- 1Law No. 32/2001/QH10 of December 25, 2001 on organization of the Government
- 2Decree of Government No. 59/2007/ND-CP of April 09, 2007 on solid waste management
- 3Law No.52/2005/QH11 on environmental protection, passed by the National Assembly
- 4Law No. 16/2003/QH11 of November 26, 2003, on Construction.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2149/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 17 tháng 12 năm 2009 |
PHÊ DUYỆT CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA VỀ QUẢN LÝ TỔNG HỢP CHẤT THẢI RẮN ĐẾN NĂM 2025, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 59/2007/NĐ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ về quản lý chất thải rắn;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 với những nội dung chính sau đây:
- Quản lý tổng hợp chất thải rắn là trách nhiệm chung của toàn xã hội, trong đó Nhà nước có vai trò chủ đạo, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động tối đa mọi nguồn lực, tăng cường đầu tư cho công tác quản lý tổng hợp chất thải rắn.
- Quản lý tổng hợp chất thải rắn được thực hiện liên vùng, liên ngành, đảm bảo sự tối ưu về kinh tế, kỹ thuật, an toàn về xã hội và môi trường, gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng và các quy hoạch phát triển khác.
- Quản lý tổng hợp chất thải rắn là một trong những ưu tiên của công tác bảo vệ môi trường, góp phần kiểm soát ô nhiễm, hướng tới phát triển bền vững đất nước.
- Quản lý tổng hợp chất thải rắn phải đáp ứng theo nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”, theo đó các tổ chức, cá nhân phát sinh chất thải, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường có trách nhiệm đóng góp kinh phí, khắc phục, bồi dưỡng thiệt hại theo quy định của pháp luật.
- Quản lý chất thải rắn phải được thực hiện theo phương thức tổng hợp, nhằm phòng ngừa, giảm thiểu phát sinh chất thải tại nguồn là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, tăng cường tái sử dụng, tái chế để giảm khối lượng chất thải phải chôn lấp.
Phấn đấu tới năm 2050, tất cả các loại chất thải rắn phát sinh đều được thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý triệt để bằng những công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường và phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, hạn chế khối lượng chất thải rắn phải chôn lấp đến mức thấp nhất.
a) Mục tiêu tổng quát đến 2025
- Nâng cao hiệu quả quản lý tổng hợp chất thải rắn nhằm cải thiện chất lượng môi trường, đảm bảo sức khỏe cộng đồng và góp phần vào sự nghiệp phát triển bền vững đất nước.
- Hệ thống quản lý tổng hợp chất thải rắn được xây dựng, theo đó chất thải rắn được phân loại tại nguồn, thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý triệt để bằng những công nghệ tiên tiến và phù hợp, hạn chế tối đa lượng chất thải phải chôn lấp nhằm tiết kiệm tài nguyên đất và hạn chế gây ô nhiễm môi trường. Chất thải rắn nguy hại được quản lý và xử lý theo các phương thức phù hợp.
- Nhận thức của cộng đồng về quản lý tổng hợp chất thải rắn được nâng cao, hình thành lối sống thân thiện với môi trường. Các điều kiện cần thiết về cơ sở hạ tầng, tài chính và nguồn nhân lực cho quản lý tổng hợp chất thải rắn được thiết lập.
b) Mục tiêu cụ thể
- Đến năm 2015:
+ 85% tổng hợp chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường, trong đó 60% được tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng hoặc sản xuất phân hữu cơ.
+ 50% tổng lượng chất thải rắn xây dựng phát sinh tại các đô thị được thu gom xử lý, trong đó 30% được thu hồi để tái sử dụng hoặc tái chế.
+ 30% bùn bể phốt của các đô thị từ loại II trở lên và 10% của các đô thị còn lại được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường.
+ Giảm 40% khối lượng túi nilon sử dụng tại các siêu thị và trung tâm thương mại so với năm 2010.
+ 50% các đô thị có công trình tái chế chất thải rắn thực hiện phân loại tại hộ gia đình.
+ 80% tổng lượng chất thải rắn công nghiệp không nguy hại phát sinh được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường, trong đó 70% được thu hồi để tái sử dụng và tái chế.
+ 60% tổng lượng chất thải rắn nguy hại phát sinh tại các khu công nghiệp được xử lý đảm bảo môi trường.
+ 85% lượng chất thải rắn y tế không nguy hại và 70% lượng chất thải rắn y tế nguy hại được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường.
+ 40% lượng chất thải rắn phát sinh tại các điểm dân cư nông thôn và 50% tại các làng nghề được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường.
+ 100% các bãi rác gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22 tháng 4 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ được xử lý.
- Đến năm 2020:
+ 90% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường, trong đó 85% được tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng hoặc sản xuất phân hữu cơ.
+ 80% tổng lượng chất thải rắn xây dựng phát sinh tại các đô thị được thu gom xử lý, trong đó 50% được thu hồi tái sử dụng hoặc tái chế.
+ 50% bùn bể phốt của các đô thị từ loại II trở lên và 30% của các đô thị còn lại được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường.
+ Giảm 65% khối lượng túi nilon sử dụng tại các siêu thị và trung tâm thương mại so với năm 2010.
+ 80% các đô thị có công trình tái chế chất thải rắn thực hiện phân loại tại hộ gia đình.
+ 90% tổng lượng chất thải rắn công nghiệp không nguy hại phát sinh được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường, trong đó 75% được thu hồi để tái sử dụng và tái chế.
+ 70% tổng lượng chất thải rắn nguy hại phát sinh tại các khu công nghiệp được xử lý đảm bảo môi trường.
+ 100% lượng chất thải rắn y tế không nguy hại và nguy hại phát sinh tại các cơ sở y tế, bệnh viện được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường.
+ 70% lượng chất thải rắn phát sinh tại các điểm dân cư nông thôn và 80% tại các làng nghề được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường.
- Đến năm 2025:
+ 100% các đô thị có công trình tái chế chất thải rắn thực hiện phân loại tại hộ gia đình.
+ 100% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường, trong đó 90% được tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng hoặc sản xuất phân hữu cơ.
+ 90% tổng lượng chất thải rắn xây dựng phát sinh tại các đô thị được thu gom xử lý, trong đó 60% được thu hồi để tái sử dụng hoặc tái chế.
+ 100% bùn bể phốt của các đô thị từ loại II trở lên và 50% của các đô thị còn lại được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường.
+ Giảm 85% khối lượng túi nilon tại các siêu thị và các trung tâm thương mại so với năm 2010.
+ 100% tổng lượng chất thải rắn công nghiệp không nguy hại và nguy hại phát sinh được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường.
+ 90% lượng chất thải rắn phát sinh tại các điểm dân cư nông thôn và 100% tại các làng nghề được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường.
4. Các nhiệm vụ và giải pháp cơ bản
a) Các nhiệm vụ cơ bản
- Phòng ngừa và giảm thiểu phát sinh chất thải rắn:
+ Thực hiện quản lý tổng hợp chất thải rắn theo cơ chế thị trường, thu phí theo khối lượng chất thải rắn phát sinh.
+ Tăng cường giảm thiểu chất thải rắn trong sinh hoạt, sản xuất và dịch vụ.
+ Kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu phế liệu.
- Thúc đẩy phân loại chất thải rắn tại nguồn:
+ Vận động sự tham gia của cộng đồng trong việc phân loại chất thải rắn tại nguồn.
+ Phát triển cơ sở hạ tầng, thu gom và xử lý riêng đối với từng loại chất thải rắn sau khi đã phân loại.
- Đẩy mạnh thu gom và vận chuyển chất thải rắn:
+ Tăng cường năng lực thu gom, vận chuyển chất thải rắn.
+ Mở rộng mạng lưới thu gom chất thải rắn.
+ Thúc đẩy xã hội hóa công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn.
- Tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải rắn:
+ Tăng cường tái sử dụng chất thải rắn.
+ Phát triển thị trường, xây dựng nền kinh tế chất thải.
+ Phát triển ngành công nghiệp tái chế.
+ Khuyến khích mua sắm các sản phẩm tái chế.
+ Xây dựng và áp dụng các chính sách ưu đãi cho các hoạt động tái chế.
+ Thiết lập các quỹ tái chế.
- Xử lý chất thải rắn:
+ Hoàn thiện các cơ chế chính sách liên quan đến xử lý chất thải rắn.
+ Ứng dụng các công nghệ xử lý chất thải rắn tiên tiến, hạn chế chôn lấp, an toàn và phù hợp với điều kiện từng địa phương.
- Phục hồi môi trường các cơ sở xử lý chất thải rắn:
+ Hướng dẫn thủ tục, kế hoạch phục hồi môi trường.
+ Huy động nguồn tài chính cho phục hồi môi trường.
b) Các giải pháp thực hiện Chiến lược
- Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật và cơ chế chính sách về quản lý chất thải rắn
+ Ban hành các quy định và chính sách khuyến khích việc giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế chất thải, đặc biệt là giảm thiểu việc sử dụng túi ni lông và tái chế chất thải hữu cơ.
+ Hoàn thiện các quy định, cơ chế về phí vệ sinh và phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn hướng tới năm 2020 đảm bảo thu hồi chi phí thu gom, vận chuyển và năm 2025 có bù đắp một phần cho chi phí xử lý chất thải rắn.
+ Hướng dẫn thực hiện các chính sách ưu đãi của nhà nước đối với các dự án đầu tư xây dựng các cơ sở xử lý chất thải rắn.
+ Ban hành quy chế, cơ chế và các hướng dẫn thực hiện thu hồi lại một số loại chất thải và sản phẩm đã hết hạn sử dụng theo quy định của Điều 67 Luật Bảo vệ môi trường.
+ Ban hành quy định, cơ chế hỗ trợ, khuyến khích các hoạt động tái chế và các hướng dẫn thực hiện.
+ Ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn về phương tiện lưu chứa, thu gom, vận chuyển chất thải rắn thông thường và nguy hại.
+ Hoàn thiện quy định, hướng dẫn, kiểm soát việc thực hiện các hợp đồng dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn thông thường và nguy hại.
+ Xây dựng tiêu chuẩn thiết bị xử lý chất thải rắn đảm bảo tiêu chí môi trường và tuổi thọ thiết bị.
+ Xây dựng các quy định về quản lý đối với từng loại hình sản xuất tái chế từ công đoạn thu gom, lưu chứa đến vận chuyển và tái chế.
+ Ban hành quy chế quản lý chất thải xây dựng.
+ Xây dựng quy định quản lý bùn bể phốt.
+ Ban hành tài liệu hướng dẫn thực hiện các dự án chất thải rắn theo cơ chế phát triển sạch (CDM).
+ Ban hành các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật tái chế chất thải xây dựng, thu gom và xử lý bùn bể phốt, chất thải nguy hại.
+ Bổ sung, xây dựng mới các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về bãi chôn lấp và các công trình xử lý chất thải rắn thông thường và nguy hại.
+ Ban hành hướng dẫn kỹ thuật lập quy hoạch quản lý chất thải rắn.
+ Xây dựng quy định chế độ báo cáo định kỳ về quản lý chất thải rắn và các chỉ tiêu báo cáo.
+ Xây dựng quy định về quan trắc dữ liệu chất thải rắn.
+ Ban hành các quy định về khen thưởng và xử phạt đối với các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý chất thải rắn.
+ Ban hành quy chế và các văn bản hướng dẫn thực hiện bảo vệ môi trường và quản lý chất thải rắn cho từng loại hình làng nghề điển hình.
+ Quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước và cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành liên quan, giữa cấp trung ương và cấp địa phương về quản lý chất thải rắn.
+ Xây dựng cơ chế quản lý chất thải rắn giữa cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp thực hiện các dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn.
+ Xây dựng quy định về tổ chức quản lý các khu xử lý chất thải rắn liên tỉnh và cơ chế phối hợp giữa các địa phương liên quan.
- Quy hoạch quản lý chất thải rắn
+ Lập và thực hiện quy hoạch xây dựng khu liên hợp xử lý chất thải rắn cho các vùng kinh tế của cả nước.
+ Lập và thực hiện quy hoạch quản lý chất thải rắn của tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước.
+ Rà soát việc thực hiện nội dung quy hoạch quản lý chất thải rắn trong quy hoạch đô thị và các điểm dân cư nông thôn.
+ Xây dựng và thực hiện quy hoạch xây dựng khu xử lý chất thải rắn tới tận phường, xã và có biện pháp huy động vốn giải quyết vấn đề này.
- Thiết lập cơ sở dữ liệu và hệ thống quan trắc dữ liệu về chất thải rắn toàn quốc.
+ Điều tra, khảo sát, thu thập và phân tích, đánh giá các số liệu về chất thải rắn trong toàn quốc.
+ Thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu cấp trung ương và địa phương (xây dựng phần mềm và đào tạo).
+ Lập và thực hiện kế hoạch xây dựng hệ thống các trạm quan trắc dữ liệu về chất thải rắn trên toàn quốc.
- Xây dựng nguồn lực thực hiện Chiến lược
+ Huy động mọi nguồn vốn đầu tư cho công tác quản lý chất thải rắn: ngân sách nhà nước, quỹ bảo vệ môi trường, các tổ chức và doanh nghiệp trong nước, nước ngoài …
+ Thành lập quỹ tái chế chất thải rắn nhằm hỗ trợ cho các hoạt động giảm thiểu và tái chế chất thải rắn.
+ Tìm kiếm hỗ trợ từ các nguồn vốn ODA, hay từ việc bán khí thải khi áp dụng các công nghệ xử lý chất thải rắn theo cơ chế sạch hơn (Nghị định thư Kyoto)…
+ Đào tạo nâng cao năng lực quản lý chất thải rắn cho cán bộ các cấp, từ trung ương đến cấp địa phương.
- Thúc đẩy nghiên cứu khoa học để phục vụ hiệu quả quản lý tổng hợp chất thải rắn.
+ Tiếp tục phát triển hệ thống các cơ quan nghiên cứu về môi trường, thúc đẩy nghiên cứu khoa học về các giải pháp áp dụng quản lý tổng hợp chất thải rắn. Khuyến khích thành lập các bộ phận nghiên cứu và phát triển trong các doanh nghiệp nhằm cải tiến, thiết kế sản phẩm mới thân thiện với môi trường, tiết kiệm nguyên vật liệu và năng lượng. Thúc đẩy sự hợp tác gắn kết, chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan nghiên cứu và các doanh nghiệp.
+ Tăng cường nghiên cứu các công nghệ xử lý chất thải rắn phù hợp với điều kiện Việt Nam hướng đến tái sử dụng, tái chế, hạn chế tối đa lượng chất thải rắn phải chôn lấp. Tăng cường nghiên cứu cải tiến các công nghệ tái chế chất thải rắn tại các làng nghề hỗ trợ việc phổ biến, áp dụng để cải thiện chất lượng môi trường, giảm thiểu tác động xấu đến sức khỏe của nhân dân.
+ Thực hiện các chương trình, dự án nghiên cứu chính sách cũng như kỹ thuật và công nghệ cấp nhà nước, cấp bộ về quản lý tổng hợp chất thải rắn và đặc biệt chú trọng tăng cường tính ứng dụng của các kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tế sản xuất và đời sống.
- Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức
+ Xây dựng và thực hiện các chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng ở các trường học, cộng đồng dân cư và các cơ sở kinh doanh, khuyến khích tham gia vào các hoạt động phân loại tại nguồn, giảm thiểu, tái chế tái sử dụng chất thải rắn, hạn chế sử dụng túi ni lông, không đổ rác bừa bãi …
+ Đưa giáo dục môi trường vào các cấp học với nội dung và thời lượng phù hợp với nhận thức của từng lứa tuổi.
+ Tư vấn và hướng dẫn thực hiện các văn bản pháp quy liên quan đến quản lý chất thải rắn.
+ Đưa nội dung quản lý chất thải rắn vào nội dung đào tạo, tập huấn quản lý doanh nghiệp (ngăn ngừa, giảm thiểu phát sinh chất thải rắn, sử dụng các nguyên liệu thân thiện với môi trường, thu gom, vận chuyển chất thải rắn theo đúng các quy định …).
+ Thực hiện các hoạt động thí điểm, các sáng kiến giúp quản lý chất thải rắn tốt hơn.
- Hợp tác quốc tế
Tăng cường trao đổi và hợp tác kỹ thuật với các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ nhằm:
+ Trao đổi và học hỏi kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý chất thải rắn.
+ Đầu tư xây dựng hạ tầng chất thải rắn.
+ Tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và đào tạo quản lý chất thải rắn.
+ Nâng cao năng lực quản lý chất thải rắn.
5. Chương trình thực hiện Chiến lược
Phê duyệt về nguyên tắc các chương trình thực hiện Chiến lược ở Phụ lục kèm theo.
Điều 2. Tổ chức thực hiện Chiến lược
1. Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện các nhiệm vụ: Điều phối việc triển khai thực hiện các nội dung Chiến lược; hướng dẫn, chỉ đạo và tổng kết đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 59/2007/NĐ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ về quản lý chất thải rắn; rà soát, ban hành đồng bộ hệ thống quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật về quản lý chất thải rắn; tổ chức nghiên cứu lập quy hoạch quản lý chất thải rắn cho các vùng, liên tỉnh, liên đô thị và vùng đặc thù. Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức lập báo cáo đánh giá tác động môi trường chiến lược trình duyệt theo quy định.
2. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các bên liên quan thực hiện các nhiệm vụ: Xây dựng, ban hành các chính sách, cơ chế, công cụ về phòng ngừa, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải, phân loại chất thải rắn tại nguồn; xây dựng cơ sở dữ liệu về chất thải rắn trên toàn quốc; xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn môi trường về chất thải rắn, các hướng dẫn kỹ thuật về giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế chất thải; thực hiện các chương trình nâng cao nhận thức, nâng cao năng lực về quản lý tổng hợp chất thải rắn; theo dõi, giám sát tình hình ô nhiễm môi trường do chất thải rắn trên toàn quốc; phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng trong việc điều phối, thực hiện các nội dung của Chiến lược và tổ chức lập báo cáo đánh giá tác động môi trường chiến lược.
3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm huy động, tìm kiếm các nguồn vốn đầu tư từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; phân bổ vốn ngân sách hàng năm để thực hiện các chương trình, dự án về quản lý tổng hợp chất thải rắn của Chiến lược.
4. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện cơ chế, chính sách về tài chính, phí trong lĩnh vực quản lý tổng hợp chất thải rắn; bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước hàng năm cho hoạt động quản lý tổng hợp chất thải rắn.
5. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức nghiên cứu, chuyển giao các công nghệ xử lý, công nghệ chế tạo, sản xuất các thiết bị và vật liệu mới phục vụ cho lĩnh vực quản lý tổng hợp chất thải rắn.
6. Bộ Công Thương có trách nhiệm: Hỗ trợ các doanh nghiệp, các chủ nguồn thải thực hiện các kế hoạch ngăn ngừa và giảm thiểu chất thải, thúc đẩy áp dụng sản xuất sạch hơn, hệ thống quản lý môi trường ISO14000; xây dựng và triển khai quy hoạch phát triển ngành công nghiệp môi trường trong đó có công nghiệp tái chế chất thải.
7. Bộ Y tế chịu trách nhiệm tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở y tế, thực hiện nghiêm túc các quy định về quản lý chất thải y tế trên toàn quốc.
8. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng và thực hiện các chương trình, kế hoạch cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả quản lý chất thải rắn cho các điểm dân cư nông thôn và làng nghề.
9. Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng và thực hiện các kế hoạch truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường nói chung, quản lý tổng hợp chất thải rắn nói riêng.
10. Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm rà soát, đánh giá, biên soạn và đưa các nội dung giáo dục về môi trường và quản lý tổng hợp chất thải rắn vào chương trình của các cấp học.
11. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm: Tổ chức thực hiện Nghị định số 59/2007/NĐ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ về quản lý chất thải rắn; ban hành các chính sách ưu đãi cụ thể trong lĩnh vực quản lý chất thải rắn tại địa phương; xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện cơ chế đấu thầu hoặc đặt hàng đối với việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn; chỉ đạo thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn; kiện toàn tổ chức và sắp xếp đổi mới các doanh nghiệp nhà nước hoạt động dịch vụ công ích trên địa bàn; tổ chức kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm minh các vi phạm trong quản lý chất thải rắn; tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân về quản lý tổng hợp chất thải rắn và bảo vệ môi trường trên địa bàn.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: | KT. THỦ TƯỚNG |
DANH MỤC CÁC CHƯƠNG TRÌNH THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA VỀ QUẢN LÝ TỔNG HỢP CHẤT THẢI RẮN ĐẾN NĂM 2025, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2149/QĐ-TTg ngày 17 tháng 12 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ)
TT | Tên chương trình | Mục tiêu | Thời gian hoàn thành | Cơ quan chủ trì | Cơ quan phối hợp chính |
1 | Chương trình thúc đẩy phòng ngừa, giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải rắn | - Xây dựng và triển khai thực hiện các giải pháp ngăn ngừa, giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế chất thải rắn - Phát triển ngành công nghiệp tái chế | 2020 | Bộ Tài nguyên và Môi trường | Các Bộ: Xây dựng, Công Thương, Y tế, các Bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh, TP |
2 | Chương trình thúc đẩy phân loại chất thải rắn tại nguồn | - Xây dựng các quy định, hướng dẫn về phân loại chất thải rắn tại nguồn - Nhân rộng mô hình phân loại chất thải rắn tại nguồn | 2015 | Bộ Tài nguyên và Môi trường | Các Bộ: Xây dựng, Công thương, Y tế, Tài chính, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố |
3 | Chương trình đầu tư xây dựng các công trình xử lý chất thải rắn cấp vùng | Xây dựng các khu xử lý CTR cấp vùng cho các vùng kinh tế trong cả nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt | 2020 | Bộ Xây dựng | Các Bộ: Công thương, Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố |
4 | Chương trình xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị giai đoạn 2009 – 2020 | Xây dựng các nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị cho các địa phương trong cả nước áp dụng công nghệ hạn chế chôn lấp | 2020 | Bộ Xây dựng | Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố |
5 | Chương trình phục hồi môi trường các cơ sở xử lý, chôn lấp chất thải rắn | - Thực hiện xử lý triệt để các bãi chôn lấp rác thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg - Phục hồi, nâng cấp các bãi chôn lấp chất thải rắn trên toàn quốc đạt tiêu chuẩn môi trường. | 2020 | Bộ Tài nguyên và Môi trường | Các Bộ: Xây dựng, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố |
6 | Chương trình tăng cường quản lý chất thải rắn nông thôn, làng nghề | Tăng cường quản lý tổng hợp chất thải rắn khu vực nông thôn và làng nghề | 2020 | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố |
7 | Chương trình xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và quan trắc chất thải rắn | Xây dựng đồng bộ hệ thống cơ sở dữ liệu và hệ thống quan trắc chất thải rắn trong toàn quốc nhằm nâng cao hiệu quả quản lý chất thải rắn từ cấp trung ương đến cấp địa phương | 2020 | Bộ Tài nguyên và Môi trường | Các Bộ: Xây dựng, Công thương, Y tế, Ủy ban nhân dân các địa phương |
8 | Chương trình giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng | Nâng cao nhận thức về phân loại, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải rắn, giữ gìn vệ sinh … dần được nâng cao cho mọi đối tượng thông qua các hoạt động tuyên truyền, giáo dục. | 2015 | Bộ Thông tin và Truyền thông | Các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Công thương, Y tế, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường |
9 | Chương trình xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật và thể chế về quản lý tổng hợp chất thải rắn | Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy định, hướng dẫn kỹ thuật, cơ chế chính sách, thể chế … về quản lý tổng hợp chất thải rắn | 2015 | Bộ Xây dựng | Các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Công thương, Y tế, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ |
10 | Chương trình xử lý chất thải rắn y tế giai đoạn 2009 – 2025 | Đảm bảo đến năm 2025, 100% các chất thải rắn phát sinh từ cơ sở y tế được thu gom xử lý đảm bảo theo tiêu chuẩn môi trường. | 2025 | Bộ Y tế | Các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Tài chính |
- 1Decision No. 491/QD-TTg dated May 07, 2018 approving adjustments to national strategy for general management of solid waste to 2025 with vision towards 2050
- 2Decision No. 491/QD-TTg dated May 07, 2018 approving adjustments to national strategy for general management of solid waste to 2025 with vision towards 2050
- 1Decree of Government No. 59/2007/ND-CP of April 09, 2007 on solid waste management
- 2Law No.52/2005/QH11 on environmental protection, passed by the National Assembly
- 3Law No. 16/2003/QH11 of November 26, 2003, on Construction.
- 4Law No. 32/2001/QH10 of December 25, 2001 on organization of the Government
Decision No. 2149/QD-TTg of December 17, 2009, approving the national strategy for integrated management of solid waste up to 2025, with a vision to 2050
- Số hiệu: 2149/QD-TTg
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 17/12/2009
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Hoàng Trung Hải
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 17/12/2009
- Ngày hết hiệu lực: 07/05/2018
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực