Hệ thống pháp luật

PHỦ THỦ TƯỚNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 127-TTg

Hà Nội, ngày 01 tháng 04 năm 1959 

 

ĐIỀU LỆ TẠM THỜI

VỀ TỔ CHỨC TỔ HỢP TÁC HAY CỬA HÀNG HỢP TÁC CỦA NHỮNG NGƯỜI TIỂU THƯƠNG VÀ HÀNG RONG, BUÔN VẶT

I. NGUYÊN TẮC CHUNG

Điều 1. - Tổ hợp tác hay cửa hàng hợp tác là tổ chức mua bán của những người tiểu thương và hàng rong, buôn vặt tự nguyện tổ chức theo hình thức mua chung, bán riêng hoặc mua chung bán chung, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ để cải tạo lề lối mua bán cá thể theo con đường hợp tác tương trợ, tiến dần lên chủ nghĩa xã hội.

Điều 2. - Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Mậu dịch quốc doanh hay Hợp tác xã mua bán, tổ hợp tác hay cửa hàng hợp tác có nhiệm vụ: buôn bán, hoặc vừa buôn bán vừa sản xuất để phục vụ nhu cầu dân sinh nhu cầu kiến thiết, góp phần phát triển sản xuất, bình ổn vật giá. Đồng thời trên cơ sở không ngừng nâng cao giác ngộ xã hội chủ nghĩa cho tổ viên, tích cực cải tiến quản lý kinh doanh, mở rộng từng bước tích lũy chung và cải thiện dần dần đời sống vật chất, văn hóa của tổ viên để tiến dần thành tổ chức của Mậu dịch quốc doanh hay Hợp tác xã mua bán.

Điều 3. - Tổ hợp tác hay cửa hàng hợp tác do những người tiểu thương và hàng rong, buôn vặt chuyên nghiệp cùng ngành, nghề, hoặc những ngành nghề gần giống nhau, tổ chức lại theo nguyên tắc tự nguyện, cùng có lợi và quản lý dân chủ.

Điều 4. - Tổ hợp tác hay cửa hàng hợp tác phải:

- Gương mẫu chất hành các chính sách (giá cả, thuế khóa, hàng hóa…) pháp luật của nhà nước và phục tùng kế hoạch Nhà nước.

- Kinh doanh theo kế hoạch đã được đại hội tổ viên thông qua và Mậu dịch quốc doanh hay Hợp tác xã mua bán phê chuẩn.

- Chịu sự kiểm soát của quần chúng nhân dân.

- Tích cực xây dựng tác phong thương nghiệp xã hội chủ nghĩa.

Điều 5. – Những người tiểu thương và hàng rong, buôn vặt muốn thành lập tổ hợp tác hay cửa hàng hợp tác đều phải xin phép và đăng ký tại cơ quan quản lý thương nghiệp tỉnh, thành phố hoặc tại Ủy ban Hành chính huyện. Tổ hợp tác hay cửa hàng hợp tác mua chung bán chung phải xin đăng ký tập thể.

Kế hoạch kinh doanh và nội quy của tổ hợp tác hay cửa hàng hợp tác phải được đại hội tổ viên thông qua, được cơ quan Mậu dịch hay Hợp tác xã mua bán duyệt mới được chính thức thi hành.

Tổ hợp tác hay cửa hàng hợp tác phải xin phép hoặc đăng ký lại trong những trường hợp sau đây:

- Thay đổi tình hình tổ chức, vốn, mặt hàng kinh doanh.

- Thay đổi phạm vi hoạt động hoặc chuyển nghề.

- Tạm nghỉ trên một tháng, nghỉ hẳn, mở lại, sát nhập hoặc giải tán.

Điều 6. - Tất cả những người tiểu thương và hàng rong, buôn vặt chuyên nghiệp và những nhân công làm thuê thường xuyên cho họ trong việc kinh doanh, đều có thể xin gia nhập tổ nếu có đủ điều kiện sau đây:

1. Công nhận điều lệ của tổ chức hợp tác hay cửa hàng hợp tác

2. Góp vốn hiện có của mình vào tổ hợp tác (áp dụng theo điều 16 mục IV dưới đây).

Điều 7. - Việc kết nạp tổ viên mới vào tổ hợp tác hay cửa hàng hợp tác phải được toàn thể tổ viên thông qua, Mậu dịch quốc doanh hay Hợp tác xã mua bán địa phương chuẩn y.

II. NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN LỢI CỦA TỔ VIÊN

Điều 8. - Nhiệm vụ của tổ viên:

a) Chấp hành nội quy và nghị quyết của tổ

b) Tích cực tham gia hoạt động của tổ, tuân theo kỷ luật lao động.

c) Bảo vệ tài sản công cộng, chống tham ô lãng phí.

d) Cố gắng học tập, nâng cao giác ngộ xã hội chủ nghĩa.

Điều 9. - Quyền lợi của tổ viên:

a) Tham gia đại hội tổ viên, thảo luận và biểu quyết các vấn đề do tổ đề ra.

b) Bầu cử và ứng cử vào Ban Quản trị tổ

c) Hưởng tiền lương theo lao động, lãi chia cho vốn (đối với tổ chức hợp tác loại vừa) và các quyền lợi khác do tổ quy định (khi đau ốm, sinh đẻ, gặp tai nạn…)

Điều 10. - Tổ viên tổ hợp tác hay cửa hàng hợp tác không được hoạt động thương nghiệp ngoài tổ, không được thuê mướn người khác mua bán thay mình, mà phải trực tiếp tham gia hoạt động của tổ.

Điều 11. - Nếu tổ viên phạm sai lầm, trái với điều lệ và nội quy của tổ như lừa dối khách hàng, tham ô, buôn lậu…gây thiệt hại chung, thì tổ viên ấy phải bồi thương và tùy theo lỗi nặng nhẹ mà bị phê bình, cảnh cáo, khai trừ ra khỏi tổ, hoặc bị cơ quan có thẩm quyền đình chỉ kinh doanh.

Việc khai trừ tổ viên phải được đại hội tổ viên thông qua, Mậu dịch quốc doanh hay Hợp tác xã mua bán chuẩn y.

Người bị khai trừ có thể khiếu nại với Mậu dịch quốc doanh hay Hợp tác xã mua bán địa phương.

III. CÁC HÌNH THỨC TỔ CHỨC TỔ HỢP HAY CỬA HÀNG HỢP TÁC

Điều 12. – Tùy theo điều kiện kinh doanh cụ thể của từng ngành, nghề, tùy trình độ giác ngộ và tinh thần tự nguyện của những người tiểu thương và hàng rong, buôn vặt mà tổ chức theo các hình thức sau đây:

- Tổ chức hợp tác mua chung, bán riêng (hợp tác loại thấp).

- Tổ hợp tác hay cửa hàng hợp tác mua chung, bán chung loại vừa.

- Tổ hợp tác hay cửa hàng hợp tác mua chung, bán chung loại cao.

Ngoài việc hợp tác về mua bán có thể làm thêm việc sản xuất.

Tổ hợp tác mua chung, bán riêng (hợp tác loại thấp)

Điều 13. - Tổ hợp tác mua chung, bán riêng là tổ chức của những người tiểu thương và hàng rong, buôn vặt cùng ngành, nghề giống nhau; tự nguyện góp vốn mua hàng chung về bán riêng và tự chịu lỗ lãi nhưng gắn bó với nhau bằng quỹ xã hội.

Tổ hợp tác hay cửa hàng hợp tác loại vừa

Điều 14. - Tổ hợp tác hay cửa hàng hợp tác loại vừa là tổ chức của những người tiểu thương và hàng rong, buôn vặt cùng ngành, nghề hoặc có những ngành, nghề gần giống nhau, tự nguyện tổ chức để kinh doanh tập thể, cùng chịu lỗ lãi. Thu nhập của tổ chia làm 3 phần: một phần dùng để trả tiền lương theo lao động, một phần dùng để chia lãi cho vốn, một phần dùng làm quỹ xã hội và tích lũy. Tiền vốn, vật dụng, dùng vào việc kinh doanh vẫn thuộc quyền sở hữu của tổ viên, nhưng việc sử dụng là do tổ hay cửa hàng quyết định.

Tổ hợp tác hay cửa hàng hợp tác loại cao

Điều 15. - Tổ hợp tác hay cửa hàng hợp tác loại cao là tổ chức mua chung, bán chung của những người tiểu thương và hàng rong, buôn vặt cùng ngành, nghề hoặc những ngành, nghề gần giống nhau, tự nguyện tổ chức để kinh doanh tập thể cùng chịu lỗ, lãi. Tiền vốn, vật dụng dùng vào việc kinh doanh cho tổ hợp tác hay cửa hàng hợp tác là của chung của tập thể.

Thu nhập hàng tháng của tổ một phần dùng để trả tiền lương theo lao động của tổ viên, còn lại dùng làm quỹ xã hội và quỹ tích lũy chung, không chia lãi cho vốn.

IV. VỐN

Điều 16. – Khi vào tổ hợp tác hay cửa hàng hợp tác, tổ viên phải góp số vốn hiện có của bản thân (tiền mặt, hàng hóa, phương tiện kinh doanh), người nhiều góp nhiều, người ít góp ít, do tổ viên tự báo và hội nghị toàn thể tổ viên nhận xét. Những người thực sự không có khả năng góp vốn kinh doanh, nếu được toàn tổ xác nhận, thì có thể góp ít hoặc miễn hẳn.

Điều 17. - Đối với tài sản cố định của tổ viên, cần dựa vào nguyên tắc tùy theo nhu cầu kinh doanh của tổ hay của cửa hàng hợp tác và tinh thần tự nguyện của tổ viên, mà có thể giải quyết bằng các biện pháp khác nhau như:

- Đánh giá, quy thành vốn đưa vào tổ hay cửa hàng hợp tác.

- Cho tổ hay cửa hàng hợp tác thuê mướn.

- Của ai người ấy vẫn dùng cho tổ hay cửa hàng hợp tác nhưng không tính vào vốn…

Khi tổ hợp tác mới thành lập, nói chung không nên áp dụng biện pháp thứ nhất đối với những tài sản cố định giá trị nhiều.

Điều 18. - Tổ hợp tác hay cửa hàng hợp tác không được nhận vốn của những người không tham gia kinh doanh. Nhưng gặp trường hợp đã nhận vốn buôn chung của những người không tham gia kinh doanh, thì có thể căn cứ vào sự tự nguyện của người đó và nhu cầu kinh doanh của tổ mà giải quyết khác nhau, như trả lại ngay, trả lại dần, hoặc chuyển thành tiền gửi vào tổ hợp tác rồi trả cho họ một số lợi tức nhất định.

Điều 19. – Trong trường hợp thiếu vốn kinh doanh, nếu được Mậu dịch quốc doanh hay Hợp tác xã mua bán địa phương xác nhận và giới thiệu, thì tổ hợp tác hay cửa hàng hợp tác có thể vay vốn của Ngân hàng. Tuy nhiên, tổ phải phát huy tinh thần tương trợ, tự lực cánh sinh, tránh ỷ lại vào Nhà nước.

Điều 20. - Đối với tổ hợp tác hay cửa hàng hợp tác mua chung, bán chung loại vừa, lúc nào tổ viên tổ hợp tác cũng có thể góp thêm vốn được; phần vốn tăng thêm sẽ được hưởng thêm lãi chia cho vốn kể từ ngày tăng, để khuyến khích tổ viên góp thêm vốn kinh doanh vào tổ.

Điều 21. - Vốn của tổ viên khi đã góp vào tổ hợp tác không được chuyển nhượng hoặc dùng để trả nợ (trừ trường hợp Tòa án xử).

Điều 22. – Khi một tổ viên chết, về nguyên tắc tiền vốn của họ do người thừa kế hợp pháp giải quyết việc sử dụng. Nhưng tùy tình hình cụ thể, tổ hợp tác hay cửa hàng hợp tác sẽ tham gia ý kiến để một mặt tôn trọng quyền sử dụng của người thừa kế hợp pháp, mặt khác không ảnh hưởng nhiều đến kinh doanh của tổ.

Điều 23. - Đối với trường hợp đặc biệt như tổ viên gặp tai nạn, ốm đau…sau khi tổ hợp tác đã giúp đỡ mà vẫn chưa đủ chi tiêu cần thiết, nếu được toàn tổ xác nhận và đồng ý, được Mậu dịch quốc doanh hay Hợp tác xã mua bán địa phương chuẩn y, thì tổ viên có thể xin rút ra một phần số vốn đã góp.

Điều 24. - Tổ viên có thể rút hẳn vốn trong những trường hợp sau đây:

- Tổ viên xin ra khỏi tổ và được toàn tổ đồng ý.

- Tổ viên tự nguyện chuyển sang sản xuất và được Mậu dịch quốc doanh hay Hợp tác xã mua bán địa phương phê chuẩn.

Tổ viên phạm sai lầm bị khai trừ ra khỏi tổ

Khi ra khỏi tổ, tổ viên được rút vốn và hưởng phần lãi hay chịu phần lỗ trong thời gian nhập tổ. Việc thanh toán tiền vốn, lỗ, lãi cho tổ viên ra khỏi tổ phải tùy theo hoàn cảnh của từng người và tình hình kinh doanh cụ thể của tổ mà giải quyết một cách hợp lý, hợp tình.

V. LỖ LÃI

Điều 25. – Hàng tháng tổ hợp tác hay cửa hàng hợp tác thanh toán lỗ, lãi một lần. Khi thanh toán xong, tổ phải dựa vào những nguyên tắc đã quy định trong điều lệ này mà tính phân phối lỗ, lãi và phải được Mậu dịch quốc doanh hay Hợp tác xã mua bán địa phương thông qua trước khi thi hành.

Điều 26. - Việc phân phối lãi chủ yếu bao gồm ba mặt: tiền lương theo lao động, lãi chia cho vốn, quỹ tích lũy chung và quỹ xã hội, dựa theo nguyên tắc vừa đảm bảo thu nhập cần thiết cho tổ viên vừa đảm bảo tăng dần từng bước tích lũy để mở rộng kinh doanh.

a) Tiền lương theo lao động: Trích phần lớn trong số tiền lãi của tổ (có thể từ 75 đến 85%). Cần tiến hành bình nghị dân chủ mà định tiền lương theo năng suất lao động và khả năng nghề nghiệp vụ của tổ viên. Tổng số thu nhập của tổ viên tính bình quân đầu người trong tổ, phải thấp hơn một ít hoặc xấp xỉ mức sinh hoạt của nhân dân lao động khác ở địa phương.

Trong những tháng bán đắt hàng, lãi kinh doanh của tổ có thể cao hơn, nhưng việc trả tiền lương theo lao động vẫn giữ mức như những tháng thu nhập bình thường theo nguyên tắc trên.

Số tiền lãi sau khi đã trích một phần để chia lãi cho vốn và góp vào quỹ xã hội, còn bao nhiêu thì bỏ vào quỹ tích lũy để bù đắp cho những tháng bán ế, tích lũy được ít hoặc không tích lũy được.

Ngoài ra có thể quy định trích một số tiền làm tiền thưởng cho những tổ viên hoạt động tích cực trong tổ.

b) Chia lãi cho vốn: Tùy tình hình cụ thể từng mặt hàng mà định việc chia lãi cho vốn. Khi tổ hợp tác hay cửa hàng hợp tác mới thành lập, có thể để lãi tương đối nhiều chia cho vốn, rồi dần dần giảm bớt. Tỷ lệ lãi được chia hàng tháng không quá 1% số vốn góp vào tổ.

Trường hợp những tổ hợp tác vay cửa hàng hợp tác kinh doanh những mặt hàng ít vốn, tổ viên góp vốn xấp xỉ ngang nhau, tính chất hợp tác tương trợ chủ yếu bằng sức lao động, nếu được toàn tổ đồng ý, thì không cần chia lãi cho vốn.

c) Quỹ xã hội và tích lũy chung:

- Quỹ xã hội: là quỹ để tương trợ nhau trong trường hợp tổ viên gặp tai nạn, ốm đau, sinh đẻ, hiếu hỷ…Tùy điều kiện từng loại tổ hợp tác hay cửa hàng hợp tác có thể trích từ 1 đến 5% trong số tiền lãi hàng tháng để xây dựng quỹ.

Trường hợp tổ hợp tác cửa hàng hợp tác mới tổ chức, thu nhập của tổ còn thấp, nếu được Mậu dịch quốc doanh hay Hợp tác xã mua bán địa phương chuẩn y, thì tạm thời có thể trích ít hoặc chưa trích tiền lãi để xây dựng quỹ xã hội.

- Quỹ tích lũy: quỹ tích lũy của tổ hợp tác hay cửa hàng hợp tác chủ yếu dùng để mở rộng kinh doanh và phát triển sản xuất. Việc xây dựng quỹ, nên trước ít sau nhiều, và tùy theo tình hình kinh doanh của từng loại tổ hay cửa hàng hợp tác có thể trích từ 5 đến 30%.

Trường hợp tổ hợp tác hay cửa hàng hợp tác mới tổ chức, thu nhập của tổ còn thấp, nếu được Mậu dịch quốc doanh hay Hợp tác xã mua bán địa phương chuẩn y thì tạm thời có thể trích ít hoặc chưa trích tiền lãi để xây dựng quỹ tích lũy.

Các khoản tiền thừa sau mỗi kỳ thanh toán đều bỏ vào quỹ tích lũy.

Quỹ xã hội và tích lũy khôg thể phân chia được, kể cả những trường hợp tổ viên rút ra khỏi tổ.

Việc sử dụng phải do toàn thể tổ viên quyết định.

Điều 27. – Hàng tháng sau khi thanh toán, nếu bị lỗ, thì có thể tạm thời trích tiền tích lũy hoặc một phần tiền vốn của tổ để bù vào, nhưng phải có biện pháp và định thời hạn thu lại số vốn đã giảm sút.

VI. TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ

Điều 28. – Đại hội tổ viên là cơ quan có quyền lực cao nhất của tổ có những quyền hạn như sau:

a) Thông qua nội quy, sửa đổi nội quy của tổ; định các chế độ.

b) Bầu cử và bãi miễn tổ trưởng, tổ phó, hoặc Ban quản trị.

c) Quyết định việc kết nạp và khai trừ tổ viên.

d) Thảo luận và thông qua kế hoạch kinh doanh và hợp đồng quan trọng ký kết với bên ngoài.

đ) Thảo luận và thông qua báo cáo kết toán, quyết toán và giải quyết vấn đề lỗ lãi.

Điều 29. – Nhiệm vụ của tổ trưởng, tổ phó tổ hợp tác hay cửa hàng hợp tác là quản lý công việc của tổ hợp tác hay cửa hàng hợp tác, thay mặt tổ hay cửa hàng để giao dịch mua bán với Mậu dịch quốc doanh, Hợp tác xã mua bán và khách hàng. Đối với những tổ có nhiều tổ viên nên có hai tổ phó. Nhiệm kỳ của tổ trưởng và tổ phó là 6 tháng.

Tổ trưởng, tổ phó phải do đại hộ tổ viên bầu và được Mậu dịch quốc doanh hay Hợp tác xã mua bán địa phương phê chuẩn.

Điều 30. – Việc cử thư ký kế toán và những người phụ trách các mặt hàng phải được đa số tổ viên thỏa thuận. Trong tổ hợp tác hay cửa hàng hợp tác cần có sự phân công lao động cho hợp lý để mọi người có thể phát huy hết khả năng và tính tích cực kinh doanh của mình.

Tuy nhu cầu kinh doanh của tổ, có thể sử dụng người nhà của tổ viên tham gia hoạt động. Những người này được trả tiền lương theo nguyên tắc “làm như nhau, hưởng như nhau”.

Điều 31. – Tổ hợp tác hay cửa hàng hợp tác cần xây dựng chế độ học tập văn hóa, chính trị và sinh hoạt thường kỳ, thành thật phê bình và tự phê bình để giúp nhau tiến bộ.

VII. SÁT NHẬP VÀ GIẢI TÁN

Điều 32. – Hai tổ hoặc nhiều tổ hợp tác hay cửa hàng hợp tác có thể sát nhập, nếu được đại hội tổ viên thông qua và được Mậu dịch quốc doanh hay Hợp tác xã mua bán địa phương phê chuẩn. Sau khi sát nhập, tất cả tài sản công cộng của tổ là sở hữu chung của tổ. Tổ phải họp đại hội tổ viên để bầu ban quản trị, từ 5 đến 7 người.

Điều 33. – Gặp trường hợp đặc biệt được đại hội tổ viên thông qua, Mậu dịch quốc doanh hay Hợp tác xã mua bán địa phương thẩm tra và tán thành, Ủy ban Hành chính huyện hay cơ quan Thương nghiệp tỉnh phê chuẩn, thì tổ hợp tác hay cửa hàng hợp tác được giải tán và rút đăng ký.

Khi giải tán, tổ hay cửa hàng hợp tác phải thanh toán lỗ, lãi. Nếu có lãi, thì ngoài số vốn trả lại và tiền chia lãi theo vốn cho tổ viên ra, tất cả tài sản còn lại phải giao cho Mậu dịch quốc doanh hay Hợp tác xã mua bán địa phương.

Nếu bị lỗ thì giải quyết như điều 27.

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ




Phạm Văn Đồng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Điều lệ tạm thời số 127-TTg về việc tổ chức tổ hợp tác hay cửa hàng hợp tác của những người tiểu thương và hàng rong, buôn vặt do Phủ Thủ Tướng ban hành

  • Số hiệu: 127-TTg
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 01/04/1959
  • Nơi ban hành: Phủ Thủ tướng
  • Người ký: Phạm Văn Đồng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 14
  • Ngày hiệu lực: 16/04/1959
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản