Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 3914/BTC-TCHQ
V/v: vướng mắc trong việc quản lý đối với mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu

Hà Nội, ngày 04 tháng 04 năm 2008

 

Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ

Thời gian vừa qua, mặt hàng gỗ và các sản phẩm từ gỗ được một số doanh nghiệp mở tờ khai hải quan tại một số Chi cục hải quan trong nội địa hoặc tại Chi cục hải quan cửa khẩu đường bộ (chủ yếu qua các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn), sau đó xuất khẩu sang Trung Quốc. Doanh nghiệp và các Chi cục Hải quan cửa khẩu đã làm thủ tục hải quan cho các lô hàng trên theo đúng quy trình thủ tục hải quan đối với hàng xuất khẩu chuyển cửa khẩu được quy định tại Nghị định 154/2005/NĐ-CP ngày 15/12/2005 của Chính phủ, Thông tư 112/2005/TT/BTC ngày 15/12/2005 của Bộ Tài chính, Quyết định 927/QĐ-TCHQ ngày 25/5/2006 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, và các quy định của pháp luật tại: Nghị định 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ, Thông tư số 32/2006/TT-BTC ngày 08/05/2006 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Quyết định số 59/2005/QĐ-BNN ngày 10/10/2005 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, cùng các văn bản khác có liên quan.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu, ngày 22/08/2007, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 4179/VPCP truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải về việc giải quyết ách tắc xuất khẩu hàng gỗ mỹ nghệ, gỗ cao cấp. Theo đó, đối với hàng gỗ thủ công mỹ nghệ, hàng gỗ cao cấp, từ nhóm IA trở lên, đã được chế biến hoàn chỉnh, khi xuất khẩu chỉ cần kê khai với cơ quan Hải quan đầy đủ số lượng chủng loại, không phải xuất trình nguồn gốc gỗ. Tổng cục Hải quan đã có công văn số 5134/TCHQ-GSQL ngày 07/9/2007 hướng dẫn Cục Hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện chỉ đạo tại công văn nói trên.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, có những khó khăn và vướng mắc như sau:

1. Theo số liệu mà Tổng cục Hải quan thu thập được, sau khi Văn phòng Chính phủ có Công văn 4719/VPCP-NN thì tình hình xuất khẩu mặt hàng này diễn ra phức tạp: Số doanh nghiệp và số lượng mở tờ khai xuất khẩu gỗ, đồ gỗ mỹ nghệ được sản xuất từ gỗ sưa (huê) thuộc nhóm IA và các loại gỗ thuộc nhóm IIA như gỗ trắc, gụ, hương, mun, pơmu… tăng nhanh. Tính đến ngày 21/02/2008, đã có 33 bộ tờ khai xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ được sản xuất từ nhóm gỗ IA và 315 bộ tờ khai xuất khẩu có nguồn gốc được sản xuất từ nhóm gỗ IA và IIA – thuộc danh mục “Danh mục động thực vật rừng nguy cấp, quý hiếm” ban hành kèm theo Nghị định số 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ. Các lô hàng trên không xác định được nguồn gốc hoặc có nguồn gốc không rõ ràng.

Theo Công văn số 4719/VPCP-NN ngày 22/8/2007 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: “Khi làm thủ tục xuất khẩu đối với hàng hóa là đồ mỹ nghệ, đồ gỗ cao cấp từ nhóm IA trở lên, cơ quan Hải quan không yêu cầu doanh nghiệp phải xuất trình giấy tờ chứng minh nguồn gốc gỗ”.

Nhưng tại Điểm a, Khoản 2, Nghị định 32/2006/NĐ-CP ngày 30/2/2006 của Chính phủ quy định: “Nhóm I: Nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại, gồm những loại thực vật rừng, động vật rừng có giá trị đặc biệt về khoa học, môi trường hoặc có giá trị cao về kinh tế, số lượng quần thể còn rất ít trong tự nhiên hoặc có nguy cơ tuyệt chủng cao”.

Theo Điểm 1.1, Mục 1, Chương II, Thông tư số 32/2006/TT-BTC ngày 08/5/2006 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện Nghị định 12/2006/NĐ-CP ngày 23/01/2006 của Chính phủ “quy định chi tiết thi hành Luật thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các đại lý, mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài” thì: “Cấm xuất khẩu sản phẩm làm từ gỗ thuộc diện nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm IA quy định tại Nghị định 32/2006/NĐ-CP ngày 30/03/2006 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm”.

Theo Công văn số 2183/BNN-KL ngày 08/8/2007 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn yêu cầu “khi làm thủ tục xuất khẩu gỗ tròn, gỗ xẻ, sản phẩm gỗ, tổ chức, cá nhân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc kê khai số lượng, khối lượng, nguồn gốc gỗ và xuất trình đầy đủ hồ sơ, giấy tờ được quy định tại Quyết định số 59/2005/QĐ-BNN ngày 10/10/2005 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn để cơ quan Hải quan kiểm tra đối chiếu nguồn gốc gỗ”.

Như  vậy, cùng quản lý mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu, nhưng lại có các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn khác nhau, dẫn đến việc thực hiện thủ tục hải quan đối với các lô hàng xuất khẩu hoặc điều tra, xử lý đối với các vi phạm của cơ quan Hải quan đang gặp rất nhiều khó khăn.

2. Thực hiện chỉ đạo tại công văn số 4719/VPCP-NN ngày 22/8/2007 của Văn phòng Chính phủ: “Khi làm thủ tục Hải quan xuất khẩu đối với hàng hóa là đồ mỹ nghệ, đồ gổ cao cấp từ nhóm IA trở lên, cơ quan Hải quan không yêu cầu doanh nghiệp phải xuất trình giấy tờ chứng minh nguồn gốc gỗ”. Với quy định trên, khi làm thủ tục Hải quan cho hàng hóa xuất khẩu, cơ quan Hải quan sẽ không thể xác định được hàng xuất khẩu có thuộc phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng theo Điều 1 – Nghị định 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ hay không? Đã có nhiều doanh nghiệp có hành vi lợi dụng việc thông thoáng cho hàng xuất khẩu để khai thác, chặt phá, thu gom các loại gỗ thuộc nhóm IA từ rừng tự nhiên trong nước để sản xuất, chế biến; khi làm thủ tục xuất khẩu cơ quan Hải quan không kiểm tra và xác định được.

Hiện nay, việc kiểm tra của các Chi cục Hải quan cửa khẩu đối với mặt hàng gỗ, đồ gỗ mỹ nghệ chỉ xác định được số lượng các mặt hàng, chứ không kiểm tra được nguồn gốc gỗ. Thực tế, ở các Chi cục Hải quan thuộc Cục Hải quan Hà Nội và Lạng Sơn từ ngày 22/8/2007 đến nay, khi tiếp nhận hồ sơ mở tờ khai xuất khẩu đồ mỹ nghệ, cơ quan Hải quan chỉ kiểm tra đối chiếu số lượng hàng hóa, không có cơ quan nào kiểm tra và chịu trách nhiệm kiểm tra xác định chủng loại, nguồn gốc gỗ.

Để chủ động ngăn chặn tình trạng gian lận trên và để giúp cho cơ quan Hải quan có căn cứ làm đúng theo quy định của pháp luật và chỉ đạo của Chính phủ. Ngày 27/9/2007, Tổng cục Hải quan (Cục Điều tra chống buôn lậu) có công văn số 502/CV-ĐTCBL gửi Cục Kiểm Lâm (Bộ NN&PTNT) đề nghị Cục Kiểm lâm phối hợp và chỉ đạo các Chi cục Kiểm Lâm địa phương nhanh chóng phối hợp khi các đơn vị Hải quan có đề nghị phối hợp về kiểm tra giám sát chất lượng, chủng loại, xuất xứ của các lô hàng gỗ xuất khẩu, nhập khẩu; trao đổi cung cấp thông tin kịp thời về chất lượng, chủng loại và nguồn gốc gỗ.

Tuy nhiên, ngày 09/10/2007, Cục Kiểm Lâm có công văn số 1161/KL-VPCITES trả lời với nội dung: “Cơ quan Kiểm Lâm không được giao nhiệm vụ giám định chất lượng, chủng loại, xuất xứ của lô hàng gỗ xuất khẩu, nhập khẩu” (có công văn kèm theo).

Đáng chú ý, liên quan đến hoạt động xuất khẫu gỗ và sản phẩm gỗ nêu trên, ngày 03/11/2007, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an (P3 – Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ) đã có công văn và đã làm việc với Cục Hải quan Lạng Sơn thu thập toàn bộ hồ sơ gốc các lô hàng gỗ và đồ gỗ xuất khẩu của hai Chi cục Hải quan Hữu Nghị và Tân Thanh từ ngày 22/8/2007 đến ngày 03/11/2007 để điều tra, xác minh làm rõ nguồn gốc gỗ của các lô hàng xuất khẩu.

Như vậy, cho đến nay không có cơ quan chức năng nào chịu trách nhiệm về xác định nguồn gốc gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu. Đây là sơ hở rất lớn cho một số doanh nghiệp lợi dụng để xuất khẩu những lô hàng gỗ và sản phẩm gỗ thuộc diện cấm xuất khẩu, đồng thời cũng là nguy cơ dẫn đến xảy ra sai phạm lớn cho cơ quan Hải quan cũng như công chức Hải quan.

Từ tình hình trên, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo:

- Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và các Bộ, ngành có liên quan cần rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật và thống nhất các chủ trương, biện pháp quản lý đối với mặt hàng gỗ và các sản phẩm gỗ xuất khẩu nhằm vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đồng thời ngăn chặn các sơ hở, sai phạm có thể xảy ra.

- Giao Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phân công một đơn vị đầu mối thuộc ngành có trách nhiệm phối hợp với cơ quan Hải quan thực hiện việc kiểm tra nguồn gốc gỗ, sản phẩm gỗ xuất khẩu, đảm bảo cho hoạt động kiểm tra, kiểm soát hải quan được thuận tiện, nhanh chóng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Kính trình Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên:
- VPCP (để báo cáo TTg);
- Các Bộ: Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Lưu: VT, TCHQ

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trương Chí Trung

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn số 3914/BTC-TCHQ về việc vướng mắc trong việc quản lý đối với mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 3914/BTC-TCHQ
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 04/04/2008
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Trương Chí Trung
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản