BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 980/LĐTBXH-TL | Hà Nội, ngày 24 tháng 3 năm 1999 |
CÔNG VĂN
CỦA BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI SỐ 980/LĐTBXH-TL NGÀY 24 THÁNG 03 NĂM 1999 VỀ VIỆC THÀNH LẬP, CỦNG CỐ BỘ PHẬN CHUYÊN TRÁCH LÀM CÔNG TÁC LAO ĐỘNG,TIỀN LƯƠNG TRONG DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC
Kính gửi: | - Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ |
Tổ chức, sử dụng lao động đúng, có hiệu quả và thực hiện tốt chính sách, chế độ nhằm khuyến khích người lao động trong sản xuất, công tác là một nội dung hết sức quan trọng đối với quá trình sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế. Vì vậy trong thời gian qua Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp lý nhằm chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý lao động, tiền lương nói chung và trong các doanh nghiệp nói riêng để phù hợp với yêu cầu của công cuộc đổi mới. Từ khi Bộ luật lao động, các Pháp lệnh, Nghị định và các văn bản của Nhà nước có liên quan đến vấn đề lao động, mới nhất là việc ban hành Nghị định số 28/CP ngày 28/3/1997 của Chính phủ về đổi mới quản lý tiền lương, thu nhập trong các doanh nghiệp Nhà nước thì công tác lao động, tiền lương đã được chấn chỉnh và tăng cường một bước.
Tuy nhiên, qua sơ kết 3 năm thực hiện Bộ luật lao động và hai năm thực hiện Nghị định số 28/CP nói trên cho thấy công tác lao động, tiền trong các doanh Nhà nước còn nhiều mặt chưa bảo đảm đầy đủ các yêu cầu, các quy định của Bộ luật lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật lao động, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực sự đạt hiệu quả cao trong kinh tế thị trường như:
- Công tác tuyển dụng, sử dụng và đào tạo lao động chưa chặt chẽ, hợp lý dẫn đến tình trạng nhiều nơi lao động dôi dư lớn; thiếu lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao;
- Công tác định mức lao động chưa được quan tâm đúng mức làm cho việc xác định số lao động, tiền lương và trả lương cho người lao động không gắn với hiệu quả sản xuất, tiền lương còn bình quân chưa gắn với năng suất, chất lượng, hiệu quả của từng đơn vị, từng người.
- Việc thực hiện các quy định của Bộ luật lao động như ký kết hợp đồng lao động, xây dựng thoả ước lao động tập thể, nội quy lao động, công tác an toàn - vệ sinh lao động, bảo hiểm xã hội, lập hội đồng hoà giải để giải quyết tranh chấp lao động v.v..., tổ chức thực hiện chưa nghiêm túc hoặc mang tính hình thức.
Nguyên nhân của tình hình trên có nhiều, trong đó có nguyên nhân hết sức quan trọng là tổ chức, bộ máy và cán bộ của bộ phận làm công tác lao động, tiền lương chưa được Ban Giám đốc quan tâm đúng mức theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 28/CP để các cán bộ này thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, giúp doanh nghiệp chấp hành đầy đủ chính sách, pháp luật lao động.
Xuất phát từ thực tiễn đó, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề nghị Bộ trưởng các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tổng Công ty hạng đặc biệt quan tâm hơn nữa đến việc tiếp tục chỉ đạo thực hiện Nghị định số 28/CP trong đó đặc biệt quan tâm chỉ đạo ngay chấn chỉnh, củng cố bộ phận chuyên trách làm công tác lao động, tiền lương và bố trí cán bộ có đủ năng lực, nơi nào chưa có bộ phận chuyên trách thì cho thành lập nhằm khắc phục những tồn tại nêu trên và thực hiện tốt những nội dung cơ bản của công tác lao động, tiền lương, cụ thể:
- Chấn chỉnh, tăng cường việc xây dựng, đăng ký định mức lao động, tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật, tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ, đơn giá tiền lương, lập sổ lương và thực hiện quy chế trả lương.
- Chấn chỉnh việc xây dựng nội quy lao động, xây dựng các thoả ước lao động tập thể.
- Chấn chỉnh công tác tuyển dụng, sắp xếp, đào tạo lao động và thực hiện các chính sách khác liên quan đến người lao động để nâng cao chất lượng lao động và hiệu quả sử dụng lao động.
Để có cơ sở xây dựng chức năng, nhiệm vụ của bộ phận chuyên trách làm công tác lao động, tiền lương trong các doanh nghiệp Nhà nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội gửi kèm theo văn bản này những nội dung chủ yếu của công tác lao động, tiền lương trong doanh nghiệp như là tài liệu hướng dẫn.
Trong quá trình thực hiện, nếu có gì vướng mắc, đề nghị các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố và các Tổng Công ty hạng đặc biệt phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để nghiên cứu, giải quyết.
NHỮNG NỘI DUNG CHỦ YẾU VỀ QUẢN LÝ LAO ĐỘNG, TIỀN LƯƠNG TRONG CÁC DOANH NGHIỆP
(Ban hành kèm theo Công văn số 980/LĐTBXH-TL ngày 24/03/1999 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)
a. Về quản lý lao động:
Tham mưu giúp Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc:
- Xây dựng kế hoạch và biên chế lao động hằng năm và từng thời kỳ theo phương án sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; xác định số lao động tăng, giảm hằng năm và theo từng thời kỳ phát triển của doanh nghiệp;
- Xây dựng quy chế tuyển dụng và tổ chức quản lý lao động hằng năm theo yêu cầu;
- Ký kết hợp đồng lao động và đăng ký hợp đồng lao động theo quy định.
- Xây dựng chương trình giải quyết việc làm trong doanh nghiệp theo chương trình quốc gia về giải quyết việc làm;
- Xây dựng chương trình và tổ chức dạy nghề, bồi dưỡng nghề, nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động.
- Cùng tổ chức công đoàn xây dựng và bổ sung, sửa đổi Thoả ước lao động tập thể;
- Thực hiện chế độ bảo hộ lao động, bồi dưỡng độc hại, thời gian làm việc, nghỉ ngơi; Mạng lưới an toàn viên về an toàn lao động và vệ sinh lao động;
- Thực hiện chế độ cho thôi việc, nghỉ việc, chế độ khen thưởng, kỷ luật, bồi thường vật chất theo quy định của Nhà nước;
- Đề xuất và triển khai thực hiện các giải pháp tổ chức lao động khoa học, biện pháp giải quyết việc làm cho người lao động trong doanh nghiệp;
- Tham mưu giải quyết những vấn đề xung quanh việc tranh chấp lao động;
- Thống kê, tổng hợp phân tích, đánh giá tình hình về số lượng, chất lượng lao động, sử dụng lao động (kế hoạch, thực tế), thời gian lao động; lao động dôi thừa, nghỉ việc, đề xuất phương án sử dụng lao động phù hợp với tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh trong doanh nghiệp.
b. Về quản lý tiền lương:
Tham mưu giúp Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc:
- Tổ chức xây dựng và quản lý định mức lao động;
- Hướng dẫn, xây dựng đơn giá tiền lương trên cơ sở định mức lao động; lập kế hoạch, phân bổ đơn giá tiền lương cho các đơn vị thành viên; xác định quỹ tiền lương thực hiện theo quy định của Nhà nước;
- Xây dựng và tổ chức thực hiện quy chế trả lương, trả thưởng;
- Xây dựng chức danh, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ đối với viên chức chuyên môn, nghiệp vụ; tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật đối với công nhân viên trực tiếp sản xuất, kinh doanh; tổ chức bồi dưỡng thi nâng ngạch, thi nâng bậc thợ trong doanh nghiệp;
- Xem xét và đề nghị xếp hạng doanh nghiệp theo quy định của Nhà nước;
- Theo dõi tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện công tác lao động - tiền lương trong doanh nghiệp;
- Nghiên cứu, tham gia ý kiến, đề xuất chính sách, chế độ về lao động, tiền lương đặc thù đối với lao động;
- Quản lý lao động, tiền lương doanh nghiệp liên doanh do doanh nghiệp góp vốn;
- Kiểm tra hoặc phối hợp thanh tra tình hình thực hiện các chế độ, chính sách về lao động, tiền lương ở các doanh nghiệp, đơn vị thành viên thuộc quyền quản lý theo quy định của Nhà nước;
c. Về quản lý bảo hiểm xã hội:
- Hướng dẫn người lao động thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế;
- Theo dõi danh sách người lao động đóng và hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
- Thực hiện và hỗ trợ chính sách xã hội, người có công, tham gia các chương trình xoá đói giảm nghèo v.v...
d. Hằng năm, tham mưu để Giám đốc doanh nghiệp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ cho đội ngũ viên chức chuyên môn, nghiệp vụ làm công tác lao động - tiền lương và định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm doanh nghiệp phải thực hiện sơ kết, tổng kết đánh giá việc thực hiện công tác lao động, tiền lương trong phạm vi quản lý để phát hiện, uốn nắn, bổ sung hoàn chỉnh chính sách nhằm khuyến khích và bảo vệ quyền lợi của người lao động, góp phần thực hiện tốt kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
| Nguyễn Thị Hằng (Đã ký) |
Công văn thành lập, củng cố bộ phận chuyên trách làm công tác lao động, tiền lương trong doanh nghiệp Nhà nước
- Số hiệu: 980/LĐTBXH-TL
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 24/03/1999
- Nơi ban hành: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
- Người ký: Nguyễn Thị Hằng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 24/03/1999
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực