Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN
TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:      /2022/NQ-HĐTP

Hà Nội, ngày     tháng    năm 2022

DỰ THẢO

 

 

NGHỊ QUYẾT

HƯỚNG DẪN MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH

HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

Căn cứ Luật Tổ chức Tòa án nhân dân ngày 24 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật Hôn nhân và gia đình số 52/2014/QH13 ngày 19 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Bộ luật Tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 ngày 25 tháng 11 năm 2015;

Để áp dụng đúng và thống nhất các quy định của pháp luật trong giải quyết tranh chấp hôn nhân và gia đình;

Sau khi có ý kiến của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị quyết này hướng dẫn một số vấn đề về giải quyết tranh chấp hôn nhân và gia đình theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình số 52/2014/QH13 ngày 19 tháng 6 năm 2014; Bộ luật Tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 ngày 25 tháng 11 năm 2015.

Điều 2. Căn cứ cho ly hôn

1. Tòa án công nhận thuận tình ly hôn đối với trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Hai bên tự nguyện ly hôn;

b) Đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con.

2. Trường hợp thuận tình ly hôn thông qua hòa giải, đối thoại tại Tòa án thì Tòa án ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các bên tham gia hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

3. Toà án quyết định cho ly hôn theo quy định tại Điều 56 của Luật Hôn nhân và gia đình khi có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

Bạo lực gia đình bao gồm bạo lực vật chất, như: Vợ, chồng thường xuyên đánh đập, ngược đãi, hành hạ làm cho người bị ngược đãi, hành hạ bị thương tích, tổn hại đến sức khỏe; bạo lực tinh thần như: lăng mạ, sỉ nhục, xâm phạm danh dự, nhân phẩm và uy tín khiến người bị ngược đãi bị tổn thất về danh dự, đau khổ về tinh thần.

4. Được coi là tình trạng của vợ chồng trầm trọng khi:

Vợ, chồng đánh đập, ngược đãi, hành hạ làm cho người bị ngược đãi, hành hạ luôn bị giày vò về mặt tình cảm, bị tổn thất về danh dự, đau khổ về tinh thần hoặc bị thương tích, tổn hại đến sức khỏe mà chưa đến mức xử lý về hình sự hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính đã được những người họ hàng của bên vợ và chồng hoặc cơ quan, tổ chức, đoàn thể nhắc nhở,.

Vợ, chồng không chung thủy với nhau như có quan hệ ngoại tình, đã được người vợ hoặc người chồng hoặc bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, khuyên bảo nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình;

5. Để có cơ sở nhận định đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài được, thì phải căn cứ vào tình trạng hiện tại của vợ chồng đã đến mức trầm trọng như hướng dẫn tại khoản 2, khoản 3 Điều này. Nếu thực tế cho thấy đã được nhắc nhở, hoà giải, nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình hoặc vẫn tiếp tục sống ly thân, bỏ mặc nhau hoặc vẫn tiếp tục có hành vi ngược đãi hành hạ, xúc phạm nhau, thì có căn cứ để nhận định rằng đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài được.

6. Mục đích của hôn nhân không đạt được là không có tình nghĩa vợ chồng; không bình đẳng về nghĩa vụ và quyền giữa vợ, chồng; không tôn trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín của vợ, chồng; không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của vợ, chồng; không giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhau phát triển mọi mặt người nào chỉ biết bổn phận người đó, bỏ mặc người vợ hoặc người chồng muốn sống ra sao thì sống.

Điều 3. Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn

1. Cha, mẹ, con đã thành niên có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật Hôn nhân và gia đình.

2. Cha, mẹ, người thân thích khác là cha, mẹ; ông, bà ruột, anh ruột, chị ruột, em ruột, con thành niên của người bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

Điều 4. Trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích xin ly hôn

1. Người vợ hoặc người chồng đồng thời yêu cầu Toà án tuyên bố người chồng hoặc người vợ của mình mất tích và yêu cầu Toà án giải quyết cho ly hôn. Trong trường hợp này nếu Toà án tuyên bố người đó mất tích thì giải quyết cho ly hôn; nếu Toà án thấy chưa đủ điều kiện tuyên bố người đó mất tích thì bác các yêu cầu của người vợ hoặc người chồng.

2. Người vợ hoặc người chồng đã bị Toà án tuyên bố mất tích theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan. Sau khi bản án của Toà án tuyên bố người vợ hoặc người chồng mất tích đã có hiệu lực pháp luật thì người chồng hoặc người vợ của người đó có yêu cầu xin ly hôn với người đó. Trong trường hợp này Toà án giải quyết cho ly hôn.

3. Khi Toà án giải quyết cho ly hôn với người tuyên bố mất tích thì cần chú ý giải quyết việc quản lý tài sản của người bị tuyên bố mất tích theo quy định tại Điều 69 của Bộ luật Dân sự.

Điều 5. Về thỏa thuận nuôi con

1. Khi giải quyết vụ án ly hôn nếu vợ chồng không thỏa thuận được về người trực tiếp nuôi con chung thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi dưỡng, nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con. Tòa án cân nhắc ý kiến của con và đưa ra quyết định, căn cứ vào quyền lợi mọi mặt của con để giao con cho người kia có điều kiện nuôi con tốt hơn trực tiếp nuôi dưỡng. Việc không lấy được ý kiến của các con không phải là căn cứ để đình chỉ hay tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự. Trường hợp lợi ích của trẻ em xung đột với lợi ích của bố mẹ thì ưu tiên bảo đảm lợi ích của con.

2. Khi xem xét quyền lợi mọi mặt của con thì Tòa án dựa vào đánh giá tổng hợp dựa theo các tiêu chí sau: Ý kiến của con; Quyền của trẻ được sống chung với người trực tiếp nuôi hoặc được duy trì mối quan hệ với người cha, mẹ không trực tiếp nuôi; mối quan hệ của trẻ với từng người cha hoặc mẹ; khả năng của cha, mẹ trong việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con bao gồm cả khả năng bảo vệ trẻ khởi bị xâm hại, sao nhãng, bóc lột; mối quan tâm, chia sẻ của con; sự ổn định, liên tục và giảm thiểu sự xáo trộn với môi trường sống và giáo dục của trẻ; mong muốn của anh, chị, em (nếu có) được ở cùng nhau; ưu tiên giao tất cả các con cho một bên cha, mẹ trực tiếp nuôi dưỡng để bảo đảm ổn định tâm lý và tình cảm của trẻ em.

3. Việc lấy ý kiến của trẻ chưa thành niên cần bảo đảm các yêu cầu sau:

a) Đảm bảo sự thân thiện và cách thức lấy ý kiến phù hợp để trẻ em có thể bày tỏ đúng và đầy đủ ý kiến của mình; phải lấy ý kiến trẻ em tại Phòng họp riêng mà không có sự tham gia của cha, mẹ để tránh gây áp lực tâm lý cho trẻ em.

Trường hợp cần thiết thì có thể mời cán bộ bảo vệ trẻ em cấp xã tham gia để trẻ em thêm tự tin khi bày tỏ ý kiến.

b) Không ép buộc trẻ em bày tỏ ý kiến; đồng thời không gây áp lực, căng thẳng cho trẻ em khi bày tỏ ý kiến;

c) Cân nhắc ý kiến của trẻ em một cách phù hợp theo độ tuổi và mức độ trưởng thành của trẻ em để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em.

4. Để hỗ trợ xây dựng đánh giá tổng quan theo khoản 2, Toà án cần, theo quy định tại khoản 2 và 3 Điều 72 Luật Trẻ em năm 2016, yêu cầu cán bộ bảo vệ trẻ em cấp xã tìm hiểu và cung cấp thông tin về tình trạng cá nhân và gia đình của đứa trẻ để đưa ra quyết định phù hợp.  

Điều 6. Cấp dưỡng nuôi con

Tiền cấp dưỡng nuôi con bao gồm những chi phí cho việc nuôi dưỡng và học hành của con và do các bên thoả thuận. Trong trường hợp các bên không thoả thuận được thì Tòa án quyết định mức cấp dưỡng ít nhất bằng 2/3 mức lương cơ sở không được thấp hơn 30% mức thu nhập bình quân của người có nghĩa vụ cấp dưỡng trong 06 tháng liền kề.

Điều 7. Phương thức cấp dưỡng nuôi con

Phương thức cấp dưỡng do các bên thoả thuận định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần. Trường hợp các bên không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định phương thức cấp dưỡng hàng tháng hoặc phương thức khác phù hợp với nhu cầu, lợi ích của con và điều kiện của người cấp dưỡng.

Điều 8. Hiệu lực của việc cấp dưỡng nuôi con

Thời điểm cấp dưỡng nuôi con thực hiện theo thỏa thuận của các bên. Nếu các bên không có thỏa thuận thì thời điểm cấp dưỡng tính từ ngày Tòa án ra bản án, quyết định.

Điều 9. Nghĩa vụ chung về tài sản chung của vợ chồng

1. Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình theo quy định tại khoản 2 Điều 37 Luật Hôn nhân và gia đình.

2. Nhu cầu thiết yếu là nhu cầu sinh hoạt thông thường về ăn, mặc, ở, học tập, khám bệnh, chữa bệnh và nhu cầu sinh hoạt thông thường khác không thể thiếu cho cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình.

Điều 10. Việc định đoạt tài sản riêng của vợ chồng

1. Trường hợp tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng riêng của vợ hoặc chồng đưa vào quản lý, sử dụng chung nếu tài sản sau quá trình được đưa vào quản lý, sử dụng mà giá trị tài sản đó tăng lên so với lúc đầu thì vợ, chồng phải chứng minh việc tăng lên này. Nếu việc tăng giá trị chứng minh được là từ tài sản riêng của chủ sở hữu, chủ sử dụng thì việc định đoạt tài sản không cần người vợ hoặc người chồng còn lại đồng ý. Ngược lại, nếu không chứng minh việc tăng giá trị tài sản từ tài sản riêng của chủ sở hữu, chủ sử dụng thì việc định đoạt cần phải có sự đồng ý của hai vợ chồng.

2. Trường hợp tài sản riêng của vợ, chồng phát sinh hoa lợi, lợi tức mà hoa lợi, lợi tức đó là nguồn sống duy nhất của gia đình thì việc định đoạt tài sản riêng đó cần sự đồng ý của vợ, chồng.

Điều 11. Hiệu lực thỏa thuận xác lập chế độ tài sản chung vợ chồng

1. Trong trường hợp hai bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận có hiệu lực kể từ ngày đăng ký kết hôn.

2. Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận, sửa đổi, bổ sung một phần hoặc toàn bộ nội dung chế độ tài sản đó hoặc áp dụng chế độ tài sản theo luật định. Thỏa thuận sửa đổi sung chế độ tài sản của vợ chồng phải được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật.

Điều 12. Thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng

Trường hợp Tòa án giải quyết phân chia tài sản chung của vợ chồng trong vụ án ly hôn nếu thấy thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng vi phạm khoản 1 Điều 50 của Luật Hôn nhân và gia đình thì Tòa án có quyền tuyên bố thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu.

Điều 13. Chia tài sản chung vợ chồng liên quan đến người thứ ba

Trong vụ án ly hôn, khi giải quyết yêu cầu chia tài sản chung của vợ chồng mà đương sự (nguyên đơn hoặc bị đơn) có yêu cầu giải quyết quyền, nghĩa vụ về tài sản đối với người thứ ba nhưng Tòa án triệu tập người thứ ba đến thì người thứ ba không yêu cầu giải quyết, nguyên đơn và bị đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu thì Tòa án vẫn giải quyết quyền, nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng với người thứ ba.

Trường hợp này, trong bản án, Tòa án phải ghi nhận quyền, nghĩa vụ về tài sản của vợ, chồng là chung hay riêng và giành quyền khởi kiện cho người thứ ba trong một vụ án khác.

Điều 14. Thẩm quyền giải quyết của Tòa án trong vụ án hôn nhân và gia đình

1. Vụ án hôn nhân và gia đình nguyên đơn và bị đơn đều có cùng nơi cư trú hoặc có nơi cư trú khác nhau nhưng tài sản tranh chấp là bất động sản ở một nơi khác thì thì thẩm quyền giải quyết của Tòa án được xác định như sau:

a) Vụ án ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn mà nguyên đơn và bị đơn đều cư trú ở hai nơi khác nhau, tài sản là bất động sản lại ở nơi khác thì Tòa án có thẩm quyền giải quyết là Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc.

b) Trường hợp các đương sự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn thì Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn có thẩm quyền giải quyết.

2. Trường hợp vụ án tranh chấp chia tài sản là bất động sản sau khi ly hôn mà nơi cư trú của bị đơn và nơi có bất động sản tranh chấp khác nhau thì Tòa án  có thẩm quyền giải quyết là Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Điều 15. Việc cung cấp địa chỉ của nguyên đơn

1. Trường hợp người Việt Nam ở trong nước xin ly hôn với người Việt Nam ở nước ngoài và chỉ cung cấp được địa chỉ nơi cư trú cuối cùng ở Việt Nam của bị đơn mà không cung cấp được địa chỉ của bị đơn ở nước ngoài, nếu thông qua thân nhân của bị đơn mà có căn cứ bị đơn vẫn có liên hệ với thân nhân ở trong nước nhưng thân nhân của họ không cung cấp địa chỉ, tin tức của bị đơn cho Tòa án cũng như không thực hiện yêu cầu của Tòa án thông báo cho bị đơn biết để gửi lời khai về cho Tòa án thì coi đây là trường hợp bị đơn cố tình giấu địa chỉ, từ chối khai báo, từ chối cung cấp những tài liệu cần thiết.

2. Nếu Tòa án đã yêu cầu đến lần thứ hai mà thân nhân của họ cũng không chịu cung cấp địa chỉ, tin tức của bị đơn cho Tòa án cũng như không chịu thực hiện yêu cầu của Tòa án thông báo cho bị đơn biết thì Tòa án đưa vụ án ra xét xử vắng mặt bị đơn theo thủ tục chung.

Điều 16. Hiệu lực thi hành

1. Nghị quyết này đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày .... tháng ..... năm 2021 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày ... tháng .... năm 2021.

2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh cho Tòa án nhân dân tối cao (thông qua Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học) để hướng dẫn bổ sung kịp thời.

 

 

Nơi nhận:
- Uỷ ban Thường vụ Quốc hội;
- Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội;
- Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội;
- Ban Chỉ đạo CCTPTW;
- Ban Nội chính Trung ương;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ (02 bản);
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Bộ Tư pháp;
- Các TAND và TAQS;
- Các Thẩm phán TANDTC;
- Các đơn vị thuộc TANDTC;
- Cổng TTĐT TANDTC (để đăng tải);
- Lưu: VT, Vụ PC&QLKH (TANDTC).

TM. HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN
CHÁNH ÁN




Nguyễn Hòa Bình

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Dự thảo nghị quyết hướng dẫn áp dụng quy định của pháp luật trong giải quyết vụ việc về hôn nhân gia đình do hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao ban hành

  • Số hiệu: Đang cập nhật
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: Đang cập nhật
  • Nơi ban hành: Đang cập nhật
  • Người ký: Đang cập nhật
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản