Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 02/ĐA-UBND | Ninh Bình, ngày 14 tháng 06 năm 2013 |
VỀ VIỆC ĐIỀU CHỈNH, BỔ SUNG QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN KHU CÔNG NGHIỆP TỈNH NINH BÌNH ĐẾN NĂM 2015, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020
1. Sự cần thiết
Ninh Bình nằm ở phía Nam đồng bằng sông Hồng với diện tích tự nhiên gần 1391 km2, dân số 907.755 người, nằm trong khu vực ảnh hưởng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, cách thủ đô Hà Nội gần 100 km về phía Nam, cách cảng Hải Phòng 130 km; có nhiều tiềm năng và thế mạnh là điều kiện thuận lợi để phát triển các khu công nghiệp, cụ thể:
- Có hệ thống giao thông rất thuận tiện cho phát triển kinh tế - xã hội nói chung và công nghiệp nói riêng như:
+ Giao thông đường thủy với tổng chiều dài trên 400 km với các sông lớn như: Sông Hoàng Long, sông Đáy; có 02 cảng lớn trong đó cảng Ninh Phúc đảm bảo cho tầu biển 3.000 tấn ra vào được.
+ Giao thông đường bộ có QL1A, QL10, đường cao tốc Hà Nội - Ninh Bình đã hoàn thành và đi vào sử dụng từ năm 2012; tuyến đường ven biển; hệ thống đường giao thông tỉnh lộ với chiều dài 118 km, đường liên huyện với chiều dài 121 km và trên 2.500 km đường liên xã, nội thị đã được cải tạo và nâng cấp.
- Có tuyến đường sắt Bắc - Nam chạy qua.
- Điện cũng là một thế mạnh của Ninh Bình. Với hệ thống các trạm biến áp công suất lớn 110KV, 220KV, 500KV, Ngành Điện đảm bảo cung cấp đủ điện đến chân hàng rào các Khu công nghiệp. Hệ thống thông tin viễn thông đã phủ đến tận các vùng sâu vùng xa của tỉnh, các thiết bị thông tin như máy Fax, mạng Internet đã được sử dụng phổ biến.
- Ngoài những thuận lợi về vị trí địa lý và hạ tầng, Ninh Bình còn có nhiều tiềm năng về đất đai, tài nguyên, nguồn lao động, đó là những tiền đề cơ bản để phát triển công nghiệp.
Do đặc điểm điều kiện diện tích tự nhiên của tỉnh không lớn; tỉnh có nhiều di tích, danh lam thắng cảnh, điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển ngành du lịch, dịch vụ. Vì vậy, cần thiết phải nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các KCN, với yêu cầu hạn chế ảnh hưởng, mâu thuẫn với phát triển du lịch, không nên quy hoạch nhiều khu, phân bố rải rác mà cần quy hoạch ít khu, phân bố hợp lý và ưu tiên hàng đầu phải lựa chọn công nghiệp sạch, công nghệ cao.
Tốc độ tăng trưởng của tỉnh Ninh Bình những năm gần đây khá cao (năm 2010 là 16,14%, năm 2011 là 16,13%, năm 2012 là 11,05%); tỷ trọng công nghiệp trong GDP đạt 49% (năm 2011); giá trị sản xuất công nghiệp năm 2011 (theo giá cố định 1994) đạt 12.991 tỷ đồng, tăng 66,6% so với năm 2010. Các KCN hiện tại đã và đang xây dựng cơ bản đáp ứng được nhu cầu phát triển công nghiệp đảm bảo cho tăng trưởng kinh tế xã hội những năm qua và một số năm tới nhưng chưa đảm bảo tính bền vững, lâu dài. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra mục tiêu ưu tiên xây dựng một số khu công nghiệp có lợi thế, đảm bảo cho sự phát triển bền vững, ổn định trong tương lai của tỉnh.
Quy hoạch tổng thể các khu công nghiệp tỉnh Ninh Bình đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại văn bản số 1818/TTg-KTN ngày 29/10/2008, toàn tỉnh có 07 KCN với tổng diện tích 1.961 ha, chiếm 1,41% diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh. Đến nay, KCN Khánh Phú và KCN Gián Khẩu đã xây dựng và cơ bản lấp đầy; KCN Phúc Sơn mới được chuyển đổi chủ đầu tư từ Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Bạch Đằng TMC về cho Công ty Phát triển hạ tầng KCN tỉnh Ninh Bình, mới triển khai xây dựng hạ tầng năm 2013; KCN Khánh Cư đã quy hoạch chi tiết nhưng chưa có nhà đầu tư; còn hai KCN Xích Thổ và Sơn Hà chưa quy hoạch chi tiết và thực tế không thể thực hiện được. Như vậy, trong những năm tới điều kiện để tiếp tục thu hút đầu tư của các KCN không lớn, nếu không xem xét điều chỉnh quy hoạch chung sẽ không đáp ứng được nhu cầu phát triển.
Vì những lý do trên, việc điều chỉnh quy hoạch phát triển các khu công nghiệp của tỉnh Ninh Bình là cần thiết để phù hợp với thực tiễn, đảm bảo hiệu quả trong quản lý và hoạt động, đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 02/3/2012; đồng thời, phù hợp với các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
2. Các căn cứ pháp lý, cơ sở điều chỉnh, bổ sung quy hoạch:
- Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24/01/2005 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng.
- Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ Quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế.
- Thông tư số 15/2005/TT-BXD ngày 19/08/2005 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng.
- Quyết định số 06/2005/QĐ-BXD ngày 03/02/2005 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc ban hành định mức chi phí quy hoạch xây dựng.
- Quyết định số 21/2005/QĐ-BXD ngày 22/07/2005 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc ban hành quy định hệ thống ký hiệu bản vẽ trong các đồ án quy hoạch xây dựng.
- Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Bình đến năm 2015, định hướng đến năm 2020.
- Quyết định 1107/QĐ-TTg ngày 21/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020.
- Văn bản số 1818/TTg-KTN ngày 29/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung các KCN của tỉnh Ninh Bình vào Quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam;
- Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 02/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh công tác quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của các KKT, KCN, CCN;
- Văn bản số 2479/BKHĐT-QLKKT ngày 11/4/2012 của Bộ Kế hoạch & Đầu tư về việc hướng dẫn Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 02/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh công tác quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của các KKT, KCN, CCN.
- Nghị quyết số 57/NQ-CP ngày 17/9/2012 của Chính phủ về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015) tỉnh Ninh Bình.
- Căn cứ yêu cầu thực tế tại địa phương.
TÌNH HÌNH THỰC HIỆN, PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP
I. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CÁC MỤC TIÊU KINH TẾ - XÃ HỘI CỦA TỈNH TRONG NHỮNG NĂM QUA
Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Trung ương đảng, sự quan tâm giúp đỡ của các Bộ Ngành, đoàn thể Trung ương; Sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Tỉnh ủy, sự chỉ đạo sát sao, kịp thời phù hợp của HĐND và UBND tỉnh; Kinh tế xã hội của tỉnh đã đã thu được nhiều kết quả toàn diện, trên nhiều lĩnh vực. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá, thu hút các nguồn lực cho đầu tư tăng lên, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Văn hóa - xã hội đạt được nhiều thành tích mới, đời sống nhân dân được cải thiện; An ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, quốc phòng được tăng cường; Hệ thống chính trị được củng cố ngày càng vững mạnh;
1. Về kinh tế
- Tốc độ tăng trưởng: Từ năm 2006 đến 2010 mức độ tăng trưởng bình quân đạt 16,5%, năm 2011 tốc độ tăng trưởng đạt 14,13% trong đó tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp đạt bình quân 28,4%. Cơ cấu kinh tế đã có chuyển dịch tích cực, trong đó tỷ trọng công nghiệp tăng lên (năm 2010 là 47,7%, năm 2011 là 49%, năm 2012 là 48,5%).
- Quy mô của nền kinh tế tăng nhanh, GDP (giá CĐ 1994) năm 2010 đạt trên 7,0 nghìn tỷ đồng, gấp 3,6 lần so với năm 2000 và gấp gần 2,1 lần so với năm 2005. Theo giá thực tế, GDP 2010 đạt trên 19,47 nghìn tỷ đồng, gấp 7,8 lần so với năm 2000 và gần 3,8 lần so với năm 2005. Nên đã nâng mức GDP/người từ 5,57 triệu (năm 2005) lên 21,9 triệu (năm 2010), gấp 1,5 lần so với kế hoạch đề ra.
- Thu ngân sách của tỉnh luôn đạt và vượt chỉ tiêu được giao: Năm 2010 đạt 3.066 tỷ đồng; năm 2011 đạt 3.392 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu đề ra; năm đạt 2.593,3 tỷ đồng, đạt 104% kế hoạch.
2. Về xã hội:
- Về dân số: Cơ cấu dân số tiếp tục thay đổi theo hướng tiến bộ, với tỷ lệ tăng dân số là 0,56% giai đoạn 2010-2015 và 0,55% vào giai đoạn 2016-2020.
- Về giáo dục-đào tạo, y tế, thể thao, văn hóa-thông tin:
+ Giáo dục đào tạo do có sự chỉ đạo của Đảng ủy, các cấp chính quyền và nhận thức của nhân dân nên tỉnh đã đạt được nhiều kết quả, đến năm 2013 đã có 62% số trường mầm non, 66% số trường trung học cơ sở, 25% số trường trung học phổ thông đạt chuẩn Quốc gia, riêng trường tiểu học có 30% số trường đạt chuẩn mức độ 2.
+ Công tác y tế, y tế dự phòng: hiện tại 100% các xã đã có trạm y tế với gần 45% trong số đó có bác sỹ, khoảng 40% xã đạt tiêu chuẩn Quốc gia về y tế. Số lượng cán bộ y tế đạt 20 người trong đó số lượng bác sỹ là 6 người/1 vạn dân.
+ Thể dục thể thao: Phong trào thể dục thể thao phát triển khá toàn diện từ các cơ quan công sở đến các doanh nghiệp, trường học và tới thôn xóm mà từng người dân là các hạt nhân. Các loại hình thể thao phát triển khá phong phú từ cầu lông, bóng chuyền đến các môn thể thao cổ truyền.
+ Văn hóa thông tin đạt được tiến bộ: 100% các xã đều có điểm văn hóa - bưu điện; 61% số hộ đạt gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, 60% cơ quan đạt tiêu chuẩn cơ quan văn hóa. Các tệ nạn xã hội từ mại dâm, ma túy đến các hủ tục ma chay, cưới hỏi linh đình đều được hạn chế.
- Giải quyết việc làm và xóa đói giảm nghèo: Do tăng trưởng kinh tế cao nên mức sống nhân dân được ổn định, từng bước được cải thiện. Công tác xóa đói giảm nghèo tiến bộ, tỷ lệ hộ nghèo (theo tiêu chí mới) giảm từ 9,85% năm 2011 xuống còn 8,0% năm 2012.
- Về du lịch: Số khách đến các điểm tham quan du lịch từ năm 2010 đến nay đạt trung bình 3,5 triệu lượt khách/năm, trong đó khách du lịch quốc tế là 500 nghìn lượt khách/năm. Bình quân hàng năm thời kỳ 2010-2013 số khách đến tham quan các điểm, khu du lịch tăng gần 11%.
3. Đánh giá về kết cấu hạ tầng:
- Về giao thông vận tải: Hệ thống đường bộ được nâng cấp gồm có các tuyến đường Quốc lộ: 1A, 10, 45, 12B; đường tỉnh lộ: 480, 481, 480E, 480C, 477, 479, 477B, 479C dài hơn 260km; đường huyện (dài hơn 190km) và đường giao thông nông thôn đã được cứng hóa bề mặt 84%.
Hệ thống đường thủy có tổng chiều dài gần 400km với 2 cảng chính là cảng Ninh Bình và cảng Ninh Phúc đã được nâng cấp. Nhiều bến bốc xếp hàng hóa, ụ tàu, khu neo đậu tránh tàu thuyền nằm trên các bờ sông và các cửa sông cũng được xây dựng mới, sửa chữa phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế địa phương.
Đường sắt: Tỉnh có đường sắt xuyên Bắc-Nam đi qua 4 ga là: Ninh Bình, Cầu Yên, Ghềnh và Đồng Giao rất thuận lợi trong việc vận tải hành khách và vận chuyển hàng hóa, vật liệu xây dựng.
- Hệ thống điện được đầu tư nâng cấp nên sản lượng điện năm 2011 tăng 1,5 lần so với năm 2005. Ba trạm biến áp (500KV, 200KV và 110KV) được xây dựng, góp phần quan trọng để phát triển nhanh KT-XH.
- Hệ thống cung cấp nước sạch được cải tạo nâng cấp, Nhà máy nước Ninh Bình công suất 20.000 m3/ngđ, nhà máy nước sạch Thành Nam tại KCN Khánh Phú công suất 20.000 m3/ngđ, nhà máy nước Tam Điệp là 12.000 m3/ngđ và một số Nhà máy nước công suất 2.000 m3/ngđ tại thị trấn, 86% dân cư khu vực nông thôn và 96% dân cư khu vực thành thị được sử dụng nước sạch. Tỉnh đang phấn đấu năm 2013 tỷ lệ dân số được dùng nước sạch hợp vệ sinh ở khu vực nông thôn là 82% và ở khu vực thành thị là 96%.
- Hệ thống công trình dịch vụ phục vụ du lịch đã được nâng cấp, xây dựng như các khách sạn, bến thuyền, nhà hàng, các khu du lịch Tràng An - Bái Đính, Tam Cốc-Bích Động, khu đất ngập nước Vân Long, vườn Quốc gia Cúc Phương gồm cả khu nước khoáng, Nhà thờ đá Phát Diệm...
- Các công trình hạ tầng khác như trường học các cấp, trường kỹ thuật, trung tâm dạy nghề và bệnh viện các tuyến, bệnh xá, trung tâm chăm sóc sức khoẻ đã được chú trọng đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo, từng bước đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới (Tỉnh đang phấn đấu năm 2013: 62% số trường mầm non, 66% số trường trung học cơ sở, 25% số trường trung học phổ thông đạt chuẩn Quốc gia, riêng trường tiểu học có 30% số trường đạt chuẩn mức độ 2). Bên cạnh đó, nhiều Ngân hàng lớn, uy tín đã đầu tư xây dựng thêm các chi nhánh, phòng giao dịch tại các khu vực thị xã, thị trấn trong tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác tín dụng, huy động vốn cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu.
- Về phát triển đô thị: Tốc độ đô thị hóa tương đối nhanh trong khoảng 10 năm trở lại đây (hiện đạt khoảng 20%); tuy nhiên, vẫn còn thấp hơn mức bình quân của cả nước (khoảng 27%); một số khu vực có tốc độ đô thị hóa cao là thành phố Ninh Bình (trung tâm của tỉnh), thị xã Tam Điệp (phát triển công nghiệp) và thị trấn như Phát Diệm, Nho Quan...
4. Quốc phòng và an ninh
4.1. Lực lượng quân sự địa phương đảm bảo thực hiện nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu; hoàn thành nội dung huấn luyện cho lực lượng dân quân tự vệ, đào tạo bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh theo chương trình quy định; công tác giao nhận quân năm 2012 hoàn thành đúng chỉ tiêu, chất lượng và đảm bảo an toàn; tổ chức hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn, tổ chức thực hiện diễn tập phòng chống lụt bão, tìm kiến cứu nạn đạt yêu cầu nhiệm vụ đề ra. Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh được thành lập, thường xuyên tăng cường công tác tuần tra địa bàn, kiểm soát xuất, nhập cảnh, đăng ký kiểm chứng phương tiện vận tải thủy nội địa, đảm bảo chặt chẽ, an toàn, thuận tiện và đúng pháp luật; an ninh trật tự vùng biển được giữ vững.
4.2. Lực lượng công an tăng cường mọi mặt hoạt động, chủ động nắm và kiểm soát được tình hình, không để xảy ra đột xuất, bất ngờ; tình hình an ninh chính trị tiếp tục được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, an ninh nông thôn - đô thị cơ bản ổn định, không để trở thành điểm nóng. Tội phạm, các tai tệ nạn xã hội tiếp tục được kiềm chế và làm giảm, không có tội phạm hoạt động theo kiểu "xã hội đen”. Tai nạn giao thông tiếp tục giảm cả 3 tiêu chí; trật tự công cộng được đảm bảo. Công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự được tăng cường. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc có bước phát triển mạnh, vững chắc.
II. PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI CỦA TỈNH ĐẾN NĂM 2015
1. Mục tiêu chung:
Duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững trên cơ sở chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế nâng cao chất lượng hiệu quả sức mạnh cạnh tranh và chủ động hội nhập; đưa kinh tế du lịch vào thời kỳ phát triển mạnh; tập trung trí tuệ, nguồn lực từng bước xây dựng nông thôn mới để thực hiện giải quyết đồng bộ 3 vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn; phát triển mạnh mẽ văn hóa, cải thiện và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, tăng cường đầu tư phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao; tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên môi trường và chủ động ứng phó với các tác động của biến đổi khí hậu; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tăng cường quốc phòng an ninh địa phương; củng cố vững chắc hệ thống chính trị; xây dựng Ninh Bình trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực Đồng bằng sông Hồng.
2. Những mục tiêu chủ yếu
2.1. Về kinh tế
- Tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP bình quân 5 năm đạt 14,0 - 14,5%/năm.
- Tốc độ tăng GTSX bình quân hàng năm (theo giá CĐ 1994): Công nghiệp - xây dựng trên 15% (trong đó công nghiệp trên 16%), dịch vụ trên 19%, nông, lâm nghiệp và thủy sản trên 2,5%.
- Cơ cấu kinh tế trong GDP hiện hành đến năm 2015: Công nghiệp - xây dựng 47 - 48%; dịch vụ 42 - 43%; nông, lâm nghiệp và thủy sản 9 - 10%.
- GDP bình quân đầu người đến năm 2015 phấn đấu đạt 50 triệu đồng, tương đương 2.315 USD, cao hơn bình quân chung của cả nước.
- Tổng vốn đầu tư xã hội bình quân đạt trên 15.000 tỷ đồng/năm.
- Sản lượng lương thực có hạt bình quân đạt trên 48 vạn tấn/năm.
- Thu ngân sách đến năm 2015 đạt trên 4.200 tỷ đồng.
- Kim ngạch xuất khẩu đến năm 2015 đạt trên 300 triệu USD.
- Khách du lịch tăng lên hàng năm; năm 2015 đạt 6 triệu lượt (trong đó khách quốc tế 1 triệu lượt), khách lưu trú đạt 1 triệu lượt (trong đó khách quốc tế 350 nghìn lượt).
- Tỷ lệ xã được công nhận nông thôn mới đến năm 2015 trên 20% số xã.
2.2. Các lĩnh vực văn hóa xã hội
- Tỷ lệ đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi và chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2 (theo tiêu chí 2010) 100%. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đến năm 2015 là: Mầm non 70%, Tiểu học (đạt chuẩn mức độ II) 50%, Trung học cơ sở 70%, Trung học phổ thông 40%.
- Số bác sỹ bình quân trên 1 vạn dân đến năm 2015 là 8,9 bác sỹ. Mức giảm tỷ lệ sinh bình quân 0,2‰/năm; Mức giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng bình quân 0,6%/năm.
- Tỷ lệ lao động được đào tạo nghề đến năm 2015 là 40%.
- Tỷ lệ hộ nghèo năm 2015 (tiêu chí năm 2010) còn dưới 7%.
2.3. Về môi trường
- Đến năm 2015, tỷ lệ dân số thành thị được cung cấp nước sạch là 98%, tỷ lệ dân số nông thôn được cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh là trên 90%.
- Tỷ lệ diện tích đất có rừng che phủ đến năm 2015 là trên 20%.
III. KẾT QUẢ THỰC HIỆN VÀ PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP CỦA TỈNH ĐẾN NĂM 2015
1. Tình hình và kết quả sản xuất công nghiệp
Khu vực công nghiệp duy trì được tốc độ tăng trưởng cao về giá trị sản xuất và giá trị tăng thêm. Giai đoạn 2006-2010: Hai năm đầu (2006, 2007), tốc độ được duy trì ở mức 15,9%; 03 năm sau (2008, 2009 và 2010) tăng mạnh với tốc độ lần lượt là 47,7%, 23,6% và 18,9%. Chất lượng nhiều sản phẩm tăng lên đáng kể. 5 năm qua tỉnh đã thực hiện khá tốt mục tiêu huy động nguồn lực ưu tiên phát triển công nghiệp theo hướng tập trung vào những sản phẩm có ưu thế cạnh tranh, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng trở thành mũi nhọn và xi măng, thép là sản phẩm chủ yếu. Sản xuất công nghiệp đã thu hút nhiều lao động, góp phần quan trọng giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống nhân dân và ổn định xã hội.
Năm 2010: Sản lượng xi măng đạt gần 6 triệu tấn, bằng 86% công suất thiết kế; sản lượng thép đạt 208 nghìn tấn.
Tỷ trọng công nghiệp xây dựng trong GDP 4 năm (2009-2012) như sau:
2009 | 2010 | 2011 | 2012 |
47,2% | 47,7% | 49% | 48,5% |
Năm 2012: Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 14.133 tỷ đồng, tăng 14,6% so với năm 2011 và đạt 93% kế hoạch cả năm. Một số sản phẩm vượt kế hoạch như: may mặc đạt 29 triệu sản phẩm, đạt 107,5%; kính xây dựng 101 nghìn tấn, đạt 126%, cần gạt nước xe ô tô 14,7 triệu chiếc, đạt 163%; giày vải 102 triệu đôi đạt 120%.... Nhà máy đạm đã đi vào sản xuất ổn định, sản lượng năm 2012 đạt trên 100 nghìn tấn. Một số dự án được cấp phép đầu tư đang được triển khai tích cực. Tuy nhiên, một số sản phẩm chủ lực giảm sút so với năm 2011, nhất là sản phẩm vật liệu xây dựng như Xi măng-clanke đạt gần 9 triệu tấn, giảm 10,9%, bằng 91,5% kế hoạch; gạch nung đạt 422 triệu viên, giảm 11%, đạt 65%; thép cán đạt 84 nghìn tấn, giảm 1,3%...
2. Phương hướng phát triển công nghiệp đến năm 2015
2.1. Mục tiêu:
Phát triển công nghiệp bền vững, đặc biệt cần tập trung duy trì, ổn định sản xuất các sản phẩm công nghiệp chủ lực. Quản lý, khai thác hợp lý, phát huy hiệu quả các khu công nghiệp hiện có; đầu tư xây dựng các khu công nghiệp mới; nâng cao quy mô, chất lượng thu hút đầu tư; khuyến khích các dự án công nghệ cao, công nghệ sạch, sản phẩm mới có giá trị cao; nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế doanh nghiệp và sản phẩm.
Phấn đấu tăng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân hàng năm trên 16%; Khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng trong GDP (giá hiện hành) khoảng 48% vào năm 2015 với các sản phẩm chủ yếu cần đạt được là: Thép cán xây dựng 215 nghìn tấn, khung kết cấu bằng thép nặng 100 nghìn tấn, xi măng - clanke 11,5 triệu tấn, phân đạm 500 nghìn tấn, lắp ráp 8.000 chiếc ô tô...
2.2. Định hướng và các giải pháp
Tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để duy trì, ổn định sản xuất các sản phẩm công nghiệp chủ yếu trên địa bàn; tạo điều kiện để đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư sớm đi vào hoạt động: Các Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu, cụm công nghiệp; nhà máy sản xuất phân đạm Ninh Bình (công suất 560 nghìn tấn/năm), nhà máy luyện phôi thép và chế tạo kết cấu thép (công suất 500.000 tấn/năm), nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô Thành Công (công suất 13.000 xe/năm), nhà máy sản xuất kính Tràng An, các dự án sản xuất có giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn...
Tạo điều kiện để nâng cao công suất huy động của các nhà máy xi măng hiện có và từng bước ổn định công suất sản xuất, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án sản xuất xi măng đã được cấp phép. Ổn định các mặt hàng phân đạm, thép chất lượng cao, nâng cấp sửa chữa, đóng mới tàu thuyền. Phát triển các cơ sở lắp ráp, sản xuất và sửa chữa cơ khí, điện tử, dệt may và mở rộng làng nghề. Xây dựng cơ sở chế biến nông lâm thủy sản cho các mặt hàng có thế mạnh đồng thời mở ra đối với một số mặt hàng mới. Khuyến khích, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia phát triển công nghiệp kể cả đầu tư cơ sở hạ tầng khu, cụm công nghiệp.
Xây dựng và thực hiện tốt các quy hoạch phát triển ngành, sản phẩm công nghiệp, trong đó ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ cao, công nghệ sạch thuộc các lĩnh vực điện tử, điện lạnh, ô tô, cơ khí, bia, chế biến hàng hóa nông sản... Quy hoạch phát triển thêm khu, cụm công nghiệp ở huyện Kim Sơn, thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất lấp đầy các khu công nghiệp Tam Điệp, Khánh Cư, Gián Khẩu, Phúc Sơn, Khánh Phú; phát triển nhanh các cụm công nghiệp, làng nghề.
Tập trung thu hút các dự án sản xuất công nghiệp thuộc các lĩnh vực cơ khí chế tạo, lắp ráp có công nghệ sạch, tiên tiến có quy mô lớn, đảm bảo lao động ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội cao; các dự án sản xuất hàng tiêu dùng phục vụ hoạt động du lịch. Đẩy nhanh việc quy hoạch phát triển và xây dựng cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp.
Xây dựng và triển khai chương trình hỗ trợ phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực, trong đó tập trung vào các chính sách hỗ trợ về đầu tư, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường; hỗ trợ về thiết kế sản phẩm, lựa chọn và chuyển giao khoa học công nghệ; hỗ trợ xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, thực hiện sở hữu công nghiệp... Ban hành chính sách ưu tiên phát triển mạnh các ngành nghề, nhất là ngành nghề truyền thống ở nông thôn sản xuất hàng xuất khẩu. Gắn kết chặt chẽ, hài hòa lợi ích giữa người sản xuất, người chế biến và người tiêu thụ.
ĐÁNH GIÁ HIỆN TRẠNG XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN CÁC KHU CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH
Theo Quy hoạch phát triển các KCN của Việt Nam đến năm 2020, tỉnh Ninh Bình có 07 KCN đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập:
1. Khu công nghiệp Ninh Phúc (nay đổi tên thành Khu công nghiệp Khánh Phú):
Quy mô diện tích theo Quy hoạch là 334,02ha (theo văn bản số 1818/TTg-KTN ngày 29/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ), trong đó đất xây dựng nhà máy là 231,54ha; được Chính phủ cho phép thành lập tại Văn bản số 1723/CP-CN ngày 17/12/2003, đã có Quyết định thành lập của UBND tỉnh Ninh Bình.
- Về cơ sở hạ tầng: Do Công ty Phát triển hạ tầng khu công nghiệp làm chủ đầu tư. Các hạng mục cấp điện, cấp nước, thông tin liên lạc do Công ty TNHH MTV điện lực Ninh Bình và công TNHH MTV cấp nước Ninh Bình, Viễn thông Ninh Bình đầu tư và khai thác.
Hiện nay đã cơ bản hoàn thành giải phóng và san lấp mặt bằng; xây dựng xong hệ thống đường giao thông chính, hệ thống thoát nước mưa, thu gom nước thải và đường ngoài KCN. Các hạng mục khác (như: cây xanh, điện,...) đang tiếp tục triển khai và dự kiến hoàn thành trong năm 2014. Khu tái định cư đã được xây dựng đúng quy định, bảo đảm quyền lợi của nhân dân và đáp ứng tiến độ xây dựng KCN.
- Về thu hút đầu tư: Đến nay đã có 28 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với số vốn đăng ký 22.747 tỷ đồng, vốn thực hiện: 13.612 tỷ đồng; trong đó có một số dự án lớn như Nhà máy Đạm Ninh Bình công suất 1.760 tấn/ngày, nhà máy May NienHsing công suất 24 triệu sản phẩm/năm, Nhà máy Kính Tràng An công suất 300 tấn/ngày, nhà máy sản xuất cần gạt nước ôtô ADM21 50 triệu sản phẩm/năm, Nhà máy luyện thép chất lượng cao Kyoei công suất 1 triệu tấn thép luyện và 500.000 tấn thép cán/năm; có 09 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, tổng mức đầu tư 5.756,5 tỷ đồng, tương đương 295 triệu USD. Hiện còn khoảng 35 ha đất đang kêu gọi thu hút đầu tư.
- Về khu nhà ở cho công nhân làm việc trong KCN: Đã phê duyệt Quy hoạch chi tiết, kế hoạch năm 2013 xây dựng hạ tầng và giao đất cho các dự án căn cứ nhu cầu nhà ở của công nhân.
2. Khu công nghiệp Tam Điệp
- Về Quy hoạch:
+ Nằm trong Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 theo Quyết định 1107/QĐ-TTg ngày 21/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ; được mở rộng diện tích từ 200ha lên 450ha tại văn bản số 1818/TTg-KTN ngày 29/10/2008 ngày 29/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ.
Quy hoạch chi tiết đã được UBND tỉnh phê duyệt với quy mô 357ha (giai đoạn I là 200ha, giai đoạn II là 157ha) trong đó đất xây dựng nhà máy là 228,3ha.
- Về Cơ sở hạ tầng: Hiện đã hoàn thành công tác GPMB và lập dự án đầu tư xây dựng hạ tầng giai đoạn I, cơ bản đáp ứng nhu cầu đầu tư của các dự án.
- Về thu hút đầu tư:
+ Giai đoạn 1: Có 13 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn đăng ký 4.582,4 tỷ đồng, vốn thực hiện 4.228 tỷ đồng; trong đó, có một số dự án lớn như: Nhà máy sản xuất, gia công giày dép, vật tư, nguyên liệu giày dép xuất khẩu ADORA công suất 10 triệu sản phẩm/năm (sử dụng hơn 6.000 lao động); Nhà máy xi măng Tam Điệp công suất 1,4 triệu tấn/năm...; có 03 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, tổng mức đầu tư 399,8 tỷ đồng, tương đương 20,17 triệu USD.
+ Giai đoạn 2: Có 02 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư với số vốn đăng ký 730,6 tỷ đồng, vốn thực hiện 705,6 tỷ đồng; trong đó có 01 dự án có vốn đầu tư nước ngoài tổng mức đầu tư 705,6 tỷ đồng, tương đương 33,6 triệu USD.
3. Khu công nghiệp Gián Khẩu
- Về Quy hoạch:
Nằm trong Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 theo văn bản số 1818/TTg-KTN ngày 29/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ và đã có quyết định thành lập của UBND tỉnh.
Quy hoạch chi tiết đã được UBND tỉnh phê duyệt giai đoạn I với quy mô 162,1 ha (giai đoạn II khoảng 100 ha chưa quy hoạch chi tiết), trong đó đất xây dựng nhà máy là 131,8ha.
- Về cơ sở hạ tầng: Đã cơ bản xây dựng hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và đi vào hoạt động có hiệu quả. Đã hoàn thành san lấp mặt bằng, đường giao thông, hệ thống thoát nước, cấp điện, cấp nước, thông tin liên lạc, cây xanh, đang hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải, dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2013.
- Về thu hút đầu tư: Có 22 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn đăng ký 9.624,03 tỷ đồng, vốn thực hiện 10.327,5 tỷ đồng; trong đó có một số dự án lớn như: Nhà máy xi măng TheVissai 2,7 triệu tấn/năm, Nhà máy sản xuất ô tô Thành Công 13.000 xe/năm, Nhà máy may Đài Loan, Nhà máy gỗ Tài Anh; có 06 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, tổng mức đầu tư 4.169,305 tỷ đồng, tương đương 216,043 triệu USD.
- Về khu nhà ở cho công nhân làm việc trong KCN: Đã phê duyệt Quy hoạch chi tiết; theo kế hoạch, năm 2013 sẽ xây dựng hạ tầng và giao đất cho các dự án căn cứ nhu cầu nhà ở của công nhân.
4. Khu công nghiệp Khánh Cư
- Về Quy hoạch:
Nằm trong Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 theo văn bản số 1818/TTg-KTN ngày 29/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ;
Quy hoạch chi tiết đã được UBND tỉnh phê duyệt với quy mô 191,95ha. Diện tích đã thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất là 67,344ha, diện tích đã chi trả đền bù cho các hộ dân là 35 ha; diện tích đã bố trí cho các nhà máy là 13,76ha (gồm: Công ty LILAMA là 5 ha). Do phần diện tích còn lại chủ yếu là đất lúa, đề nghị thu hẹp diện tích theo Quy hoạch tổng thể từ 170ha xuống còn 67,344ha (phần diện tích đã thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất từ đất trồng lúa sang đất công nghiệp).
- Về cơ sở hạ tầng: Chưa hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, chưa xây dựng cơ sở hạ tầng.
- Về thu hút đầu tư: Đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty cổ phần lắp máy Lilama thực hiện dự án nhà máy chế tạo thiết bị và kết cấu thép Lilama (tổng mức đầu tư 71,03 tỷ đồng) với diện tích 5ha đất và bố trí cho Công ty cổ phần Xi măng Hệ Dưỡng là 8,76ha.
5. Khu công nghiệp Phúc Sơn
- Về Quy hoạch:
Nằm trong Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 theo văn bản số 1818/TTg-KTN ngày 29/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ.
Quy hoạch chi tiết đã được UBND tỉnh phê duyệt với quy mô 142,14ha trong đó đất có thể cho thuê là 93,3ha;
- Về cơ sở hạ tầng: Đang triển khai công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, bắt đầu đầu tư xây dưng hạ tầng.
- Về thu hút đầu tư: Đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 01 dự án có vốn đầu tư nước ngoài số vốn đăng ký 270,4 tỷ đồng, tương đương 13 triệu USD, sử dụng 8,75ha đất; có 01 dự án đã có chủ trương đầu tư và thông báo địa điểm, diện tích khoảng 40ha (Nhà máy sản xuất bia Sài Gòn - Xuân Thành).
- Về khu nhà ở cho công nhân làm việc trong KCN: Đã phê duyệt Quy hoạch chi tiết, kế hoạch năm 2014 xây dựng hạ tầng và giao đất cho các dự án căn cứ nhu cầu nhà ở của công nhân.
NỘI DUNG ĐIỀU CHỈNH, BỔ SUNG QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÁC KHU CÔNG NGHIỆP TỈNH NINH BÌNH
I. Các KCN đề nghị bổ sung vào Quy hoạch
1. Khu công nghiệp Kim Sơn
Đề nghị thành lập khu công nghiệp Kim Sơn diện tích 686 ha.
Căn cứ Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ 20 về việc phát triển một số khu công nghiệp tại vùng ven biển Kim Sơn nơi có nhiều ưu thế và đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng biển; Hiện tại, tỉnh đã giao UBND huyện Kim Sơn quy hoạch vùng kinh tế biển Kim Sơn, trong đó có quy hoạch 1 KCN. Việc bổ sung KCN là phù hợp với yêu cầu phát triển của tỉnh.
- Tên gọi: Khu công nghiệp Kim Sơn.
- Vị trí: Thuộc địa bàn các xã: Kim Đông, Kim Trung, huyện Kim Sơn.
- Đánh giá hiện trạng:
+ Địa hình bằng phẳng, là vùng đất mở, đất mới thuận lợi cho công tác quy hoạch, đầu tư, không có dân cư sinh sống nên thuận lợi trong công tác GPMB.
+ Cơ sở hạ tầng: Vị trí địa lý thuận lợi về giao thông đường thủy, xây dựng cảng. Nguồn điện: từ trạm biến áp 110KV cấp điện tuyến Ninh Bình - Kim Sơn. Nguồn nước được cấp từ nhà máy nước của huyện Kim Sơn.
- Điều kiện phát triển:
+ Với vị trí thuận lợi, KCN Kim Sơn hiện đề nghị đưa vào quy hoạch với quy mô diện tích khoảng 686 ha, thuộc địa bàn huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, nằm trong khu vực quy hoạch vùng kinh tế biển của tỉnh, địa hình bằng phẳng, thuận lợi cho xây dựng hạ tầng; là một điểm công nghiệp được ưu tiên phát triển nhất của tỉnh Ninh Bình, với mục tiêu mở rộng và thu hút nhiều hơn các dự án đầu tư có tổng mức đầu tư lớn, tỉnh Ninh Bình chủ trương mở rộng quy mô, quy hoạch thành một khu công nghiệp hiện đại, phát triển.
+ Nhiều nhà đầu tư đã và đang tìm hiểu, đăng ký đầu tư vào huyện Kim Sơn như: Nhà máy may của Hàn Quốc, may Đài Loan, thủ công mỹ nghệ của các nhà đầu tư trong nước, chế biến thực phẩm, hải sản... Do chưa có trong quy hoạch, một số nhà máy không bố trí được địa điểm tại đây và tỉnh đã phải bố trí tại khu, cụm công nghiệp khác.
- Dự kiến bố trí các loại hình công nghiệp:
+ Vận tải;
+ Dịch vụ cảng biển;
+ Đóng tàu;
+ Năng lượng;
+ Chế biến thủy - hải sản;
+ Công nghệ thực phẩm;
+ Công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp, thủy sản;
+ May mặc, thủ công mỹ nghệ kết hợp với dịch vụ du lịch;
+ Một số loại hình công nghiệp khác.
II. Đề nghị điều chỉnh giảm diện tích, dừng thực hiện các KCN:
1. Khu công nghiệp Khánh Cư
Đề nghị thu hẹp diện tích theo Quy hoạch tổng thể từ 170ha xuống còn 67,344ha (phần diện tích đã thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất từ đất trồng lúa sang đất công nghiệp) do gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng.
2. Khu công nghiệp Sơn Hà:
Dừng thực hiện do không có điều kiện để đầu tư xây dựng và thu hút các dự án đầu tư.
3. Khu công nghiệp Xích Thổ:
Dừng thực hiện do không có điều kiện để đầu tư xây dựng và thu hút các dự án đầu tư.
Bảng tổng hợp các khu công nghiệp tỉnh Ninh Bình đề nghị điều chỉnh, bổ sung qui hoạch phát triển các khu công nghiệp Việt Nam
TT | Tên khu công nghiệp, địa điểm | Quy mô (ha) | Dự kiến bố trí các loại hình công nghiệp |
I | Các khu công nghiệp thành lập mới đề nghị bổ sung |
|
|
1 | Khu công nghiệp Kim Sơn Các xã: Kim Đông, Kim Trung huyện Kim Sơn | 686 | Vận tải; Dịch vụ cảng biển; đóng tàu; Chế biến thủy - hải sản; năng lượng; công nghệ thực phẩm; công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp, thủy sản; may mặc, thủ công mỹ nghệ kết hợp với dịch vụ du lịch; một số loại hình công nghiệp khác. |
II | Các KCN đề nghị giảm diện tích, dừng thực hiện |
| Lý do |
1 | Khu công nghiệp Khánh Cư Thuộc địa bàn các xã: Khánh Cư, Khánh Hải, huyện Yên Khánh | 67 | Giảm diện tích do khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng; diện tích còn lại chủ yếu là đất lúa |
2 | Khu công nghiệp Xích Thổ Thuộc địa bàn các xã: Xích Thổ, Gia Sơn huyện Nho Quan. | 0 | Dừng thực hiện do không thể thu hút đầu tư |
3 | Khu công nghiệp Sơn Hà Các xã: Sơn Hà, Quảng Lạc huyện Nho Quan | 0 | Dừng thực hiện do không thể thu hút đầu tư |
KIỆN PHÁT TRIỂN VÀ GIẢI PHÁP HUY ĐỘNG NGUỒN VỐN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG HẠ TẦNG CÁC KHU CÔNG NGHIỆP
I. Các kiện để điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các khu công nghiệp tỉnh Ninh Bình
1. Về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội:
Khi lựa chọn vị trí khu công nghiệp mới đã xem xét đến hiệu quả và tính khả trong việc đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật đảm bảo chi phí đầu tư thấp, phù hợp với điều kiện của từng địa bàn. Với Khu công nghiệp Kim Sơn cơ sở hạ tầng xã hội đã có sẵn, chỉ tiến hành đầu tư nâng cấp các công trình này là có thể đáp ứng yêu cầu của các khu công nghiệp.
Về khu nhà ở và dịch vụ công nhân phục vụ cho các khu công nghiệp: Quy hoạch khu nhà ở công nhân phục vụ KCN Gián Khẩu, KCN Khánh Phú, KCN Phúc Sơn đã được phê duyệt, hiện tỉnh đang kêu gọi, thu hút đầu tư để xây dựng hạ tầng cũng như giao đất cho các doanh nghiệp có nhu cầu; Các khu công nghiệp khác sẽ được bố trí quy hoạch và triển khai xây dựng khu nhà ở khi có nhu cầu.
2. Căn cứ vào hiện kết quả thu hút đầu tư trong những năm qua, nhu cầu đầu tư của các nhà đầu tư trong và ngoài nước đang rất cao, do xu hướng hội nhập toàn cầu của thế giới, việc Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức thương mại thế giới cũng như phương châm mở cửa trong hội nhập và phát triển đã tạo rất nhiều ưu thế trong việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Mặt khác, tỉnh Ninh Bình có những thế mạnh riêng về tài nguyên thiên nhiên (như: Đá vôi, đất sét trữ lượng trên chục tỷ tấn, chiếm diện tích trên 12 vạn ha, phân bố đều trên toàn tỉnh chất lượng rất tốt là thế mạnh để phát triển công nghiệp sản xuất xi măng vật liệu xây dựng và phụ gia công nghiệp); đồng thời, có nguồn lao động dồi dào với tổng dân số trên 90 vạn người và có trên 50 vạn người đang ở độ tuổi lao động, trong đó có 80% là lao động nông nghiệp và lâm nghiệp. Những điều kiện trên là cơ sở để các khu công nghiệp đa dạng về tính chất phát triển.
II. Giải pháp huy động vốn đầu tư xây dựng hạ tầng:
1. Phương thức đầu tư
Để huy động và khai thác có hiệu quả nguồn vốn đầu tư, việc đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp được thực hiện theo các phương thức sau:
- Phương thức đầu tư theo hình thức BOT:
UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch sử dụng đất, xác định mốc giới, giao đất; nhà đầu tư chịu trách nhiệm lập quy hoạch chi tiết, đầu tư xây dựng hạ tầng, tổ chức kêu gọi các dự án đầu tư, quản lý khai thác và kinh doanh hệ thống hạ tầng.
Đây là phương thức đầu tư chủ đạo, từ nay đến 2015 tích cực kêu gọi, thu hút từ 1-2 nhà đầu tư thực hiện theo hình thức này (với KCN Kim Sơn và KCN Tam Điệp giai đoạn 2).
- Phương thức đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách:
UBND tỉnh tổ chức lập quy hoạch, đầu tư xây dựng, quản lý và khai thác hạ tầng. Với phương thức này ngân sách tỉnh chỉ thực hiện các hạng mục: giải phóng mặt bằng, xây dựng tuyến đường giao thông chính, thoát nước, đảm bảo cấp điện, cấp nước đến chân hàng rào và chỉ hỗ trợ san lấp mặt bằng đối với những doanh nghiệp đóng góp nhiều cho ngân sách của tỉnh.
2. Nguồn kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng
- Vốn của nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng: Có chính sách khuyến khích kêu gọi các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài bỏ vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư và kinh doanh hạ tầng các khu công nghiệp; UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành một số chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh tại Quyết định số 28/2012/QĐ-UBND ngày 23/11/2012.
- Vốn ứng trước của các nhà đầu tư trong khu công nghiệp: Vận động các doanh nghiệp trong khu công nghiệp ứng vốn để bồi thường GPMB (số tiền này sẽ được trừ vào tiền thuê đất hàng năm) hoặc nộp trước tiền thuê đất.
- Ngân sách của tỉnh: Chi cho việc lập quy hoạch chi tiết và đầu tư xây dựng một số hạng mục chính (với những khu công nghiệp không có nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng).
- Vốn huy động của các nhà đầu tư thứ phát: Tạo điều kiện để Ngành điện, cấp nước, bưu chính, xử lý nước thải, chất thải...bỏ vốn đầu tư và kinh doanh các dịch vụ trên trong khu công nghiệp trên cơ sở tuân thủ quy hoạch và quy chế của khu công nghiệp.
- Nguồn kinh phí hỗ trợ từ Trung ương: Đề nghị Chính phủ tiếp tục hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp theo quy định chung.
III. Giải pháp thu hút đầu tư
- Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính: Thực hiện nghiêm túc cơ chế "Một cửa liên thông" tại Ban quản lý các khu công nghiệp trong việc tiếp nhận, thẩm định, cấp giấy chứng nhận đầu tư, thành lập doanh nghiệp, hợp đồng thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, khắc dấu, mã số thuế... không để các nhà đầu tư phải tự làm các thủ tục trên ở nhiều cơ quan.
- Xây dựng, ban hành chính sách về giá thuê đất, các ưu đãi khuyến khích đầu tư vào khu, cụm công nghiệp với yêu cầu đầy đủ, cụ thể, dễ áp dụng, tạo nên sự đơn giản cho nhà đầu tư khi vào nghiên cứu đầu tư.
- Hàng năm xây dựng kế hoạch và bố trí ngân sách đủ để thực hiện chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư và có giải pháp thực hiện thẩm tra, cấp ưu đãi đầu tư cho các dự án nhanh chóng.
- Đẩy mạnh việc thông tin, quảng bá thu hút đầu tư trên các phương tiện thông tin hiện có và tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của Trung ương, các doanh nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Trong những năm qua, Ninh Bình đã tập trung mọi nguồn lực để đẩy nhanh tốc độ phát triển công nghiệp và bước đầu đã đạt được những kết quả khá. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2012 đạt 14.133 tỷ đồng, tăng 14,6% so với năm 2011, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, thu hút và giải quyết việc làm cho nhiều lao động, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.
Với mục tiêu: Tập trung mọi nguồn lực để đẩy mạnh tốc độ phát triển công nghiệp, ưu tiên phát triển công nghiệp tập trung tại các khu, cụm công nghiệp, những dự án lớn, có ưu thế cạnh tranh và truyền thông, tạo mọi điều kiện để các thành phần kinh tế hoạt động sản xuất - kinh doanh có hiệu quả, phấn đấu đạt các chỉ tiêu phát triển công nghiệp theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 20.
Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình trân trọng đề nghị Thủ tướng Chính phủ:
1. Xem xét, phê duyệt quy hoạch phát triển các Khu công nghiệp tỉnh Ninh Bình đến năm 2015, định hướng đến năm 2020; phê duyệt điều chỉnh, bổ sung danh mục các Khu công nghiệp tỉnh Ninh Bình vào danh mục phát triển các khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2020.
2. Để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trong điều kiện tỉnh còn khó khăn, đề nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho đầu tư xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp của tỉnh Ninh Bình.
1. Bản đồ liên hệ vùng.
2. Bản đồ Quy hoạch các khu công nghiệp đến năm 2015, định hướng đến năm 2020.
3. Bản đồ Quy hoạch chi tiết Khu công nghiệp Khánh Phú, Khu công nghiệp Gián Khẩu, Khu công nghiệp Tam Điệp, Khu công nghiệp Phúc Sơn, Khu công nghiệp Khánh Cư.
4. Quyết định 1107/QĐ-TTg ngày 21/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020.
5. Văn bản số 1818/TTg KTN ngày 29/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung các KCN của tỉnh Ninh Bình vào Quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam.
6. Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 02/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh công tác quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của các KKT, KCN, CCN.
7. Văn bản số 2479/BKHĐT-QLKKT ngày 11/4/2012 của Bộ Kế hoạch & Đầu tư về việc hướng dẫn Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 02/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh công tác quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của các KKT, KCN, CCN.
8. Văn bản số 154/UBND-VP4 ngày 13/4/2012 của UBND tỉnh Ninh Bình về việc chấn chỉnh công tác quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp
9. Văn bản số 171/UBND-VP4 ngày 19/4/2012 của UBND tỉnh Ninh Bình về việc thực hiện Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 02/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh công tác quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động các KKT, KCN, CCN.
10. Kế hoạch phát triển công nghiệp của Tỉnh Ninh Bình đến năm 2015.
11. Văn bản số 1723/CP-CN ngày 17/12/2003 của Chính phủ cho phép thành lập Khu công nghiệp Ninh Phúc.
12. Quyết định số 1678/QĐ-UB ngày 20/7/2004 của UBND tỉnh về việc thành lập Khu công nghiệp Ninh Phúc.
13. Quyết định số 94/QĐ-BXD ngày 14/01/2004 của Bộ trưởng Bộ xây dựng về việc phê duyệt Quy hoạch Khu công nghiệp Ninh Phúc.
14. Quyết định số 258/QĐ-UBND ngày 19/3/2009 của UBND tỉnh Ninh Bình về việc đổi tên khu công nghiệp Ninh Phúc thành khu công nghiệp Khánh Phú;
15. Quyết định số 16/QĐ-UBND ngày 04/01/2008 của UBND tỉnh Ninh Bình phê duyệt Quy hoạch chi tiết Khu công nghiệp Tam Điệp.
16. Quyết định số 2766/QĐ-UBND ngày 06/12/2007 của UBND tỉnh Ninh Bình phê duyệt điều chỉnh mở rộng Quy hoạch chi tiết Cụm công nghiệp Gián Khấu, huyện Gia Viễn.
17. Quyết định số 1262/QĐ-UBND ngày 23 tháng 10 năm 2009 của UBND tỉnh Ninh Bình về việc thành lập Khu công nghiệp Gián Khẩu, tỉnh Ninh Bình.
18. Quyết định số 04/QĐ-UBND ngày 05/01/2010 của UBND tỉnh Ninh Bình phê duyệt Quy hoạch chi tiết KCN sạch Phúc Sơn và khu nhà ở công nhân, nhà ở thương mại thành phố Ninh Bình.
19. Quyết định số 317/QĐ-UBND ngày 05/02/2008 của UBND tỉnh Ninh Bình phê duyệt quy hoạch chi tiết sử dụng đất cụm công nghiệp Khánh Cư, huyện Yên Khánh.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Quyết định 2882/QĐ-UBND năm 2010 phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng khu thương mại, dịch vụ, công nghiệp và phân kỳ đầu tư khu công nghiệp Thạnh Lộc, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang tỷ lệ 1/2000, quy mô 250,06ha
- 2Quyết định 1975/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 khu công nghiệp Chấn Hưng tại huyện Vĩnh Tường-tỉnh Vĩnh Phúc
- 3Quyết định 1119/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng Khu công nghiệp Đồng Xoài II, xã Tiến Thành, thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước
- 4Quyết định 441/QĐ-UBND.HC năm 2014 phê duyệt đề cương và kinh phí điều chỉnh Quy hoạch phát triển khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020
- 1Thông tư 15/2005/TT-BXD hướng dẫn lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng do Bộ xây dựng ban hành
- 2Quyết định 21/2005/QĐ-BXD về việc ban hành quy định hệ thống ký hiệu bản vẽ trong các đồ án quy hoạch xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành
- 3Quyết định 1107/QĐ-TTg năm 2006 phê duyệt Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Nghị định 08/2005/NĐ-CP về quy hoạch xây dựng
- 5Quyết định 06/2005/QĐ-BXD về Định mức chi phí quy hoạch xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành
- 6Nghị định 29/2008/NĐ-CP về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế
- 7Công văn số 1818/TTg-KTN về việc điều chỉnh, bổ sung các khu công nghiệp của tỉnh Ninh Bình vào Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 8Nghị quyết 57/NQ-CP năm 2012 về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011 - 2015) tỉnh Ninh Bình do Chính phủ ban hành
- 9Quyết định 2882/QĐ-UBND năm 2010 phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng khu thương mại, dịch vụ, công nghiệp và phân kỳ đầu tư khu công nghiệp Thạnh Lộc, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang tỷ lệ 1/2000, quy mô 250,06ha
- 10Quyết định 28/2012/QĐ-UBND quy định về chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Ninh Bình
- 11Quyết định 2171/2007/QĐ-UBND về Đề án đào tạo sau đại học cho cán bộ lãnh đạo, quản lý và đối tượng dự nguồn giai đoạn 2007-2015 do tỉnh Ninh Bình ban hành
- 12Quyết định 1975/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 khu công nghiệp Chấn Hưng tại huyện Vĩnh Tường-tỉnh Vĩnh Phúc
- 13Quyết định 1119/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng Khu công nghiệp Đồng Xoài II, xã Tiến Thành, thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước
- 14Công văn 2479/BKHĐT-QLKKT năm 2012 hướng dẫn Chỉ thị 07/CT-TTg về chấn chỉnh công tác quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của khu kinh tế, khu công nghiệp và cụm công nghiệp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
- 15Quyết định 441/QĐ-UBND.HC năm 2014 phê duyệt đề cương và kinh phí điều chỉnh Quy hoạch phát triển khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020
Đề án 02/ĐA-UBND năm 2013 điều chỉnh quy hoạch phát triển khu công nghiệp tỉnh Ninh Bình đến năm 2015, định hướng đến năm 2020
- Số hiệu: 02/ĐA-UBND
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 14/06/2013
- Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Bình
- Người ký: Đinh Văn Điến
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra