Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 2721/LĐTBXH-TL
V/v: tiền lương làm thêm giờ trong các doanh nghiệp nhà nước

Hà Nội, ngày 16 tháng 8 năm 2002

 

Kính gửi: Tổng công ty Dược Việt Nam

 

Trả lời công văn số 274/TCTD-TCHC ngày 24/7/2002 của Tổng công ty Dược Việt Nam về việc ghi tại trích yếu, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội có ý kiến như sau:

Về chế độ làm thêm giờ đối với công nhân, viên chức trong các doanh nghiệp nhà nước: Hiện nay Thông tư số 18/LĐTBXH-TT ngày 2/6/1993 và Thông tư số 10/LĐTBXH-TT ngày 19/4/1995 của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội đều còn giá trị hiệu lực thi hành.

- Điểm 2, mục II, phần A, Thông tư số 18/LĐTBXH-TT quy định đối với công nhân, viên chức trong các doanh nghiệp không áp dụng chế độ trả lương làm thêm giờ, bao gồm:

“- Những người giữ chức vụ lãnh đạo;

- Công nhân, viên chức làm công việc theo đơn giá tiền lương.”

- Tiết a, điểm 2, mục III, Thông tư số 10/LĐTBXH-TT quy định đối tượng được trả lương khi làm thêm giờ: “áp dụng cho mọi đối tượng, trừ những người làm việc theo lương sản phẩm theo định mức, lương khoán hoặc trả lương theo thời gian làm việc không ổn định như làm việc trên các phương tiện vận tải đường bộ (kể cả lái xe con), đường sông, đường biển và đường không, thu mua hải sản, nông sản, thực phẩm...”

- Tiết d, điểm 2, mục III, Thông tư số 05/2001/TT-LĐTBXH ngày 29/1/2001 của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội hướng dẫn xây dựng đơn giá tiền lương và quản lý tiền lương, thu nhập trong doanh nghiệp nhà nước quy định: “làm thêm giờ là chế độ trả lương, không phải là phụ cấp, do đó không đưa vào đơn giá tiền lương”.

Tổng công ty Dược Việt Nam là một doanh nghiệp nhà nước được thực hiện chế độ trả lương sản phẩm, lương khoán do Bộ Y tế giao đơn giá tiền lương cho toàn bộ Tổng công ty. Tiền cơ sở các chỉ tiêu thực hiện, Tổng công ty được quyết toán quỹ tiền lương thực hiện theo đơn giá tiền lương được giao, không có quỹ tiền lương làm thêm giờ theo các văn bản quy định nói trên. Như vậy, công văn số 2031/LĐTBXH-TL ngày 28/6/2002 của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội trả lời Ông Nguyễn Văn Phong là đúng với quy định chế độ hiện hành.

Tuy nhiên, trên cơ sở đơn giá tiền lương được giao, quỹ tiền lương được quyết toán, Tổng công ty được toàn quyền phân phối quỹ tiền lương và trả lương cho công nhân, viên chức gắn với năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất, kinh doanh cho từng đơn vị, bộ phận, cá nhân người lao động thuộc quyền quản lý trên cơ sở quy chế phân phối trả lương do doanh nghiệp xây dựng theo hướng dẫn tại công văn số 4320/LĐTBXH-TL ngày 29/12/1998 của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, trong đó có thể quy định chế độ khuyến khích những người có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, tiền thưởng, tiền làm thêm giờ theo các văn bản quy định nêu trên.

Trên đây là ý kiến của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, để nghị Tổng Công ty Dược Việt Nam thực hiện theo đúng quy định của nhà nước./.

 

 

TL. BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
VỤ TRƯỞNG VỤ TIỀN LƯƠNG VÀ TIỀN CÔNG




Đặng Như Lợi

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn số 2721/LĐTBXH-TL ngày 16/08/2002 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về tiền lương làm thêm giờ trong các doanh nghiệp nhà nước

  • Số hiệu: 2721/LĐTBXH-TL
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 16/08/2002
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
  • Người ký: Đặng Như Lợi
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 16/08/2002
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản