Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 78/TCT-PCCS
V/v: chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp

Hà Nội, ngày 04 tháng 01 năm 2007 

 

Kính gửi: Cục thuế tỉnh Phú Yên

Trả lời công văn số 1504 CT/TH-HT ngày 15/11/2006 của Cục thuế tỉnh Phú Yên về chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:

1. Tại Điểm 2 Mục III Phần B Thông tư số 128/2003/TT-BTC ngày 22/12/2003 và Điểm 9.1 Thông tư số 88/2004/TT-BTC ngày 01/9/2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn chi phí hợp lý để tính thu nhập chịu thuế: "Trường hợp cơ sở kinh doanh mua sản phẩm làm bằng mây, tre, cói, dừa, cọ… của người nông dân trực tiếp làm ra; mua sản phẩm thủ công mỹ nghệ của các nghệ nhân không kinh doanh; mua đất, đá, cát, sỏi của người dân tự khai thác; mua phế liệu của người trực tiếp thu nhặt và một số dịch vụ của cá nhân không kinh doanh, không có hóa đơn, chứng từ theo chế độ quy định thì được lập bảng kê trên cơ sở chứng từ thanh toán của người bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ (mẫu số 04/GTGT-Bảng kê thu mua hàng hóa mua vào không có hóa đơn ban hành kèm theo Thông tư số 120/2003/TT-BTC ngày 12/12/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 158/2003/NĐ-CP ngày 10/12/2003 của Chính phủ). Giám đốc doanh nghiệp duyệt chi theo bảng kê và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của bảng kê".

Tại điểm 7b Mục II Thông tư liên tịch số 94/2003/TTLT/BTC-BTM-BCA ngày 8/10/2003 của Bộ Tài chính-Bộ Thương mại-Bộ Công an hướng dẫn chế độ sử dụng hóa đơn, chứng từ đối với hàng hóa lưu thông trên thị trường hướng dẫn: "đối với đồ dùng cá nhân do người sử dụng trực tiếp bán ra, cơ sở kinh doanh mua lại để bán hoặc nhận hàng ký gửi bán phải lập bảng kê mua hàng, nhận hàng ký gửi bán. Bảng kê do cơ sở kinh doanh lập và tự chịu trách nhiệm (theo mẫu đính kèm). Khi bán hàng, cơ sở kinh doanh phải lập một trong các loại hóa đơn: hóa đơn GTGT, hóa đơn bán hàng hoặc hóa đơn tự in theo chế độ quy định giao cho người mua".

Căn cứ vào các hướng dẫn nêu trên, đối với sản phẩm đặc thù như: mây, tre, cói, dừa, cọ,… của người nông dân, thủ công mỹ nghệ của người trực tiếp làm ra,… và một số dịch vụ của cá nhân không kinh doanh, không có hóa đơn, chứng từ thì phải lập bảng kê mẫu số 04/GTGT và bảng kê mẫu số 04/GTGT là chứng từ để tính vào chi phí hợp lý khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Đối với các mặt hàng xe mô tô, xe ô tô, điện thoại di động, tivi mua của người dân để bán hoặc nhận hàng ký gửi thì cơ sở kinh doanh khi mua phải lập bảng kê theo hướng dẫn tại điểm 7b Mục II Thông tư liên tịch số 94/2003/TTLT/BTC-BTM-BCA nêu trên nhưng không phải lập bảng kê số 04/GTGT. Cơ sở kinh doanh phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của bảng kê và bảng kê này là chứng từ để tính vào chi phí hợp lý khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Đối với các hàng hóa khác khi cơ sở kinh doanh mua của cá nhân, tổ chức không kê khai thuế theo phương pháp khấu trừ thì phải sử dụng hóa đơn bán hàng theo hướng dẫn tại điểm 2 Thông tư số 99/2003/TT-BTC ngày 23/10/2003 hướng dẫn sửa đổi Thông tư số 120/2002/TT-BTC ngày 30/12/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 89/2002/NĐ-CP ngày 07/11/2002 của Chính phủ về việc phát hành, sử dụng, quản lý hóa đơn.

2. Tại Khoản 4 Điều 13 Luật kế toán 17/6/2003 quy định: "Trường hợp kỳ kế toán năm đầu tiên hoặc kỳ kế toán năm cuối cùng có thời gian ngắn hơn 90 ngày thì được phép cộng với kỳ kế toán năm tiếp theo hoặc cộng với kỳ kế toán năm trước đó để hình thành một kỳ kế toán năm. Kỳ kế toán năm đầu tiên hoặc kỳ kế toán năm cuối cùng phải ngắn hơn 15 tháng".

Tại Khoản 3 Điều 13 Luật kế toán 17/6/2003 cũng quy định: "3. Đơn vị kế toán khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi hình thức sở hữu, giải thể, chấm dứt hoạt động hoặc phá sản thì kỳ kế toán cuối cùng tính từ đầu ngày kỳ kế toán năm, kỳ kế toán quý, kỳ kế toán tháng theo quy định tại Khoản 1 Điều này đến hết ngày trước ngày ghi trên quyết định chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi hình thức sở hữu, giải thể, chấm dứt hoạt động hoặc phá sản đơn vị kế toán có hiệu lực."

Căn cứ vào quy định nêu trên doanh nghiệp mới thành lập nếu có kỳ kế toán năm đầu tiên dưới 90 ngày thì được áp dụng theo quy định tại Khoản 4 Điều 13 Luật kế toán nêu trên; các doanh nghiệp chia, tách, sáp nhập, chuyển đổi hình thức sở hữu, giải thể, chấm dứt hoạt động hoặc phá sản thì xác định kỳ kế toán cuối cùng để quyết toán thuế theo quy định tại Khoản 3 Điều 13 Luật kế toán nêu trên, nếu kỳ kế toán cuối cùng xác định theo Khoản 3 Điều 13 có thời gian ngắn hơn 90 ngày thì xác định lại kỳ kế toán theo Khoản 4 Điều 13 Luật kế toán nêu trên.

3. Về trích khấu hao và chi phí hợp lý của tài sản góp vốn trong quá trình hoạt động, Bộ Tài chính đã có công văn số 2926 TC/TCT ngày 14/3/2005 của Bộ Tài chính về việc chứng từ, thuế đối với tài sản dịch chuyển, góp vốn của doanh nghiệp (bản sao đính kèm).

Tổng cục Thuế thông báo để Cục thuế biết và thực hiện./.


Nơi nhận:
- Như trên;
- Vụ PC;
- Lưu: VT, PCCS.

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Phạm Duy Khương

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn số 78/TCT-PCCS của Tổng cục Thuế về việc chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp

  • Số hiệu: 78/TCT-PCCS
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 04/01/2007
  • Nơi ban hành: Tổng cục Thuế
  • Người ký: Phạm Duy Khương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 04/01/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản