Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 3639/UBND-TH
Về triển khai tổ chức thực hiện Chương trình thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp

TP. Hồ Chí Minh, ngày 05 tháng 06 năm 2006 

 

KÍNH GỬI:

- Sở Tài chính (chi cục tài chính doanh nghiệp TP)
 - Các tổng công ty nhà nước thuộc UBND/TP
 - Công ty Nhà nước thuộc ubnd thành phố
 - Công ty tnhh nhà nước một thành viên thuộc UBND/TP
 - Người đại diện phần vốn nhà nước tại các công ty cổ phần, công ty TNHH 2 thành viên trở lên thuộc UBND thành phố

 

Căn cứ Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 16 tháng 11 năm 2005 và Quyết định số 03/2006/QĐ-UBND ngày 10 tháng 01 năm 2006 về Kế hoạch chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội thành phố năm 2006, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu các Tổng công ty Nhà nước, các doanh nghiệp Nhà nước, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhà nước 1 thành viên; người đại diện phần vốn Nhà nước tại các Công ty cổ phần, Công ty Trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên có vốn Nhà nước thuộc Ủy ban nhân dân thành phố đưa việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thành nhiệm vụ thường xuyên và thực hiện các nội dung về chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp theo các nội dung cụ thể như sau:

 

I- THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ TRONG QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VỐN VÀ TÀI SẢN NHÀ NƯỚC TẠI DOANH NGHIỆP

1. Nguyên tắc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp:

1.1. Doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước (sau đây gọi là Công ty Nhà nước) phải quản lý, sử dụng vốn và tài sản Nhà nước, thực hiện chế độ báo cáo và công khai tài chính theo quy định của pháp luật; xây dựng kế hoạch và biện pháp thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong Công ty.

1.2. Vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác phải được quản lý chặt chẽ, đúng chế độ. Việc đầu tư, góp, tăng, giảm vốn đầu tư phải được xem xét trên cơ sở hiệu quả vốn đầu tư, khả năng bảo toàn và phát triển vốn . Phần vốn góp thu về và lãi được chia phải được sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả.

2. Quản lý, sử dụng vốn và các quỹ của công ty Nhà nước:

2.1. Công ty Nhà nước có trách nhiệm bảo toàn và phát triển vốn được Nhà nước giao; thực hiện chế độ quản lý, sử dụng vốn và các quỹ của Công ty theo quy định của pháp luật; tăng cường và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

2.2. Công ty Nhà nước phải thực hiện việc trích, lập, quản lý và sử dụng các quỹ đúng mục đích và chế độ do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành. Nghiêm cấm việc trích, lập quỹ trái phép trong doanh nghiệp.

3. Sử dụng đất trong Công ty Nhà nước:

Công ty Nhà nước có trách nhiệm xác định giá trị quyền sử dụng đất và quản lý đất theo chế độ quản lý tài sản Nhà nước. Việc sử dụng đất phải đúng mục đích được ghi trong quyết định giao đất, cho thuê đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp.

4. Mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản cố định trong Công ty Nhà nước:

4.1. Việc mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản cố định trong Công ty Nhà nước phải theo đúng quy định của pháp luật về quản lý tài chính, quản lý đầu tư xây dựng và phải được tính toán trên cơ sở nâng cao công suất và hiệu quả sử dụng tài sản. Nghiêm cấm việc mua sắm các thiết bị, công nghệ lạc hậu, kém hiệu quả; việc mua sắm, trang bị ô tô cho lãnh đạo Công ty không được vượt tiêu chuẩn, định mức, chế độ do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành.

4.2. Công ty Nhà nước phải phân định rõ trách nhiệm của người quản lý, sử dụng đối với từng tài sản trong Công ty; thực hiện chế độ bảo dưỡng, sửa chữa tài sản đúng quy trình kỹ thuật.

4.3. Công ty Nhà nước phải có biện pháp đổi mới, hiện đại hóa công nghệ, cải tiến kỹ thuật và phương thức quản lý để nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản cố định; chủ động nhượng, bán, thanh lý tài sản không cần sử dụng, kém phẩm chất, đã lạc hậu về kỹ thuật, hư hỏng không sử dụng được theo quy định của pháp luật.

5. Mua sắm, quản lý, sử dụng vật tư và các tài sản khác trong Công ty Nhà nước:

5.1. Công ty Nhà nước phải tính toán, xác định nhu cầu sử dụng, dự trữ vật tư và các tài sản khác hợp lý trên cơ sở nhu cầu sản xuất, kinh doanh và khả năng cung ứng của thị trường.

5.2. Công ty Nhà nước phải xây dựng và thực hiện đúng các định mức sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu và áp dụng các biện pháp tiên tiến phù hợp với đặc điểm tổ chức kinh doanh và đặc điểm kinh tế - kỹ thuật, thực trạng trang thiết bị của Công ty, bảo đảm tiết kiệm, giảm chi phí, hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm.

6. Quản lý, sử dụng các chi phí khác trong Công ty Nhà nước:

6.1. Đối với chi phí về lao động, Công ty Nhà nước phải xây dựng định mức lao động để xây dựng đơn giá tiền lương và sử dụng lao động trong Công ty, có biện pháp tăng năng suất lao động, sử dụng lao động có hiệu quả.

6.2. Đối với các phương tiện, thiết bị và tài sản phục vụ công tác quản lý, Công ty Nhà nước phải thực hiện việc quản lý, sử dụng theo đúng định mức, tiêu chuẩn, chế độ theo hướng dẫn của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

6.3. Đối với các khoản chi hoa hồng, chi tiếp khách, hội họp, giao dịch, Công ty Nhà nước phải xây dựng định mức chi tiêu có hiệu quả, tiết kiệm và đúng quy định của pháp luật. Nghiêm cấm việc sử dụng công quỹ để làm quà biếu, quà tặng sai quy định.

6.4. Đối với các khoản chi thưởng sáng kiến đổi mới, cải tiến kỹ thuật, quản lý và công nghệ, thưởng tăng năng suất lao động, thưởng tiết kiệm vật tư và chi phí, Công ty Nhà nước phải xác định mức tiền thưởng trên cơ sở hiệu quả sản xuất, kinh doanh và kết quả tiết kiệm đạt được.

7. Trách nhiệm của Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc Công ty Nhà nước:

Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc Công ty Nhà nước có trách nhiệm quản lý, sử dụng vốn và tài sản của Công ty hiệu quả; nếu thiếu trách nhiệm, gây lãng phí thì phải bồi thường và bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý kỷ luật.

8. Trách nhiệm của người đại diện phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp:

8.1. Người đại diện phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp có trách nhiệm theo dõi, giám sát tình hình hoạt động, kinh doanh của doanh nghiệp; nếu thiếu trách nhiệm, gây lãng phí cho doanh nghiệp và Nhà nước thì phải bồi thường và bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý kỷ luật.

8.2. Người đại diện phần vốn góp của Nhà nước phải chịu trách nhiệm về những vấn đề đã biểu quyết đối với các quyết định của doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước; định kỳ báo cáo việc sử dụng vốn góp của Nhà nước với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

II- TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các Tổng công ty Nhà nước, các doanh nghiệp Nhà nước, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhà nước 1 thành viên; người đại diện phần vốn Nhà nước tại các Công ty cổ phần, Công ty Trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên có vốn Nhà nước thuộc Ủy ban nhân dân thành phố có trách nhiệm xây dựng và triển khai thực hiện chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp một cách cụ thể trong nội bộ đơn vị.

Đối với các Tổng công ty Nhà nước, các doanh nghiệp Nhà nước độc lập thuộc Ủy ban nhân dân thành phố định kỳ hàng quý, năm lập báo cáo gửi về Sở Tài chính (Chi cục Tài chính doanh nghiệp) cùng với thời điểm lập và gửi báo cáo tài chính của doanh nghiệp.

Đối với các doanh nghiệp Nhà nước, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhà nước 1 thành viên là thành viên các Tổng công ty định kỳ hàng quý, năm lập báo cáo gửi về Tổng công ty cùng với thời điểm lập và gửi báo cáo tài chính của doanh nghiệp.

2. Định kỳ hàng quý, năm giao Sở Tài chính (Chi cục Tài chính doanh nghiệp) phối hợp cùng các Tổng công ty, các cơ quan chủ quản kiểm tra việc thực hiện chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp Nhà nước thuộc Ủy ban nhân dân thành phố, tổng hợp tình hình, báo cáo đề xuất xử lý các trường hợp vi phạm (nếu có) trình Ủy ban nhân dân thành phố./.

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ Tài chính (để b/c);
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND thành phố;
- Thường trực UBND thành phố;
- Sở, ban, ngành thành phố;
- Ủy ban nhân dân quận - huyện;
- Tổng công ty NN trực thuộc thành phố;
- Chi cục Tài chính doanh nghiệp;
- Các Báo, Đài thành phố;
- VPHĐ-UB: CPVP;
- Các tổ NCTH, TM (2b), TH (2b);
- Lưu (TH/LTg) D.210.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH/THƯỜNG TRỰC



 
Nguyễn Thiện Nhân

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn số 3639/UBND-TH của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về việc triển khai tổ chức thực hiện Chương trình thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp

  • Số hiệu: 3639/UBND-TH
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 05/06/2006
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Nguyễn Thiện Nhân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 05/06/2006
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản