay tại trụ sở Cơ quan điều tra. Trường hợp người bị thương tích hoặc tổn hại về sức khỏe vẫn từ chối giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể thì tiến hành trưng cầu giám định thương tích trên cơ sở hồ sơ bệnh án do cơ sở khám, chữa bệnh cung cấp và các thông tin, tài liệu thu thập được về người bị gây thương tích hoặc tổn hại về sức khỏe (như ảnh chụp vết thương, biên bản xem xét thân thể, biên bản mô tả về thương tích…). Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng sử dụng kết quả giám định này làm căn cứ tạm thời để giải quyết vụ án. Việc giám định thương tật trên hồ sơ bệnh án được tiến hành theo hướng có lợi cho người đã gây thương tích, tổn hại sức khỏe.
Điều 4. Giám định xác định tuổi
1. Nếu tuổi của người bị buộc tội, người bị hại có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án và không có tài liệu khẳng định tuổi của họ hoặc nghi ngờ về tính xác thực của những tài liệu đó thì phải trưng cầu giám định tuổi.
2. Trường hợp có tài liệu xác định thời gian sinh hoặc có kết luận giám định tuổi nhưng chưa xác định rõ ngày, tháng sinh của người bị buộc tội, người bị hại thì xác định như sau:
a) Nếu xác định được tháng cụ thể, nhưng không xác định được ngày nào trong tháng đó thì lấy ngày cuối cùng của tháng đó làm ngày sinh để xem xét trách nhiệm hình sự;
b) Nếu xác định được quý cụ thể của năm, nhưng không xác định được ngày, tháng nào trong quý đó thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng của quý đó làm ngày sinh để xem xét trách nhiệm hình sự;
c) Nếu xác định được cụ thể nửa đầu năm nhưng không xác định được ngày, tháng nào trong nửa đầu năm thì lấy ngày 30 tháng 6 của năm đó làm ngày sinh để xem xét trách nhiệm hình sự;
d) Nếu xác định được cụ thể nửa cuối năm nhưng không xác định được ngày, tháng nào trong nửa cuối năm thì lấy ngày 31 tháng 12 của năm đó làm ngày sinh để xem xét trách nhiệm hình sự;
đ) Nếu không xác định được nửa năm nào, quý nào, tháng nào trong năm thì lấy ngày 31 tháng 12 của năm đó làm ngày sinh để xem xét trách nhiệm hình sự.
Điều 5. Giám định đối với vụ việc, vụ án hình sự có nhiều mẫu vật cùng chủng loại hoặc vật cần giám định không thể di rời
1. Trong vụ án hình sự có số lượng vật cần giám định lớn, nếu có căn cứ xác định các vật đó cùng chủng loại (ví dụ: chai rượu giả, chất nghi là ma túy dạng viên, các khúc gỗ…) thì việc lấy mẫu để trưng cầu giám định được tiến hành theo phương pháp lấy mẫu xác suất, ngẫu nhiên.
2. Để tiến hành lấy mẫu vật theo phương pháp xác suất, ngẫu nhiên thì các vật được chọn phải có hình dạng, kích thước, ký hiệu, màu sắc, trạng thái giống nhau và thực hiện theo bảng sau:
Số lượng vật cần giám định | Số mẫu lấy giám định |
10 đến 50 | 05 |
51 đến 70 | 07 |
71 đến 100 | 10 |
101 đến 130 | 13 |
131 đến 150 | 15 |
151 đến 200 | 17 |
201 đến 500 | 20 |
501 trở lên | 30 |
Tùy vào vật cần giám định mà cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng quyết định đem nguyên vật đó hoặc phối hợp với cơ quan được trưng cầu giám định lấy mẫu một phần để giám định.
Ví dụ: Giám định đối với rượu đóng chai thì gửi nguyên chai, nhưng đối với rượu đóng vào thùng phi hoặc téc thì có thể phối hợp với cơ quan được trưng cầu giám định lấy mẫu rượu tại nơi bảo quản vật chứng để đem đi giám định; giám định đối với các cây gỗ, súc gỗ có thể tích lớn thì phối hợp với cơ quan được trưng cầu giám định lấy mẫu gỗ ở cây gỗ, súc gỗ để đem đi giám định…
Kết quả giám định đối với số mẫu vật được lấy theo phương pháp xác suất, ngẫu nhiên được dùng để kết luận về toàn bộ mẫu vật cần giám định tương ứng.
3. Đối với vật giám định là các công trình xây dựng, các công trình hoặc vật cần giám định không thể di rời thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu cơ quan giám định để lấy mẫu tại công trình theo yêu cầu của cơ quan được trưng cầu giám định.
4. Cơ quan điều tra có trách nhiệm chủ trì việc lấy mẫu theo phương pháp xác suất, ngẫu nhiên, có sự chứng kiến của đại diện Viện kiểm sát, cơ quan quản lý vật chứng (nếu có), cơ quan được trưng cầu giám định (trong trường hợp lấy mẫu tại nơi lưu giữ vật chứng) để chuyển cho cơ quan tiến hành giám định. Việc lấy mẫu phải được lập biên bản, có chữ ký của những người tham gia.
Điều 6. Giám định dữ liệu trong các phương tiện điện tử
1. Dữ liệu điện tử là thông tin chứa trong phương tiện điện tử, được thu thập từ phương tiện điện tử, mạng máy tính, mạng viễn thông, trên đường truyền và nguồn điện tử khác. Dữ liệu điện tử có thể coi là chứng cứ. Để bảo đảm giá trị chứng cứ, cần thực hiện đúng trình tự, thủ tục tố tụng hình sự đối với việc khám xét, thu giữ, tạm giữ, bảo quản vật chứng có lưu dữ liệu điện tử như: Ổ cứng máy tính, bộ nhớ trong của điện thoại di động, máy ảnh, máy ghi hình, máy fax, máy ghi âm, máy đọc thẻ, thẻ từ, thẻ chíp, thẻ nhớ, USB, đĩa CD, đĩa VCD, đĩa DVD và các loại phương tiện điện tử khác. Khi thu giữ phương tiện điện tử cần chú ý:
a) Đối với máy tính: Không được tắt (shutdown) theo trình tự mà ngắt nguồn cung cấp điện trực tiếp cho thân máy (CPU) hoặc máy tính (đối với máy tính xách tay);
b) Đối với điện thoại di động: Tắt máy, thu giữ cả điện thoại, thẻ nhớ, thẻ sim, bộ sạc điện thoại (nếu có);
c) Đối với phương tiện điện tử khác: Tắt thiết bị, thu giữ cả phụ kiện đi kèm (nếu có).
2. Khi bàn giao cho cá nhân, tổ chức giám định tư pháp phục hồi dữ liệu điện tử, phải làm thủ tục mở niêm phong và niêm phong theo quy định của pháp luật. Để bảo đảm tính nguyên trạng và toàn vẹn của chứng cứ lưu trong vật chứng, việc sao chép dữ liệu để phục hồi, phân tích phải được thực hiện bằng thiết bị “chỉ đọc” (Read only), chỉ thực hiện trên bản sao, không được ghi đè, sửa chữa dữ liệu. Để chuyển hóa thành chứng cứ pháp lý, dữ liệu điện tử phải được chuyển sang dạng có thể đọc được, nhìn được, nghe được; phải lập biên bản về nội dung dữ liệu điện tử đã phục hồi, phân tích; kèm theo lời khai, xác nhận của người bị buộc tội, người làm chứng và người chủ sở hữu phương tiện điện tử về những thông tin đó.
3. Trường hợp Cơ quan điều tra không thu giữ được phương tiện điện tử chứa dữ liệu cần thu giữ thì dữ liệu điện tử cần thu giữ phải được sao chép ít nhất thành 02 bản (để thực hiện việc giám định và lưu hồ sơ vụ án); việc sao chép dữ liệu, niêm phong thiết bị sao lưu dữ liệu phải được thực hiện có sự tham gia của Đại diện Cơ quan quản lý phương tiện điện tử, người sở hữu phương tiện điện tử có chứa đựng dữ liệu điện tử cần thu giữ và người chứng kiến, phải được lập biên bản có chữ ký của những người tham gia.
Điều 7. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày tháng năm 2017
Điều 8. Các quy định chuyển tiếp
1. Các hướng dẫn trong Thông tư liên tịch này nếu làm giảm nhẹ trách nhiệm hình sự so với trước đây thì được áp dụng khi điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm, xét xử giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đối với người thực hiện hành vi phạm tội trước ngày Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành.
2. Đối với các trường hợp mà người phạm tội đã bị kết án đúng theo các văn bản trước đây và bản án đã có hiệu lực pháp luật thì không áp dụng hướng dẫn của Thông tư liên tịch này để kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm.
3. Đối với các trường hợp đang tiến hành điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm, xét xử giám đốc thẩm hoặc tái thẩm mà được áp dụng hướng dẫn của Thông tư liên tịch này để tuyên bố miễn trách nhiệm hình sự cho bị can, bị cáo thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án cần giải thích cho họ rõ về trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự này không phải là cơ sở của việc bồi thường thiệt hại do người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra.
Điều 9. Trách nhiệm thi hành
1. Các cơ quan, đơn vị liên quan của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao chịu trách nhiệm thi hành và tổ chức thực hiện hướng dẫn tại Thông tư liên tịch này.
2. Trong quá trình thực hiện Thông tư liên tịch nếu có vướng mắc, các cơ quan, đơn vị liên quan phản ánh về Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao để có hướng dẫn kịp thời.
BỘ TRƯỞNG BỘ QUỐC PHÒNG | KT. BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN |
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ | BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP |
VIỆN TRƯỞNG | TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO |
Nơi nhận: |
|
- 1Nghị định 62/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện hoạt động giám định tư pháp xây dựng và thí nghiệm chuyên ngành xây dựng
- 2Thông báo 292/TB-VPCP năm 2016 về kết luận của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tại Phiên họp Đề án Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp ở cấp Trung ương do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3Thông báo 04/TB-VPCP năm 2017 kết luận của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tại Hội nghị trực tuyến tổng kết 05 năm thực hiện Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 4Thông tư liên tịch 02/2025/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC quy định về phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự, quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự khi không tổ chức Công an cấp huyện do Bộ trưởng Bộ Công an - Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành
- 1Luật giám định tư pháp 2012
- 2Bộ luật hình sự 2015
- 3Bộ luật tố tụng hình sự 2015
- 4Nghị định 62/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện hoạt động giám định tư pháp xây dựng và thí nghiệm chuyên ngành xây dựng
- 5Thông báo 292/TB-VPCP năm 2016 về kết luận của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tại Phiên họp Đề án Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp ở cấp Trung ương do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 6Thông báo 04/TB-VPCP năm 2017 kết luận của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tại Hội nghị trực tuyến tổng kết 05 năm thực hiện Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” do Văn phòng Chính phủ ban hành
Dự thảo thông tư liên tịch quy định quan hệ phối hợp trong hoạt động giám định tư pháp trong tố tụng hình sự do bộ trưởng bộ công an - bộ trưởng bộ quốc phòng - bộ trưởng bộ tư pháp - bộ trưởng bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn - bộ trưởng bộ tài chính - viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tối cao - chánh án toà án nhân dân tối cao ban hành
- Số hiệu: Đang cập nhật
- Loại văn bản: Thông tư liên tịch
- Ngày ban hành: Đang cập nhật
- Nơi ban hành: Đang cập nhật
- Người ký: Đang cập nhật
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra