Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/ĐA-UBND

Cà Mau, ngày 01 tháng 11 năm 2016

 

ĐỀ ÁN

THỰC HIỆN CHẾ ĐỊNH THỪA PHÁT LẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÀ MAU ĐẾN NĂM 2020

Phần I

CƠ SỞ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

I. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN

1. Cơ sở lý luận

a) Khái quát về Thừa phát lại

Để thực hiện chủ trương cải cách tư pháp, xã hội hóa một số nội dung của công tác tư pháp, Đảng ta đã ban hành nhiều văn kiện quan trọng. Ngày 02/01/2002, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới, xác định “Nghiên cứu việc xã hội hóa một số hoạt động bổ trợ tư pháp”. Đây là chủ trương lớn và quan trọng, phù hợp với kinh nghiệm lịch sử pháp luật của Việt Nam, phù hợp với xu hướng xã hội hóa một số hoạt động công tác bổ trợ tư pháp của các nước tiên tiến trên thế giới và quan trọng hơn là đáp ứng được yêu cầu cấp thiết của xã hội nước ta trong giai đoạn hội nhập và phát triển. Từ đó, chủ trương xã hội hóa một số hoạt động thi hành án dân sự tiếp tục được khẳng định trong Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, đó là “Từng bước thực hiện việc xã hội hóa và quy định những hình thức, thủ tục để giao cho tổ chức không phải là cơ quan nhà nước thực hiện một số công việc thi hành án dân sự”. Cụ thể: “Nghiên cứu thực hiện và phát triển các loại hình dịch vụ từ phía Nhà nước để tạo điều kiện cho các đương sự chủ động thu thập chứng cứ chứng minh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình... từng bước thực hiện việc xã hội hóa và quy định những hình thức, thủ tục để giao cho tổ chức không phải là cơ quan nhà nước thực hiện một số công việc thi hành án”.

b) Chủ trương của Đảng và Nhà nước về thực hiện Thừa phát lại

- Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp trong giai đoạn mới.

- Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

- Luật Thi hành án dân sự số 26/2008/QH12 ngày 14/11/2008; Luật số 64/2014/QH13 ngày 25/11/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự.

- Nghị quyết số 24/2008/QH12 ngày 14/11/2008 của Quốc hội về thi hành Luật Thi hành án dân sự.

- Thông tư liên tịch số 09/2014/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BTC ngày 28/02/2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội.

- Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự.

- Nghị quyết số 107/2015/QH13 ngày 26/11/2015 của Quốc hội về thực hiện chế định Thừa phát lại.

- Quyết định số 101/QĐ-TTg ngày 14/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 107/2015/QH13 ngày 26/11/2015 của Quốc hội về thực hiện Thừa phát lại.

- Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 01/8/2016 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Quy định một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự.

2. Cơ sở thực tiễn

Cà Mau là 01 trong 13 tỉnh, thành phố thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; là tỉnh nằm về phía cực Nam Tổ quốc, với diện tích tự nhiên 5.294,87km2, dân số trên 1,216.388 người, các đơn vị hành chính gồm có 08 huyện và thành phố Cà Mau. Địa hình Cà Mau là đồng bằng thuần nhất, sông rạch chằng chịt. Dân số của tỉnh phân bố không đồng đều, phần lớn sống tập trung ở thành phố Cà Mau và thị trấn của các huyện. Đời sống người dân chủ yếu bằng nghề khai thác đánh bắt, nuôi trồng thủy sản và nông, lâm nghiệp. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) giai đoạn 2016 - 2020 tăng bình quân hàng năm 7 - 7,5%; giai đoạn 2021 - 2025 tăng 7%; giai đoạn 2026 - 2030 tăng 6,9%. GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt khoảng 3.000 USD; năm 2025 đạt khoảng 4.400 - 4.500 USD, năm 2030 khoảng 6.800 - 6.900 USD. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân hàng năm giai đoạn năm 2016 - 2020 đạt 13,7% và giai đoạn 2016 - 2020 đạt 14,2%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đến năm 2020 nông nghiệp 19,6%, công nghiệp 43,5%; dịch vụ 36,9%. Phấn đấu nâng tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh đến năm 2020 đạt 37%, năm 2025 lên 42% và năm 2030 đạt 50%. Mở rộng, nâng cấp các đô thị hiện có, xây dựng một số trung tâm xã, các cụm kinh tế có tiềm năng hình thành một số đô thị mới ở những nơi có điều kiện đáp ứng vai trò lan tỏa, phát triển, ưu tiên tập trung đầu tư xây dựng phát triển 3 đô thị động lực của tỉnh, gồm: Thành phố Cà Mau, đô thị Năm Căn và Sông Đốc. Phấn đấu xây dựng thành phố Cà Mau sớm đạt tiêu chí đô thị loại I; hoàn thiện đô thị Sông Đốc và Năm Căn theo tiêu chuẩn đô thị loại IV; nâng cấp thị trấn Cái Nước, Đầm Dơi, Rạch Gốc, Thới Bình, Trần Văn Thời, U Minh đạt tiêu chí đô thị loại IV. Tăng cường công tác quản lý đô thị, đảm bảo quy hoạch kết nối phát triển giữa thành phố Cà Mau với các đô thị khác trong tỉnh, như: Cái Nước, Thới Bình.

Cùng với sự phát triển năng động về kinh tế, thì các quan hệ xã hội diễn ra cũng có xu hướng ngày càng đa dạng, phức tạp, phát sinh nhiều mâu thuẫn, tranh chấp. Các khiếu kiện hành chính, tranh chấp dân sự, kinh tế, lao động thường xuyên xảy ra và có chiều hướng tăng về số lượng, phức tạp, đa dạng hơn về nội dung. Từ tình hình trên, trong giai đoạn hiện nay, việc thành lập tổ chức Thừa phát lại là rất cần thiết, sẽ góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, đồng thời đáp ứng yêu cầu chính đáng của tổ chức, công dân đối với việc thi hành án dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân; tạo cơ hội cho người dân có quyền lựa chọn việc yêu cầu thi hành bản án, quyết định của Tòa án với thời gian nhanh hơn, hiệu quả hơn, bảo đảm quyền và lợi ích các bên có liên quan, góp phần thúc đẩy cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, giảm tải công việc cho hệ thống Tòa án và cơ quan Thi hành án dân sự.

a) Về hoạt động tống đạt các loại văn bản của Tòa án và cơ quan Thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh

Trong những năm qua, hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân tỉnh và Tòa án nhân dân các huyện và thành phố đã thụ lý giải quyết các vụ án dân sự, kinh tế, hôn nhân và gia đình, hành chính, lao động ngày một tăng, với số lượng lớn, khoảng 7.090 vụ/năm (năm 2013 là 6.919 vụ, năm 2014 là 6.938 vụ, năm 2015 là 7.412 vụ). Sáu tháng đầu năm 2016 là 6.470 vụ.

Theo quy định của pháp luật và thực tiễn hoạt động tố tụng cho thấy, thủ tục giải quyết một vụ án, Tòa án phải thực hiện tống đạt trung bình khoảng 10 loại giấy tờ, văn bản, như: Thông báo thụ lý vụ kiện, giấy mời lấy lời khai, thông báo hòa giải, quyết định khẩn cấp tạm thời, thông báo đo đạc, thẩm định, giấy triệu tập đương sự, quyết định đưa vụ án ra xét xử, quyết định, bản án của Tòa. Tính trung bình một năm Tòa án nhân dân các cấp trên địa bàn tỉnh tống đạt khoảng hơn 145.000 văn bản, giấy tờ.

Trong lĩnh vực Thi hành án dân sự, các cơ quan Thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh thụ lý giải quyết: Năm 2014 là 16.293 vụ việc và 2015 là 16.766 vụ việc. Chấp hành viên phải tống đạt ít nhất 04 loại giấy tờ, như: Giấy mời, tống đạt quyết định thi hành án (lập biên bản khi tống đạt), thông báo kê biên tài sản, định giá tài sản. Trường hợp thi hành cưỡng chế phải có 15 loại giấy tờ và cả các vụ việc xác minh điều kiện thi hành án. Tính trung bình một năm cơ quan Thi hành án trên địa bàn tỉnh tống đạt khoảng 165.300 văn bản, giấy tờ các loại.

Việc tống đạt giấy tờ, văn bản có liên quan đến việc xét xử và thi hành án có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên theo quy định của pháp luật, nhưng hiện nay cũng gặp phải không ít những khó khăn, bất cập. Do vậy, việc giao Thừa phát lại thực hiện tống đạt giấy tờ, văn bản sẽ góp phần bảo đảm tuân thủ chặt chẽ yêu cầu của thủ tục tố tụng, trong công tác xét xử của Tòa án và công tác thi hành án của cơ quan Thi hành án dân sự.

b) Về công tác thi hành bản án, quyết định của Tòa án

Cùng với sự phát triển, các quan hệ về kinh tế, văn hóa, xã hội cũng ngày càng đa dạng, phức tạp hơn, từ đó làm phát sinh nhiều mâu thuẫn, có những tranh chấp phải đưa ra Tòa án xét xử, quyết định. Chính vì vậy, công tác xét xử và công tác thi hành án trong thời gian qua luôn ở trong thế bị động và quá tải.

Việc quá tải trong thi hành bản án, quyết định tại các cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh đã gây áp lực lớn đối với đội ngũ Chấp hành viên trong thực thi nhiệm vụ, từ đó dẫn đến phát sinh thắc mắc, khiếu nại liên quan đến công tác thi hành án dân sự.

Việc đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh Cà Mau sẽ góp phần tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân có quyền lựa chọn cơ quan thi hành án để yêu cầu thi hành bản án, quyết định của Tòa án được nhanh hơn, hiệu quả hơn, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức.

c) Về hoạt động của thi hành án dân sự

Thực tiễn, công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua cho thấy, lượng án thụ lý và được đưa ra thi hành ngày càng tăng, án tồn nhiều. Nguyên nhân là do quy trình xử lý thi hành án phải trải qua nhiều giai đoạn, mất nhiều thời gian mới giải quyết xong vụ việc; ý thức chấp hành pháp luật của một số đối tượng phải thi hành án chưa cao, còn chây ỳ, cố tình né tránh, hoặc lợi dụng việc khiếu nại để trì hoãn việc thi hành án.

Phần II

QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU CỦA ĐỀ ÁN

I. QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

1. Xây dựng và tổ chức thực hiện chế định Thừa phát lại nhằm triển khai chủ trương xã hội hóa trong hoạt động bổ trợ tư pháp, tăng cường năng lực, hiệu quả trong hoạt động thi hành án dân sự, cũng như trong công tác quản lý nhà nước và sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước đối với hoạt động thừa phát lại tại Cà Mau.

2. Tổ chức hoạt động thừa phát lại nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của tổ chức và cá nhân, góp phần đẩy mạnh sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

II. MỤC TIÊU CỦA ĐỀ ÁN

1. Mục tiêu chung

a) Đảm bảo tổ chức thực hiện chế định Thừa phát lại đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm; quy hoạch phát triển và giải pháp thực hiện phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh.

b) Huy động các nguồn lực xã hội tham gia xây dựng và thực hiện chế định thừa phát lại nhằm giảm áp lực công việc, giảm chi tiêu ngân sách và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp mà trực tiếp là Tòa án và cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Cà Mau.

2. Mục tiêu cụ thể

Việc xây dựng và thành lập Văn phòng Thừa phát lại phải theo quy hoạch của tỉnh; phân bố phù hợp với tình hình và dự báo tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đáp ứng kịp thời nhu cầu của các tổ chức, cá nhân trong bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp sẽ được thực hiện trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Phần III

NỘI DUNG ĐỀ ÁN

I. ĐỊNH HƯỚNG CHUNG VỀ THỰC HIỆN CHẾ ĐỊNH THỪA PHÁT LẠI

- Trong giai đoạn đầu thực hiện Đề án (năm 2016 - 2017) xây dựng và phát triển mạng lưới Văn phòng Thừa phát lại tại các địa bàn trong tỉnh phải dựa trên cơ sở điều kiện kinh tế - xã hội, đáp ứng điều kiện thuận lợi để thừa phát lại tồn tại và phát triển, đồng thời phải tính đến nhu cầu thi hành án dân sự của tỉnh nhằm giải quyết khó khăn về lượng án tồn đọng, các yêu cầu về thi hành án dân sự của các tổ chức và công dân.

