Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆTNAM |
Số: 6841/BGDĐT-GDDT | Hà Nội, ngày 12 tháng 8 năm 2009 |
Kính gửi: | - Các Sở Giáo dục và Đào tạo |
Căn cứ Chỉ thị số 4899/2009/CT-BGDĐT ngày 4/8/2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên nghiệp năm học 2009- 2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn và yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường dự bị đại học dân tộc, các khoa dự bị đại học, các trường phổ thông dân tộc nội trú trung ương thực hiện nhiệm vụ năm học 2009- 2010 đối với giáo dục dân tộc như sau:
A- NHIỆM VỤ CHUNG
Năm học 2009- 2010, giáo dục dân tộc tập trung chỉ đạo việc nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt ở các trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT), các trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT), các trường dự bị đại học (DBĐH), các khoa dự bị đại học; củng cố, phát triển trường PTDTBT đảm bảo học sinh có chỗ ở an toàn, đủ ăn, đủ mặc và đủ sách học; phát triển hệ thống trường PTDTNT theo quy hoạch thống nhất; tiếp tục các giải pháp tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc học mầm non, tiểu học; dạy tiếng dân tộc trong các trường phổ thông và sư phạm, bồi dưỡng tiếng dân tộc cho giáo viên vùng dân tộc; nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, tăng cường công tác quản lý giáo dục dân tộc; nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung các chính sách hỗ trợ giáo viên và học sinh ở vùng dân tộc.
B- NHIỆM VỤ CỤ THỂ
I. THỰC HIỆN CÁC CUỘC VẬN ĐỘNG VÀ PHONG TRÀO THI ĐUA CỦA NGÀNH
1. Tiếp Tục Đẩy Mạnh Cuộc Vận Động “Học Tập Và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 33/2006/CT-TTg ngày 08/9/2006 của Thủ tướng Chính phủ “Về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục” và 4 nội dung của cuộc vận động “Hai không” của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tiếp tục triển khai sâu rộng cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”.
2. Tăng cường công tác chỉ đạo thực hiện phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” trong trường PTDTNT, trường PTDTBT phù hợp với đặc điểm văn hóa, xã hội và tâm lý học sinh DTTS. Kết quả chấm điểm các nội dung của phong trào thi đua là tiêu chí để đánh giá thi đua cuối năm học.
Sở Giáo dục và Đào tạo có hướng dẫn cụ thể, phù hợp với tính chất đặc thù của trường PTDTNT, trường PTDTBT và thực tiễn của địa phương trong việc tiếp tục triển khai thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” theo chỉ thị số 40/2008/CT-BGDĐT ngày 22/7/2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, chú trọng vào các công việc trọng tâm sau:
- Tăng cường cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị cho các trường PTDTNT theo hướng trường chuẩn quốc gia. Xây dựng, củng cố nhà ở cho học sinh nội trú tại các trường PTDTBT, đảm bảo cho học sinh dân tộc thiểu số có nhu cầu ở nội trú được ở an toàn, tiện lợi cho sinh hoạt và học tập. Xây dựng nội quy nội trú và yêu cầu học sinh thực hiện nghiêm túc.
- Tổ chức nơi ăn ở của học sinh sạch sẽ, gọn gàng hợp vệ sinh. Phối hợp với cơ sở y tế của địa phương chăm sóc sức khỏe cho học sinh, chủ động, tích cực phòng chống không để xảy ra dịch bệnh. Đặc biệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Quyết định số 4631/QĐ-BGDĐT ngày 16/7/2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành kế hoạch hành động phòng chống đại dịch cúm A (H1N1) trong các cơ sở giáo dục và công văn số 6132/BGDĐT- CTHSSV ngày 21/7/2009 về đẩy mạnh công tác phòng chống đại dịch cúm A (H1N1) trong các cơ sở giáo dục.
- Tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trường PTDTNT, PTDTBT trong đời sống nội trú và sinh hoạt tập thể; giáo dục tinh thần đoàn kết dân tộc sống hòa nhập với tập thể trong trường và cộng đồng nơi học sinh trọ học, khuyến khích học sinh tham gia và bày tỏ ý kiến. Tổ chức các diễn đàn giáo dục với hoạt động phong phú và phù hợp, phát huy vai trò chủ thể của học sinh nhằm làm cho các em có sự tự tin, mạnh dạn hơn trong các hoạt động tập thể, giao tiếp hằng ngày.
- Tiếp tục làm tốt hơn nữa các hoạt động tìm hiểu, chăm sóc và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng của địa phương. Xây dựng nhà truyền thống, nhà sinh hoạt và giáo dục văn hóa dân tộc trong các trường PTDTNT, PTDTBT nhằm giáo dục truyền thống đoàn kết, tự hào dân tộc, động viên học sinh các DTTS học tập, phấn đấu.
II. NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC DÂN TỘC
1. Nâng cao chất lượng giáo dục, dạy học trong các trường PTDTNT, các trường PTDTBT và các trường DBĐH
1.1. Đối với trường phổ thông dân tộc nội trú
- Phân tích kết quả đánh giá, xếp loại học sinh cuối năm học và kết quả tốt nghiệp THCS, THPT của năm học 2008 - 2009. Đặc biệt, cần tiến hành tổng kết công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT ở các trường PTDTNT nhằm đánh giá những thuận lợi, khó khăn bất cập và những biện pháp khắc phục trong việc tổ chức thi theo cụm để rút kinh nghiệm cho những năm học tiếp theo; tiến hành khảo sát chất lượng đầu năm lớp 12 qua đó phân loại học sinh để phân công giáo viên phụ đạo học sinh yếu kém.
- Xây dựng kế hoạch cụ thể trong việc phát triển quy mô, số lượng trường PTDTNT gắn với quy hoạch đào tạo cán bộ của địa phương.
- Tích cực chỉ đạo việc đổi mới phương pháp dạy học trong nhà trường phù hợp với đối tượng học sinh dân tộc thiểu số (DTTS).
- Có kế hoạch tổ chức thao giảng, dự giờ thăm lớp trong trường PTDTNT và với các trường phổ thông trên địa bàn nhằm trao đổi kinh nghiệm quản lý và giảng dạy. Tăng cường ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin trong dạy học. Sử dụng và khai thác triệt để thiết bị, đồ dùng dạy học.
- Có kế hoạch bồi dưỡng, phụ đạo học sinh trong dịp hè, biên soạn và phát triển tài liệu ôn tập phù hợp với từng đối tượng học sinh nhằm củng cố, ôn tập kiến thức cho học sinh DTTS. Đặc biệt, có kế hoạch và tổ chức các hình thức bồi dưỡng phù hợp nhằm nâng cao các kỹ năng sử dụng tiếng Việt đối với từng đối tượng học sinh DTTS.
- Tăng cường các hoạt động lao động sản xuất để luôn tạo ra môi trường xanh, sạch, đẹp trong nhà trường, nâng cao ý thức lao động của học sinh và tạo ra sản phẩm phục vụ đời sống.
- Tăng cường công tác hướng nghiệp cho học sinh, thực hiện phân luồng cho học sinh ngay từ cấp THCS và THPT. Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức đào tạo nghề ngắn hạn cho số học sinh tốt nghiệp chưa tiếp tục hoặc không có điều kiện đi học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp.
- Góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc và giáo dục tri thức địa phương, dạy nghề truyền thống, tích cực sưu tầm và phổ biến các trò chơi dân gian, dân ca, nhạc cụ dân tộc. Tổ chức các cuộc thi, giao lưu về văn hóa các dân tộc (thi thổi khèn, chơi đàn dân tộc, múa hát dân tộc,…). Mỗi trường PTDTNT có một trò chơi dân gian điển hình; mỗi học sinh biết sử dụng thành thạo một loại nhạc cụ dân tộc.
1.2. Đối với trường phổ thông dân tộc bán trú
- Hướng dẫn các trường PTDTBT thực hiện nội dung giảng dạy và giáo dục theo chương trình, sách giáo khoa chung của cả nước; chú ý bổ sung kiến thức về địa phương, về văn hóa dân tộc, tăng cường tiếng Việt. Chú trọng các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng học tập, rèn luyện của bộ phận học sinh nội trú.
- Sử dụng thời gian ngoài giờ lên lớp để phụ đạo học sinh yếu kém, bồi dưỡng học sinh giỏi. Tổ chức tốt giờ tự học; tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể dục, thể thao (chú trọng khai thác vốn văn hóa truyền thống của địa phương).
- Tạo nguồn lực giải quyết nhu cầu lương thực, thực phẩm cho học sinh nội trú. Quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí, lương thực, thực phẩm được hỗ trợ từ các nguồn đúng nguyên tắc và hiệu quả.
1. 3. Đối với các trường dự bị đại học
- Chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học phù hợp đối tượng học sinh, nghiên cứu nội dung môn học theo đề cương môn học mới.
- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy.
- Tổ chức xét tuyển vào đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp đúng quy định, đảm bảo công bằng và hiệu quả.
2. Đảm bảo chất lượng dạy tiếng Việt và tiếng dân tộc
2.1. Dạy tiếng Việt cho HSDT
- Triển khai nội dung chuẩn bị tiếng Việt và tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS mầm non, tiểu học phù hợp với từng địa phương. Đối với lớp 1 vùng DTTS, các địa phương lựa chọn phương án thích hợp để chuẩn bị và tăng cường tiếng Việt cho học sinh theo công văn số 7679/BGDĐT-GDTH ngày 22 tháng 8 năm 2008 về việc hướng dẫn dạy học tiếng Việt lớp 1 cho học sinh DTTS chưa biết hoặc biết ít tiếng Việt.
+ Các địa phương cần tích cực huy động tối đa trẻ em 4, 5 tuổi học lớp mẫu giáo và thực hiện tốt chương trình làm quen với tiếng Việt của lớp mẫu giáo.
+ Các tỉnh thuộc Dự án PEDC triển khai có hiệu quả tài liệu chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ em trước tuổi đến trường.
+ Thực hiện tốt việc dạy học tiếng Việt lớp 1 cho học sinh DTTS theo hướng điều chỉnh dạy học môn tiếng Việt 50 tuần/năm học khi có tài liệu hướng dẫn cụ thể.
+ Đối với 7 tỉnh được Bộ GD&ĐT cho phép thử nghiệm dạy học tiếng Việt cho học sinh DTTS theo tài liệu của Trung tâm Công nghệ giáo dục (Lào Cai, Sơn La, Tây Ninh, Kiên Giang, An Giang, Quảng Bình, Kon Tum) cần triển khai thực hiện đúng địa bàn, đúng số lượng học sinh đã đăng ký và tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả vào cuối học kỳ I, cuối năm học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng đã được quy định của môn học. Chủ động xây dựng kế hoạch triển khai trong năm học 2010-2011, gửi về Bộ (qua Vụ giáo dục tiểu học) vào đầu học kỳ II năm học 2009-2010.
+ Các tỉnh thuộc dự án giáo dục bạn hữu trẻ em (Lào Cai, Gia Lai, Trà Vinh) tích cực chuẩn bị nghiên cứu thực hành giáo dục song ngữ dựa trên tiếng mẹ đẻ, tạo cơ sở cho học sinh học tốt tiếng Việt.
- Tổ chức chương trình giao lưu “Tiếng Việt của chúng em” cho học sinh DTTS cấp tiểu học để nâng cao tình yêu đối với tiếng Việt và kỹ năng sử dụng tiếng Việt của học sinh DTTS.
- Tổ chức các chuyên đề tập huấn cho giáo viên về phương pháp dạy tiếng Việt cho học sinh học sinh DTTS. Giáo viên cần tìm tòi, đổi mới phương pháp dạy học tiếng Việt phù hợp cho học sinh các dân tộc thiểu số.
- Trong quá trình giảng dạy ở cấp tiểu học, các địa phương tiếp tục chỉ đạo vận dụng linh hoạt công văn số 896/BGDĐT- GDTH ngày 13/02/2006 và công văn số 9890/BGDĐT-GDTH, ngày 17/9/2007 hướng dẫn nội dung, phương pháp giáo dục cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn của Bộ GD&ĐT trong việc dạy học tiếng Việt cho phù hợp với đặc điểm đối tượng học sinh DTTS.
- Các địa phương xây dựng và triển khai tốt các phương án dạy tiếng Việt cho học sinh DTTS và báo cáo về Bộ (qua Vụ Giáo dục Dân tộc, theo văn bản hướng dẫn riêng) để xây dựng phương án chung toàn quốc.
2.2. Dạy tiếng dân tộc
- Tiếp tục duy trì việc dạy tiếng dân tộc Chăm, Khmer, Ê đê, Hoa, Bana, Jrai, Hmông trong trường phổ thông. Thực hiện thay sách tiếng Chăm, Jrai, Hmông, Bana, Khmer.
- Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo dạy học tiếng dân tộc theo chương trình, sách giáo khoa và sách giáo viên đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Các địa phương căn cứ vào tình hình của địa phương mình quy định kế hoạch dạy học cụ thể cho các trường, lớp dạy tiếng dân tộc, đảm bảo hoàn thành chương trình quy định.
- Tăng cường cơ sở vật chất cho việc dạy học tiếng dân tộc; chỉ đạo giáo viên sử dụng thiết bị dạy học sẵn có vào dạy học tiếng dân tộc; khuyến khích giáo viên làm đồ dùng dạy học phục vụ dạy học tiếng dân tộc.
- Đẩy mạnh hoạt động bồi dưỡng chuyên môn dạy học tiếng dân tộc cho giáo viên; tăng cường sinh hoạt tổ chuyên môn, dự giờ thăm lớp.
- Chuẩn bị các điều kiện về chương trình, sách giáo khoa, giáo viên,… để triển khai dạy tiếng Mnông trong trường học. Điều chỉnh, hoàn thiện để ban hành chương trình và sách giáo khoa tiếng Hoa.
- Tổ chức thường xuyên và hiệu quả các hoạt động nâng cao chất lượng dạy học tiếng dân tộc; làm tốt công tác thi đua khen thưởng về dạy học tiếng dân tộc.
- Kiểm tra, đánh giá nghiêm túc môn học Tiếng dân tộc. Sử dụng kết quả học tập môn Tiếng dân tộc vào quá trình đánh giá, xếp loại học sinh một cách hợp lí nhằm động viên, khuyến khích học sinh học tiếng dân tộc.
III. NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐỘI NGŨ NHÀ GIÁO, TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÍ GIÁO DỤC DÂN TỘC
1. Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo
- Bổ sung giáo viên có trình độ chuyên môn giỏi, có tâm huyết với giáo dục dân tộc cho các trường PTDTNT, PTDTBT.
- Tổ chức bồi dưỡng về nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lí, giáo viên và cán bộ chuyên trách trong các trường PTDTNT, PTDTBT về nghiệp vụ tổ chức quản lí nội trú, đặc điểm tâm lí HSDT, văn hoá dân tộc, ...
- Tích cực phối hợp với các ngành có liên quan tham mưu với lãnh đạo địa phương và thực hiện kế hoạch bồi dưỡng tiếng dân tộc cho cán bộ, giáo viên. Đồng thời quan tâm xây dựng đội ngũ giáo viên người dân tộc phát triển cả về số lượng và chất lượng ở các cấp học. Đảm bảo các điều kiện đào tạo giáo viên dạy tiếng dân tộc.
- Bồi dưỡng giáo viên trường DBĐH về đổi mới phương pháp dạy học nhằm nâng cao chất lượng học sinh DBĐH và ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý nhà trường. Khuyến khích cán bộ, giảng viên học tập nâng cao trình độ và nghiên cứu khoa học gắn với hoạt động dạy học và quản lý chuyên môn.
- Tổ chức dạy tiếng dân tộc cho giáo viên ở vùng dân tộc, trước hết là giáo viên tiểu học và THCS.
- Tổ chức bồi dưỡng giáo viên dạy lớp ghép (có công văn hướng dẫn riêng).
2. Tăng cường công tác quản lí giáo dục dân tộc
- Hoàn thiện hệ thống quản lý, chỉ đạo giáo dục dân tộc ở các tỉnh, thành phố có đông học sinh dân tộc thiểu số theo hướng lập Phòng Giáo dục Dân tộc, bộ phận phụ trách giáo dục dân tộc hoặc phân công cán bộ chuyên trách để phối hợp với các đơn vị liên quan làm công tác giáo dục dân tộc.
- Thực hiện quản lý giáo dục ở vùng dân tộc theo những lĩnh vực giáo dục đặc trưng và theo từng dân tộc.
- Thực hiện tốt việc tổ chức, quản lý trường PTDTNT theo Quyết định số 49/2008/QĐ-BGDĐT ngày 25/8/2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường PTDTNT và Thông tư số 06/2009/TT-BGDĐT ngày 31/3/2009 sửa đổi và bổ sung Điều 10 và Điều 13 của Quy chế tổ chức và hoạt động của trường PTDTNT.
- Xây dựng và phát hiện điển hình trong phát triển giáo dục dân tộc.
- Phát huy sáng kiến trong quản lý và giảng dạy trong trường PTDTNT, trường PTDTBT và dạy tiếng dân tộc.
- Các cơ quan quản lý giáo dục thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo các trường PTDTBT, đặc biệt là công tác tổ chức ăn, ở cho học sinh nội trú và thực hiện các chính sách đối với cán bộ, giáo viên và học sinh của trường.
- Triển khai thực hiện nghiêm túc Quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân (ban hành kèm theo Thông tư số 09/2009/TT-BGDĐT ngày 7/5/2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo).
- Các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường DBĐH, các trường đại học có khoa dự bị đại học và các trường PTDTNT trung ương thực hiện báo cáo định kỳ (sơ kết, tổng kết năm học) về Bộ Giáo dục và Đào tạo đảm bảo đúng thời gian, đúng quy định với các thông tin, số liệu chính xác theo văn bản hướng dẫn.
IV. THỰC HIỆN TỐT VIỆC PHỐI HỢP GIỮA NHÀ TRƯỜNG, GIA ĐÌNH, XÃ HỘI VÀ CÁC TỔ CHỨC QUẦN CHÚNG TRONG CÔNG TÁC GIÁO DỤC DÂN TỘC
- Các Sở Giáo dục và Đào tạo làm tốt công tác tham mưu để cấp uỷ, chính quyền các cấp thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp phát triển giáo dục đào tạo ở vùng dân tộc. Từ đó, đề ra giải pháp thiết thực, cụ thể để triển khai, chỉ đạo thực hiện.
- Phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội, các cơ quan đoàn thể để vận động học sinh đến trường, duy trì sĩ số; tăng cường các nguồn lực hỗ trợ cho các trường, lớp ở vùng dân tộc.
- Tham mưu với UBND tỉnh xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ và phát triển loại hình trường PTDTBT ở địa phương.
- Làm tốt công tác tuyên truyền để toàn xã hội quan tâm tới sự nghiệp giáo dục ở vùng dân tộc.
V. THỰC HIỆN TỐT CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH GIÁO DỤC DÂN TỘC
1. Công tác tuyển sinh
- Thực hiện nghiêm túc công tác tuyển sinh lớp 6, lớp 10 ở các trường PTDTNT theo quy định của quy chế tuyển sinh THCS và truyển sinh THPT (ban hành kèm theo Quyết định số 12/2006/QĐ-BGDĐT ngày 5/4/2006 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) và Quy chế tổ chức và hoạt động của trường PTDTNT (ban hành kèm theo Quyết định số 49/2008/QĐ-BGDĐT ngày 25/8/2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo). Đảm bảo tuyển sinh đúng đối tượng, đúng quy mô, phù hợp với quy hoạch đào tạo cán bộ của địa phương, chú ý tăng chỉ tiêu tuyển sinh cho các dân tộc ít người đặc biệt khó khăn. Thực hiện tốt các quy định hiện hành để tuyển chọn được những học sinh ưu tú nhất của các dân tộc thiểu số; đảm bảo tuyển 5% học sinh người Kinh trong tổng số chỉ tiêu hàng năm vào học trong các trường PTDTNT. Đối với những địa phương có nguồn tuyển sinh vào trường PTDTNT nhiều hơn chỉ tiêu được tuyển, cần thực hiện phương thức thi tuyển kết hợp với xét tuyển theo địa bàn và từng dân tộc.
- Thực hiện nghiêm túc chế độ cử tuyển học sinh dân tộc vào đại học, cao đẳng, trung cấp theo đúng Nghị định 134/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 của Chính phủ quy định về chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và Thông tư liên tịch số 13/2008/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC-BNV-UBDT ngày 07/4/2008 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định trên.
- Thực hiện tuyển chọn, tổ chức đào tạo học sinh hệ dự bị đại học và xét tuyển vào đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp đối với học sinh hệ dự bị đại học theo Quy chế tuyển chọn, tổ chức đào tạo học sinh hệ dự bị đại học và xét tuyển vào đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp đối với học sinh hệ dự bị đại học (ban hành theo Quyết định số 09/2005/QĐ- BGD&ĐT ngày 29/3/2005 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) và Thông tư về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Quy chế này.
2. Thực hiện tốt các chế độ chính sách đối với học sinh dân tộc, cán bộ, giáo viên công tác ở vùng dân tộc
- Thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đối với học sinh PTDTNT, DBĐH theo Quyết định số 82/2006/QĐ-TTg ngày 14/4/2006 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện số 43/2007/TTLT/BTC-BGDĐT ngày 02/5/2007 của Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT ngày 29/5/2009 của Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thực hiện chế độ học bổng chính sách đối với học sinh, sinh viên là người dân tộc thuộc đối tượng được hưởng học bổng chính sách theo Quyết định 152/2007/QĐ-TTg ngày 14/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ
- Thực hiện hỗ trợ cho học sinh con hộ nghèo đi học tại các lớp mẫu giáo thôn bản và học sinh bán trú là con hộ nghèo đang theo học tại các trường phổ thông theo Quyết định 112/2007/QĐ-TTg ngày 20/7/2007 của Chính phủ về Chính sách hỗ trợ các dịch vụ cải thiện nâng cao đời sống nhân dân, trợ giúp pháp lý để nâng cao nhận thức pháp luật thuộc chương trình 135 giai đoạn II và thông tư số 06/2007/TT-UBDT ngày 10/9/2007 của Ủy ban Dân tộc hướng dẫn thực hiện mức hỗ trợ theo Quyết định này.
- Thực hiện cấp học bổng bằng 50% học bổng của học sinh phổ thông dân tộc nội trú theo các Quyết định số 24, 25, 26, 27/2008/QĐ-TTg ngày 05/2/2008 cho học sinh dân tộc thiểu số là con em gia đình các dân tộc định cư lâu dài tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc vùng khác nếu được UBND cấp tỉnh quy định là vùng có nhu cầu tạo nguồn đào tạo cán bộ cho các dân tộc đang học cấp THCS và THPT tại các trường công lập và bán công.
- Thực hiện nghiêm túc chủ trương cấp sách giáo khoa, giấy, vở viết không thu tiền cho học sinh ở địa bàn đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 135/ 1998/QĐ-TTg ngày 31/7/1998 của Thủ tướng chính phủ và Thông báo số 124/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Chính phủ về một số nội dung liên quan đến sách giáo khoa; không để học sinh bỏ học vì thiếu sách giáo khoa, vở viết.
- Thực hiện Nghị định số 61/2006/NĐ-CP ngày 20/6/2006 của Chính phủ về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lí giáo dục ở các trường chuyên biệt, ở vùng kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn.
VI. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG KHÁC
- Các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học được giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên dạy tiếng dân tộc có kế hoạch tổ chức, triển khai, đánh giá việc thực hiện Chỉ thị số 38/2004/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số đối với cán bộ, công chức công tác ở vùng dân tộc và miền núi theo công văn số 5566/BGD&ĐT-TCCB ngày 04-7-2005 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Các Sở Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm cung cấp đầy đủ danh sách, địa chỉ các trường, lớp trung học cơ sở, tiểu học, các trường dân tộc nội trú miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo theo Quyết định 975/QĐ-TTg ngày 20 tháng 7 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc cấp một số loại báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn về Bộ Giáo dục và Đào tạo (qua Vụ Giáo dục Dân tộc) trước ngày 08 tháng 9 năm 2009.
C- TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Trên cơ sở Hướng dẫn này, Giám đốc các Sở Giáo dục và Đào tạo, Hiệu trưởng các trường Dự bị đại học, các trường Đại học có các khoa Dự bị đại học, các trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung ương căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương và của nhà trường để lập kế hoạch cụ thể và chỉ đạo thực hiện. Trong quá trình thực hiện, nếu có gì vướng mắc, cần báo cáo kịp thời để Bộ Giáo dục và Đào tạo (qua Vụ Giáo dục Dân tộc) chỉ đạo và giải quyết.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
- 1Quyết định 82/2006/QĐ-TTg điều chỉnh mức học bổng chính sách đối với học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú và trường dự bị đại học quy định tại Quyết định 194/2001/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Nghị định 61/2006/NĐ-CP về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn
- 3Quyết định 975/QĐ-TTg năm 2006 về việc cấp một số loại báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Chỉ thị 33/2006/CT-TTg về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Nghị định 134/2006/NĐ-CP quy định chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân
- 6Thông tư liên tịch 43/2007/TTLT-BTC-BGDĐT hướng dẫn Quyết định 82/2006/QĐ-TTg điều chỉnh mức học bổng chính sách và trợ cấp xã hội đối với học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số học tại các trường đào tạo công lập do Bộ Tài chính - Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 7Quyết định 135/1998/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa do Thủ tướng Chính Phủ ban hành
- 8Chỉ thị 38/2004/CT-TTg về đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số đối với cán bộ, công chức ở các vùng dân tộc, miền núi do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 9Quyết định 112/2007/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ các dịch vụ, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, trợ giúp pháp lý để nâng cao nhận thức pháp luật thuộc Chương trình 135 giai đoạn II do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 10Quyết định 152/2007/QĐ-TTg về học bổng chính sách đối với học sinh, sinh viên học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 11Thông tư 06/2007/TT-UBDT hướng dẫn mức Hỗ trợ các dịch vụ, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, trợ giúp pháp lý, để nâng cao nhận thức pháp luật theo Quyết định 112/2007/QĐ-TTg do Ủy ban dân tộc ban hành
- 12Quyết định 24/2008/QĐ-TTg về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên Hải Trung bộ đến năm 2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 13Quyết định 25/2008/QĐ-TTg về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với các tỉnh vùng Tây Nguyên đến năm 2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 14Quyết định 26/2008/QĐ-TTg về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 15Quyết định 27/2008/QĐ-TTg về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với các tỉnh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 16Thông tư liên tịch 13/2008/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC-BNV-UBDT hướng dẫn Nghị định 134/2006/NĐ-CP quy định chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân do Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - Bộ Tài chính - Bộ Nội vụ - Ủy ban Dân tộc ban hành
- 17Thông báo số 124/TB-VPCP về việc kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về một số nội dung liên quan đến sách giáo khoa năm học 2008 - 2009 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 18Chỉ thị 40/2008/CT-BGDĐT về phát động phong trào thi đua xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực trong các trường phổ thông giai đoạn 2008-2013 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 19Công văn số 9890/BGDĐT-GDTH về việc hướng dẫn nội dung, phương pháp giáo dục cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 20Quyết định 49/2008/QĐ-BGDĐT về Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc nội trú do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 21Thông tư 06/2009/TT-BGDĐT sửa đổi Điều 10 và Điều 13 Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc nội trú kèm theo Quyết định 49/2008/QĐ-BGDĐT do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 22Thông tư liên tịch 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT hướng dẫn chế độ tài chính đối với học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú và các trường dự bị đại học dân tộc do Bộ Tài chính - Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 23Thông tư 09/2009/TT-BGDĐT về quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 24Quyết định 4631/QĐ-BGDĐT năm 2009 về Kế hoạch hành động phòng chống đại dịch cúm A(H1N1) trong các cơ sở giáo dục do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 25Công văn số 6132/BGDĐT-CTHSSV về việc đẩy mạnh công tác phòng chống đại dịch cúm A(H1N1) trong các cơ sở giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 26Chỉ thị 4899/CT-BGDĐT năm 2009 về nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục chuyên nghiệp năm học 2009 - 2010 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
Công văn số 6841/BGDĐT-GDĐT về hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2009- 2010 đối với giáo dục dân tộc do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- Số hiệu: 6841/BGDĐT-GDĐT
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 12/08/2009
- Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo
- Người ký: Nguyễn Vinh Hiển
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 12/08/2009
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra