Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
------------

Số: 132/LĐTBXH-LĐVL
V/v: chế độ mua cổ phần ưu đãi giảm giá đối với người lao động khi cổ phần hóa doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.

Hà Nội, ngày 11 tháng 01 năm 2008

 

Kính gửi: Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam

Trả lời Công văn số 2101/CSVN-LĐTL ngày 25/12/2007 của quý Tập đoàn về nội dung ghi ở trích yếu, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có ý kiến như sau:

1. Căn cứ các quy định tại Nghị định số 109/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần (có hiệu lực kể từ ngày 01/8/2007 và thay thế Nghị định số 187/2004/NĐ-CP ngày 16/11/2004 của Chính phủ) và Thông tư số 20/2007/TT-BLĐTBXH ngày 04/10/2007 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chính sách đối với người lao động theo Nghị định số 109/2007/NĐ-CP thì đối tượng được mua cổ phần với giá ưu đãi là người lao động có tên trong danh sách thường xuyên của doanh nghiệp tại thời điểm công bố giá trị doanh nghiệp.

Như vậy, chỉ người lao động có tên trong danh sách thường xuyên của Công ty Cao su Phước Hòa tại thời điểm Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam công bố giá trị doanh nghiệp (19/10/2007) được quyền mua cổ phần với giá ưu đãi theo quy định tại khoản 1 Điều 51 Nghị định số 109/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007 của Chính phủ.

Những người nguyên là người lao động của các công ty cao su đã nghỉ hưu, không có tên trong danh sách thường xuyên của doanh nghiệp nên không thuộc đối tượng được mua cổ phần với giá ưu đãi.

2. Khoản 4 Điều 10 Nghị định số 41/2002/NĐ-CP ngày 11/4/2002 của Chính phủ về chính sách đối với lao động dôi dư do sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 155/2004/NĐ-CP ngày 10/8/2004 của Chính phủ quy định: “Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội đồng quản trị Tổng công ty 91 phê duyệt phương án giải quyết lao động dôi dư theo nguyên tắc một lần để thực hiện đối với từng doanh nghiệp quy định tại Điều 1 Nghị định này”.

Như vậy, nếu các công ty đã thực hiện giải quyết lao động dôi dư khi thực hiện cơ cấu lại thì không thuộc đối tượng áp dụng của Nghị định số 110/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007 của Chính phủ khi thực hiện cổ phần hóa.

Trên đây là ý kiến của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, đề nghị Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam thực hiện theo đúng quy định của pháp luật./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- TT Nguyễn Thanh Hòa (để b/c);
- Lưu VT, Vụ LĐ-VL

TL. BỘ TRƯỞNG
VỤ TRƯỞNG VỤ LAO ĐỘNG – VIỆC LÀM




Nguyễn Đại Đồng