Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG
THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 4300/LĐTBXH-TL
V/v giao quyền tự chủ tài chính đối với Đài Tiếng nói VN.

Hà Nội, ngày 06 tháng 12 năm 2002

 

Kính gửi: Bộ Tài chính

Trả lời công văn số 1227/TTC/HCSN ngày 14/11/2002 của Bộ Tài chính về việc ghi tại trích yếu, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có ý kiến như sau:

1/ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cơ bản nhất trí với nội dung Tờ trình và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc giao quyền tự chủ tài chính đối với Đài tiếng nói Việt Nam do Bộ Tài chính dự thảo.

2/ Về tờ trình, đề nghị sắp xếp, bổ sung một số vấn đề sau:

a) Về kết cấu, đề nghị chia thành hai phần:

- Phần 1: Đánh giá tình hình thực hiện cơ chế tài chính theo quy định hiện hành đối với Đài Tiếng nói Việt Nam. Trong đó đánh giá rõ những mặt được, mặt chưa được, những vấn đề vướng mắc của cơ chế tài chính đang thực hiện và những vướng mắc khi Đài áp dụng Nghị định số 10/2002/NĐ-CP ngày 16/01/2002 về chế độ tài chính áp dụng cho đơn vị sự nghiệp có thu.

- Phần 2: Trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện, kiến nghị cơ chế tài chính riêng đối với Đài Tiếng nói Việt Nam.

b) Về nội dung, đề nghị bổ sung phân tích đánh giá cụ thể thêm một số vấn đề sau:

- Cơ chế cấp phát, quản lý tài chính, quản lý biên chế lao động, tiền lương, nhuận bút hiện hành đang áp dụng đối với Đài Tiếng nói Việt Nam;

- Cơ sở đề xuất giao quyền tự chủ tài chính đối với Đài Tiếng nói Việt Nam;

- Cơ sở tính toán để quy định mức khoán kinh phí do ngân sách Nhà nước cấp và mức khoán thu tự hoạt động quảng cáo đối với Đài Tiếng nói Việt Nam.

c) Về kiến nghị:

- Hiện nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 10/2002/NĐ-CP ngày 16/01/2002 về chế độ tài chính áp dụng cho đơn vị sự nghiệp có thu, do vậy khi xây dựng cơ chế tài chính theo ý kiến chủ đạo của Thủ tướng Chính phủ (tại Thông báo số 109/TB-VPCP ngày 04/7/2002 của Văn phòng Chính phủ) đối với Đài Tiếng nói Việt Nam về nguyên tắc phải đảm bảo không trái với quy định tại Nghị định số 10/2002/NĐ-CP nêu trên.

- Về lao động, tiền lương, đề nghị cho phép Đài Tiếng nói Việt Nam được chủ động tuyển dụng lao động, xây dựng định mức lao động, quy chế trả lương, tiền thưởng theo quy định của Bộ luật Lao động.

3/ Về dự thảo Quyết định, đề nghị sửa đổi một số điểm sau:

a) Về căn cứ ban hành, đề nghị sửa lại căn cứ thứ nhất thành: "Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25/12/2001.

b) Về thời gian chuyển giao quyền tự chủ tài chính: hiện nay sắp kết thúc năm 2002, do vậy đề nghị Bộ Tài chính xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ cho phép Đài Tiếng nói Việt Nam được thực hiện cơ chế tự chủ tài chính trong 3 năm (2003 - 2005), sau đó tổng kết, đánh giá báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

c) Điều 4, đề nghị sửa lại như  sau:

"Điều 4, Nhà nước quản lý biên chế đối với số cán bộ, công chức trong bộ máy quản lý khung của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Đài Tiếng nói Việt Nam được chủ động sắp xếp lại bộ máy (trừ việc lập thêm tổ chức mới trực thuộc Đài do cấp có thẩm quyền quyết định), tổ chức tuyển dụng lao động, xây dựng định mức lao động, quy chế trả lương, tiền thưởng theo quy định của Bộ luật Lao động";

d) Đề nghị bổ sung thêm một điều sau Điều 5 quy định về thời gian có hiệu lực thi hành của Quyết định.

Trên đây là ý kiến của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định./.

 

KT BỘ TRƯỞNG
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
THỨ TRƯỞNG




Lê Duy Đồng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn số 4300/LĐTBXH-TL ngày 06/12/2002 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc giao quyền tự chủ tài chính đối với Đài Tiếng nói Việt Nam

  • Số hiệu: 4300/LĐTBXH-TL
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 06/12/2002
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
  • Người ký: Lê Duy Đồng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 06/12/2002
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản