Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
THANH TRA CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1411/TTCP-C.IV | Hà Nội, ngày 30 tháng 6 năm 2009 |
Kính gửi: | - Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; |
Ngày 12/5/2009, Chính phủ đã có Nghị quyết số 21/NQ-CP ban hành Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 (sau đây gọi tắt là Chiến lược). Đây là văn bản pháp lý quan trọng trong hệ thống các chủ trương, chính sách về phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước cần được quán triệt sâu, rộng và tổ chức thực hiện nghiêm túc.
Để đảm bảo triển khai thực hiện Chiến lược theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thanh tra Chính phủ đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là bộ, ngành, địa phương) khẩn trương xây dựng, ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược, hoàn thành trước ngày 30/ 7/2009 và gửi Kế hoạch báo cáo Chính phủ, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (qua Thanh tra Chính phủ và Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN).
Việc xây dựng kế hoạch phải dựa trên các quan điểm, mục tiêu, giải pháp và những yêu cầu đối với việc tổ chức thực hiện đã được đề ra trong Chiến lược, đồng thời bám sát nội dung hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ (có nội dung hướng dẫn xây dựng kế hoạch và biểu mẫu gửi kèm).
Về chế độ thông tin, báo cáo việc thực hiện Chiến lược, kế hoạch của Chính phủ, kế hoạch của bộ, ngành, địa phương: đề nghị các bộ, ngành, địa phương báo cáo theo các kỳ thống kê ba tháng, một năm và cuối mỗi giai đoạn thực hiện Chiến lược (riêng kỳ đầu tiên đề nghị báo cáo trước ngày 30/9/2009). Các báo cáo gửi về Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN để tổng hợp báo cáo Chính phủ, Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN.
Trong quá trình xây dựng kế hoạch thực hiện Chiến lược và tổ chức thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị các bộ, ngành, địa phương phản ánh về Thanh tra Chính phủ (qua Cục Chống tham nhũng) để được hướng dẫn, giải đáp./.
Nơi nhận: | TỔNG THANH TRA |
XÂY DỰNG KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG ĐẾN NĂM 2020
(Kèm theo Văn bản số1411/TTCP-C.IV ngày30/6/2009 của TTCP)
Bộ, ngành, địa phương phải xây dựng kế hoạch thực hiện giai đoạn 1 của Chiến lược (từ nay đến năm 2011), trong đó có những nội dung chuẩn bị cho việc thực hiện giai đoạn tiếp theo của Chiến lược. Trường hợp do đặc thù công tác quản lý của ngành, lĩnh vực, địa bàn thì có thể xây dựng thêm kế hoạch thực hiện Chiến lược hằng năm. Các nhiệm vụ đề ra trong kế hoạch cơ bản phải hoàn thành trong kỳ kế hoạch. Những nhiệm vụ có quy mô lớn, tính chất phức tạp thì có thể chuyển tiếp sang kỳ kế hoạch sau nhưng phải xác định cụ thể ngay trong kế hoạch kỳ này.
Kế hoạch bao gồm các phần chính và phần Phụ lục.
* Các phần chính bao gồm:
- Phần 1: Mục đích;
- Phần 2: Yêu cầu;
- Phần 3: Nội dung kế hoạch;
- Phần 4: Tổ chức thực hiện;
* Phần Phụ lục: gồm những nhiệm vụ cụ thể nhằm thực hiện các nội dung của kế hoạch được thể hiện dưới dạng biểu, trong đó sắp xếp các nhiệm vụ phải thực hiện theo từng cơ quan, đơn vị được giao chủ trì thực hiện, xác định các cơ quan phối hợp thực hiện và ấn định thời hạn hoàn thành nhiệm vụ (có biểu mẫu gửi kèm).
3/ Một số vấn đề cần lưu ý khi xây dựng kế hoạch
Kế hoạch phải đảm bảo tính khả thi, trong đó lưu ý tính chất logic giữa phần 3: “Nội dung kế hoạch” với các phần khác của kế hoạch để thông qua việc thực hiện các nội dung của kế hoạch sẽ đạt được mục đích và đảm bảo yêu cầu đã đề ra. Mặt khác, các hoạt động đã được xác định trong phần nội dung phải gắn với trách nhiệm thực hiện của một chủ thể có đủ điều kiện thực hiện và một thời hạn thực hiện xác định.
Trong mỗi phần của kế hoạch cần lưu ý các nội dung sau:
a) Mục đích
Phải cụ thể hoá mục tiêu chung, các mục tiêu cụ thể của Chiến lược; xác định các mục đích khác cần đạt được khi kết thúc kỳ kế hoạch phù hợp với yêu cầu quản lý của bộ, ngành, địa phương và đặc thù của lĩnh vực, địa bàn quản lý. Mục đích phải được thể hiện rõ ràng, cụ thể để dễ đánh giá, kiểm chứng mức độ đã đạt được.
b) Yêu cầu.
Phải thể hiện được những nội dung có tính nguyên tắc, định hướng trong việc thực hiện Chiến lược và kế hoạch thực hiện Chiến lược (ví dụ như đối với kế hoạch thực hiện giai đoạn 1 của Chiến lược thì phải đặt ra các yêu cầu như: chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, quán triệt về Chiến lược; triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống tham nhũng; tập trung thực hiện các nhiệm vụ nhằm nâng cao năng lực phát hiện, xử lý tham nhũng; đặt phòng, chống tham nhũng trong mối quan hệ với Chương trình tổng thể về cải cách hành chính nhà nước...).
Ngoài ra, tuỳ theo đặc thù quản lý của từng bộ, ngành, địa phương mà có thể đặt ra những yêu cầu khác. Ví dụ như những bộ thuộc khối kinh tế ngành hoặc khối văn hoá xã hội thì có thể đặt ra những yêu cầu như chú trọng công khai, minh bạch hoạt động, quá trình hoạch định chính sách, trong khi đó các bộ, ngành thuộc khối nội chính thì lại chú trọng việc nâng cao năng lực phát hiện, xử lý tham nhũng, thu hồi tài sản thất thoát.... Hoặc như các địa phương có nhiều hoạt động đầu tư, kinh doanh... thì chú trọng hoàn thiện môi trường kinh doanh, trong khi địa phương khác lại có thể chú trọng các hoạt động nhằm đảm bảo an sinh xã hội, phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội dân sự...
c) Nội dung:
Kế hoạch phải đề ra các nội dung cơ bản cần phải thực hiện và xác định cụ thể các nhiệm vụ thuộc nội dung đó nhằm thực hiện được mục đích và đảm bảo các yêu cầu đã đề ra. Tuỳ điều kiện của từng bộ, ngành, địa phương mà nội dung kế hoạch có thể có những chi tiết khác nhau nhưng nhìn chung phải đề ra được ít nhất 04 nhóm nội dung cơ bản sau:
- Tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung Chiến lược và các chính sách, pháp luật về PCTN đối với cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân.
- Thực hiện các giải pháp của Chiến lược.
- Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, việc thực hiện Chiến lược.
- Đánh giá, tổng hợp báo cáo, sơ kết việc thực hiện Chiến lược.
Trong mỗi nhóm nội dung cơ bản nêu trên, phải xác định cụ thể các nhiệm vụ gắn với nội dung đó. Ví dụ như để tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Chiến lược, pháp luật về PCTN ở tỉnh có thể đề ra các hoạt động cụ thể như: Biên soạn tài liệu tuyên truyền về Chiến lược quốc gia PCTN; tổ chức các hội nghị tập huấn chuyên đề; đưa nội dung Chiến lược vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức; thực hiện các chương trình phát thanh, truyền hình để tuyên truyền về Chiến lược…
Trong nội dung “Thực hiện các giải pháp của Chiến lược” phải lưu ý xác định rõ các hoạt động nhằm cụ thể hoá 05 nhóm giải pháp mà Chiến lược đã đề ra gắn với ngành, lĩnh vực, địa bàn quản lý của mình (nêu chi tiết các hoạt động theo từng nhóm giải pháp của Chiến lược). Các bộ, ngành đã được Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể trong Kế hoạch ban hành kèm theo Chiến lược thì phải chuyển tải các nhiệm vụ đó vào kế hoạch thực hiện Chiến lược của bộ, ngành mình.
d) Tổ chức thực hiện.
Bộ, ngành, địa phương phải xác định rõ cơ quan, tổ chức trực thuộc bộ, tỉnh được giao làm đầu mối để tham mưu việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện kế hoạch; phân công cơ quan có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, đánh giá, tổng hợp kết quả thực hiện theo các kỳ thống kê ba tháng, một năm và cuối mỗi giai đoạn thực hiện Chiến lược.
Mỗi bộ, ngành, địa phương phải xác định trong kế hoạch ít nhất 02 cơ quan, đơn vị trực thuộc để chỉ đạo điểm (Lưu ý lựa chọn những cơ quan, đơn vị chủ trì thực hiện nhiều hoạt động đề ra trong kế hoạch); đồng thời chỉ đạo các cơ quan trực thuộc được giao nhiệm vụ phải xây dựng kế hoạch chi tiết để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Đối với các địa phương và các bộ, ngành có cơ cấu tổ chức gồm nhiều cấp (Tổng Cục, Cục, Chi cục...) thì địa phương và các bộ, ngành đó phải chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc, tổ chức quán triệt, xây dựng kế hoạch thực hiện Chiến lược trong phạm vi quản lý để đảm bảo việc tổ chức thực hiện Chiến lược được triển khai đến tận cơ sở.
Trong quá trình xây dựng kế hoạch thực hiện Chiến lược và tổ chức thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị các bộ, ngành, địa phương phản ánh về Thanh tra Chính phủ (qua Cục Chống tham nhũng) hoặc liên hệ trực tiếp qua số điện thoại 08048228 để được hướng dẫn, giải đáp./.
THANH TRA CHÍNH PHỦ
(Kèm theo Văn bản số /TTCP-C.IV ngày /6/2009 của TTCP)
NHIỆM VỤ THUỘC KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo kế hoạch số /KH... ngày / /2009 của ..................)
TT | CƠ QUAN CHỦ TRÌ THỰC HIỆN | NHIỆM VỤ | CƠ QUAN PHỐI HỢP | THỜI ĐIỂM HOÀN THÀNH | |
1 | ... | 1 | | | |
2 | | | | ||
... | | | | ||
2 | ... | 1 | | | |
2 | | | | ||
... | | | | ||
… | ... | | | | |
| THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN (Ký, đóng dấu) |
Công văn số 1411/TTCP-C.IV về việc hướng dẫn xây dựng Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 do Thanh tra Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 1411/TTCP-C.IV
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 30/06/2009
- Nơi ban hành: Thanh tra Chính phủ
- Người ký: Trần Văn Truyền
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra