Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
| Hà Nội, ngày 20 tháng 3 năm 1990 |
ĐIỀU LỆ
VỀ NHÃN HIỆU HÀNG HOÁ
(Ban hành kèm theo Nghị định số 197-HĐBT ngày 14-12-1982, được sửa đổi bổ sung theo Nghị định 84-HĐBT ngày 20-3-1990 của Hội đồng Bộ trưởng)
Để thống nhất quản lý nhãn hiệu hàng hoá trong phạm vi cả nước, thúc đẩy cơ sở sản xuất, kinh doanh bảo đảm và không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hoá, góp phần quản lý việc lưu thông hàng hoá trên thị trường trong và ngoài nước, chống làm hàng giả và kinh doanh trái phép,
Điều lệ này ban hành nhằm bảo hộ pháp lý các nhãn hiệu hàng hoá, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng và của các cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Chương 1
ĐIỀU KHOẢN CHUNG
Điều 1:
1- Các tổ chức Nhà nước, tập thể, tư nhân, có tư cách pháp nhân (sau đây gọi là tổ chức) và cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh hay dịch vụ hợp pháp có quyền và nghĩa vụ đăng ký và sử dụng nhãn hiệu hàng hoá hay nhãn hiệu dịch vụ cho tất cả các hàng hoá hay phương tiện dịch vụ của mình theo quy định của Điều lệ này.
2- Điều lệ này được áp dụng chung cho việc bảo hộ pháp lý nhãn hiệu hàng hoá và nhãn hiệu dịch vụ (sau đây gọi chung là nhãn hiệu hàng hoá).
3- Các tổ chức Nhà nước, tập thể, tư nhân hay xã hội có tư cách pháp nhân có quyền xin đăng ký và sử dụng nhãn hiệu tập thể. Các thành viên của tổ chức trên được quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể theo quy tắc sử dụng do các tổ chức đó quy định.
4- Tổ chức, cá nhân nước ngoài được hưởng các quyền do Điều lệ này quy định phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia hoặc theo nguyên tắc có đi có lại.
Tổ chức, cá nhân không thường trú, không có trụ sở hoặc không có cơ quan đại diện ở Việt Nam yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá phải thông qua người đại diện sở hữu công nghiệp.
[1]Điều 2: (1)
1- Nhãn hiệu hàng hoá là những dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ cùng loại của các cơ sở sản xuất, kinh doanh khác nhau. Nhãn hiệu hàng hoá có thể là từ ngữ, hình ảnh hoặc sự kết hợp các yếu tố đó được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc.
2- Các dấu hiệu dưới đây không được chấp nhận là nhãn hiệu hàng hoá:
a) Các dấu hiệu không có khả năng phân biệt như tập hợp các hình học đơn giản, các chữ số, chữ cái hoặc những chữ không có khả năng phát âm như một từ ngữ, trừ trường hợp đặc biệt, các dấu hiệu này được sử dụng rộng rãi và được tín nhiệm từ trước.
b) Các dấu hiệu quy ước, các hình vẽ và tên gọi thông thường của hàng hoá đã được sử dụng rộng rãi, mọi người đều biết.
c) Các dấu hiệu chỉ thời gian, địa điểm, phương pháp sản xuất, chủng loại, chất lượng, số lượng, tính chất, thành phần, công dụng, giá trị... mang tính chất mô tả hàng hoá.
d) Các dấu hiệu làm hiểu sai lệch về xuất xứ, tính năng, công dụng của hàng hoá hoặc các dấu hiệu có tính chất lừa đảo người tiêu dùng.
e) Các dấu hiệu giống hoặc tương tự với dấu chất lượng, dấu kiểm tra, dấu bảo hành... của các tổ chức trong hay ngoài nước.
g) Các dấu hiệu mang hình quốc kỳ, quốc huy, biểu tượng quốc gia, ảnh lãnh tụ, ảnh anh hùng dân tộc, địa danh của Việt Nam cũng như của nước ngoài, các tên gọi, biểu tượng của các tổ chức quốc tế nếu không được các cơ quan có thẩm quyền tương ứng cho phép.
h) Các dấu hiệu trái với pháp luật Nhà nước, trật tự và đạo đức xã hội chủ nghĩa.
i) Các dấu hiệu giống hoặc tương tự với nhãn hiệu hàng hoá đã đăng ký trước tại Việt Nam hoặc đã được bảo hộ theo một Hiệp ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, cho cùng một loại hàng hoá.
Điều 3:
Việc trình bày nhãn hiệu hàng hoá trên sản phẩm hàng hoá, phương tiện phục vụ theo quy định của Điều lệ này không thay thế cho việc trình bày nhãn sản phẩm (ê-ti-két) và các loại nhãn khác theo quy định trong các tiêu chuẩn, điều kiện kỹ thuật và hợp đồng chuyển giao hàng hoá.
Chương 2
ĐĂNG KÝ NHÃN HIỆU HÀNG HOÁ
Điều 4:
1- Việc đăng ký nhãn hiệu hàng hoá do Cục Sáng chế thuộc Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước đảm nhiệm.
Để được bảo hộ pháp lý nhãn hiệu hàng hoá, các tổ chức, cá nhân phải nộp hồ sơ xin đăng ký nhãn hiệu hàng hoá cho Cục Sáng chế.
2- Mỗi hồ sơ xin đăng ký nhãn hiệu hàng hoá chỉ sử dụng cho một nhãn hiệu và phải kèm theo danh mục các loại hàng hoá sẽ mang nhãn hiệu đó. Hồ sơ xin đăng ký nhãn hiệu hàng hoá làm theo mẫu quy định trong thông tư hướng dẫn thi hành Điều lệ này.
3- Người nộp hồ sơ xin đăng ký nhãn hiệu hàng hoá phải nộp các khoản lệ phí đăng ký. Lệ phí đăng ký và các khoản lệ phí khác nêu ở các điều sau đây của Điều lệ này sẽ do Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước quy định.
Điều 5:
Trong thời hạn 1 tháng tính từ ngày nhận được hồ sơ xin đăng ký nhãn hiệu hàng hoá. Cục Sáng chế phải xem xét các yêu cầu về hình thức và thủ tục lập hồ sơ. Trong thời hạn 6 tháng tính từ ngày chấp nhận hồ sơ hợp lệ, Cục Sáng chế phải xem xét và ra quyết định cấp hoặc không cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá. Trường hợp không cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá phải thông báo lý do cho người nộp hồ sơ,
2- Nhãn hiệu hàng hoá được bảo hộ được ghi vào sổ đăng bạ nhãn hiệu hàng hoá quốc gia và được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp do Cục Sáng chế xuất bản. Chủ nhãn hiệu hàng hoá phải nộp lệ phí công bố.
Điều 6:
Nếu những nhãn hiệu hàng hoá tương tự gây nhầm lẫn hoặc giống nhau do hai hay nhiều người nộp hồ sơ đăng ký cho cùng một loại hàng hoá thì quyền ưu tiên thuộc về người nộp hồ sơ sớm nhất và được xác định trên cơ sở:
a) Ngày Cục Sáng chế nhận được hồ sơ đăng ký nhãn hiệu hàng hoá hoặc ngày gửi hồ sơ qua bưu điện.
b) Ngày nộp đơn đầu tiên ở một nước khác theo quy định của Hiệp ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.
c) Ngày trưng bầy hiện vật có mang nhãn hiệu hàng hoá tại một cuộc triển lãm chính thức ở Việt Nam, nếu hồ sơ xin đăng ký nhãn hiệu hàng hoá được nộp trong thời hạn 6 tháng tính từ ngày hiện vật được trưng bày tại triển lãm.
Điều 7:
Các tổ chức, cá nhân có thể xin đăng ký nhãn hiệu hàng hoá ở nước ngoài sau khi nộp hồ sơ xin đăng ký nhãn hiệu hàng hoá ở Việt Nam nếu các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia không quy định một thể thức khác.
Chương 3
BẢO HỘ PHÁP LÝ NHÃN HIỆU HÀNG HOÁ
Điều 8:
1- Nhãn hiệu hàng hoá được bảo hộ kể từ ngày ký quyết định cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá.
2- Thời hạn hiệu lực của giấy đăng ký nhãn hiệu hàng hoá là 10 năm tính từ ngày ưu tiên.
Thời hạn trên có thể được kéo dài mỗi lần 10 năm tính từ ngày kết thúc thời hạn trước. Để được kéo dài thời hạn hiệu lực của giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá, chủ nhãn hiệu hàng hoá phải nộp đơn xin gia hạn cho Cục Sáng chế trong vòng 6 tháng trước khi kết thúc thời hạn trước và phải nộp lệ phí gia hạn.
Điều 9:
1- Trong thời hạn hiệu lực, chủ nhãn hiệu hàng hoá được độc quyền sử dụng nhãn hiệu hàng hoá để đánh dấu các hàng hoá liệt kê trong danh mục hàng hoá mang nhãn hiệu đó trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh hay dịch vụ của mình trên lãnh thổ Việt Nam.
2- Chủ nhãn hiệu hàng hoá có quyền chuyển nhượng từng phần hoặc toàn bộ quyền sử dụng nhãn hiệu hàng hoá cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh khác trên cơ sở hợp đồng, với điều kiện cơ sở tiếp nhận phải bảo đảm tính năng và chất lượng của hàng hoá mang nhãn hiệu đó. Trường hợp chuyển nhượng từng phần, trong hợp đồng phải quy định quyền kiểm tra chất lượng hàng hoá của chủ nhãn hiệu.
3- Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng nhãn hiệu hàng hoá phải được đăng ký tại Cục Sáng chế mới có giá trị pháp lý và chủ nhãn hiệu hàng hoá phải nộp lệ phí theo quy định.
Điều 10:
1- Trong thời hạn hiệu lực, chủ nhãn hiệu hàng hoá có thể đề nghị Cục Sáng chế sửa đổi tên, địa chỉ của chủ nhãn hiệu, một vài chi tiết trong nhãn hiệu, danh mục hàng hoá mang nhãn hiệu... Những sửa đổi này phải được ghi nhận trong sổ đăng bạ nhãn hiệu hàng hoá quốc gia và giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá. Chủ nhãn hiệu hàng hoá phải nộp các khoản lệ phí theo quy định.
2- Trong trường hợp việc sửa đổi dẫn đến làm thay đổi cơ bản nhãn hiệu hàng hoá đã đăng ký, chủ nhãn hiệu hàng hoá phải tiến hành xin đăng ký như nhãn hiệu hàng hoá mới.
Điều 11:
Hiệu lực của giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá bị đình chỉ khi:
a) Chủ nhãn hiệu hàng hoá làm đơn xin từ bỏ sự bảo hộ pháp lý nhãn hiệu hàng hoá;
b) Chủ nhãn hiệu hàng hoá không còn tồn tại hoặc không tiếp tục hoạt động mà không có người thừa kế quyền sử dụng nhãn hiệu hàng hoá;
c) Chủ nhãn hiệu hàng hoá không sử dụng hoặc không chuyển giao cho người khác sử dụng nhãn hiệu hàng hoá trong thời hạn 5 năm kể từ ngày ký quyết định cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá mà không nêu được lý do chính đáng.
Điều 12:
Trong suốt thời hạn hiệu lực của giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá, bất kỳ tổ chức, cá nhân nào phát hiện giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá được cấp không phù hợp với các quy định của Điều lệ này đều có quyền yêu cầu Cục Sáng chế huỷ bỏ hiệu lực của giấy chứng nhận đó.
Điều 13:
1- Người nộp hồ sơ xin đăng ký nhãn hiệu hàng hoá hoặc chủ nhãn hiệu hàng hoá có quyền khiếu nại về các quyết định liên quan đến việc nhận, xem xét đơn, từ chối cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá không phù hợp với quy định tại Điều 2.
2- Trong thời hạn 3 tháng tính từ ngày nhận được quyết định liên quan đến những việc nêu ở khoản 1 Điều này, người khiếu nại phải nộp đơn khiếu nại cho Cục Sáng chế.
3- Trong thời hạn 2 tháng tính từ ngày nhận được đơn khiếu nại, Cục trưởng Cục Sáng chế phải giải quyết và thông báo kết quả cho người khiếu nại. Nếu không đồng ý với quyết định của Cục trưởng Cục Sáng chế, người khiếu nại có quyền khiếu nại với Chủ nhệm Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước. Quyết định của Chủ nhệm Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước là quyết định cuối cùng.
Điều 14:
1- Bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào sử dụng nhãn hiệu hàng hoá của người khác mà không được phép, sử dụng những dấu hiệu giống hoặc tương tự có khả năng làm người tiêu dùng nhầm lẫn với nhãn hiệu hàng hoá của người khác cho các loại hàng hoá đã được liệt kê trong danh mục đều bị coi là vi phạm độc quyền sử dụng của chủ nhãn hiệu hàng hoá.
2- Chủ nhãn hiệu hàng hoá có quyền yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền xử lý các trường hợp vi phạm quyền sử dụng nhãn hiệu hàng hoá của mình.
Điều 15:
1- Các tổ chức, cá nhân không đăng ký, không sử dụng nhãn hiệu hàng hoá theo quy định tại khoản 1 Điều 1 sẽ không được hưởng các quyền lợi theo Điều lệ này quy định và sẽ bị xử lý theo pháp luật tuỳ theo hậu quả do việc không đăng ký và sử dụng nhãn hiệu gây ra.
2- Các tổ chức, cá nhân xâm phạm quyền của chủ nhãn hiệu hàng hoá theo quy định của khoản 1 Điều 14 sẽ bị xử lý theo pháp luật tuỳ theo mức độ xâm phạm và hậu quả của việc xâm phạm đó gây ra.
Chương 4
TỔ CHỨC, CHỈ ĐẠO CÔNG TÁC NHÃN HIỆU HÀNG HOÁ
Điều 16:
1- Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước có trách nhiệm chỉ đạo việc đăng ký, bảo hộ pháp lý và sử dụng nhãn hiệu hàng hoá trong phạm vi cả nước. Cục Sáng chế thuộc Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước là cơ quan giúp Chủ nhiệm Uỷ ban thực hiện chức năng trên.
2- Các Bộ, Uỷ ban Nhà nước, các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, các Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị hành chính tương đương có trách nhiệm chỉ đạo công tác nhãn hiệu hàng hoá trong ngành, địa phương mình, bao gồm:
a) Chỉ đạo các tổ chức, cá nhân trong ngành hoặc địa phương đăng ký nhãn hiệu hàng hoá ở trong và ngoài nước theo quy định;
b) Kiểm tra việc sử dụng nhãn hiệu hàng hoá.
3- Bộ phận quản lý sáng kiến, sáng chế hoặc tuỳ theo tình hình cụ thể một bộ phận thích hợp khác có trách nhiệm giúp các Bộ, Uỷ ban Nhà nước, các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, các Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương và các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện các nhiệm vụ trên ở cấp tương ứng.
Chương 5
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 17:
Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước có trách nhiệm ban hành hoặc phối hợp với các cơ quan có liên quan ban hành các Thông tư giải thích, hướng dẫn và tổ chức thực hiện Điều lệ này.
Điều 18:
Các Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, Thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương có trách nhiệm đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện Điều lệ này.(1)
(1) Điều lệ về nhãn hiệu hàng hoá ban hành kèm theo Nghị định số 197-HĐBT ngày 14-12-1982 do Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Tố Hữu ký - (CSC)
| Tố Hữu (Đã ký) |
- 1Hiệp ước về Luật Nhãn hiệu hàng hoá giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ các nước ban hành
- 2Công văn số 1414/BTM-QLCL ngày 16/04/2002 của Bộ Thương mại về việc đăng ký nhãn hiệu hàng hoá
- 3Quyết định 2481-BYT/QĐ năm 1996 về Quy chế đăng ký chất lượng thực phẩm do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 4Nghị định 197-HĐBT năm 1982 Điều lệ về nhãn hiệu hàng hoá do Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 1Hiệp ước về Luật Nhãn hiệu hàng hoá giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ các nước ban hành
- 2Công văn số 1414/BTM-QLCL ngày 16/04/2002 của Bộ Thương mại về việc đăng ký nhãn hiệu hàng hoá
- 3Quyết định 2481-BYT/QĐ năm 1996 về Quy chế đăng ký chất lượng thực phẩm do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 4Nghị định 197-HĐBT năm 1982 Điều lệ về nhãn hiệu hàng hoá do Hội đồng Bộ trưởng ban hành
Điều lệ về nhãn hiệu hàng hoá (ban hành kèm theo Nghị định số 197-HĐBT ngày 14/12/1982 được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 84-HĐBT ngày 20/3/1990 của Hội đồng Bộ trưởng do Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- Số hiệu: Khôngsố
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 20/03/1990
- Nơi ban hành: Hội đồng Bộ trưởng
- Người ký: Tố Hữu
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 20/03/1990
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra