Chương 3 Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm về bảo đảm an toàn sinh học tại phòng xét nghiệm
ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM AN TOÀN SINH HỌC TẠI PHÒNG XÉT NGHIỆM
Điều 5. Điều kiện của phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp I
1. Điều kiện về cơ sở vật chất:
a) Sàn, tường, bàn xét nghiệm phải bằng phẳng, không thấm nước, chịu được nhiệt và các loại hóa chất ăn mòn và dễ cọ rửa vệ sinh;
b) Có bồn nước rửa tay, dụng cụ rửa mắt khẩn cấp, hộp sơ cứu;
c) Có điện và nước sạch; đường ống cấp nước trực tiếp cho phòng xét nghiệm phải có van chống chảy ngược để bảo vệ hệ thống nước công cộng;
d) Có các thiết bị phòng, chống cháy nổ
đ) Phòng xét nghiệm phải bảo đảm ánh sáng trong khu vực xét nghiệm có độ rọi tối thiểu là 400 lux, khu vực rửa, tiệt trùng, chuẩn bị mẫu, môi trường là 250 lux, khu vực hành chính và phụ trợ là 140 lux.
2. Điều kiện về trang thiết bị:
a) Các thiết bị xét nghiệm phù hợp với kỹ thuật và mẫu bệnh phẩm hoặc vi sinh vật được xét nghiệm;
b) Có các dụng cụ chứa chất thải đáp ứng tiêu chuẩn qui định đối với từng loại chất thải;
c) Có thiết bị để khử trùng dụng cụ và bệnh phẩm;
d) Các trang thiết bị bảo hộ cá nhân phù hợp với các kỹ thuật xét nghiệm thực hiện trong phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp I.
3. Điều kiện về nhân sự
a) Số lượng nhân viên: có ít nhất 02 nhân viên;
b) Cơ sở có phòng xét nghiệm phải phân công người phụ trách về an toàn sinh học;
c) Người phụ trách và nhân viên của phòng xét nghiệm phải có văn bằng, chứng chỉ đào tạo phù hợp với loại hình xét nghiệm và có giấy xác nhận đã qua tập huấn về an toàn sinh học từ cấp I trở lên của các cơ sở y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ định cấp hoặc cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài cấp.
Điều 6. Điều kiện của phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp II
1. Điều kiện về cơ sở vật chất:
a) Các điều kiện quy định tại điểm a, b, c, d, đ khoản 1 Điều 5 Nghị định này;
b) Có hệ thống xử lý nước thải, kết quả xét nghiệm nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường trước khi thải vào nơi chứa nước thải chung;
c) Phải riêng biệt với các phòng xét nghiệm khác của cơ sở xét nghiệm;
d) Có biển báo nguy hiểm sinh học theo quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này trên cửa ra vào của phòng xét nghiệm.
2. Điều kiện về trang thiết bị:
a) Các điều kiện về trang thiết bị quy định tại điểm a, b khoản 2 Điều 5 của Nghị định này;
b) Có tủ an toàn sinh học;
c) Có nồi hấp tiệt trùng;
d) Các trang thiết bị bảo hộ cá nhân phù hợp với loại kỹ thuật xét nghiệm thực hiện trong phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp II.
3. Điều kiện về nhân sự:
a) Các điều kiện quy định tại điểm a, b khoản 3 Điều 5 của Nghị định này;
b) Người phụ trách và nhân viên của phòng xét nghiệm phải có văn bằng, chứng chỉ đào tạo phù hợp với loại hình xét nghiệm và có giấy xác nhận đã qua tập huấn về an toàn sinh học từ cấp II trở lên của các cơ sở y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ định cấp hoặc do cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài cấp.
Điều 7. Điều kiện của phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp III
1. Điều kiện về cơ sở vật chất:
a) Có hai phòng là phòng thực hiện xét nghiệm và phòng đệm;
b) Các điều kiện quy định tại điểm a và b khoản 1 Điều 6 của Nghị định này;
c) Có hệ thống xử lý chất thải lỏng bằng hóa chất đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường trước khi xả thải vào hệ thống thoát nước thải chung;
d) Tách biệt với các phòng xét nghiệm khác của cơ sở xét nghiệm, nếu trong cùng một toà nhà thì phải được bố trí tại cuối hành lang nơi ít người qua lại;
đ) Phòng xét nghiệm phải bảo đảm kín để tiệt trùng;
g) Cửa sổ và cửa ra vào phải sử dụng vật liệu chống cháy, vỡ;
h) Có biển báo nguy hiểm sinh học theo quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này trên cửa ra vào của phòng xét nghiệm;
i) Phải có hệ thống đóng mở tự động đối với cửa phòng đệm và phòng xét nghiệm. Hệ thống này phải bảo đảm nguyên tắc trong cùng một thời điểm chỉ có thể mở được cửa phòng đệm hoặc cửa phòng xét nghiệm;
k) Phòng xét nghiệm có ô kính trong suốt hoặc thiết bị quan sát bên trong phòng xét nghiệm từ bên ngoài.
l) Hệ thống thông khí phải bảo đảm các điều kiện sau:
m) Hệ thống thông khí phải thiết kế theo nguyên tắc một chiều; không khí ra khỏi phòng xét nghiệm phải qua hệ thống lọc đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trước khi thải ra môi trường;
n) Có hệ thống kiểm soát hướng của luồng khí cung cấp vào phòng xét nghiệm;
o) Có hệ thống báo động khi nhiệt độ, áp suất của phòng xét nghiệm không đạt chuẩn; Áp suất phòng xét nghiệm luôn thấp hơn so với bên ngoài khi phòng xét nghiệm hoạt động bình thường; khi đóng cửa, áp suất phòng đệm phải thấp hơn bên ngoài ít nhất 12,5 Pa, áp suất phòng xét nghiệm thấp hơn phòng đệm ít nhất 12,5 Pa;
p) Tần suất trao đổi không khí của phòng xét nghiệm ít nhất là 6 lần/giờ;
q) Hệ thống cấp khí chỉ hoạt động được khi hệ thống thoát khí đã hoạt động và tự động dừng lại khi hệ thống thoát khí ngừng hoạt động;
r) Không khí ra khỏi phòng xét nghiệm phải qua bộ lọc có hiệu suất lọc ít nhất 99,97% hạt có kích thước 0,3μm.
s) Có vòi tắm cho trường hợp khẩn cấp trong khu vực phòng xét nghiệm và lối thoát hiểm trong trường hợp khẩn cấp.
t) Phòng xét nghiệm có hệ thống liên lạc hai chiều và hệ thống cảnh báo;
2. Điều kiện về trang thiết bị:
a) Các điều kiện về trang thiết bị quy định tại điểm a, b khoản 2 Điều 5 của Nghị định này;
b) Có tủ an toàn sinh học cấp II trở lên và nồi hấp tiệt trùng đặt trong phòng xét nghiệm;
c) Các trang thiết bị bảo hộ cá nhân phù hợp với phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp III.
3. Điều kiện về nhân sự:
a) Số lượng nhân viên: ít nhất 02 nhân viên xét nghiệm và 01 nhân viên kỹ thuật vận hành phòng xét nghiệm;
b) Điều kiện quy định tại điểm b khoản 3 Điều 5 của Nghị định này;
c) Người phụ trách và nhân viên của phòng xét nghiệm phải có văn bằng, chứng chỉ đào tạo phù hợp với loại hình xét nghiệm và có giấy xác nhận đã qua tập huấn về an toàn sinh học từ cấp III trở lên của các cơ sở y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ định cấp hoặc do cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài cấp.
Điều 8. Điều kiện của phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp IV
1. Điều kiện về cơ sở vật chất:
a) Các điều kiện quy định tại điểm a, b, c, d, đ, e, g và h Khoản 1 Điều 7 của Nghị định này;
b) Phải có phòng tắm và thay đồ giữa phòng đệm và phòng xét nghiệm;
c) Có hệ thống thông khí không tuần hoàn riêng cho tủ an toàn sinh học cấp III.
đ) Có hệ thống cung cấp khí độc lập cho bộ quần áo bảo hộ có khả năng cung cấp thêm 100% lượng khí trong trường hợp xảy ra sự cố về an toàn sinh học.
e) Phải đảm bảo riêng biệt, được bảo vệ an toàn và an ninh;
f) Phải có hộp vận chuyển để vận chuyển vật liệu lây nhiễm ra, vào phòng xét nghiệm;
g) Không khí cấp và thải từ phòng xét nghiệm phải được lọc bằng bộ lọc không khí hiệu suất cao.
2. Điều kiện về trang thiết bị:
a) Các điều kiện về trang thiết bị quy định tại điểm a, b khoản 2 Điều 5 của Nghị định này;
b) Có tủ an toàn sinh học cấp III và tủ hấp ướt hai cửa;
c) Các trang thiết bị bảo hộ cá nhân phù hợp với phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp IV.
3. Điều kiện về nhân sự:
a) Các điều kiện về nhân sự quy định tại điểm a, b khoản 2 Điều 7 của Nghị định này.
b) Người phụ trách và nhân viên của phòng xét nghiệm phải có văn bằng, chứng chỉ đào tạo phù hợp với loại hình xét nghiệm và có giấy xác nhận đã qua tập huấn về an toàn sinh học cấp IV của các cơ sở y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ định cấp, trừ các đối tượng đã có giấy xác nhận đã qua đào tạo, tập huấn ở nước ngoài về an toàn sinh học cấp IV do cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài cấp.
Điều 9. Quy định về thực hành trong phòng xét nghiệm an toàn sinh học
1. Các phòng xét nghiệm cấp I, cấp II, cấp III, cấp IV phải tuân thủ các quy định về quản lý và điều hành; sử dụng và thực hành; giám sát sức khỏe và y tế; bảo trì, bảo dưỡng, chuẩn định phòng xét nghiệm; giám sát việc thực hành trong phòng xét nghiệm an toàn sinh học.
2. Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thực hành an toàn sinh học tại phòng xét nghiệm.
Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm về bảo đảm an toàn sinh học tại phòng xét nghiệm
- Số hiệu: Đang cập nhật
- Loại văn bản: Nghị định
- Ngày ban hành: Đang cập nhật
- Nơi ban hành: Quốc hội
- Người ký: Đang cập nhật
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
- Điều 3. Phân loại các vi sinh vật theo nhóm nguy cơ
- Điều 4. Phân loại phòng xét nghiệm theo cấp độ an toàn sinh học
- Điều 5. Điều kiện của phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp I
- Điều 6. Điều kiện của phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp II
- Điều 7. Điều kiện của phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp III
- Điều 8. Điều kiện của phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp IV
- Điều 9. Quy định về thực hành trong phòng xét nghiệm an toàn sinh học
- Điều 10. Thẩm quyền cấp mới, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận và tự công bố phòng xét nghiệm đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học
- Điều 11. Hồ sơ đề nghị cấp mới, cấp lại Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học
- Điều 12. Thủ tục xét cấp mới, cấp lại Giấy chứng nhận phòng xét nghiệm đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học
- Điều 13. Thủ tục công bố phòng xét nghiệm đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học
- Điều 14. Thu hồi Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học
- Điều 15. Nội dung kiểm tra an toàn sinh học
- Điều 16. Trách nhiệm của cơ sở có phòng xét nghiệm
- Điều 17. Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về y tế