- Từ năm 2018 - 2020, tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của các Văn phòng Thừa phát lại, tổ chức rà soát, đánh giá kết quả thực hiện Đề án; tiến tới thực hiện chủ trương xây dựng hệ thống Văn phòng Thừa phát lại theo định hướng của Chính phủ và Bộ Tư pháp để đáp ứng nhu cầu của nhân dân trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

II. LỘ TRÌNH THỰC HIỆN CHẾ ĐỊNH THỪA PHÁT LẠI

Để đảm bảo thực hiện đúng lộ trình và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đồng thời tính đến nhu cầu thi hành án dân sự của tỉnh nhằm giải quyết khó khăn về lượng án tồn đọng, các yêu cầu về thi hành án dân sự của tổ chức và cá nhân. Lộ trình phát triển tổ chức thừa phát lại trên địa bàn tỉnh được thực hiện như sau:

1. Giai đoạn 2016 - 2017

1.1. Trong năm 2016

a) Nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm tổ chức và hoạt động thí điểm Thừa phát tại các tỉnh thực hiện thí điểm Thừa phát lại (hoặc các tỉnh có Văn phòng Thừa phát lại).

b) Tổ chức xét duyệt hồ sơ đưa học viên bồi dưỡng nghiệp vụ Thừa phát lại.

c) Thông tin tuyên truyền để nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân về Thừa phát lại.

Tổ chức tuyên truyền rộng rãi để người dân, doanh nghiệp hiểu về hoạt động của Thừa phát lại, thấy được vai trò và sự cần thiết của tổ chức này trong thực tiễn đời sống pháp lý; các quy định pháp luật về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại.

d) Thực hiện bổ nhiệm Thừa phát lại.

1.2. Trong năm 2017

Thành lập từ 01 đến 02 Văn phòng Thừa phát lại: 01 tại thành phố Cà Mau và 01 tại huyện Đầm Dơi.

2. Giai đoạn 2018 - 2020

a) Tập trung xây dựng quy hoạch và thành lập tổ chức hành nghề Thừa phát lại; bước đầu đáp ứng nhu cầu của nhân dân, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh.

b) Số lượng các tổ chức hành nghề Thừa phát lại (Văn phòng Thừa phát lại) trên địa bàn tỉnh Cà Mau dự kiến từ 01 đến 02 Văn phòng, được phân bố theo khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển và đáp ứng điều kiện thuận lợi để thực hiện chế định thừa phát lại, đồng thời có tính đến nhu cầu thi hành án dân sự theo từng đơn vị cấp huyện.

Các tổ chức hành nghề Thừa phát lại được phân bố cụ thể như sau:

- Huyện Trần Văn Thời: 01 Văn phòng Thừa phát lại.

- Huyện Cái Nước: 01 Văn phòng Thừa phát lại.

Hoàn thiện và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động thừa phát lại; duy trì, ổn định các Văn phòng Thừa phát lại hiện có; củng cố, phát triển Văn phòng Thừa phát lại theo định hướng phân bố hợp lý từng địa bàn; phù hợp với định hướng phát triển của Chính phủ và Bộ Tư pháp.

3. Địa bàn thực hiện chế định Thừa phát lại

Trong giai đoạn thực hiện Đề án (2016-2020) xây dựng và phát triển mạng lưới Văn phòng Thừa phát lại tại các địa bàn có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng điều kiện thuận lợi để xây dựng quy hoạch và thành lập tổ chức thừa phát lại, đồng thời có tính đến nhu cầu thi hành án dân sự nhằm góp phần giải quyết khó khăn về lượng án tồn đọng, các yêu cầu về thi hành án dân sự của tổ chức và công dân. Tính lượng án dân sự phải thi hành và việc lập vi bằng, ước tính 100 người dân có 01 người cần xác nhận vi bằng thì các địa bàn cho phép thành lập Văn phòng Thừa phát lại như sau:

a) Thành phố Cà Mau: Số lượng án dân sự phải thi hành là 5.249 vụ/năm (năm 2015). Dân số 205 ngàn dân. Một năm việc lập vi bằng khoảng 2.050 vi bằng/205 ngàn dân.

b) Huyện Đầm Dơi: Số lượng án dân sự phải thi hành 2.032 vụ/năm (năm 2015). Dân số hơn 182 ngàn dân. Một năm việc lập vi bằng khoảng 1.820 vi bằng/182 ngàn dân.

c) Huyện Cái Nước: Số lượng án dân sự phải thi hành 1.754 vụ/năm (năm 2015). Dân số hơn 137 ngàn dân. Một năm việc lập vi bằng khoảng 1.370 vi bằng/137 ngàn dân.

d) Huyện Trần Văn Thời: Số lượng án dân sự phải thi hành 1.837 vụ/năm. Dân số hơn 186 ngàn dân. Một năm việc lập vi bằng khoảng 1.860 vi bằng/186 ngàn dân.

4. Trụ sở Văn phòng Thừa phát lại

a) Văn phòng Thừa phát lại phải có trụ sở riêng, địa chỉ cụ thể và thuận tiện cho khách hàng; bảo đảm diện tích làm việc cho Thừa phát lại và nhân viên; đáp ứng điều kiện cơ sở vật chất phục vụ cho việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ cho khách hàng; đảm bảo yêu cầu về công tác phòng cháy, chữa cháy, an ninh, trật tự.

b) Văn phòng Thừa phát lại phải đảm bảo việc lưu trữ hồ sơ do người đã được đào tạo chuyên môn về công tác lưu trữ thực hiện và bảo quản chặt chẽ, an toàn đối với hồ sơ thừa phát lại.

Phần IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Tư pháp

a) Tham mưu UBND tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Đề án thực hiện chế định Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh Cà Mau giai đoạn 2016 - 2020, khi Đề án được Bộ Tư pháp phê duyệt.

b) Tham mưu UBND tỉnh trong công tác chỉ đạo việc tổ chức phối hợp với cơ quan có liên quan trong công tác quản lý nhà nước về Thừa phát lại theo quy định tại khoản 3, khoản 4, Điều 8 Nghị định số 61/NĐ-CP và các văn bản pháp luật có liên quan.

c) Định kỳ hàng năm báo cáo UBND tỉnh và Bộ Tư pháp theo quy định.

2. Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh

Phối hợp trong việc tổ chức triển khai Đề án, thực hiện quản lý nhà nước đối với chế định Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh Cà Mau, giai đoạn 2016 - 2020, cụ thể như sau:

a) Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức tuyên truyền, quán triệt chế định Thừa phát lại trong hệ thống Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Chi cục Thi hành án dân sự huyện, thành phố.

b) Tòa án nhân dân tỉnh và Cục Thi hành án dân sự tỉnh chỉ đạo Tòa án nhân dân và Chi cục Thi hành án dân sự huyện, thành phố trên cơ sở thỏa thuận với Thừa phát lại thực hiện chuyển giao việc tống đạt văn bản của Tòa án nhân dân, cơ quan Thi hành án dân sự theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 09/2014/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BTC ngày 28/02/2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Tòa án nhân dân tỉnh phối hợp với Sở Tư pháp trong việc xây dựng dự toán kinh phí tống đạt của Tòa án gửi Tòa án nhân dân tối cao và Cục Thi hành án dân sự tỉnh phối hợp với Sở Tư pháp trong việc xây dựng dự toán kinh phí tống đạt của Cục Thi hành án gửi Tổng cục Thi hành án - Bộ Tư pháp.

c) Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh phối hợp với Sở Tư pháp thực hiện kiểm sát việc tuân thủ theo pháp luật đối với hoạt động tống đạt giấy tờ của Tòa án nhân dân, cơ quan Thi hành án dân sự và trực tiếp thực hiện thi hành án dân sự theo quy định tại Thông tư liên tịch số 09/2014/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BTC ngày 28/02/2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

d) Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện chế định Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020.

3. Cục Thi hành án dân sự tỉnh

Chỉ đạo Chi cục Thi hành án dân sự huyện, thành phố phối hợp với Thừa phát lại trong việc tổ chức thi hành bản án, quyết định theo quy định tại Thông tư số 09/2014/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BTC ngày 28/02/2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, cung cấp thông tin cho Sở Tư pháp kết quả thực hiện các công việc về thi hành án dân sự của Thừa phát lại.

4. Công an tỉnh

Phối hợp với Sở Tư pháp tăng cường tuyên truyền về chế định Thừa phát lại. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc hỗ trợ và thực hiện các yêu cầu của Thừa phát lại theo quy định của Luật Thi hành án dân sự, Nghị định số 61/2009/NĐ-CP và Nghị định số 135/2013/NĐ-CP ngày 18/10/2013 sửa đổi, bổ sung tên gọi và một số điều của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009.

Chỉ đạo Công an cấp huyện, cấp xã phối hợp, hỗ trợ cho Thừa phát lại tổ chức bảo vệ cưỡng chế thi hành án theo quy định tại khoản 4, Điều 72 Luật Thi hành án dân sự số 64/2014/QH13, Nghị định số 61/2009/NĐ-CP và Nghị định số 135/2013/NĐ-CP ngày 18/10/2013 sửa đổi, bổ sung tên gọi và một số điều của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009.

5. Các sở, ban, ngành có liên quan

a) Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Tư pháp đăng tải thông tin tuyên truyền về Thừa phát lại trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh.

b) Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Cà Mau phối hợp với Sở Tư pháp thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, các quy định pháp luật của Nhà nước về Thừa phát lại, theo dõi, đưa tin về hoạt động của Thừa phát lại để nhân dân và các tổ chức nắm.

c) Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Văn phòng Đăng ký đất đai cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, số liệu về quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất (bao gồm cả thông tin về giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất) phục vụ cho việc xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của Thừa phát lại tương tự như cung cấp thông tin cho Chấp hành viên theo quy định Luật Thi hành án dân sự, Nghị định số 61/2009/NĐ-CP và Nghị định số 135/2013/NĐ-CP ngày 18/10/2013 sửa đổi, bổ sung tên gọi và một số điều của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 và các quy định pháp luật có liên quan.

d) Sở Kế hoạch và Đầu tư cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, số liệu về đăng ký kinh doanh, đầu tư phục vụ cho việc xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của Thừa phát lại tương tự như cung cấp thông tin cho Chấp hành viên theo quy định của Luật Thi hành án dân sự, Nghị định số 61/2009/NĐ-CP và Nghị định số 135/2013/NĐ-CP ngày 18/10/2013 sửa đổi, bổ sung tên gọi và một số điều của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 và các quy định của pháp luật có liên quan.

đ) Sở Giao thông vận tải cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, số liệu về đăng ký phương tiện thủy nội địa, xe máy chuyên dụng có tham gia giao thông đường bộ phục vụ cho việc xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của Thừa phát lại tương tự như cung cấp thông tin cho Chấp hành viên và phối hợp, hỗ trợ Thừa phát lại thực hiện công việc về thi hành án dân sự theo Nghị định số 61/2009/NĐ-CP và Nghị định số 135/2013/NĐ-CP ngày 18/10/2013 sửa đổi, bổ sung tên gọi và một số điều của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP và các quy định của pháp luật có liên quan.

e) Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Cà Mau hướng dẫn các Ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng phối hợp, hỗ trợ thông tin cho Thừa phát lại thực hiện công việc về thi hành án dân sự theo quy định của Điều 176 Luật Thi hành án dân sự, Nghị định số 61/2009/NĐ-CP và Nghị định số 135/2013/NĐ-CP ngày 18/10/2013 sửa đổi, bổ sung tên gọi và một số điều của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP và các quy định của pháp luật có liên quan.

g) Kho bạc Nhà nước tỉnh Cà Mau thực hiện và chỉ đạo Kho bạc Nhà nước các huyện phối hợp, hỗ trợ Thừa phát lại thực hiện công việc về thi hành án dân sự theo quy định của Điều 176 Luật Thi hành án dân sự, Nghị định số 61/2009/NĐ-CP , Nghị định số 135/2013/NĐ-CP ngày 18/10/2013 sửa đổi, bổ sung tên gọi và một số điều của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP và các quy định pháp luật có liên quan.

6. UBND các huyện, thành phố Cà Mau

a) Chỉ đạo việc tổ chức phối hợp các cơ quan có liên quan trong công tác quản lý nhà nước về Thừa phát lại.

b) Chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cho hoạt động của Văn phòng Thừa phát lại theo Luật Thi hành án dân sự, Nghị định số 61/2009/NĐ-CP và Nghị định số 135/2013/NĐ-CP ngày 18/10/2013 sửa đổi, bổ sung tên gọi và một số điều của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 và các quy định của pháp luật có liên quan.

Trong quá trình triển khai thực hiện Đề án nếu có khó khăn, vướng mắc yêu cầu các cơ quan, đơn vị kịp thời báo cáo với Sở Tư pháp để theo dõi, tổng hợp đề xuất UBND tỉnh xem xét, giải quyết./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Tư pháp (để phê duyệt);
- Cục Công tác phía Nam - BTP (để biết);
- Tổng Cục THADS - BTP (để biết);
- TT: TU, HĐND tỉnh (b/c);
- VKSND, TAND, Cục THADS tỉnh (t/hiện);
- Các sở, ngành tỉnh có liên quan (t/hiện);
- UBND các huyện, tp Cà Mau (t/hiện);
- NC (A);
- Lưu: VT, Ktr01.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Hồng Quân

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Đề án 02/ĐA-UBND năm 2016 thực hiện chế định thừa phát lại trên địa bàn tỉnh Cà Mau đến năm 2020

  • Số hiệu: 02/ĐA-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 01/11/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Cà Mau
  • Người ký: Trần Hồng Quân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản