Hệ thống pháp luật

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 28-CP

Hà Nội, ngày 28 tháng 3 năm 1997

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 28-CP NGÀY 28 THÁNG 3 NĂM 1997 VỀ ĐỔI MỚI QUẢN LÝ TIỀN LƯƠNG, THU NHẬP TRONG CÁC DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp Nhà nước ngày 20 tháng 4 năm 1995;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Nay quy định mức lương tối thiểu để tính đơn giá tiền lương trong các doanh nghiệp Nhà nước như sau:

1. Các doanh nghiệp Nhà nước dược áp dụng hệ số diều chỉnh tăng thêm tiền lương tối thiểu không quá 1,5 lần so với mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định để làm cơ sở tính đơn giá tiền tiền lương. Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội căn cứ vào giá cả sinh hoạt, tiền công lao động trên thị trường ở từng vùng, ngành và hiệu quả kinh doanh để hướng dẫn cụ thể hệ số điều chỉnh này đối với các doanh nghiệp Nhà nước.

2. Khi áp dụng hệ số điều chỉnh tăng thêm này phải bảo đảm nguyên tắc không làm giảm các khoản nộp ngân sách Nhà nước, đặc biệt là không giảm lợi nhuận so với năm trước đã thực hiện, trừ trường hợp Nhà nước can thịêp điều chỉnh giá bán sản phẩm hoặc giá dịch vụ của doanh nghiệp.

3. Hàng năm, căn cứ vào chỉ số trượt giá, tốc độ tăng trưởng kinh tế, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sau khi trao đổi, thống nhất ý kiến với Bộ Tài chính và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam điều chỉnh hệ số mức lương tối thiểu để tính đơn giá tiền lương cho phù hợp.

Điều 2. Việc đóng và hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của công nhân, viên chức trong các doanh nghiệp Nhà nước vẫn tính theo hệ số mức lương quy định tại Nghị định số 26/CP ngày 23 tháng 5 năm 1993 của Chính phủ và mức lương tối thiểu chung do Chính phủ quy định

Điều 3. Quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi của doanh nghiệp được thực hiện theo quy định tại khoản 4 và 5, Điều 33, Quy chế quản lý tài chính và hạch toán kinh doanh đối với Doanh nghiệp Nhà nước ban hành kèm theo Nghị định số 59/CP ngày 03 tháng 10 năm 1996 của Chính phủ.

Điều 4. Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội ban hành mẫu sổ lương thống nhất trong các doanh nghiệp Nhà nước. Tiền lương và thu nhập thực nhận hàng tháng của người lao động được ghi đầy đủ trong sổ lương của doanh nghiệp theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội làm cơ sở cho việc kiểm tra, thanh tra thực hiện chính sách tiền lương và thực hiện thuế thu nhập cá nhân theo quy định của Nhà nước.

Điều 5. Việc xây dựng, xét duyệt và quản lý đơn giá tiền lương của các doanh nghiệp Nhà nước phải đảm bảo các quy định sau đây:

1. Đơn giá tiền lương được xây dựng trên cơ sở định mức lao động trung bình tiên tiến của doanh nghiệp và các thông số tiền lương do Nhà nước quy định.

2. Bảo đảm quan hệ tiền lương bình quân hợp lý giữa các doanh nghiệp Nhà nước; tiền lương thực tế thực hiện bình quân của doanh nghiệp cao nhất không vượt quá 2 lần tiền lương bình quân chung của tất cả các doanh nghiệp được giao đơn giá và phải đảm bảo nguyên tắc tốc độ tăng tiền lương thấp hơn tốc độ tăng năng suất lao động.

3. Các doanh nghiệp chưa xây dựng định mức lao dộng và chưa có đơn giá tiền lương được duyệt thì quỹ tiền lương thực hiện chỉ quyết toán bằng tổng số lao động thực tế sử dụng với hệ số mức lương bình quân do cơ quan giao đơn giá quyết định và mức lương tối thiểu chung do Chính phủ quy định.

Điều 6. Hội đồng Quản trị hoặc Giám đốc doanh nghiệp Nhà nước (đối với doanh nghiệp không só Hội Đồng Quản trị) phải thực hiện đầy đủ các quy định sau đây:

1. Chấn chỉnh công tác quản lý lao động, định mức lao động, tiền lương, tiền thưởng theo đúng quy định của Chính phủ.

2. Xây dựng và đăng ký định mức lao động theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

3. Xây dựng đơn giá tiền lương trên cơ sở định mức lao động và các thông số tiền lương do Chính Phủ quy định để trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chậm nhất vào quý I của năm kế hoạch.

4. Phối hợp với Ban chấp hành Công đoàn xây dựng và ban hành quy chế trả lương, trả thưởng trong doanh nghiệp. Quy chế này phải đảm bảo nguyên tắc phân phối theo lao động, gắn tiền lương, tiền thưởng với năng suất lao động, hiệu quả công việc của từng người, khuyến khích dược người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao. Quy chế trả lương, trả thưởng phải được phổ biến đến từng người lao động trong doanh nghiệp và phải đăng ký cùng với nội quy lao động tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định của Bộ luật lao động.

Điều 7. Các cơ quản lý Nhà nước thực hiện trách nhiệm, quyền hạn theo quy định sau đây:

1. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:

- Hướng dẫn các doanh nghiệp phương pháp xây dựng định mức lao động và đăng ký định mức lao động với cơ quan có thẩm quyền.

- Hướng dẫn các doanh nghiệp phương pháp xây dựng đơn giá tiền lương, các thông số tiền lương, hệ số điều chỉnh tiền lương tối thiểu theo vùng, theo ngành để tính đơn giá tiền lương.

- Quản lý, giao đơn giá tiền lương đối với các doanh nghiệp xếp hạng đặc biệt theo Quyết định số 185/TTg ngày 28 tháng 3 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ.

- Thông báo mức lương bình quân chung của tất cả các doanh nghiệp được giao đơn giá để điều chỉnh mức lương thực hiện bình quân của doanh nghiệp cao nhất.

- Chỉ đạo các Bộ, ngành, các địa phương kiểm tra và điều chỉnh định mức lao động, đơn giá tiền lương của doanh nghiệp để bảo đảm tiền lương và thu nhập hợp lý.

2. Các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực thực hiện việc đăng ký, quản lý định mức lao động và giao đơn giá tiền lương cho các doanh nghiệp thuộc quyền quản lý.

3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hộ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện đăng ký, quản lý định mức lao động và giao đơn giá tiền lương cho các doanh nghiệp Nhà nước thuộc địa phương quản lý và các Công ty Cổ phần có trên 50% vốn do các doanh nghiệp Nhà nước góp, đóng trên địa bàn địa phương.

4. Hàng năm, các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kết quả đăng ký định mức lao động, đơn giá tiền lương và tình hình tiền lương, thu nhập của doanh nghiệp thuộc quyền quản lý.

Điều 8. Các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các doanh nghiệp Nhà nước tổ chức và củng cố hệ thống làm công tác lao động - tiền lương nhằm thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, yêu cầu của công tác quản lý theo Bộ luật Lao động và Luật doanh nghiệp Nhà nước, thực hiện việc xây dựng định mức, tổ chức và phân công lao động, xây dựng đơn giá tiền lương và phân phối tiền lương gắn với năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh doanh của các dơn vị và cá nhân người lao động theo quy định của Nhà nước.

Điều 9. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sau khi trao đổi ý kiến với Bộ Tài chính và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn cụ thể thi hành Nghị định này.

Điều 10. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 1997. Các quy định trước đây trái với Nghị định này đều bãi bỏ.

Điều 11. Các Bộ Trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ và cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

Phan Văn Khải

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 28-CP năm 1997 về việc đổi mới quản lý tiền lương, thu nhập trong các doanh nghiệp Nhà nước

  • Số hiệu: 28-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 28/03/1997
  • Nơi ban hành: Chính phủ
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 9
  • Ngày hiệu lực: 01/01/1997
  • Ngày hết hiệu lực: 04/01/2005
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản