Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-----

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-------

Số: 71/2008/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 29 tháng 5 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ KÝ QUỸ CẢI TẠO, PHỤC HỒI MÔI TRƯỜNG ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC KHOÁNG SẢN

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Luật Khoáng sản ngày 20 tháng 3 năm 1996 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 160/2005/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường,

QUYẾT ĐỊNH:

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Quyết định này quy định chi tiết việc ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản trên lãnh thổ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Quyết định này áp dụng đối với mọi tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài khai thác khoáng sản trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Quyết định này, các từ ngữ sau đây được hiểu như sau:

1. Ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường là việc các tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản ký gửi một khoản tiền nhất định, theo một thời hạn nhất định, vào Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam hoặc Quỹ bảo vệ môi trường địa phương (sau đây gọi chung là Quỹ bảo vệ môi trường) nhằm mục đích bảo đảm tài chính cho việc cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản.

2. Cải tạo, phục hồi môi trường là hoạt động cải tạo hoặc phục hồi môi trường theo các yêu cầu cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản nêu tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Quyết định này.

3. Dự án cải tạo, phục hồi môi trường là dự án do tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản lập nhằm cải tạo, phục hồi môi trường sau quá trình khai thác khoáng sản để trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Dự án cải tạo, phục hồi môi trường được kèm theo, xem xét, phê duyệt cùng với việc xem xét và phê duyệt/xác nhận Báo cáo đánh giá tác động môi trường, Bản cam kết bảo vệ môi trường và đề án bảo vệ môi trường.

4. Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Dự án cải tạo, phục hồi môi trường là các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường, xác nhận Bản cam kết bảo vệ môi trường và đề án bảo vệ môi trường. Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Dự án cải tạo, phục hồi môi trường đồng thời là cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác nhận đã hoàn thành cải tạo, phục hồi môi trường.

Điều 3. Mục đích và nguyên tắc của việc ký quỹ

1. Mục đích của việc ký quỹ là bảo đảm nguồn tài chính để cải tạo, phục hồi môi trường sau hoạt động khai thác khoáng sản do các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản thực hiện theo quy định của pháp luật.

2. Số tiền ký quỹ tối thiểu phải bằng chi phí thực tế để cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản.

Điều 4. Tổ chức nhận ký quỹ

Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam hoặc Quỹ bảo vệ môi trường địa phương (sau đây gọi chung là Quỹ bảo vệ môi trường) được phép nhận ký quỹ của các tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản.

Điều 5. Yêu cầu cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản

1. Tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản phải có Dự án cải tạo, phục hồi môi trường. Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản căn cứ vào các yêu cầu nêu tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Quyết định này và đặc thù hoạt động khai thác khoáng sản của mình để xây dựng Dự án cải tạo, phục hồi môi trường và trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

2. Hoạt động cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản phải đảm bảo đưa môi trường tự nhiên như đất, nước, thảm thực vật, cảnh quan của toàn bộ hay từng phần khu vực mỏ sau khai thác đạt các yêu cầu cải tạo, phục hồi môi trường quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Quyết định này và theo đúng Dự án cải tạo, phục hồi môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 6. Đối tượng phải ký quỹ

1. Mọi tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản trước khi tiến hành khai thác khoáng sản phải thực hiện ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường tại Quỹ bảo vệ môi trường.

2. Tổ chức, cá nhân đang hoạt động khai thác khoáng sản nhưng chưa ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường phải tiến hành ký quỹ theo quy định sau:

a) Đối với tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản đã lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường nhưng chưa có nội dung và dự toán cải tạo, phục hồi môi trường, phải lập thêm Dự án cải tạo, phục hồi môi trường trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt;

b) Đối với tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản đã lập Bản cam kết bảo vệ môi trường nhưng chưa có nội dung và dự toán cải tạo, phục hồi môi trường, phải lập thêm Dự án cải tạo, phục hồi môi trường trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt.

3. Tổ chức, cá nhân có dự án đần tư xây dựng công trình, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép tiến hành khai thác khoáng sản ở khu vực dự án đó không phải ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường.

Chương II

CĂN CỨ VÀ PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH KHOẢN TIỀN KÝ QUỸ

Điều 7. Căn cứ xác định khoản tiền ký quỹ

1. Khoản tiền ký quỹ được tính toán căn cứ vào quy mô khai thác, tác động xấu đối với môi trường, đặc thù của vùng mỏ sau khai thác, chi phí cần thiết để cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản. Khoản tiền ký quỹ được xác định cụ thể trong Dự án cải tạo, phục hồi môi trường đã được các cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.

2. Nguyên tắc tính toán số tiền ký quỹ là dựa trên cơ sở dự báo tác động xấu nhất tới môi trường, sinh thái do hoạt động khai thác khoáng sản gây ra.

3. Khoản tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường là một khoản tiền đảm bảo tài chính để cải tạo, phục hồi môi trường trong và sau khai thác khoáng sản. Khoản tiền thực tế cho việc cải tạo, phục hồi môi trường tuỳ thuộc vào Dự án cải tạo, phục hồi môi trường và hoạt động thực tế do chủ dự án khai thác khoáng sản thực hiện nhằm cải tạo, phục hồi môi trường.

Điều 8. Cách tính khoản tiền ký quỹ và các phương thức ký quỹ

1. Số tiền ký quỹ được tính bằng tổng chi phí cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Quyết định này.

2. Đối với trường hợp thời gian khai thác mỏ theo giấy phép khác với thời gian đã dự tính trong báo cáo đầu tư và báo cáo đánh giá tác động môi trường, số tiền ký quỹ được tính bằng tổng chi phí cải tạo, phục hồi môi trường nhân với hệ số thời gian T.

Tg

T = -------

Tb

Trong đó: Tg là thời gian khai thác mỏ theo giấy phép; Tb là thời gian đã dự tính trong báo cáo đầu tư và báo cáo đánh giá tác động môi trường.

3. Đối với trường hợp có thời hạn khai thác theo giấy phép khai thác khoáng sản dưới 3 (ba) năm phải thực hiện ký quỹ một lần. Mức tiền ký quỹ bằng 100% (một trăm phần trăm) dự toán tổng chi phí phục hồi môi trường trong Dự án cải tạo, phục hồi môi trường đã được các cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.

4. Đối với trường hợp giấy phép khai thác khoáng sản có thời hạn từ 3 (ba) năm trở lên thì được phép ký quỹ nhiều lần.

a) Số tiền ký quỹ lần đầu được quy định như sau:

- Đối với dự án có thời hạn khai thác theo giấy phép khai thác khoáng sản được cấp (Tg) dưới 10 năm thì mức ký quỹ lần đầu bằng 25% (hai mươi lăm phần trăm) số tiền phải ký quỹ;

- Đối với dự án có thời hạn khai thác theo giấy phép khai thác khoáng sản được cấp (Tg) từ 10 năm đến dưới 20 năm thì mức ký quỹ lần đầu bằng 20% (hai mươi phần trăm) số tiền phải ký quỹ;

- Đối với dự án có thời hạn khai thác theo giấy phép khai thác khoáng sản được cấp (Tg) từ 20 năm trở lên thì mức ký quỹ lần đầu bằng 15% (mười lăm phần trăm) số tiền phải ký quỹ.

b) Số tiền ký quỹ những lần sau được tính bằng số tiền phải ký quỹ trừ đi số tiền ký quỹ lần đầu và chia đều cho các năm còn lại theo thời hạn của giấy phép khai thác khoáng sản được cấp.

5. Trường hợp được phép ký quỹ nhiều lần, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản có thể lựa chọn việc ký quỹ một lần toàn bộ số tiền ký quỹ cho toàn bộ thời hạn khai thác khoáng sản theo giấy phép khai thác khóang sản được cấp.

6. Đối với trường hợp được gia hạn thời hạn khai thác, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải lập Dự án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung và thực hiện ký quỹ bổ sung cho hoạt động khai thác được gia hạn.

Chương III

TRÌNH TỰ, THỦ TỤC KÝ QUỸ

Điều 9. Thời điểm thực hiện ký quỹ

1. Tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản phải thực hiện ký quỹ lần đầu tiên trước khi bắt đầu tiến hành hoạt động khai thác khoáng sản 30 (ba mươi) ngày.

2. Tổ chức, cá nhân đang hoạt động khai thác khoáng sản nhưng chưa ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường quy định tại khoản 2 Điều 6 của Quyết định này phải lập Dự án cải tạo, phục hồi môi trường trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt và thực hiện ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trước ngày 31 tháng 12 năm 2008.

3. Đối với trường hợp ký quỹ nhiều lần, việc ký quỹ từ lần thứ hai trở đi phải thực hiện trước ngày 31 tháng 01 của năm tiếp theo.

4. Đối với trường hợp được gia hạn thời hạn khai thác, việc ký quỹ bổ sung phải thực hiện xong trong vòng 30 (ba mươi) ngày kể từ ngày nhận được giấy phép gia hạn khai thác.

Điều 10. Trình tự và thủ tục ký quỹ

1. Tổ chức cá nhân được phép khai thác khoáng sản tiến hành thủ tục ký quỹ tại Quỹ bảo vệ môi trường.

2. Tổ chức, cá nhân thực hiện ký quỹ có trách nhiệm thanh toán các chi phí về dịch vụ ký quỹ tại Quỹ bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

3. Tiền ký quỹ được nộp, thanh toán và hạch toán bằng đồng Việt Nam. Trường hợp có nhu cầu nộp bằng ngoại tệ thì được tính toán quy đổi về đồng Việt Nam theo quy định của Quỹ bảo vệ môi trường nơi ký quỹ. Tiền ký quỹ được hưởng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn và được tính từ thời điểm ký quỹ.

4. Quỹ bảo vệ môi trường sau khi nhận ký quỹ phải xác nhận về việc ký quỹ cho tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản; đồng thời thông báo cho cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Dự án cải tạo, phục hồi môi trường và cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác khoáng sản.

Chương IV

QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TIỀN KÝ QUỸ

Điều 11. Hồ sơ, trình tự, thủ tục xác nhận đã hoàn thành cải tạo, phục hồi môi trường

1. Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản sau khi đã hoàn thành việc cải tạo, phục hồi môi trường lập hồ sơ gửi cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Dự án cải tạo phục hồi môi trường đề nghị xác nhận việc hoàn thành các nội dung cải tạo, phục hồi môi trường. Hồ sơ bao gồm:

a) Báo cáo kết quả thực hiện Dự án cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản, trong đó đề nghị cơ quan có thẩm quyền đã phê duyệt Dự án cải tạo, phục hồi môi trường xác nhận việc hoàn thành cải tạo, phục hồi môi trường;

b) Báo cáo tham vấn ý kiến cộng đồng về việc hoàn thành cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản.

2. Việc tham vấn ý kiến cộng đồng được thực hiện như sau:

a) Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản gửi văn bản đến Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã) nơi khai thác khoáng sản thông báo về những nội dung cải tạo, phục hồi môi trường đã thực hiện và đề nghị góp ý kiến bằng văn bản;

b) Trong trường hợp Ủy ban nhân dân hoặc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã nơi khai thác khoáng sản có yêu cầu đối thoại, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải phối hợp thực hiện. Kết quả cuộc đối thoại được ghi thành biên bản, trong đó phản ảnh đầy đủ những ý kiến đã thảo luận, ý kiến tiếp thu hoặc không tiếp thu của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản, biên bản có chữ ký (ghi họ tên, chức danh) của người chủ trì cuộc đối thoại và tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản, kèm theo danh sách đại biểu tham dự;

c) Các văn bản góp ý kiến của Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã nơi khai thác khoáng sản, biên bản cuộc đối thoại và các văn bản, tài liệu khác (nếu có) phải được sao và đính kèm trong phần phụ lục của Báo cáo tham vấn ý kiến cộng đồng về việc hoàn thành cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản.

3. Kiểm tra, xác nhận việc thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường

a) Cơ quan có thẩm quyền quyết định việc thành lập Đoàn kiểm tra. Thành phần Đoàn kiểm tra việc thực hiện Dự án cải tạo, phục hồi môi trường có đại diện chính quyền địa phương, đại điện cơ quan tài nguyên và môi trường địa phương, cơ quan cấp giấy phép khai thác khoáng sản cùng tham gia. Trường hợp cần thiết, cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác nhận được mời cơ quan tư vấn giám định kỹ thuật đối với công trình cải tạo, phục hồi môi trường tham gia Đoàn kiểm tra.

b) Hoạt động kiểm tra, xem xét để xác nhận việc thực hiện các nội dung của Dự án cải tạo, phục hồi môi trường bao gồm:

- Nghiên cứu, xem xét hồ sơ đề nghị xác nhận do tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản gửi tới;

- Tiến hành kiểm tra tại địa điểm thực hiện Dự án.

c) Kết quả kiểm tra được lập thành biên bản và phải được đại diện các cơ quan tham gia đoàn kiểm tra, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản và đại diện chính quyền địa phương ký.

4. Giám định kỹ thuật đối với công trình cải tạo, phục hồi môi trường

a) Việc giám định kỹ thuật đối với công trình cải tạo, phục hồi môi trường thực hiện theo quy định của pháp luật;

b) Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản có thể mời cơ quan giám định kỹ thuật độc lập để thực hiện việc giám định;

c) Kinh phí giám định kỹ thuật được hạch toán vào chi phí cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản.

5. Xác nhận việc thực hiện các nội dung cải tạo, phục hồi môi trường

a) Giấy xác nhận đã hoàn thành các nội dung của Dự án cải tạo, phục hồi môi trường do cơ quan có thẩm quyền xác nhận;

b) Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác nhận phải xem xét sự đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ và thông báo để yêu cầu tổ chức, cá nhân khai thác khoảng sản sửa đổi, bổ sung hồ sơ nếu chưa đầy đủ hoặc không hợp lệ;

c) Cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác nhận phải cấp Giấy xác nhận đã hoàn thành các nội dung của Dự án cải tạo, phục hồi môi trường cho tổ chức, cá nhân xin xác nhận trong thời hạn 20 (hai mươi) ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Thời gian tổ chức Đoàn kiểm tra và tiến hành kiểm tra việc hoàn thành các nội dung của Dự án cải tạo, phục hồi môi trường không tính vào thời hạn 20 (hai mươi) ngày làm việc nêu trên.

d) Sau 05 (năm) năm kể từ khi các công trình phục hồi môi trường đã được hoàn thành và duy trì chăm sóc theo Dự án cải tạo, phục hồi môi trường đã được phê duyệt, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Dự án cải tạo, phục hồi môi trường tổ chức kiểm tra, xác nhận việc hoàn thành toàn bộ các nội dung của Dự án cải tạo, phục hồi môi trường. Sau khi được xác nhận, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng được rút tiền lần cuối theo quy định tại khoản 2 Điều 12 của Quyết định này.

đ) Trong trường hợp không xác nhận việc đã hoàn thành các nội dung cải tạo, phục hồi môi trường thì cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác nhận trong thời hạn 20 (hai mươi) ngày làm việc quy định tại điểm c, khoản 5 Điều này phải thông báo bằng văn bản, trong đó nêu rõ lý do không xác nhận cho tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản.

Điều 12. Sử dụng khoản ký quỹ

1. Việc sử dụng tiền ký quỹ phải bảo đảm đúng mục đích nhằm cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản. Tổ chức, cá nhân sau khi hoàn thành việc cải tạo, phục hồi môi trường từng phần hoặc toàn bộ, được phép rút từng phần hoặc toàn bộ số tiền đã ký quỹ tại Quỹ bảo vệ môi trường, phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Lần rút tiền cuối cùng được thực hiện sau thời hạn 5 (năm) năm tính từ thời điểm tổ chức, cá nhân đã được xác nhận hoàn thành toàn bộ việc cải tạo, phục hồi môi trường. Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản tiếp tục có trách nhiệm đối với chất lượng của Dự án cải tạo, phục hồi môi trường theo đúng yêu cầu cải tạo, phục hồi môi trường quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Quyết định này cho đến thời điểm được rút tiền lần cuối.

3. Trường hợp tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản đã ký quỹ nhưng không thực hiện việc cải tạo, phục hồi môi trường hoặc tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản đã ký quỹ bị giải thể hoặc phá sản thì cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Dự án cải tạo, phục hồi môi trường quyết định cho phép sử dụng số tiền ký quỹ để phục hồi môi trường và lựa chọn đơn vị thực hiện việc phục hồi môi trường theo quy định của pháp luật.

4. Sau 5 (năm) năm kể từ khi hoàn tất việc cải tạo, phục hồi môi trường, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản lập hồ sơ đề nghị hoàn trả tiền ký quỹ. Hồ sơ bao gồm:

a) Đơn đề nghị rút tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản;

b) Văn bản của cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác nhận việc tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản đã thực hiện xong các nghĩa vụ cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định của pháp luật.

5. Sau khi nhận được hồ sơ hợp lệ theo quy định tại khoản 4 Điều này, trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc, Quỹ bảo vệ môi trường phải hoàn tất việc trả tiền ký quỹ và tất toán tài khoản ký quỹ, đồng thời thông báo bằng văn bản đến cơ quan thẩm quyền phê duyệt Dự án cải tạo, phục hồi môi trường.

6. Đối với lãi phát sinh từ khoản tiền ký quỹ, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản được quyền rút mà không cần có xác nhận của cơ quan thẩm quyền kiểm tra, xác nhận.

Chương V

TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ CỦA CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ VÀ CÁC ĐƠN VỊ

Điều 13. Trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường

1. Thẩm định và phê duyệt Dự án cải tạo, phục hồi môi trường thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Gửi hồ sơ phê duyệt Dự án cải tạo, phục hồi môi trường cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) nơi tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản để kiểm tra, giám sát.

2. Kiểm tra và xác nhận hoàn thành Dự án cải tạo, phục hồi môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt theo đề nghị của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản.

3. Kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện ký quỹ và cải tạo, phục hồi môi trường.

4. Định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Điều 14. Trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

1. Thẩm định và phê duyệt Dự án cải tạo, phục hồi môi trường thuộc thẩm quyền thẩm định và phê duyệt của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Gửi hồ sơ phê duyệt Dự án cải tạo, phục hồi môi trường cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản để kiểm tra, giám sát.

2. Kiểm tra và xác nhận việc hoàn thành Dự án cải tạo, phục hồi môi trường do các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phê duyệt theo đề nghị của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản.

3. Kiểm tra việc thực hiện ký quỹ và thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường của các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản theo thẩm quyền.

4. Hàng năm báo cáo về Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc thực hiện ký quỹ và thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường của các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản.

Điều 15. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

1. Thẩm định và phê duyệt Dự án cải tạo, phục hồi môi trường thuộc thẩm quyền thẩm định và phê duyệt của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

2. Kiểm tra và xác nhận việc hoàn thành Dự án cải tạo, phục hồi môi trường do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt theo đề nghị của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản.

3. Kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện ký quỹ và thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường của các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản theo thẩm quyền.

4. Hàng năm báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc thực hiện ký quỹ và thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường của các tổ chức cá nhân khai thác khoáng sản.

Điều 16. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh

1. Thẩm định và phê duyệt Dự án cải tạo, phục hồi môi trường thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện). Gửi hồ sơ phê duyệt Dự án cải tạo, phục hồi môi trường cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để kiểm tra, giám sát.

2. Kiểm tra và xác nhận việc hoàn thành Dự án cải tạo, phục hồi môi trường do Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt theo đề nghị của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản.

3. Kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện ký quỹ và thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường của các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản theo thẩm quyền.

4. Hàng năm báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện ký quỹ và thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường của các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản.

Điều 17. Trách nhiệm của Quỹ bảo vệ môi trường

1. Nhận ký quỹ do các tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản đến ký quỹ, xác nhận bằng văn bản việc ký quỹ cho tổ chức, cá nhân ký quỹ, lưu giữ chứng từ liên quan đến việc ký quỹ, thanh toán tiền ký quỹ theo quy định hiện hành.

2. Thanh toán tiền ký quỹ cho các tổ chúc, cá nhân được phép rút tiền ký quỹ theo quy định. Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Quỹ bảo vệ môi trường địa phương báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về tình hình thu, hoàn trả, quản lý tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định.

3. Trả lãi tiền gửi cho các tổ chức, cá nhân đã ký quỹ theo quy định hiện hành.

4. Đôn đốc các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản ký quỹ đúng hạn. Kiến nghị cấp có thẩm quyền ra quyết định xử phạt về chậm ký quỹ.

Điều 18. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản

1. Phải lập Dự án cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản và trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.

2. Thông báo nội dung Dự án cải tạo, phục hồi môi trường đã được phê duyệt cho Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã nơi khai thác khoáng sản để kiểm tra, giám sát.

3. Thực hiện ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường theo đúng quy định tại Quyết định này.

4. Thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường theo đúng Dự án cải tạo, phục hồi môi trường được phê duyệt.

5. Trường hợp tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trả lại hoặc bị thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản, nếu khoản tiền đã ký quỹ lớn hơn số tiền thực tế dùng cho cải tạo, phục hồi môi trường, thì khoản chênh lệch này sẽ được trả lại cho các tổ chức, cá nhân đã ký quỹ. Việc hoàn trả chỉ được thực hiện sau khi có xác nhận đã hoàn thành việc cải tạo, phục hồi môi trường. Nếu khoản tiền đã ký quỹ nhỏ hơn số tiền thực tế dùng cho cải tạo, phục hồi môi trường, thì tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải nộp bổ sung khoản chênh lệch cho đủ vào Quỹ bảo vệ môi trường nơi đã ký quỹ.

6. Trong thời hạn 5 (năm) năm kể từ khi hoàn thành việc cải tạo, phục hồi môi trường, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản tiếp tục chịu trách nhiệm về chất lượng của Dự án cải tạo, phục hồi môi trường; trong trường hợp xảy ra sự cố môi trường tại nơi đã tiến hành cải tạo, phục hồi môi trường, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm đầu tư để khắc phục sự cố

Chương VI

XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 19. Đối với tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản

1. Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản không thực hiện việc ký quỹ phải bị đình chỉ hoạt động hoặc thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật về khoáng sản; bị xử phạt vi phạm hành chính và chịu trách nhiệm khắc phục các hậu quả gây ra đối với môi trường theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản không thực hiện đúng việc cải tạo, phục hồi môi trường theo Dự án cải tạo, phục hồi môi trường đã được phê duyệt sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

3. Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản chậm ký quỹ so với thời điểm ký quỹ quy định tại Điều 9 của Quyết định này sẽ bị phạt chậm ký quỹ với mức phạt tương đương 150% của lãi suất tiền gửi tính tại thời điểm chậm nộp.

Điều 20. Đối với Quỹ bảo vệ môi trường nhận ký quỹ

1. Quỹ bảo vệ môi trường nếu không thực hiện đúng các quy định tại Quyết định này, hoặc có tình làm trái các quy định về ký quỹ tín dụng thì sẽ bị xử lý hành chính theo các quy định của pháp luật.

2. Việc xử lý vi phạm đối với Quỹ bảo vệ môi trường căn cứ vào các quy định của pháp luật liên quan đến xử lý vi phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.

Điều 21. Đối với các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và kiểm tra xác nhận Dự án cải tạo, phục hồi môi trường

Cán bộ, công chức, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và kiểm tra xác nhận Dự án cải tạo, phục hồi môi trường vi phạm các quy định của Quyết định này thì bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và các quy định của pháp luật có liên quan.

Chương VII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 22. Hiệu lực thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Bãi bỏ hiệu lực của Thông tư liên tịch số 126/1999/TTLT-BTC-BCN-BKHCNMT giữa Bộ Tài chính, Bộ Công nghiệp và Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường ngày 22 tháng 10 năm 1999 về ký quỹ để phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản.

2. Riêng việc cải tạo, phục hồi môi trường sau các hoạt động thăm dò, khai thác tài nguyên dầu mỏ, khí đốt thực hiện theo các quy định tại Quyết định số 40/2007/QĐ-TTg ngày 21 tháng 3 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc thu dọn các công trình cố định, thiết bị và phương tiện phục vụ hoạt động dầu kí và không thuộc phạm vi điều chỉnh của Quyết định này.

Điều 23. Tổ chức thực hiện

1. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản, Quỹ bảo vệ môi trường và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương có liên quan hướng dẫn và tổ chức thực hiện Quyết định này./.

 

 

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

PHỤ LỤC 1

YÊU CẦU VỀ CẢI TẠO, PHỤC HỒI MÔI TRƯỜNG SAU KHAI THÁC KHOÁNG SẢN

(Ban hành kèm theo Quyết định số 71/2008/QĐ-TTg ngày 29 tháng 5 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ)

Những nội dung chính phải cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản bao gồm các công việc sau:

1. Đối với các mỏ khai thác lộ thiên không có nguy cơ tạo dòng thải axit mỏ:

a) Để lại địa hình có hình dạng hố mỏ, có độ sâu so với mặt bằng tự nhiên: thực hiện lấp đầy trả lại mặt bằng như mặt bằng trước đây nếu có thể hoặc tạo thành một hồ chứa nước, có đê bao ngăn súc vật vào;

b) Để lại địa hình khác dạng hố mỏ: phục hồi bằng cách san gạt, tạo mặt bằng để phủ xanh hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất;

c) Các bãi thải đất đá: nếu bãi thải có dạng đống cao phải san cắt tầng, tạo độ dốc của bãi thải và các tầng thải, tạo các công trình thoát nước phù hợp ngay trong quá trình khai thác. Khi kết thúc khai thác tiến hành san gạt, có biện pháp chống sụt, lún, trượt và phủ đất mặt cho tất cả các tầng thải và đỉnh bãi thải và phủ xanh; nếu bãi thải được thải vào thung lũng thì phải san gạt và phủ đất mặt để phủ xanh; hoặc các biện pháp khác phù hợp với tính chất địa hình của khu vực;

d) Các bãi thải quặng đuôi: tạo đường thoát nước phù hợp, san gạt, phủ đất mặt và trồng cây hoặc trả lại diện tích canh tác nếu có thể;

đ) Các công trình công nghiệp và dân dụng phục vụ khai thác mỏ không còn nhu cầu sử dụng: tháo dỡ trả lại mặt bằng hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng;

e) Những hình thức phục hồi khả thi khác.

2. Đối với các mỏ khai thác lộ thiên có nguy cơ phát sinh dòng thải axit mỏ:

Các mỏ khai thác khoáng sản rắn có thành phần khoáng vật sulfua đều tiềm tàng nguy cơ phát sinh dòng thải axit mỏ. Phục hồi môi trường cho các mỏ này cần tiến hành sao cho khắc phục được những hậu quả ngắn hạn cũng như dài hạn của dòng thải axit mỏ.

a) Đối với các mỏ để lại địa hình dạng hố mỏ: thực hiện lấp đầy trả lại mặt bằng như mặt bằng trước đây nếu có thể, sau đó phủ toàn bộ diện tích đã điền đầy bằng một lớp vật liệu có độ thẩm thấu thấp rồi lu lèn đạt độ thẩm thấu nhỏ hơn 1 x 10-6 cm/s, phủ đất mặt và trồng cây. Nếu không lấp đầy thì phải làm ngập nước vĩnh viễn để tránh tác nhân ôxy hoá; làm đê bao ngăn súc vật và người như mỏ không có nguy cơ phát sinh dòng thải axit mỏ;

b) Đối với các mỏ để lại dạng địa hình khác hố mỏ: san lấp, phủ lớp vật liệu có độ thẩm thấu thấp rồi lu lèn đạt độ thẩm thấu nhỏ hơn 1 x 16-6 cm/s, sau đó có thể trồng cây, cỏ hoặc thay đổi mục đích sử dụng đất;

c) Đối với bãi thải đất đá: gia cố nền và vách bãi thải bằng vật liệu có độ thẩm thấu thấp rồi lu lèn đạt độ thẩm thấu nhỏ hơn 1 x 10-6 cm/s ngay trước và trong khi khai thác. San gạt tạo mặt bằng sau khi kết thúc khai thác, phủ bãi thải bằng một lớp phủ có độ thẩm thấu thấp rồi lu lèn đạt độ thẩm thấu nhỏ hơn 1 x 10-6 cm/s, sau đó phủ đất mặt và trồng cỏ hoặc cây;

d) Đối với bãi thải quặng đuôi có nguy cơ tạo dòng thải axit mỏ cũng được xử lý tương tự như trên;

đ) Độ dầy của lớp đất sét chống thấm hoặc phủ kín dùng để chống phát tán dòng thải axit mỏ vào môi trường dầy ít nhất 60 cm;

e) Các công trình công nghiệp và dân dụng phục vụ khai thác mỏ không còn nhu cầu sử dụng: tháo dỡ trả lại mặt bằng hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng;

g) Những hình thức phục hồi khả thi khác.

3. Đối với các mỏ khai thác hầm lò:

a) Lấp lò theo quy phạm khai thác hầm lò;

b) Đối với những khu vực khai thác dưới những công trình xây dựng, thành phố thị xã, khu dân cư có nguy cơ sụt lún, được khai thác bằng phương pháp chèn lò toàn phần, cần chèn lấp toàn bộ những đường lò còn lại sau khi kết thúc khai thác để đảm bảo duy trì các công trình trên mặt đất;

c) Đối với bãi thải đất đá, bãi thải quặng đuôi, các công trình dân dụng và công nghiệp tiến hành phục hồi môi trường như đối với khai thác lộ thiên;

d) Những hình thức phục hồi khả thi khác.

4. Đối với khai thác cát sỏi, sa khoáng lòng sông:

a) San gạt, làm sạch cát trả lái mặt bằng hoặc đất canh tác cho các khu vực đã được sử dụng làm kho bãi ven sông, các đường tạm từ kho bãi cát ra đến đường vận chuyển;

b) San gạt làm sạch các hố chôn lấp chất thải sinh hoạt tạm trong quá trình khai thác;

c) Tháo dỡ những công trình dân dụng của chủ đầu tư sau khai thác cát lòng sông trả lại mặt bằng cho địa phương;

d) Xử lý xói lở bờ sông, bờ đê do khai thác cát, sỏi, sa khoáng lòng sông gây ra (nếu có);

e) Những hình thức phục hồi khả thi khác.

 

PHỤ LỤC 2

PHƯƠNG PHÁP TÍNH DỰ TOÁN CHI PHÍ CẢI TẠO, PHỤC HỒI MÔI TRƯỜNG

(Ban hành kèm theo Quyết định số 71/2008/QĐ-TTg ngày 29 tháng 5 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ)

Tổng dự toán cải tạo, phục hồi môi trường bằng tổng các chi phí[1] thực hiện các hạng mục dưới đây:

1. Chi phí lưu giữ đất mặt: bao gồm chi phí xây đựng khu lưu giữ riêng bên cạnh hoặc trong bãi thải của mỏ. Nếu mỏ chỉ có đất mặt mà không có đất đá thải thì không cần khoản chi phí này;

2. Chi phí san gạt mặt bằng sau khi kết thúc khai thác ở những địa điểm cần tái tạo mặt bằng như: sân công nghiệp, moong khai thác, bãi thải và các công trình khác của mỏ;

3. Chi phí củng cố bờ mỏ sau khi kết thúc khai thác: bao gồm chi phí tạo độ dốc bờ mỏ theo quy phạm khai thác lộ thiên, chi phí trồng các loại  cây giữ ổn định bờ mỏ tại các vùng đất yếu;

4. Chi phí tháo dỡ những công trình hiện có trên mặt bằng không còn nhu cầu sử dụng nữa khi đóng cửa mỏ;

5. Đối với những mỏ sau khai thác để lại moong khai thác là một hố mỏ, chi phí đắp đê ngăn nước, ngăn con người và súc vật tiếp cận hố mỏ sau khai thác và chi phí tạo hệ thống thoát nước cho hố mỏ. Ở những nơi có thể bảo vệ được thì khoản chi phí này dùng đê làm hàng rào vĩnh cửu hoặc trông cây mật độ dầy trên đê và đặt biển báo ở xung quanh khu vực hố mỏ nguy hiểm. Những biển báo này sẽ tồn tại vĩnh viễn, có nội dung rõ ràng về độ sâu, có hay không được bơi tại hố mỏ;

6. Đối với mỏ khai thác hầm lò, chi phí lấp kín cửa đường hầm vào mỏ, các lò nhánh (nếu cần thiết) theo quy phạm khai thác hầm lò;

7. Chi phí chèn lấp lò ở những vùng điều kiện địa chất công trình yếu và trên mặt đất có những công trình cần được bảo vệ;

8. Chi phí đưa đất mặt tới những địa điểm phục hồi môi trường bằng cách phủ xanh, kể cả san gạt tạo mặt bằng khu trồng cây;

9. Chi phí trồng cây bao gồm chi phí mua cây giống, đào hố trồng cây, bón lót chăm sóc trong thời kỳ 2 - 5 năm đầu, trồng dặm cây chết;

10. Chi phí cho ngăn ngừa dòng thải axit mỏ đối với các mỏ khai thác khoáng vật sulfua trong đó bao gồm:

- Chi phí làm nền và bờ bao xung quanh bãi thải đất đá và bãi thải quặng đuôi chống thẩm thấu xuống nước ngầm thực hiện ngay khi chưa đi vào sản xuất;

- Chi phí phủ kín, theo tiêu chuẩn, bãi thải đất đá hoặc bãi thải quặng đuôi bằng vật liệu có độ thấm thấp hay đánh ngập nước vĩnh viễn;

- Chi phí gia cố đập thải quặng đuôi trở nên vĩnh cửu nếu áp dụng phương án đánh ngập nước vĩnh viễn;

- Chi phí phủ xanh bãi thải nếu thực hiện hồi phục theo phương pháp lấp kín bằng vật liệu có độ thấm thấp.

11. Chi phí hành chính phục vụ cho công tác cải tạo, phục hồi môi trường lấy theo quy định hiện hành;

12. Chi phí lập Dự án phục hồi, cải tạo môi trường bao gồm cả chi phí thẩm định, thiết kế, xét duyệt;

13. Những khoản chi phí khác (nếu có).



[1] Chi phí được tính theo định mức của các ngành tương ứng tại các địa phương có hoạt động khai thác mỏ. Khi tính toán từng khoản chi phí nói trên cần lưu ý áp dụng hệ số trượt giá theo quy định của từng loại hình hoạt động. Trong trường hợp chưa có quy định về hệ số trượt giá thì áp dụng hệ số trượt giá = 1

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Decision No. 71/2008/QD-TTg of May 29, 2008, on making of deposits for environmental rehabilitation and restoration in mineral exploitationactivities.

  • Số hiệu: 71/2008/QD-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 29/05/2008
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản