Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 3373/TCT-HTQT
V/v giải quyết hoàn thuế theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần.

Hà Nội, ngày 18 tháng 8 năm 2009

 

Kính gửi: Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh.

 Trả lời công văn số 4542/CT-KTT2 ngày 11/6/2009 của Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh liên quan đến giải quyết hồ sơ hoàn thuế theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần (Hiệp định), Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:

 1. Về địa vị pháp lý các chi nhánh ngân hàng nước ngoài khi áp dụng Hiệp định: 

 Khoản 4, Điều 7, Nghị định số 22/2006/NĐ-CP ngày 28/2/2006 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, văn phòng đại diện tổ chức tín dụng nước ngoài tại Việt Nam quy định: 

 “Chi nhánh ngân hàng nước ngoài là đơn vị phụ thuộc ngân hàng mẹ, không có tư cách pháp nhân theo pháp luật Việt Nam, được ngân hàng mẹ đảm bảo bằng văn bản về việc chịu trách nhiệm đối với mọi nghĩa vụ và cam kết của chi nhánh tại Việt Nam.” 

 Tại Điểm 2.1.1.2 (a), Mục II, Phần B, Thông tư số 133/2004/TT-BTC ngày 31/12/2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần đối với các loại thuế đánh vào thu nhập và tài sản giữa Việt Nam với các nước có hiệu lực thi hành tại Việt Nam hướng dẫn: 

 “Một doanh nghiệp của một Nước ký kết sẽ được coi là tiến hành hoạt động kinh doanh thông qua một cơ sở thường trú tại Việt Nam trong các trường hợp chủ yếu sau đây:

 a) Doanh nghiệp đó có tại Việt Nam: trụ sở điều hành, chi nhánh (như chi nhánh công ty luật, chi nhánh văn phòng nước ngoài, chi nhánh các công ty thuốc lá, chi nhánh ngân hàng,...”

 Theo các hướng dẫn trên, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam của các ngân hàng nước ngoài được coi là cơ sở thường trú của ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, trừ trường hợp Hiệp định giữa Việt Nam với Nước cư trú của các ngân hàng nước ngoài có quy định khác.

 Khoản 1 và Khoản 2, Điều 5 - Cơ sở thường trú, Hiệp định Việt Nam - Pháp quy định:

 “1. Theo nghĩa trong Hiệp định này, thuật ngữ “cơ sở thường trú” có nghĩa là một cơ sở kinh doanh cố định qua đó xí nghiệp thực hiện toàn bộ hoặc một phần hoạt động kinh doanh của mình.

 2. Thuật ngữ “cơ sở thường trú” chủ yếu bao gồm:

 a) trụ sở điều hành;

 b) chi nhánh;...” 

 Căn cứ vào các hướng dẫn và quy định nêu trên, chi nhánh ngân hàng tại Việt Nam (Chi nhánh tại Việt Nam) của các ngân hàng là đối tượng cư trú của Pháp (Ngân hàng mẹ) nói chung, các Chi nhánh tại Thành phố Hồ Chí Minh của Ngân hàng BNP Paribas SA và Ngân hàng Natexis nói riêng, được coi là cơ sở thường trú của các Ngân hàng mẹ tại Việt Nam. 

 2. Về việc áp dụng Hiệp định Việt Nam - Pháp đối với thu nhập lãi tiền vay từ các khoản vay giữa Ngân hàng mẹ là đối tượng cư trú của Pháp và các Chi nhánh tại Việt Nam: 

 Tại Hiệp định Việt Nam - Pháp không có một điều khoản riêng về thu nhập lãi tiền vay, nên khoản thu nhập này được coi là loại thu nhập khác và thuộc phạm vi điều chỉnh của Điều 20 - Thu nhập khác. 

 Điều 20 - Thu nhập khác Hiệp định Việt Nam - Pháp quy định:

 “1. Những khoản thu nhập của một đối tượng cư trú của một Nước ký kết, bất kể phát sinh ở đâu, không được đề cập đến tại các điều khoản trên của Hiệp định này sẽ chỉ bị đánh thuế ở Nước này.

 2. Các quy định của khoản 1 sẽ không áp dụng đối với những thu nhập khác với những thu nhập từ bất động sản đã được quy định tại khoản 2 của điều 6, nếu đối tượng hưởng các thu nhập loại này là đối tượng cư trú của một Nước ký kết tiến hành một hoạt động công nghiệp hay thương mại tại Nước ký kết kia thông qua một cơ sở thường trú đóng tại đó, hoặc tiến hành tại Nước ký kết kia các hoạt động dịch vụ cá nhân độc lập thông qua một cơ sở cố định đóng tại đó, và nếu quyền hoặc tài sản làm phát sinh các khoản thu nhập này có quan hệ thực tế với cơ sở thường trú hoặc cơ sở cố định này. Trong trường hợp này, các quy định tại điều 7 hoặc điều 13, tuỳ từng trường hợp, sẽ được áp dụng”.

 Căn cứ quy định tại khoản 1 nêu trên, khoản lãi tiền vay (với tư cách là thu nhập khác) của Ngân hàng mẹ (với tư cách là đối tượng cư trú của Pháp) sẽ chỉ bị đánh thuế tại Pháp. Nghĩa là được miễn thuế tại Việt Nam. 

 Tuy nhiên, căn cứ vào quy định tại khoản 2 nêu trên, quy định của khoản 1 sẽ không được áp dụng nếu khoản lãi tiền vay Ngân hàng mẹ (với tư cách là đối tượng thực hưởng khoản lãi tiền vay và là đối tượng cư trú của Pháp) tiến hành hoạt động công nghiệp hay thương mại tại Việt Nam thông qua một cơ sở thường trú tại Việt Nam và nếu quyền hoặc tài sản làm phát sinh các khoản thu nhập này có quan hệ thực tế với cơ sở thường trú này. Trong trường hợp này, các quy định tại Điều 7 - Lợi tức doanh nghiệp sẽ được áp dụng. 

 Căn cứ vào các nội dung trên, nếu trong quá trình đàm phán, ký kết, thực hiện hợp đồng vay giữa Ngân hàng mẹ với Chi nhánh không tạo thành cơ sở thường trú hoặc không thông qua một cơ sở thường trú của Ngân hàng mẹ tại Việt Nam thì lãi tiền vay thu được từ hoạt động cho vay tại Việt Nam sẽ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp tại Việt Nam. Trong trường hợp cụ thể này là Ngân hàng BNP Parisbas với Ngân hàng BNP Paribas - chi nhánh tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ngân hàng Natexis với Ngân hàng Natexis - chi nhánh tại Thành phố Hồ Chí Minh.

 Trường hợp trong quá trình đàm phán, ký kết, thực hiện hợp đồng vay giữa Ngân hàng mẹ và Chi nhánh có tạo thành cơ sở thường trú hoặc thông qua một cơ sở thường trú của Ngân hàng mẹ tại Việt Nam và nếu quyền hoặc tài sản làm phát sinh các khoản thu nhập này có quan hệ thực tế với cơ sở thường trú này thì Ngân hàng mẹ phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập thu được từ hoạt động cho vay tại Việt Nam theo quy định tại Khoản 1, Điều 7 - Lợi tức doanh nghiệp của Hiệp định Việt Nam – Pháp.

 Khoản 1, Điều 7 - Lợi tức doanh nghiệp Hiệp định Việt Nam – Pháp quy định: 

 “Lợi tức của một xí nghiệp của một Nước ký kết chỉ chịu thuế tại Nước đó, trừ trường hợp xí nghiệp có tiến hành hoạt động kinh doanh tại Nước ký kết kia thông qua một cơ sở thường trú tại Nước kia. Nếu xí nghiệp có hoạt động kinh doanh theo cách trên, thì các khoản lợi tức của xí nghiệp có thể bị đánh thuế tại Nước kia, nhưng chỉ trên phần lợi tức phân bổ cho cơ sở thường trú đó.” 

 Để áp dụng Hiệp định theo tinh thần trên, cần lưu ý một số điểm dưới đây: 

 Thứ nhất, mặc dù các Chi nhánh là các cơ sở thường trú tại Việt Nam của các Ngân hàng mẹ, nhưng trên phương diện quan hệ hợp đồng, quan hệ giữa Ngân hàng mẹ và Chi nhánh là quan hệ của hai đối tác trong hợp đồng nên khi thực hiện hợp đồng này thì Ngân hàng mẹ tiến hành giao dịch cho vay với Chi nhánh, không phải tiến hành giao dịch cho vay thông qua Chi nhánh. Do đó, nếu quá trình đàm phán ký kết và thực hiện hợp đồng vay giữa Ngân hàng mẹ và Chi nhánh được tiến hành trực tiếp giữa Ngân hàng mẹ tại Pháp và Chi nhánh tại Việt Nam không thông qua một đối tượng thứ ba nào tại Việt Nam (đối tượng thứ ba có thể là một đơn vị phụ thuộc của Ngân hàng mẹ tại Việt Nam hoặc một đối tượng không phải một đại lý độc lập tại Việt Nam - các đối tượng này được minh hoạ trong các thí dụ dưới đây) thì khoản lãi tiền vay sẽ không bị chịu thuế tại Việt Nam.

 Thứ hai, khoản lãi tiền vay phát sinh từ các hợp đồng vay là thu nhập của Ngân hàng mẹ và là chi phí của Chi nhánh, không phải là thu nhập của Chi nhánh nên khoản lãi tiền vay này không thể phân bổ với tư cách là thu nhập của Chi nhánh, trái lại phải được phân bổ như chi phí của Chi nhánh theo quy định của Khoản 3, Điều 7 - Lợi tức doanh nghiệp của Hiệp định Việt Nam – Pháp.

 Khoản 3, Điều 7 - Lợi tức doanh nghiệp Hiệp định Việt Nam – Pháp quy định: 

 “Để xác định lợi tức của một cơ sở thường trú, cơ sở này sẽ được phép trừ các khoản chi phí phát sinh phục vụ cho các hoạt động kinh doanh của cơ sở thường trú đó, bao gồm chi phí điều hành và chi phí quản lý chung phát sinh tại Nước mà cơ sở thường trú này đóng hoặc bất cứ nơi nào khác.”

 Thứ ba, các giao dịch cho vay giữa Ngân hàng mẹ và Chi nhánh sẽ được coi là tạo ra cơ sở thường trú hoặc được thực hiện thông qua một cơ sở thường trú để từ đó khoản thu nhập lãi tiền vay sẽ được phân bổ cho cơ sở thường trú đó và chịu thuế tại Việt Nam theo quy định của Khoản 1, Điều 7 - Lợi tức doanh nghiệp của Hiệp định Việt Nam – Pháp được minh hoạ qua các ví dụ dưới đây: 

 Ví dụ 1: Ngân hàng P là đối tượng cư trú của Pháp và lập Chi nhánh PC tại Thành phố Hồ Chí Minh. Nếu Ngân hàng P thuê một luật sư cư trú tại Thành phố Hồ Chí Minh để đàm phán và ký kết hợp đồng vay với Chi nhánh PC dưới tên của Ngân hàng P. Luật sư này dành toàn bộ thời gian làm việc của mình để làm việc cho Ngân hàng P. Trong trường hợp này, theo quy định của Khoản 5, Điều 5 - Cơ sở thường trú của Hiệp định Việt Nam – Pháp, Ngân hàng P đã được coi là tạo ra một cơ sở thường trú tại Việt Nam trong quá trình đàm phán hợp đồng vay với Chi nhánh PC. Do đó, theo quy định tại Khoản 1, Điều 7 - Lợi tức doanh nghiệp của Hiệp định Việt Nam – Pháp khoản lãi tiền vay phát sinh từ hợp đồng vay giữa Ngân hàng P và Chi nhánh PC sẽ chịu thuế tại Việt Nam trên phần lợi tức phân bổ cho cơ sở thường trú tại Việt Nam mà Ngân hàng P được coi là đã tạo ra do tiến hành đàm phán và ký kết hợp đồng vay theo cách thức trên. Cơ sở thường trú được coi là tạo ra này không phải là Chi nhánh PC.

 Ví dụ 2: Ngân hàng P là đối tượng cư trú của Pháp và lập Chi nhánh PC tại Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời mở một Văn phòng đại diện PV tại Hà Nội. Trong quá trình triển khai hợp đồng vay ký kết giữa Ngân hàng P và Chi nhánh PC, Ngân hàng P đã giao cho Văn phòng đại diện PV kiểm soát toàn bộ quá trình thực hiện hợp đồng vay (giải ngân, thanh toán nợ và lãi tiền vay, ...). Trong trường hợp này, theo quy định của Khoản 1, Điều 5 - Cơ sở thường trú của Hiệp định Việt Nam – Pháp Ngân hàng P đã được coi là tiến hành thực hiện hợp đồng vay qua một cơ sở thường trú tại Việt Nam (Văn phòng đại diện PV). Do đó, theo quy định tại Khoản 1, Điều 7 - Lợi tức doanh nghiệp của Hiệp định Việt Nam – Pháp khoản lãi tiền vay phát sinh từ hợp đồng vay giữa Ngân hàng P và Chi nhánh PC sẽ chịu thuế tại Việt Nam trên phần lợi tức phân bổ cho cơ sở thường trú của Ngân hàng P (Văn phòng đại diện PV) có tại Việt Nam. 

 3. Về mẫu đề nghị hoàn thuế: 

 Theo hướng dẫn tại điểm 7, mục I, phần G, Thông tư số 60/2007/TT-BTC ngày 14/6/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật quản lý thuế và hướng dẫn thi hành Nghị định số 85/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật quản lý thuế (Thông tư số 60/2007/TT-BTC) thì: 

 “Hồ sơ hoàn thuế theo Hiệp định gồm:

 - Văn bản đề nghị hoàn thuế theo Hiệp định theo Mẫu số 02/HTBT ban hành kèm theo Thông tư này đối với tổ chức, cá nhân là đối tượng cư trú của nước ngoài hoặc theo Mẫu số 03/HTBT ban hành kèm theo Thông tư này đối với tổ chức, cá nhân là đối tượng cư trú của Việt Nam.” 

 Theo hướng dẫn tại Phần C, Thông tư số 128/2008/TT-BTC ngày 24/12/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn thu và quản lý các khoản thu ngân sách nhà nước qua Kho bạc nhà nước (Thông tư số 128/2008/TT-BTC) thì: 

 “thay thế mẫu giấy đề nghị hoàn thuế, phí (mẫu số 01/HTBT), Quyết định hoàn thuế (mẫu số 04/HTBT) ban hành theo Thông tư số 60/2007/TT-BTC ngày 14/6/2007 của Bộ Tài chính.”

 Căn cứ vào quy định nêu trên của Thông tư số 128/2008/TT-BTC thì Mẫu số 02/HTBT và Mẫu số 03/HTBT ban hành kèm theo Thông tư số 60/2007/TT-BTC không bị thay thế. 

 Do đó, trường hợp người nộp thuế đề nghị hoàn thuế theo Hiệp định thì trong hồ sơ hoàn thuế gửi cơ quan thuế vẫn bao gồm văn bản đề nghị hoàn thuế theo Hiệp định theo Mẫu số 02/HTBT hoặc Mẫu số 03/HTBT ban hành kèm theo Thông tư số 60/2007/TT-BTC. 

 Tổng cục Thuế thông báo để Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh biết và thực hiện. Trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh vướng mắc, đề nghị Cục Thuế liên hệ với Tổng cục Thuế (Ban Hợp tác quốc tế, ĐT: (04) 39712287) để được hướng dẫn chi tiết. 

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Các Ban: PC, CS, HT, TTTĐ, KK;
- Lưu: VT, HTQT (3b).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG 




Lê Hồng Hải

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn số 3373/TCT-HTQT về giải quyết hoàn thuế theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần do Tổng cục Thuế ban hành

  • Số hiệu: 3373/TCT-HTQT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 18/08/2009
  • Nơi ban hành: Tổng cục Thuế
  • Người ký: Lê Hồng Hải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 18/08/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản