Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
0BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1574TC/ĐTPT | Hà Nội, ngày 14 tháng 5 năm 1996 |
Kính gửi: | - Các Bộ, các cơ quan ngang Bộ, |
Việc quản lý, cho vay vốn tín dụng ưu đãi Bộ Tài chính đã có hướng dẫn tại Thông tư số 106 TC/ĐT ngày 8-12-1994. Để triển khai kịp thời kế hoạch cho vay vốn tín dụng ưu đãi năm 1996 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1730/KTTH ngày 13-4-1996, Bộ Tài chính hướng dẫn dưới đây việc quản lý, cấp và thu hồi vốn tín dụng ưu đãi thuộc kế hoạch năm 1996 do Tổng cục Đầu tư phát triển quản lý như sau:
1. Việc thực hiện kế hoạch tín dụng ưu đãi năm 1996 phải tuân thủ những nguyên tắc sau đây:
a. Đối tượng dự án được vay vốn tín dụng ưu đãi thuộc kế hoạch Nhà nước năm 1996;
Nguồn vốn tín dụng ưu đãi Nhà nước do Tổng cục Đầu tư phát triển quản lý theo kế hoạch Nhà nước năm 1996 được dùng để vay vốn hỗ trợ đối với các dự án có khả năng thu hồi vốn trực tiếp với các đối tượng sau:
- Các dự án về điện, dầu khí, than, sắt thép, xi măng, gạch đá, hạ tầng khu chế xuất, khu công nghiệp.
- Các dự án về phân bón, hoá chất, tàu đánh cá biển xa bờ, vùng cây công nghiệp dài ngày, vùng nguyên liệu giấy.
- Các dự án về chế biến và bảo quản nông sản, thực phẩm, lâm sản và thuỷ hải sản.
- Các dự án về sản xuất giống cây trồng, vật nuôi và chế biến thức ăn gia súc.
- Các dự án về chế tạo cơ khí, chế biến dược phẩm.
- Dự án về dệt, da, may mặc, ngành sứ, giấy và công nghiệp in.
- Thiết bị cho một số công trình thuỷ lợi nhỏ, công trình cấp nước và thiết bị thi công (Loại đặc chủng lớn do yêu cầu đấu thầu Quốc tế).
- Phương tiện vận chuyển hành khách công cộng trong các thành phố, đô thị lớn, phương tiện vận tải đường sông, thiết bị bốc xếp nhà ga, bến cảng.
- Một số công trình du lịch trọng điểm, trung tâm thương mại ở các cửa khẩu Quốc gia.
- Về thành phần kinh tế ngoài các doanh nghiệp Nhà nước, cho các hợp tác xã, tư nhân được vay vốn đối với một số đối tượng: Phương tiện đánh bắt cá xa bờ, sản xuất vật liệu xây dựng, làm nhà ở vùng lũ lụt, nuôi bò sữa, một số trường dân lập.
b. Đơn vị vay vốn chịu trách nhiệm lập hồ sơ vay vốn, ký hợp đồng tín dụng với hệ thống Tổng cục Đầu tư phát triển, sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả và trả nợ vay (gốc lãi) theo đúng hợp đồng tín dụng đã ký kết.
c. Lãi suất vay vốn tín dụng ưu đãi năm 1996 là 1,1%/tháng.
d. Các dự án vay vốn phải có tài sản thế chấp. Trường hợp không có hoặc không đủ tài sản thế chấp phải được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ.
e. Hệ thống Tổng cục ĐTPT được mở tài khoản tiền gửi tại hệ thống Kho bạc Nhà nước để tiếp nhận nguồn vốn, cho vay, thu hồi nợ vay (gốc lãi).
2. Điều kiện để dự án được vay vốn tín dụng ưu đãi đầu tư:
- Có kế hoạch được duyệt.
- Có dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Có tài sản thế chấp.
- Đơn vị vay vốn phải tận dụng triệt để vốn tự có để tham gia đầu tư, vốn tín dụng ưu đãi chỉ hỗ trợ phần còn thiếu. Vốn vay theo kế hoạch Nhà nước 1996 dùng để thi công xây lắp công trình và mua sắm máy móc, thiết bị. Các đơn vị vay vốn phải dùng vốn tự có hoặc các nguồn vốn hợp pháp khác để đảm bảo các chi phí khảo sát, thiết kế, thăm dò thị trường, lập, trình duyệt dự án khả thi và các chi phí thuộc giai đoạn chuẩn bị đầu tư.
4. Hồ sơ vay vốn và ký kết hợp đồng tín dụng:
a. Các đơn vị vay vốn phải gửi đến cơ quan cho vay vốn các tài liệu sau:
- Dự án đầu tư và quyết định phê duyệt dự án đầu tư của cấp có thẩm quyền.
- Quyết định thành lập doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh, hành nghề.
- Quyết định bổ nhiệm Giám đốc, kế toán trưởng doanh nghiệp.
- Thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán được duyệt.
- Bản giải trình tình hình sản xuất kinh doanh - tài chính của doanh nghiệp và dự án vay vốn.
- Quyết định cấp đất, giấy phép xây dựng hợp lệ.
- Văn bản thế chấp tài sản.
Cục Đầu tư phát triển các tỉnh, thành phố xem xét hồ sơ vay vốn, nếu đơn vị vay vốn có khả năng trả nợ, thì lập tờ trình kèm theo hồ sơ vay vốn trình Tổng cục ĐTPT.
Tổng cục ĐTPT xem xét, kiểm tra, nếu dự án đủ điều kiện vay vốn thì thông báo chỉ tiêu tín dụng cho các Cục Đầu tư phát triển để Cục ký hợp đồng tín dụng với đơn vị vay vốn.
b. Ký hợp đồng tín dụng căn cứ vào Thông tư số 106 TC/ĐT ngày 8-12-1994 của Bộ Tài chính và văn bản này, Cục Đầu tư phát triển tiến hành ký hợp đồng tín dụng với đơn vị vay vốn.
a. Căn cứ để cấp vốn vay là:
- Hợp đồng tín dụng đã ký kết.
- Hạn mức vốn Cục Đầu tư phát triển thực nhận.
- Thiết kế, dự toán được duyệt.
- Hợp đồng giao nhận thầu thi công xây lắp và cung ứng vật tư thiết bị của đơn vị vay vốn với các đơn vị nhận thầu hợp pháp.
- Biên bản nghiệm thu, phiếu giá thanh toán và các chứng từ khác có liên quan.
b. Cấp vốn vay:
- Hình thức cấp vốn vay.
Nếu dự án thực hiện thông qua hình thức đấu thầu và chọn thầu thì đơn vị vay vốn có thể tạm ứng vốn cho các cơ quan nhận thầu theo chế độ quy định .
Khi có khối lượng hoàn thành, đủ điều kiện thanh toán, đơn vị vay vốn sẽ thu hồi tạm ứng bằng cách trừ dần vào khoản thanh toán khối lượng hoàn thành.
Nếu dự án được thực hiện bằng hình thức chỉ định thầu thì đơn vị vay vốn căn cứ vào hợp đồng giao nhận thầu, các chứng từ thanh toán hợp lệ như đã nêu ở điểm 5.a nói trên để cấp vốn cho đơn vị nhận thầu theo chế độ quy định. 6. Thu nợ và lãi vay.
- Đơn vị vay vốn có trách nhiệm trả nợ vay (gốc lãi) đúng hợp đồng tín dụng đã ký kết, đơn vị vay vốn có thể trả nợ trước hạn.
- Đến kỳ hạn trả nợ, đơn vị vay vốn không trả, Cục Đầu tư phát triển chuyển số nợ phải trả sang nợ quá hạn và tính lãi suất bằng 150% lãi suất thông thường.
- Đơn vị vay vốn không có khả năng trả được nợ thì Cục Đầu tư phát triển có quyền phát mại tài sản thế chấp đủ để thu nợ vay (gốc lãi) theo quy định hiện hành.
Khi chưa trả hết nợ (gốc lãi), đơn vị vay vốn muốn nhượng bán tài sản, vật tư thuộc vốn vay, thì phải được sự thoả thuận trước của Cục Đầu tư phát triển bằng văn bản và phải hoàn trả đủ nợ vay (gốc lãi) bằng tiền thu bán tài sản, vật tư thuộc vốn vay Cục Đầu tư phát triển.
Trường hợp đơn vị vay vốn bị sát nhập, giải thể, liên doanh, cổ phần hoá... thì đơn vị phải trả đủ nợ vay cho Cục Đầu tư phát triển, nếu đơn vị không trả được nợ vay thì người ra quyết định sát nhập, giải thể, liên doanh, cổ phần hoá... có trách nhiệm trả thay.
Sau khi đơn vị vay vốn đã trả hết nợ vay (gốc lãi), Cục Đầu tư phát triển cùng đơn vị vay vốn ký biên bản thanh lý hợp đồng tín dụng.
8. Kiểm tra và xử lý các vi phạm.
- Hệ thống Tổng cục ĐTPT có trách nhiệm kiểm tra trước, trong khi cho vay và sau khi dự án đã hoàn thành đưa vào sản xuất, sử dụng cho đến khi đơn vị vay trả hết nợ vay (gốc lãi). Trường hợp phát hiện dự án không có hiệu quả hoặc đơn vị vay vốn sử dụng vốn sai mục đích, Cục Đầu tư phát triển có quyền đình chỉ cho vay, thông báo cho đơn vị vay vốn rõ lý do, đồng thời báo cáo Bộ Tài chính (Tổng cục ĐTPT) để xử lý.
- Đơn vị vay vốn có trách nhiệm xuất trình đầy đủ hồ sơ pháp lý, các tài liệu có liên quan đến việc sử dụng vốn vay và tình hình sản xuất kinh doanh của đơn vị vay vốn khi đơn vị cho vay vốn yêu cầu.
- Mọi vi phạm về việc sử dụng vốn vay phải được xử lý theo đúng pháp luật.
Trong quá trình thực hiện, có gì vướng mắc đề nghị các Bộ, ngành và các địa phương phản ánh kịp thời về Bộ tài chính để nghiên cứu giải quyết.
| Lê Thị Băng Tâm (Đã ký) |
Công văn về việc cấp và thu hồi vốn tín dụng ưu đãi năm 1996
- Số hiệu: 1574TC/ĐTPT
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 14/05/1996
- Nơi ban hành: Bộ Tài chính
- Người ký: Lê Thị Băng Tâm
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 14/05/1996
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra