Hệ thống pháp luật

TỔNG CÔNG TY BƯU CHÍNH VIỄN THÔNG VIỆT NAM
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 6464/BC
V/v hướng dẫn thực hiện TT01/2004 và các vấn đề về hải quan

Hà Nội, ngày 18 tháng 10 năm 2004

 

Kính gửi:

- Các Bưu điện tỉnh, thành phố,
- Công ty Bưu chính Liên tỉnh & Quốc tế,
- Cục Bưu điện Trung ương.

 

Ngày 25/5/2004 Bộ Bưu chính Viễn thông và Bộ Tài chính ban hành Thông tư liên tịch số 01/2004/TTLT-BBCVT-BTC về trách nhiệm, quan hệ phối hợp trong công tác kiểm tra, giám sát hải quan đối với thư, bưu phẩm, bưu kiện XNK gửi qua dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát thư. Thông tư 01/2004/TTLT-BBCVT-BTC mới ra đời kết hợp với Thông tư 33/2003/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 16/4/2003 hướng dẫn thủ tục hải quan đối với bưu phẩm, bưu kiện, hàng hoá xuất nhập khẩu gửi qua dịch vụ bưu chính và vật phẩm, hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh thay thế Thông tư liên tịch số 06/1998/TTLT-TCBĐ-TCHQ ngày 11/12/1998 của Tổng cục Bưu điện và Tổng cục Hải quan.

Để phối hợp triển khai thực hiện Thông tư mới, Tổng công ty hướng dẫn chung các vấn đề về hải quan như sau:

I. TRÁCH NHIỆM VÀ QUAN HỆ PHỐI HỢP VỚI LỰC LƯỢNG HẢI QUAN:

- Chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất (nối mạng vi tính, máy soi…) để thực hiện công tác hiện đại hoá quản lý hải quan, góp phần đẩy nhanh quá trình kiểm hoá hải quan và giảm chi phí.

- Bố trí văn phòng làm việc, hệ thống kho bãi, phối hợp với hải quan lắp đặt các trang thiết bị và các điều kiện cần thiết khác để giúp lực lượng hải quan thực hiện nhiệm vụ giám sát, quản lý trong suốt quá trình khai thác, vận chuyển bưu gửi.

- Thực hiện đầy đủ các quy định, thủ tục và các điều kiện quy định tại Quyết định số 52/003/QĐ-BTC ngày 16/4/2003 của Bộ Tài chính khi thành lập địa điểm làm thủ tục hải quan hay địa điểm kiểm tra hàng hoá ngoài cửu khẩu.

- Đảm bảo nguyên trạng bưu gửi và niêm phong hải quan. Chỉ được phép cắt niêm phong hải quan dưới sự giám sát của lực lượng hải quan.

- Phối hợp với hải quan làm các thủ tục chuyển cửa khẩu, thủ tục kiểm hoá hải quan thuận lợi, nhanh chóng, đúng quy định của pháp luật.

- Phối hợp với hải quan lập biên bản trong các trường hợp bất thường như bưu gửi chứa, các vật cấm gửi, các trường hợp thừa thiếu túi gói, bưu gửi hoặc túi gói bị suy suyển, ẩm ướt… trong quá trình khai thác, vận chuyển.

- Phối hợp với hải quan lập biên bản vi phạm hành chính đối với trường hợp phát hiện hàng hoá cấm lưu thông, hàng hoá nhập lậu, tiền gửi trong thư, BPBK để xử phạt theo quy định tại khoản 3, 9 điều 9 Nghị định 142/2004/NĐ-CP ngày 8/7/2004 hoặc gửi tới Thanh tra Bộ BCVT hoặc các cơ quan có thẩm quyền khác như Thanh tra chuyên ngành BCVT trên địa bàn, UBND tỉnh, TP… để ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

- Đăng ký thời gian làm việc thường xuyên và thời gian làm việc đột xuất với lực lượng hải quan để kịp thời bố trí nhân lực kiểm tra, giám sát.

- Phối hợp với hải quan xây dựng quy chế phối hợp làm việc giữa hai bên, bao gồm các nội dung liên quan đến thời gian làm việc ngoài giờ (làm việc đột xuất theo yêu cầu của đơn vị). Định kỳ 12 tháng cùng tổ chức tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm, đề xuất các biện pháp tháo gỡ vướng mắc (nếu có) và báo cáo Tổng Công ty.

- Kể từ ngày 22/6/2004 trở đi, các đơn vị hiện đang thay mặt khách hàng nộp các loại thuế, lệ phí cho hải quan sẽ không được hưởng số tiền thù lao thu hộ thuế (1%) trên tổng số thuế, lệ phí đã thu.

II. THỦ TỤC HẢI QUAN:

- Việc làm thủ tục hải quan đối với bưu phẩm (trừ thư), bưu kiện, hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu qua dịch vụ bưu chính và dịch vụ chuyển phát nhanh được thực hiện tại các Chi cục hải quan bưu điện quốc tế (bưu cục ngoại dịch, bưu cục cửa khẩu biên giới) và Chi cục hải quan sân bay quốc tế.

- Nhân viên Bưu điện tại các bưu cục ngoại dịch và bưu cục cửa khẩu là người thay mặt chủ hàng trực tiếp làm thủ tục hải quan, có trách nhiệm nộp đủ thuế, lệ phí theo quy định của pháp luật.

- Những trường hợp chủ hàng trực tiếp khai hải quan:

+ Đối với mặt hàng mới, không có trong danh mục hàng xuất nhập khẩu, chỉ chủ hàng mới có khả năng khai hải quan.

+ Chủ hàng yêu cầu được trực tiếp làm thủ tục hải quan khi gửi, nhận hàng.

Trường hợp chủ hàng trực tiếp khai hải quan thì chủ hàng sẽ phải khai trên tờ khai riêng và nộp thuế (nếu có) và các khoản lệ phí theo quy định.

1. Thủ tục xuất khẩu:

a. Tại Bưu điện tỉnh, thành phố:

- Kiểm tra nội dung vật phẩm, hàng hoá gửi trong bưu phẩm, bưu kiện, EMS.

- Đề nghị khách hàng khai nội dung hàng hoá trên tờ khai hải quan CN22 hoặc CN23.

- Đối chiếu vật phẩm, hàng hoá với danh mục hàng hoá được phép xuất khẩu của Việt Nam và danh mục hàng hoá được phép nhập khẩu của nước nhận. Trường hợp vật phẩm, hàng hoá thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành phải có giấy phép của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền.

- Căn cứ vào danh mục biểu thuế xuất nhập khẩu để tạm thu ở người gửi tiền thuế và lệ phí tờ khai hải quan, lệ phí niêm phong… (nếu có). Thu cước xuất trình hải quan đối với bưu phẩm, bưu kiện phải chịu thuế (trừ bưu gửi EMS). Yêu cầu khách hàng ký giấy cam đoan nộp đủ thuế thiếu khi có biên lai thuế của Hải quan gửi về. Đối với trường hợp hàng không có thuế: không thu tiền lệ phí tờ khai hải quan (các khoản lệ phí khác vẫn thu bình thường).

- Chuyển bưu phẩm, bưu kiện, EMS đến các Trung tâm Bưu chính liên tỉnh và quốc tế (TTBCLT&QT) thuộc VPS theo phần luồng của Tổng Công ty để làm thủ tục hải quan.

- Lập sổ theo dõi tiền thuế, các loại lệ phí. Hàng tháng căn cứ vào bản kê tiền thuế, lệ phí tờ khai hải quan, lệ phí khác (nếu có) do các Trung tâm BCLT&QT gửi đến, chuyển trả tiền cho các Trung tâm bằng chuyển khoản hoặc thư chuyển tiền sự vụ.

- Khi có biên lai thuế của hải quan, bưu cục nhận gửi có trách nhiệm thu thêm phần thuế còn thiếu hoặc trả lại tiền thừa cho khách hàng.

b. Tại VPS:

- Thay mặt khách hàng làm thủ tục hải quan cho bưu gửi đi quốc tế từ các tỉnh gửi đến.

- Mở tờ khai hải quan và kê chi tiết vật phẩm, hàng hoá xuất khẩu không có thuế vào bản kê theo mẫu HQ-01/BCCPN do Tổng cục Hải quan ban hành.

- Đối với hàng hoá có thuế, thực hiện khai riêng trên từng tờ khai cho từng lô hàng, gói hàng, biên lai thu tiền thuế riêng.

- Nộp tiền thuế, lệ phí và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật (nếu có).

- Gửi biên lai thu thuế bằng thư ghi số sự vụ cho BĐ tỉnh nơi người gửi ký gửi bưu phẩm, bưu kiện.

- Lập sổ theo dõi tiền thuế, lệ phí. Hàng tháng, lập bản kê tiền thuế, lệ phí đã ứng nộp trước cho hải quan và gửi cho từng tỉnh để các tỉnh chuyển trả tiền.

2. Thủ tục nhập khẩu:

a. Tại VPS:

- Các Trung tâm BCLT&QT thay mặt khách hàng làm thủ tục hải quan cho các bưu phẩm, bưu kiện, EMS.

- Mở tờ khai hải quan và kê chi tiết vật phẩm, hàng hoá nhập khẩu không có thuế vào bản kê HQ-01/BCCPN.

- Đối với hàng hoá có thuế, thực hiện khai riêng trên từng trờ khai cho từng lô hàng, gói hàng.

- Nộp thuế, lệ phí và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật (nếu có).

- Nếu bưu gửi có thuế, đóng dấu lên vỏ bọc “hàng có thuế” và gửi biên lai thu thuế cùng bưu gửi và hồ sơ liên quan đến bưu cục phát.

- Trường hợp, các BĐ tỉnh, thành phố chuyển hoàn các bưu gửi quốc tế chiều đến về các Trung tâm BCLT&QT với lý do khách hàng yêu cầu được tự làm thủ tục hải quan, các Trung tâm thông báo với hải quan và làm thủ tục hoàn thuế đã nộp (nếu có).

- Trường hợp hàng hoá nhập khẩu thuộc loại hình hàng miễn thuế (gia công, chế xuất…), nếu chủ hàng đã biết hàng về đến Việt Nam và chủ động đăng ký tờ khai tại Chi cục Hải quan quản lý hàng gia công, hàng chế xuất theo đúng loại hình hàng miễn thuế và gửi đến cho các Trung tâm BCLT&QT thì các Trung tâm tiếp nhận hồ sơ để làm thủ tục với hải quan hoặc để chủ hàng tự làm thủ tục.

b. Tại Bưu điện tỉnh, thành phố:

- Tổ chức phát bưu phẩm, bưu kiện, EMS theo quy định.

- Đối với bưu phẩm, bưu kiện, EMS có thuế: căn cứ vào biên lai thuế, tờ khai hải quan có trách nhiệm thu thuế, lệ phí, lệ phí tờ khai, cước xuất trình hải quan (riêng bưu gửi EMS không thu cước xuất trình hải quan) và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.

- Việc lập sổ theo dõi tiền thuế, các loại lệ phí, lập bản kê và thanh toán tiền thuế, lệ phí, lệ phí tờ khai hải quan giữa các BĐ tỉnh, TP và các Trung tâm BCLT&QT được thực hiện như điểm II.1.a nêu trên.

* Một số trường hợp đặc biệt:

- Đối với trường hợp khi khách hàng được mời đến nhận hàng mới đề nghị được tự khai hải quan thì các BĐ tỉnh, thành phố chuyển hoàn bưu gửi cùng hồ sơ về Trung tâm BCLT&QT nơi đã mở tờ khai để khách hàng trực tiếp đến làm lại thủ tục nhập khẩu với hải quan. Phần lý do chuyển hoàn cần ghi rõ “khách hàng yêu cầu tự làm thủ tục hải quan”. Để hạn chế việc doanh nghiệp đã thay mặt khách hàng khai và làm thủ tục hải quan sau đó khách hàng mới yêu cầu trực tiếp khai hải quan, Tổng Công ty yêu cầu các đơn vị thông báo tại giao dịch các trường hợp khách hàng được phép trực tiếp khai hải quan và địa điểm làm thủ tục hải quan để khách hàng chủ động đăng ký trước với Bưu điện.

- Trường hợp bưu gửi đã xuất khẩu theo hình thức phi mậu dịch như quà biếu, quà tặng, hàng mẫu, hàng quảng cáo gửi qua dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát nhanh nhưng vì lý do nào đó bị chuyển hoàn về Việt Nam thì sẽ được miễn thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng (VAT) (nếu có) nếu Hải quan kiểm tra thực tế bưu gửi khi chuyển hoàn khớp với các mặt hàng khai báo tại hồ sơ lưu của Hải quan và kiểm tra, đối chiếu giữa hồ sơ lưu của Hải quan khớp với hồ sơ của doanh nghiệp hoặc chủ hàng. Doanh nghiệp hoặc chủ hàng vẫn phải nộp các loại lệ phí và khoản thu khác (nếu có) theo quy định của Pháp luật.

- Trường hợp bưu gửi xuất nhập khẩu nằm trong diện được hoàn trả tiền thuế, bưu cục phát chuyển hoàn bưu gửi và hồ sơ kèm theo đến Trung tâm BCLT&QT. Trung tâm chịu trách nhiệm làm thủ tục nhận lại số tiền thuế đã ứng trước theo quy định về hoàn thuế của Bộ Tài chính. Số thuế hoàn lại được trừ vào số thuế mà doanh nghiệp phải nộp kỳ sau. Tuy nhiên, theo quy định thì khoản lệ phí hải quan không được hoàn lại nên khoản này sẽ được hạch toán vào chi phí sản xuất của đơn vị.

3. Phân luồng kiểm hoá:

- Đối với bưu gửi XNK của các tỉnh từ Quảng Bình trở ra Bắc, thủ tục hải quan thực hiện tại TTBCLT&QTKVI (VPS1).

- Đối với bưu gửi XNK của các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, Kon Tum, Bình Định, Phú Yên (9 tỉnh miền Trung và Tây nguyên) thủ tục hải quan thực hiện tại địa điểm kiểm tra hải quan sân bay Quốc tế Đà Nẵng, trực thuộc TTBCLT&QTKV III (VPS3).

- Đối với bưu gửi XNK của các tỉnh còn lại trở vào Nam, thủ tục hải quan thực hiện tại TTBCLT&QTKV II (VPS2).

- Riêng đối với bưu gửi XNK của bưu điện TP. Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thủ tục hải quan được thực hiện tại những điểm có lực lượng hải quan hoạt động.

Lưu ý: Trong quá trình mở túi thư để khai thác, nếu các Trung tâm BLCT&QT phát hiện có bưu gửi thuộc địa bàn của các Trung tâm khác thì đóng số bưu gửi đó vào túi riêng và phối hợp hải quan làm thủ tục chuyển cửa khẩu đến đúng nơi quy định để làm thủ tục hải quan.

4. Khai thác bưu gửi và thủ tục hải quan đối với bưu gửi Quốc tế thuộc 9 tỉnh miền Trung - Tây Nguyên:

4.1. Chiều đi Quốc tế:

a. Tại các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi:

- Bưu gửi EMS đi quốc tế được đóng chung với bưu gửi EMS trong nước và gửi về Bưu cục Đà Nẵng EMS LT để làm thủ tục hải quan.

- Bưu phẩm, bưu kiện đi quốc tế được đóng chung với BPBK trong nước và gửi Bưu cục Đà Nẵng LT để làm thu tục hải quan.

b. Tại các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Phú Yên:

- Bưu gửi EMS đi quốc tế được đóng chung với bưu gửi EMS trong nước và gửi về Bưu cục Đà Nẵng EMS LT để làm thủ tục hải quan.

- BPBK đi quốc tế được đóng chung với BPBK trong nước và gửi về Bưu cục Quy Nhơn LT để khai thác lại và chuyển tiếp về Bưu cục Đà Nẵng LT để làm thủ tục hải quan.

c. Tại các tỉnh: TP. Đà Nẵng và Bình Định:

Việc thu gom, đóng chuyển bưu gửi đi quốc tế về Bưu cục Đà Nẵng LT để làm thủ tục hải quan do VPS 3 đảm nhiệm.

d. Tại VPS 3:

+ Phối hợp với lực lượng hải quan tại Đại điểm kiểm tra hải quan sân bay quốc tế Đà Nẵng làm thủ tục Hải quan cho các bưu gửi đi quốc tế của 9 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.

+ Đóng các bưu gửi đã được kiểm hoá vào các túi riêng (Túi EMS, túi BPBK), niêm phong cổ túi và phối hợp nhân viên hải quan làm thủ tục chuyển cửa khẩu về các Bưu cục tương ứng của VPS2 để đóng đi quốc tế.

4.2. Chiều quốc tế đến:

- VPS1, VPS2:

+ Không tổ chức kiểm hoá đối với các bưu gửi Quốc tế đến có địa chỉ nhận tại 9 tỉnh miền Trung - Tây Nguyên nêu trên.

+ Chia chọn và đóng những bưu gửi này vào túi riêng (Túi EMS, túi BPBK), phối hợp nhân viên hải quan làm thủ tục chuyển cửa khẩu về Địa điểm kiểm tra hải quan sân bay quốc tế Đà Nẵng - VPS3 để làm thủ tục hải quan.

- VPS 3:

+ Thay mặt khách hàng làm thủ tục hải quan. Nộp thuế, lệ phí theo quy định hiện hành. Hàng tháng lập bản kê thanh toán tiền thuế, lệ phí tờ khai hải quan, lệ phí khác (nếu có) đối với các Bưu điện tỉnh, thành phố có liên quan theo quy định tại điểm II.1.a.

+ Tổ chức đóng chuyển các bưu gửi đã được thông quan đến 9 Bưu điện tỉnh, thành phố nêu trên để phát cho người nhận.

5. Khai thác bưu gửi và thủ tục hải quan đối với các bưu gửi Quốc tế thuộc địa bàn TP. Hà Nội: thực hiện kể từ ngày 01/11/2004

5.1. Chiều đi quốc tế:

- Bưu phẩm, bưu kiện, EMS chấp nhận tại các Bưu cục giao dịch của BĐ TP. Hà Nội do Bưu điện TP. Hà Nội thu gom được làm thủ tục hải quan tại Địa điểm 75 Đinh Tiên Hoàng HN và làm thủ tục chuyển cửa khẩu về VPS1 để đóng đi nước ngoài.

- Bưu phẩm, bưu kiện, EMS do VPS 1 đảm nhiệm thu gom sẽ được làm thủ tục hải quan tại VPS1.

- Bưu gửi gửi qua các đại lý CPN quốc tế (trừ đại lý DHL và Fedex) được làm thủ tục tại Địa điểm 75 Đinh Tiên Hoàng HN.

5.2. Chiều quốc tế đến:

- Bưu phẩm, bưu kiện, EMS phải làm thủ tục hải quan có địa chỉ nhận thuộc địa bàn TP. Hà Nội được chuyển cửa khẩu từ VPS1 về làm thủ tục hải quan tại Địa điểm 75 Đinh Tiên Hoàng HN.

- Bưu phẩm bưu kiện gửi qua các đại lý CPN quốc tế (trừ đại lý DHL và Fedex) được làm thủ tục chuyển cửa khẩu từ sân bay quốc tế Nội Bài về làm thủ tục hải quan tại Địa điểm 75 Đinh Tiên Hoàng HN.

- Các bưu gửi còn lại sau khi thông quan tại VPS1 sẽ được đóng chuyển theo quy định hiện hành.

Tổng Công ty yêu cầu các đơn vị phổ biến tới các bộ phận có liên quan, đồng thời phối hợp với Hải quan để triển khai thực hiện. Nếu có gì vướng mắc, các đơn vị phản ánh về Tổng công ty (Ban Bưu chính - PHBC) để xem xét, giải quyết.

 

TL. TỔNG GIÁM ĐỐC TỔNG CÔNG TY BƯU CHÍNH VIỄN THÔNG VIỆT NAM
KT. TRƯỞNG BAN BƯU CHÍNH – PHBC
PHÓ TRƯỞNG BAN




Nguyễn Văn Sơn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn số 6464/BC ngày 18/10/2004 của Tổng Công ty Bưu chính viễn thông Việt Nam về việc hướng dẫn thực hiện TT01/2004 và các vấn đề về Hải Quan

  • Số hiệu: 6464/BC
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 18/10/2004
  • Nơi ban hành: Tổng công ty Bưu chính viễn thông Việt Nam
  • Người ký: Nguyễn Văn Sơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản