Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BAN CẢI TẠO CÔNG THƯƠNG NGHIỆP TƯ DOANH
********

VIỆT NAM DÂN  CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: /BCT
Về một số biện pháp cụ thể trong khi tiến hành cải tạo và quản lý đối với nhà cửa cho thuê của các tôn giáo

Hà Nội, ngày 25 tháng 8 năm 1960

 

CÔNG VĂN

CỦA BAN CẢI TẠO CÔNG THƯƠNG NGHIỆP TƯ DOANH TRUNG ƯƠNG NGÀY 25 THÁNG 8 NĂM 1960 VỀ MỘT SỐ BIỆN PHÁP CỤ THỂ TRONG KHI TIẾN HÀNH CẢI TẠO VÀ QUẢN LÝ ĐỐI VỚI NHÀ CỬA CHO THUÊ CỦA CÁC TÔN GIÁO

 Kính gửi: Các ban cải tạo khu, thành phố, tỉnh,

I- MẤY NÉT TÌNH HÌNH

Thi hành chỉ thị số 200/CT-TW ngày 30 tháng 3 năm 1960 của Ban bí thư, Nghị quyết ngày 30 tháng 3 năm 1960 của Hội đồng Chính phủ, (trong phiên họp Hội nghị Thường vụ của Hội đồng Chính phủ) các nghị định số 19/CP ngày 29 tháng 6 năm 1960 của Hội đồng Chính phủ ban hành về việc cải tạo và quản lý đối với nhà cửa cho thuê của tư nhân ở các thành phố và thị xã., trung ương đã tiến hành đợt thí điểm cải tạo nhà cho thuê ở thị xã Hải Dương và hiện nay sắp mở rộng phong trào tới các địa phương có nhà cho thuê khác.

Trong khi tiến hành cải tạo ở Hải Dương cũng như trong khi điều tra tình hình ở các địa phương khác, thì tình hình chiếm hữu nhà cho thuê của các tôn giáo chiếm một tỷ lệ diện tích cho thuê khá lớn. Theo số liệu điều tra sơ bộ thì:

- Ở Hà Nội: các tôn giáo chiếm một diện tích cho thuê là 29.735 thước vuông với doanh thu hàng năm là 74.835 đồng.

- Ở Hải Phòng: Nhà chung chiếm trên 130 nhà với diện tích trên 60.000 thước vuông.

- Ở Nam Định: Nhà chung chiếm 38 nhà với diện tích cho thuê là 9.250 thước vuông và doanh thu hàng năm là 6.634 đồng v.v...

Về nguồn gốc chiếm hữu thì hầu hết số nhà cho thuê ấy đều chủ yếu xây dựng trên thế lực và uy quyền của đế quốc và phong kiến trước đây và phần nhỏ trên sự đóng góp và lễ lạt của tín đồ, nhất là trong Thiên chúa giáo. Từ lâu, những nhà cửa ấy đều cho thuê với tính chất kinh doanh của họ cũng biểu hiện nhiều mặt tiêu cực.

- Chỉ biết thu tiền nhà mà không chịu tu sửa nhà hư hỏng để đảm bảo an toàn cho người thuê ở;

- Tìm cách nâng giá nhà một cách quá đáng, giá cho thuê nhà của họ còn hết sức bất hợp lý;

- Dùng thủ đoạn cắt điện, nước hoặc nhiều hành động khó dễ khác nhằm đuổi người thuê đi, để nâng giá nhà;

- Việc sử dụng nhà ở cũng như việc bảo quản nhà còn nhiều bất hợp lý v. v...;

- Quan hệ thuê mượn giữa người thuê và người quản lý nhà cho thuê của các tôn giáo có nhiều mâu thuẫn làm ảnh hưởng không tốt đến việc đoàn kết trong nội bộ nhân dân, vì quần chúng thuê nhà của các tôn giáo chỉ có một số ít là giáo dân, còn phần đông là những người không theo một tôn giáo nào, nên mỗi lần có sự va chạm về kinh tế thì đồng thời cũng có ảnh hưởng ít nhiều đến vấn đề đoàn kết giáo lương.

Đối với số nhà cửa cho thuê ấy, quần chúng giáo dân, nhất là quần chúng theo đạo Thiên chúa, hiện nay vẫn chưa nhận ra được tính chất bóc lột và thủ đoạn kinh doanh xấu xa, trái lại, họ còn quan niệm rằng những nhà cửa cho thuê ấy là tài sản thiêng liêng của đạo giáo họ.

Đợt thí điểm ở Hải Dương cũng đã chứng minh rõ những điểm trên. Sắp tới, khi mở rộng phong trào đến các địa phương có nhiều nhà cho thuê của các tôn giáo thì tình hình sẽ có những diễn biến phức tạp, chúng ta cần có những biện pháp thận trọng và tốt hơn, nhằm đạt được mục đích yêu cầu là cải tạo quan hệ thuê mượn nhà cửa tư nhân hiện nay.

II- NHỮNG BIỆN PHÁP CỤ THỂ

Sau khi trao đổi nhất trí với Ban Tôn giáo vận trung ương, chúng tôi nêu một số biện pháp cụ thể sau đây:

1. Căn cứ vào đường lối, phương châm chính sách của Trung ương, thài độ của chúng ta đối với nhà cửa cho thuê của các tôn giáo về nguyên tắc là cũng phải áp dụng chính sách cải tạo như đối với tư nhân có cho thuê khác. Nếu những nhà cửa cho thuê đủ khỏi điểm cải tạo thì cải thạo (theo nghị định số 19/CP); nếu chưa đủ khởi điểm cải tạo thì để họ tiếp tục tư quản lý dưới sự giám đốc của Nhà nước (theo nghị định số 20/CP).

Song, vì đặc điểm tình hình giáo dân nói trên và do vấn đề này thường dễ có liên quan đến chính sách đối với tôn giáo của Đảng và Chính phủ và hình thức đấu tranh thích hợp nhằm thực hiện được phương châm; Làm tốt về chính trị và kinh tế, chú trọng về mặt chính trị.

Cụ thể là về mặt kinh tế phải xoá bỏ quan hệ thuê mượn bóc lột, xây dựng quan hệ thuê mượn mới về cho thuê nhà. Không có gì khác với mục đích, yêu cầu chung. Nhưng về mặt chính trị thì phải chú trọng đến sự tranh thủ quần chúng giáo dân hưởng ứng và tham gia thực hiện chính sách cải tạo được tốt, nhất là đối với những người giáo dân thuê nhà của nhà chung, nhà chùa. Trên cơ sở đó, thuyết phục tranh thủ những người quản lý nhà cho thuê của nhà chung, nhà chùa chấp hành chính sách của Đảng và Chính phủ. Trước mắt là họ giao nhà cho thuê qua: Nhà nước quản lý và sử dụng, Nhà nước sẽ để lại cho nhà chung, nhà chùa được tiếp tục hưởng một số tiền thuê như nghị định của Chính phủ đã ban hành (từ 15% đến 50% số tiền thuê). Số tiền còn lại Nhà nước sẽ sử dụng vào mục đích tu sửa nhà nhằm bảo đảm an toàn cho người thuê ở và làm cho chất lượng nhà cửa được tốt hơn trước, kéo dài được thời gian sử dụng.

Đối với một số ít phần tử ngoan cố chống đối cải tạo, ta cần tranh thủ giáo dân và số đông trong những người quản lý để đấu tranh với chúng, nhất là phải vạch trần những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của chúng và thái độ đối với chính sách của chúng, tiếp đó nếu xết cần thiết thì có biện pháp xử lý khác, sau khi đã thỉnh thị kỹ cấp uỷ trên (thông qua các Ban cải tạo).

2. Về phương pháp, ở những nơi nào nhà cho thuê của các tôn giáo, nói chung, chúng ta không tiến hành cải tạo cùng một lúc với đợt cải tạo nhà cửa cho thuê của tư nhân khác. Có thể tiến hành một đợt riêng và như vậy thì thời gian nên đặt sau khi đợt cải tạo chung đã kết thúc, để ta có điều kiện tập trung chỉ đạo, tập trung cán bộ và thời gian làm cho tốt. Trong đợt này Ban cải tạo cần phải phối hợp với Ban Tôn giáo vận địa phương một cách chặt chẽ, yêu cầu cán bộ Tôn giáo vận trực tiếp tham gia công tác giáo dục quần chúng giáo dân và công tác thuyết phục tranh thủ người quản lý nhà cho thuê của các tôn giáo.

Trong việc tổ chức học tập chính sách, ta không nên triệu tập những người quản lý nhà cho thuê của nhà chung, nhà chùa đến dự học chung với các chủ nhà khác, mà chỉ cần chính quyền triệu tập riêng họ đến để phổ biến cách nghị định của Chính phủ và trách nhiệm họ phải thi hành. Sau đó, Mặt trận cần gặp gỡ riêng những người có trách nhiệm trong Ban quản lý hoặc những người đại diện và những người linh mục tốt để giáo dục tranh thủ họ tích cực thi hành nghị định và làm đơn xin giao nhà qua Nhà nước quản lý và sử dụng, đồng thời họ xin mức hưởng tỷ lệ tiền thu thuê nhà.

3. Đối với quần chúng thuê nhà của các tôn giáo thì nên tổ chức họ thành những tổ học tập riêng. Nội dung học tập cần làm cho họ hiểu rõ tinh thần của các nghị định của Chính phủ, hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của người đi thuê nhà để tích cực chấp hành pháp luật của Nhà nước, hiểu rõ những xấu xa của quan hệ thuê mượn bóc lột hiện nay và sự cần thiết phải giao nhà cửa cho thuê để Nhà nước quản lý cho thuê, sửa chữa, phân phối và sử dụng. Về thời gian học tập thì tuỳ địa phương ấn định cho sát, nhưng nên thu xếp ngoài những giờ đi lễ của đồng bào Thiên chúa giáo.

Trên đây là mấy ý kiến sơ bộ, trong khi tiến hành cải tạo, chúng ta cần có sự tập trung chỉ đạo đúng mức, đồng thời chú trọng phát hiện sớm những vấn đề cụ thể khác để kịp thời bàn bạc giải quyết đầy đủ hơn.

 

 

Nguyễn Văn Thao

(Đã ký)