Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh Phúc
------------------

Số: 870/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 17 tháng 06 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT “QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KHU DU LỊCH QUỐC GIA CÔN ĐẢO, TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU ĐẾN NĂM 2030”

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Du lịch ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Nghị định số 92/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ và Nghị định số 180/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch;

Căn cứ Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định về Quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và Kế hoạch bảo vệ môi trường;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Côn Đảo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (sau đây viết tắt là Khu DLQG Côn Đảo) đến năm 2030” với những nội dung chủ yếu sau đây:

1. Vị trí, vai trò của Khu DLQG Côn Đảo

Khu vực quy hoạch phát triển Khu DLQG Côn Đảo thuộc địa giới hành chính huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, bao gồm 16 hòn đảo lớn nhỏ với tổng diện tích đất nổi khoảng 75,15km2 và diện tích mặt nước tính từ ranh giới đường thủy nội địa khu vực Côn Đảo khoảng 14.000 km2.

- Cách thành phố Vũng Tàu khoảng 185 km về phía Nam.

- Cách thành phố Hồ Chí Minh 250 km về phía Đông Nam.

- Cách cửa sông Hậu khoảng 83 km.

Diện tích khu vực dự kiến phát triển trở thành Khu du lịch quốc gia là 1.000 ha (tương đương 10 km2).

2. Quan điểm phát triển

a) Phát triển Khu DLQG Côn Đảo phù hợp với Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam, Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; bảo đảm thống nhất với điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2030 và các Chiến lược, Quy hoạch của các ngành và lĩnh vực khác có liên quan.

b) Phát triển Khu DLQG Côn Đảo trên cơ sở khai thác hợp lý thế mạnh về giá trị tài nguyên biển, rừng của Vườn quốc gia Côn Đảo; phát huy giá trị của Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Côn Đảo. Ưu tiên phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghi dưỡng cao cấp, du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh, đồng thời phải gắn kết với thị trường quốc tế và nâng cao tính cạnh tranh với du lịch các đảo khác ở trong và ngoài nước.

c) Phát triển Khu DLQG Côn Đảo tạo tiền đề và động lực thúc đẩy các ngành sản xuất và dịch vụ khác phát triển, thu hút sự tham gia của cộng đồng dân cư trên đảo; gắn kết phát triển với thành phố Vũng Tàu, Khu du lịch quốc gia Long Hải - Phước Hải, các tiềm năng du lịch quan trọng khác của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong mối liên kết chặt chẽ với thành phố Hồ Chí Minh và toàn vùng Đông Nam Bộ.

d) Phát triển Khu DLQG Côn Đảo nhằm khắc phục tính thời vụ trong hoạt động du lịch của địa phương; đồng thời gắn phát triển du lịch với nhiệm vụ bảo tồn phát huy các giá trị di tích lịch sử - văn hóa, bảo vệ cảnh quan, môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng tăng tỷ trọng khu vực dịch vụ - du lịch.

3. Mục tiêu phát triển

a) Mục tiêu chung

Đến năm 2020, Khu DLQG Côn Đảo cơ bản đáp ứng các tiêu chí của Khu du lịch Quốc gia.

Phấn đấu đến năm 2030, Côn Đảo trở thành khu du lịch sinh thái biển đảo và văn hóa - lịch sử - tâm linh chất lượng cao, đặc sắc tầm cỡ khu vực và quốc tế với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có thương hiệu, sức cạnh tranh cao, mang đậm đặc trưng văn hóa truyền thống gắn liền với phát huy các giá trị của Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Côn Đảo; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để trở thành đô thị du lịch.

b) Mục tiêu cụ thể

- Chỉ tiêu khách du lịch: Đến năm 2020 đón được trên 180.000 lượt khách du lịch. Phấn đấu đến năm 2030 đón được khoảng 300.000 lượt khách du lịch; trong đó, khoảng 120.000 lượt khách quốc tế, chiếm 40%.

- Tổng thu từ khách du lịch (theo giá hiện hành): Đến năm 2020 đạt khoảng 1.200 tỷ đồng. Phấn đấu đến năm 2030 đạt khoảng 2.800 tỷ đồng.

- Chỉ tiêu cơ sở lưu trú: Đến năm 2020 có trên 1.000 buồng khách sạn. Phấn đấu đến năm 2030 có khoảng 1.800 buồng khách sạn.

- Chỉ tiêu việc làm: Năm 2020 tạo việc làm cho khoảng 5.200 lao động. Phấn đấu đến năm 2030 tạo việc làm cho khoảng 8.000 lao động.

4. Các định hướng phát triển chủ yếu

a) Phát triển thị trường khách du lịch

- Tập trung khai thác thị trường khách du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa - tâm linh, giáo dục truyền thống lịch sử - cách mạng; thị trường khách đến từ các thành phố, trung tâm du lịch lớn như: Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng...).

- Chú trọng thu hút thị trường khách quốc tế đến từ Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Canada, Úc, Niu Di-lân; một số nước trong khu vực Đông Nam Á như: Singapore, Malaysia, Indonesia; đẩy mạnh thu hút thị trường khách Tây Âu, Bắc Âu và Nga; tập trung vào nhóm đối tượng khách du lịch chi tiêu cao, lưu trú dài ngày và các phân khúc thị trường du lịch nghỉ dưỡng, khám phá tự nhiên và duy trì đối tượng khách du lịch tìm hiểu văn hóa - lịch sử.

b) Phát triển sản phẩm du lịch

- Phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch trên cơ sở các giá trị đặc trưng của văn hóa, lịch sử và thiên nhiên Côn Đảo.

- Chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch chính như: du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển; thăm quan đảo; trải nghiệm di sản thiên nhiên và tìm hiểu giá trị lịch sử - văn hóa - tâm linh.

c) Nâng cao khả năng tiếp cận với đất liền và cải thiện liên kết giao thông giữa các đảo thuộc Khu DLQG Côn Đảo

- Nâng cao khả năng tiếp cận Khu DLQG Côn Đảo bằng cả đường hàng không và đường biển với việc nâng cấp sân bay Côn Đảo, mở thêm các đường bay thẳng nội địa và quốc tế, nâng cấp cảng tàu du lịch và tăng tần suất vận chuyển.

- Tăng cường khả năng kết nối các điểm du lịch trên đảo, giữa thị trấn Côn Sơn với các đảo nhỏ; giữa Khu DLQG Côn Đảo với các điểm đến phụ cận nhằm kéo dài ngày lưu trú của khách.

d) Nâng cao chất lượng hệ thống cơ sở vật chất, dịch vụ du lịch

- Lựa chọn vị trí xây dựng các công trình, cơ sở dịch vụ du lịch phù hợp với không gian và định hướng phát triển của từng khu vực cụ thể theo quy hoạch. Phát triển hệ thống cơ sở lưu trú du lịch phù hợp với cảnh quan thiên nhiên và quy mô phát triển của Khu DLQG Côn Đảo; trong đó ưu tiên các dự án cơ sở lưu trú cao cấp từ 4 sao trở lên với mật độ phù hợp.

- Nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch phù hợp với định hướng đầu tư phát triển. Xác định du lịch bền vững, du lịch xanh là những định hướng phát triển cơ bản của du lịch Côn Đảo.

- Nâng cao chất lượng các dịch vụ bổ trợ như: dịch vụ vận chuyển, vệ sinh công cộng, dịch vụ hỗ trợ thông tin phục vụ khách du lịch và các tiện tích bảo đảm chất lượng môi trường, an ninh và an toàn cho khách du lịch.

đ) Tổ chức không gian phát triển du lịch

- Các phân khu phát triển du lịch Côn Đảo bao gồm: Trung tâm thị trấn Côn Sơn; khu phố Pháp tại thị trấn Côn Sơn; khu vực lịch sử - văn hóa - tâm linh; cảng Bến Đầm; dải bờ biển hoang sơ; dải bờ biển cảnh quan; vùng núi Côn Đảo (bao gồm cả vườn quốc gia Côn Đảo) và hệ thống các đảo nhỏ.

- Các nguyên tắc tổ chức không gian du lịch:

+ Tổ chức không gian phát triển du lịch phù hợp với nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn di sản văn hóa, bảo vệ môi trường sinh thái, an ninh, quốc phòng đồng thời phát huy tối đa tiềm năng, giá trị của các di tích lịch sử - văn hóa, tài nguyên tự nhiên và tài nguyên đa dạng sinh học của Côn Đảo;

+ Tạo sự khác biệt giữa các phân khu du lịch của Côn Đảo với điểm nhấn là các khu nghỉ dưỡng sinh thái biển cao cấp, khu phố cổ mang kiến trúc Pháp, khu dịch vụ du lịch tại thị trấn Côn Sơn và Bến Đầm, khu bờ biển hoang sơ phía Tây Bắc đảo, các mỏm núi khu vực Cỏ Ống và các điểm ngắm cảnh trong Vườn Quốc gia.

- Các tuyến du lịch:

+ Phát triển các tuyến du lịch nội đảo xuất phát từ Thị trấn Côn Sơn (hoặc vườn quốc gia Côn Đảo) đi các điểm tham quan: Mũi Chim Chim - Cỏ Ống - Vịnh Đầm Tre; Bãi Ông Đụng - Bãi Ông Câu - núi Thánh giá; mũi Cá Mập - vịnh Bến Đầm;

+ Khai thác các tuyến du lịch đi bộ (trekking), đi xe đạp trên hòn Bảy cạnh;

+ Tổ chức và khai thác có hiệu quả các tuyến du lịch trên biển kết nối các điểm du lịch khó có khả năng tiếp cận bằng đường bộ, kết nối với các đảo nhỏ trong hệ thống các đảo ở Côn Đảo, như: Hòn Trứng, bãi Ông Cường, hòn Tre lớn, hòn Bà (vịnh mũi Ba Non, vịnh Đầm Quốc), bãi nhát, cụm đảo hòn Tài, hòn Bảy cạnh, hòn Cau...;

+ Hình thành các tuyến du lịch liên vùng (đường không và đường biển) kết nối Côn Đảo với thành phố Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng - Thừa Thiên - Huế, Cần Thơ, đảo Phú Quốc... để tăng cường thu hút khách;

+ Kết nối Côn Đảo với các tuyến du lịch quốc tế đường biển đến các trung tâm du lịch lớn trong khu vực Đông Nam Á và với thế giới.

e) Tổ chức quản lý Khu du lịch quốc gia

Thành lập Ban quản lý Khu DLQG Côn Đảo theo đúng quy định của Luật Du lịch để thống nhất quản lý mọi hoạt động đầu tư phát triển, bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Côn Đảo, bảo vệ môi trường, bảo vệ và phát triển rừng.

g) Định hướng đầu tư phát triển

Huy động có hiệu quả mọi nguồn lực để đầu tư phát triển Khu DLQG Côn Đảo, bao gồm vốn hỗ trợ đầu tư từ ngân sách Nhà nước, vốn ODA, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn huy động từ sự đóng góp của các tổ chức doanh nghiệp, các thành phần kinh tế trong nước và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác; trong đó, ưu tiên thu hút các nguồn vốn đầu tư vào các phân khu chức năng theo Quy hoạch; phần vốn huy động từ các thành phần kinh tế là chủ yếu.

Căn cứ vào khả năng cân đối hàng năm, vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần cho đầu tư hạ tầng kỹ thuật các phân khu chức năng, xúc tiến, quảng bá và xây dựng thương hiệu du lịch, phát triển nguồn nhân lực bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Côn Đảo.

5. Các giải pháp thực hiện Quy hoạch

a) Giải pháp về quy hoạch và quản lý quy hoạch

- Rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết các phân khu chức năng và các dự án thành phần của Khu DLQG Côn Đảo; ban hành Quy chế quản lý Khu DLQG Côn Đảo.

- Quản lý đầu tư xây dựng phát triển Khu DLQG Côn Đảo đúng theo các quy hoạch và các dự án đầu tư được phê duyệt.

b) Giải pháp về đầu tư

- Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi hoặc ban hành mới một số cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù phát triển du lịch Côn Đảo.

- Xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư, thu hút đầu tư quy mô lớn; đặc biệt chú trọng đối với các dự án nghỉ dưỡng cao cấp, nhà nghỉ sinh thái và các hoạt động du lịch sinh thái, du lịch lịch sử - văn hóa - tâm linh.

- Tập trung xúc tiến, kêu gọi đầu tư theo Danh mục các dự án ưu tiên đầu tư ban hành kèm theo Quyết định này.

c) Giải pháp phát triển nguồn nhân lực

- Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nhân lực, đặc biệt tập trung vào đội ngũ quản lý, lao động nghiệp vụ bậc cao; đồng thời hỗ trợ đào tạo chuyển đổi từ lao động nông nghiệp sang làm dịch vụ du lịch.

- Nghiên cứu áp dụng các biện pháp thu hút nhân lực có trình độ tay nghề cao, chuyên nghiệp; thực hiện thuê chuyên gia trong nước và quốc tế vào các vị trí then chốt.

d) Giải pháp về xúc tiến, quảng bá và xây dựng thương hiệu khu du lịch

- Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch xúc tiến, quảng bá cho Khu DLQG Côn Đảo trong kế hoạch xúc tiến, quảng bá du lịch chung của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và vùng Đông Nam Bộ; có kế hoạch xúc tiến, quảng bá riêng đối với từng phân khúc thị trường cụ thể.

- Xây dựng biểu tượng của du lịch Côn Đảo; hình thành thương hiệu độc đáo, đặc trưng cho Khu DLQG Côn Đảo.

- Xây dựng trang tin điện tử quảng bá du lịch Côn Đảo.

đ) Giải pháp hợp tác, liên kết phát triển du lịch

- Tăng cường liên kết giữa đầu tư phát triển du lịch với các ngành, lĩnh vực khác để giải quyết những vấn đề có liên quan đến quản lý phát triển du lịch như: đầu tư phát triển sản phẩm, xúc tiến, quảng bá du lịch, bảo vệ môi trường, khai thác tài nguyên du lịch, quản lý và sử dụng đất, cơ sở hạ tầng, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

- Đẩy mạnh liên kết giữa Khu DLQG Côn Đảo với các trọng điểm phát triển du lịch khác trong tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; tăng cường liên kết với các khu du lịch quốc gia khác, các khu du lịch, điểm du lịch quan trọng của vùng Đông Nam Bộ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước để phát huy lợi thế và đặc điểm tài nguyên nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú.

e) Giải pháp bảo vệ tài nguyên và môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và đảm bảo quốc phòng, an ninh

- Xác định cụ thể các tuyến du lịch sinh thái và áp dụng nghiêm các quy định đối với hoạt động du lịch sinh thái trong không gian bảo vệ thuộc phạm vi quy định về quản lý di tích và rừng đặc dụng.

- Thực hiện nghiêm túc các biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường; khuyến khích các sản phẩm du lịch thân thiện môi trường; tăng cường đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển rừng; bảo vệ và phát triển nguồn gen bản địa tại vườn thực vật.

- Thực hiện bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa, di tích lịch sử - cách mạng theo đúng quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

- Xây dựng kế hoạch quản lý môi trường đối với Khu DLQG Côn Đảo; trong đó tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, tái sử dụng tài nguyên nước, nguyên vật liệu...; xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống hạ tầng môi trường của Khu DLQG Côn Đảo và nâng cao nhận thức về môi trường.

- Nghiên cứu, áp dụng các công nghệ sử dụng tiết kiệm nhất nguồn năng lượng không tái tạo và nước ngọt; tăng cường sử dụng nguồn năng lượng tái tạo trong các cơ sở dịch vụ du lịch. Khuyến khích sử dụng các phương tiện giao thông ít gây ô nhiễm môi trường.

- Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu với các dự án đầu tư trong quá trình xem xét phê duyệt dự án. Áp dụng các thết kế phù hợp với diễn biến của biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng đối với các dự án ven bờ biển. Ban hành tài liệu “Hướng dẫn phát triển bền vững đối với các công trình xây dựng” gồm các quy tắc về thiết kế kiến trúc, sử dụng vật liệu xây dựng, sử dụng năng lượng và nước ngọt, hệ thống tái chế, tái sử dụng, thông gió, chiếu sáng tự nhiên...

- Định hướng tất cả các dự án đầu tư trên địa bàn Côn Đảo phải bảo đảm mục tiêu kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.

- Thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động tham quan, du lịch trong vườn quốc gia; tăng cường phát triển các hoạt động du lịch bên ngoài ranh giới vườn quốc gia.

Điều 2. Tổ chức thực hiện Quy hoạch

1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

a) Hỗ trợ Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong việc thành lập Ban quản lý Khu du lịch quốc gia cũng như trong việc thẩm định các dự án Quy hoạch và đầu tư trong phạm vi Khu du Lịch quốc gia hoặc các dự án có ảnh hưởng, tác động lớn tới Khu DLQG Côn Đảo.

b) Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hỗ trợ Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thực hiện xã hội hóa đầu tư phát triển du lịch và kêu gọi vốn đầu tư phát triển du lịch Côn Đảo.

c) Đồng chủ trì với Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, phối hợp với các Bộ ngành liên quan thẩm định hồ sơ thiết kế, quy hoạch và dự án đầu tư có ảnh hưởng, tác động lớn tới Khu DLQG Côn Đảo và khu vực bảo vệ của Khu di tích lịch quốc gia đặc biệt Côn Đảo.

d) Chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hỗ trợ công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Quy hoạch.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính có trách nhiệm tổng hợp, cân đối kinh phí hỗ trợ một phần từ ngân sách nhà nước để thực hiện Quy hoạch theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản có liên quan.

3. Các Bộ, ngành liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao chủ trì phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thực hiện Quy hoạch.

4. Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu:

a) Tổ chức công bố công khai đồ án Quy hoạch; xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện; kiểm tra, giám sát thường xuyên; sơ kết 5 năm và tổng kết 15 năm thực hiện Quy hoạch để kiến nghị cấp có thẩm quyền các nội dung cần điều chỉnh, bổ sung trong quá trình thực hiện Quy hoạch.

b) Thành lập Ban Quản lý Khu DLQG Côn Đảo.

c) Rà soát hoàn thiện các cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư; trong đó ưu tiên nhà đầu tư chiến lược đầu tư thực hiện các dự án phát triển Khu DLQG Côn Đảo.

d) Tổ chức lập quy hoạch chung khu du lịch, quy hoạch chi tiết và dự án khả thi đối với một số khu chức năng quan trọng nhằm thu hút, kêu gọi đầu tư.

đ) Chủ trì phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức các hoạt động xúc tiến kêu gọi đầu tư trên cơ sở Danh mục các dự án ưu tiên đính kèm Quyết định này.

Căn cứ vào tình hình thực tế thực hiện Quy hoạch, Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có thể thống nhất việc điều chỉnh tên, quyết định bổ sung hoặc giảm bớt dự án.

e) Chủ động bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương cho phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng đô thị và hạ tầng môi trường cho khu du lịch; lồng ghép đầu tư du lịch với đầu tư cho các lĩnh vực khác; xúc tiến đầu tư phát triển du lịch.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:

- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam;
- Tổng cục Du lịch, Cục DSVH (Bộ VHTTDL);
- Văn phòng BCĐNN về Du lịch;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: TH, HC, KTTH, KTN, V.III;
- Lưu: VT, KGVX (3b).

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Vũ Đức Đam

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC DỰ ÁN ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN KHU DU LỊCH QUỐC GIA CÔN ĐẢO, TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU ĐẾN NĂM 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số 870/QĐ-TTg ngày 18 tháng 6 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ)

TT

Tên dự án

Giai đoạn thực hiện

Đến 2020

2021-2030

A

Nhóm dự án Quy hoạch

 

 

1

Lập quy hoạch cụ thể phát triển du lịch tỷ lệ 1:2.000 và 1:500 cho các khu du lịch

Hoàn thành

 

B

Nhóm dự án phát triển sản phẩm du lịch

 

 

1

Công viên biển An Hải và khu nghỉ dưỡng biển

Hoàn thành giai đoạn 1

Hoàn thành dự án

2

Khu nghỉ dưỡng nhà vườn Cỏ Ống

Hoàn thành giai đoạn 1

Hoàn thành dự án

3

Khu nghỉ dưỡng sinh thái vịnh Đầm Trầu

Hoàn thành giai đoạn 1

Hoàn thành dự án

4

Điểm tham quan Bãi Ông Đụng

Hoàn thành giai đoạn 1

Hoàn thành dự án

5

Nhà nghỉ sinh thái rừng Sở Rẫy

Hoàn thành

 

6

Điểm tham quan Hòn Bảy Cạnh

Hoàn thành giai đoạn 1

Hoàn thành dự án

7

Khu nghỉ dưỡng sinh thái đảo Hòn Cau

Hoàn thành giai đoạn 1

Hoàn thành dự án

8

Khu du lịch tại vịnh Đầm Tre và bán đảo Con Ngựa

Hoàn thành giai đoạn 1

Hoàn thành dự án

C

Nhóm dự án phát triển kết cấu hạ tầng du lịch

 

 

1

Dự án phát triển đường đi dạo quanh đảo

Hoàn thành giai đoạn 1

Hoàn thành dự án

2

Dự án dịch vụ phà quanh đảo

Hoàn thành giai đoạn 1

Hoàn thành dự án

3

Dự án Đường vào bãi Đầm trầu

Hoàn thành

 

4

Dự án đường xuống các bãi tắm

Hoàn thành

 

5

Dự án cầu tàu du lịch sinh thái tại hòn Bảy Cạnh, hòn Tài, hòn Cau, hòn Tre lớn, Bãi Tre, Bãi Dương, hòn Tre nhỏ, hòn Bà

Hoàn thành

 

6

Dự án đường du lịch sinh thái Vườn Quốc gia

Hoàn thành giai đoạn 1

Hoàn thành dự án

7

Dự án Đường trục phía Bắc trung tâm Côn Đảo

Hoàn thành giai đoạn 1

Hoàn thành dự án

8

Dự án bến du thuyền vịnh Ông Đụng

Hoàn thành giai đoạn 1

Hoàn thành dự án

D

Nhóm dự án hỗ trợ phát triển du lịch

 

 

1

Đầu tư xây dựng cơ sở và đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch Côn Đảo

Hoàn thành giai đoạn 1

Hoàn thành dự án

2

Xây dựng thương hiệu du lịch Côn Đảo và các biện pháp tổng hợp phát triển thương hiệu

Hoàn thành

 

3

Xây dựng chiến lược tiếp thị du lịch

Hoàn thành

 

4

Lập kế hoạch hành động xúc tiến du lịch

Hoàn thành

 

5

Lập trang web quảng bá du lịch Côn Đảo

Hoàn thành

 

Ghi chú: Vị trí, quy mô, diện tích đất sử dụng và tổng mức đầu tư của các dự án nêu trên sẽ được tính toán, lựa chọn và xác định cụ thể trong giai đoạn lập và trình duyệt dự án đầu tư, tùy thuộc vào khả năng cân đối, huy động vốn đầu tư cho từng thời kỳ./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Decision No. 870/QD-TTg dated June 17, 2015, approving "The master plan for development of Con Dao national tourist resort, Ba Ria - Vung Tau province through 2030"

  • Số hiệu: 870/QD-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 17/06/2015
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Vũ Đức Đam
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản