Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 7892/BGTVT-KCHTGT
V/v: Nâng cấp, cải tạo đường ngang cấp III tại Km 1193 + 750 tuyến đường sắt Hà Nội – thành phố Hồ Chí Minh.

Hà Nội, ngày 28 tháng 10 năm 2008

 

Kính gửi: - Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.

Xét đề nghị tại công văn số 367/SGTVT ngày 27 tháng 6 năm 2008 của Sở Giao thông vận tải Phú Yên và ý kiến của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tại công văn số 1734/ĐS – CSHT ngày 12 tháng 8 năm 2008 về việc đề nghị cho nâng cấp, cải tạo đường ngang cấp III phòng vệ bằng biển báo tại Km 1193 + 750 tuyến đường sắt Hà Nội – thành phố Hồ Chí Minh thành đường ngang cấp III phòng vệ bằng tín hiệu cảnh báo tự động, trong kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt theo quyết định 1856/QĐ – TTg ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải có ý kiến như sau:

1. Do là đường nội thị (mặt đường rộng 6m, nền đường rộng 7m) thuộc phường Bình Kiến, thành phố Tuy Hòa, tỉnh phú Yên giao cắt với đường sắt tuyến Hà Nội – thành phố Hồ Chí Minh tại Km 1193 + 750 (lý trình đường sắt). Đây là nơi có mật độ tàu xe và người qua lại lớn, vì vậy trong giai đoạn trước mắt, để đảm bảo an toàn giao thông khi chưa có điều kiện xây dựng giao cắt khác mức hoặc cải dịch vị trí đường ngang này, Bộ Giao thông vận tải đồng ý cho phép nâng cấp, cải tạo đường ngang cấp III phòng vệ bằng biển báo tại Km 1193 + 750 tuyến đường sắt Hà Nội – thành phố Hồ Chí Minh thành đường ngang cấp III phòng vệ bằng tín hiệu cảnh báo tự động.

2. Giao Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam xem xét hồ sơ đề nghị cấp phép, lựa chọn các giải pháp kỹ thuật nhằm hạn chế các yếu tố không bảo đảm theo quy định của Điều lệ đường ngang và ra quyết định cho phép chuyển đổi hình thức phòng vệ từ đường ngang cấp III phòng vệ bằng biển báo thành đường ngang cấp III phòng vệ bằng tín hiệu cảnh báo tự động tại Km 1193 + 750 tuyến đường sắt Hà Nội – thành phố Hồ Chí Minh.

3. Kinh phí khảo sát, thiết kế, xây dựng đường ngang do Công ty quản lý đường sắt Phú Khánh và Công ty TTTH đường sắt Sài Gòn thực hiện bằng nguồn vốn do nhà nước cấp cho Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam theo Quyết định 1856/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ.

4. Kinh phí quản lý, bảo trì đường ngang và tổ chức phòng vệ đường ngang do Công ty Quản lý đường sắt Phú Khánh và Công ty TTTH đường sắt Sài Gòn thực hiện bằng nguồn vốn sự nghiệp kinh tế theo kế hoạch nhà nước cân đối hàng năm cho Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.

Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các đơn vị liên quan chủ động phối hợp thực hiện việc cải tạo, nâng cấp đường ngang nói trên để đảm bảo an toàn giao thông đường sắt, đường bộ ./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên,
- BT Hồ Nghĩa Dũng (báo cáo),
- Cục Đường sắt Việt Nam,
- Sở GTVT Phú Yên,
- Công ty QLĐS Phú Khánh,
- Công ty TTTH Đường sắt Sài Gòn,
- Lưu: VT, KCHTGT(3).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Lê Mạnh Hùng