Hệ thống pháp luật

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 95/2011/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 20 tháng 10 năm 2011

 

NGHỊ ĐỊNH

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 202/2004/NĐ-CP NGÀY 10 THÁNG 12 NĂM 2004 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC TIỀN TỆ VÀ HOẠT ĐỘNG NGÂN HÀNG

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Pháp lệnh Ngoại hối ngày 13 tháng 12 năm 2005;

Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 4 năm 2008;

Xét đề nghị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam,

NGHỊ ĐỊNH

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 202/2004/NĐ-CP ngày 10 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng như sau:

1. Sửa đổi, bổ sung khoản 3, khoản 5, khoản 7 Điều 18 như sau:

“3. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau:

a) Cho vay, cho thuê tài chính hoặc trả nợ trong nước bằng ngoại tệ không đúng quy định của pháp luật;

b) Chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài và vào Việt Nam không đúng quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều này;

c) Thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ với người nước ngoài không đúng quy định của pháp luật;

d) Mua, bán, thanh toán ngoại tệ không đúng quy định của pháp luật;

đ) Thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng vàng với nhau không đúng quy định của pháp luật;

e) Kinh doanh, mua, bán vàng không đúng quy định của pháp luật.”

“5. Phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau:

a) Hoạt động ngoại hối mà không được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép hoặc giấy phép hoạt động ngoại hối đã hết thời hạn hoặc bị đình chỉ;

b) Thực hiện dịch vụ kiều hối mà không được cấp có thẩm quyền cấp phép;

c) Hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu ngoại tệ, vàng mà không có giấy phép của Ngân hàng Nhà nước;

d) Niêm yết giá, quảng cáo hàng hóa, dịch vụ, quyền sử dụng đất bằng ngoại tệ, vàng không đúng quy định của pháp luật.”

“7. Áp dụng hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu tang vật là số ngoại tệ, đồng Việt Nam (VND) hoặc vàng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b, điểm d, điểm đ, điểm e khoản 3 Điều này;

b) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đăng ký Đại lý đổi ngoại tệ trong thời hạn 12 tháng khi vi phạm lần đầu và tước không thời hạn khi tái phạm đối với các Đại lý đổi ngoại tệ vi phạm quy định tại điểm d khoản 3;

c) Tước Giấy phép hoạt động kinh doanh vàng trong thời hạn 12 tháng khi vi phạm lần đầu và tước không thời hạn khi tái phạm đối với các tổ chức kinh doanh vàng vi phạm quy định tại điểm e khoản 3 Điều này.”

2. Bãi bỏ điểm đ khoản 4 Điều 18.

3. Bổ sung Điều 18a như sau:

Điều 18a. Quản lý và sử dụng tiền thu phạt vi phạm hành chính

1. Tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh vàng và ngoại tệ phải nộp vào ngân sách nhà nước qua tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước.

2. Việc quản lý, sử dụng số tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh vàng và ngoại tệ để hỗ trợ kinh phí cho cơ quan, tổ chức thực hiện theo các quy định tại Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 124/2005/NĐ-CP ngày 06 tháng 10 năm 2005 của Chính phủ quy định về biên lai thu tiền phạt và quản lý, sử dụng tiền nộp phạt vi phạm hành chính và các quy định của pháp luật hiện hành về xử phạt vi phạm hành chính.”

4. Sửa đổi, bổ sung Điều 37 như sau:

Điều 37. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính

1. Thanh tra viên Ngân hàng đang thi hành công vụ có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 500.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị đến 2.000.000 đồng;

d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định này.

2. Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 30.000.000 đồng;

c) Áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại điểm a khoản 2 và khoản 3 Điều 7 Nghị định này;

d) Đề nghị Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đình chỉ có thời hạn hoặc không có thời hạn việc thực hiện một hoặc một số hoạt động nghiệp vụ liên quan đến hành vi vi phạm hành chính theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Luật Các tổ chức tín dụng.

3. Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền tối đa đến 500.000.000 đồng;

c) Áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại điểm a khoản 2 và khoản 3 Điều 7 Nghị định này;

d) Đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đình chỉ có thời hạn hoặc không có thời hạn việc thực hiện một hoặc một số hoạt động nghiệp vụ liên quan đến hành vi vi phạm hành chính theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Luật Các tổ chức tín dụng.

4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm ma túy, Cục trưởng Cục Quản lý xuất cảnh, nhập cảnh quy định tại Điều 30 và khoản 7, khoản 8 Điều 31 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, khi phát hiện cá nhân, tổ chức không phải là tổ chức tín dụng có hành vi vi phạm quy định về quản lý ngoại hối tại các điểm b, d, đ, e khoản 3, các điểm a, c, d, e, g khoản 4 và khoản 5 Điều 18 Nghị định này có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định này, đồng thời phải thông báo cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam biết.

5. Cơ quan Quản lý thị trường quy định tại Điều 37 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, khi phát hiện cá nhân, tổ chức không phải là tổ chức tín dụng có hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 5 Điều 18 Nghị định này có trách nhiệm lập biên bản và chuyển cho các đối tượng quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều này để xử lý theo quy định tại Nghị định này.”

Điều 2. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Trách nhiệm thi hành

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KTTH (5b)

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Decree No. 95/2011/ND-CP of October 20, 2011, amending, supplementing a number of articles of Decree No.202/2004/ND-CP dated December 10, 2004 of the Government on administrative sanction in the monetary area and banking activity

  • Số hiệu: 95/2011/ND-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 20/10/2011
  • Nơi ban hành: Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản