Hệ thống pháp luật

TỔNG CỤC HẢI QUAN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 6326/TCHQ-GSQL

Hà Nội, ngày 06 tháng 11 năm 1999

 

CÔNG VĂN

CỦA TỔNG CỤC HẢI QUAN SỐ 6326/TCHQ-GSQL NGÀY 06 THÁNG 11 NĂM 1999 VỀ VIỆC SỬ DỤNG TÊN GỌI XUẤT XỨ ĐỐI VỚI HÀNG GIA CÔNG

Kính gửi:

- Bộ Thương mại
- Bộ Công nghiệp
- Bộ Khoa học Công nghệ và môi trường
- Phòng Thương mại và Công nghiệp VN

Ngày 30/8/1999 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 178/1999/QĐ-TTg về quy chế ghi nhãn hàng hoá lưu thông trong nước và hàng hoá xuất nhập khẩu trong đó quy định: Đối với các hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu phải ghi tên nước xuất xứ. Quyết định này không quy định cụ thể đối với sản phẩm gia công cho nước ngoài.

Trước đó, vấn đề này có được đề cập tại Nghị định 63/CP ngày 24/10/1996 của Chính phỷ quy định chi tiết về sở hữu công nghiệp. Điều 66 (Bảo vệ lợi ích người tiêu dùng...) của Nghị định này có quy định: Nếu sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam theo li xăng của nước ngoài hoặc mang phản hiệu hàng hoá của nước ngoài hoặc có nguồn gốc từ nước ngoài thì bắt buộc phải ghi một cách đầy đủ "Sản xuất tại Việt Nam" lên sản phẩm.

Theo Tổng cục Hải quan hiểu thì quy định tại các văn bản trên là nhằm để bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, nên chỉ những sản phẩm nào tiêu thụ tại thị trường Việt Nam mới bị điều chỉnh bởi các quy định đó, còn các sản phẩm gia công xuất khẩu thì được điều chỉnh bởi quy định tại Điều 15 Nghị định 57/1998/NĐ-CP ngày 31/7/1998 của Chính phủ.

Điểm d, Khoản 1 Điều 15 Nghị định số 57/1998/NĐ-CP quy định: Bên thuê gia công chịu trách nhiệm về quyền sử dụng tên gọi xuất xứ hàng hoá. Trường hợp tên gọi xuất xứ hàng hoá đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam thì phải có giấy chứng nhận của Cục Sở hữu Công nghiệp Việt Nam.

Theo quy định này, trừ trường hợp gắn tên gọi xuất xứ hàng hoá đã được đăng ký và bảo hộ tại Việt Nam lên sản phẩm gia công thì mới phải có giấy chứng nhận của Cục sở hữu công nghiệp Việt Nam, còn các trường hợp khác, nếu trong hợp đồng gia công đã quy định bên thuê gia công chịu trách nhiệm về việc gắn tên gọi xuất xứ lên sản phẩm thì sản phẩm gia công tại Việt Nam để xuất khẩu được gắn tên gọi xuất xứ nước ngoài. Quy định này đã tháo gỡ được vấn đề gắn tên gọi xuất xứ, một vướng mắc lớn trước Nghị định 57/1998/NĐ-CP ngày 31/7/1998 của Chính phủ. Theo tinh thần đó, sau khi tham khảo ý kiến của các bộ, ngành liên quan và một số doanh nghiệp chuyên làm gia công, Tổng cục Hải quan đã ban hành Thông tư 03/1998/TT-TCHQ ngày 29/8/1998 hướng dẫn thi hành Nghị định 57/1998/NĐ-CP ngày 31/7/1998 của Chính phủ trong đó vấn đề nhãn hiệu hàng hoá và tên gọi xuất xứ được đề cập tại Điểm 3 phần II như sau: trong hợp đồng các bên phải thoả thuận về việc sử dụng nhãn hiệu hàng hoá và tên gọi xuất xứ hàng hoá. Bên thuê gia công phải cam kết chịu trách nhiệm về việc sử dụng nhãn hiệu hàng hoá, tên gọi xuất xứ hàng hoá và chịu trách nhiệm giải quyết các tranh chấp liên quan đến việc sử dụng nhãn hiệu hàng hoá, tên gọi xuất xứ hàng hoá.

Trường hợp nhãn hiệu hàng hoá và tên gọi xuất xứ đó trùng với nhãn hiệu hàng hoá và tên gọi xuất xứ đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam, thì phải có Giấy chứng nhận của Cục sở hữu Công nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, trong Công văn số 4443/CV-CNCL ngày 25/10/1999 gửi Tổng cục Hải quan, Vụ quản lý công nghệ và chất lượng sản phẩm, Bộ Công nghiệp chỉ căn cứ vào Quyết định 178/1999/QĐ-TTg ngày 30/8/1999 để giải thích rằng: "Mọi hàng hoá sản xuất và gia công tại Việt Nam khi xuất khẩu đều phải ghi xuất xứ hàng hoá và hàng hoá không được ghi là của nước ngoài khi sản xuất tại Việt Nam". Giải thích này đặt ra vấn đề các Bộ, ngành có liên quan cần phải xem xét và thống nhất lại vấn đề này.

Theo Tổng cục Hải quan, sản phẩm gia công cho nước ngoài là sản phẩm thuộc quyền sở hữu của bên thuê gia công và xuất khẩu khỏi Việt Nam do đó các sản phẩm này không bị điều chỉnh như các sản phẩm tiêu thụ ở trong nước. Mặt khác, đây chính là một trong những ách tắc trong gia công hàng xuất khẩu được tháo gỡ ở Nghị định 57/1998/NĐ-CP. Hơn nữa, để xác định xuất xứ hàng hoá phải căn cứ vào nhiều tiêu chuẩn chứ không đơn giản như văn bản giải thích của Vụ Quản lý công nghệ và chất lượng sản phẩm - Bộ Công nghiệp. Vì vậy, Tổng cục Hải quan đề nghị đối với các hợp đồng gia công cho nước ngoài mà toàn bộ sản phẩm xuất khẩu ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, thì việc gắn tên gọi xuất xứ lên sản phẩm gia công được áp dụng như quy định tại Nghị định 57/1998/NĐ-CP ngày 31/7/1998 của Chính phủ và Thông tư 03/1998/TT-TCHQ ngày 29/8/1998 của Tổng cục Hải quan. Riêng đối với sản phẩm gia công nếu được phép tiêu thụ tại thị trường Việt Nam thì buộc phải ghi rõ là sản xuất tại Việt Nam (Made in Vietnam) để tránh gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

Tổng cục Hải quan rất mong sớm nhận được ý kiến của các Bộ về vấn đề này để tránh gây ra ách tắc cho hoạt động gia công xuất khẩu của doanh nghiệp.

 

Nguyễn Văn Cầm

(Đã ký)

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn về việc xử dụng tên gọi xuất xứ đối với hàng gia công

  • Số hiệu: 6326/TCHQ-GSQL
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 06/11/1999
  • Nơi ban hành: Tổng cục Hải quan
  • Người ký: Nguyễn Văn Cầm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 06/11/1999
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản