Hệ thống pháp luật

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 155/2004/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 10 tháng 8 năm 2004

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 155/2004/NĐ-CP NGÀY 10 THÁNG 8 NĂM 2004 SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 41/2002/NĐ-CP NGÀY 11 THÁNG 4 NĂM2002 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ CHÍNH SÁCHĐỐI VỚI LAO ĐỘNG DÔI DƯ DO SẮP XẾP LẠI DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Bộ luật Lao động ngày 23 tháng 6 năm 1994, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động ngày 02 tháng 4 năm 2002;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp nhà nước ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 41/2002/NĐ-CP ngày 11 tháng 4 năm 2002 của Chính phủ về chính sách đối với lao động dôi dư do sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước như sau:

1. Điều 1 được sửa đổi, bổ sung như sau:

''Điều 1. Phạm vi áp dụng Nghị định này là các công ty nhà nước thực hiện các biện pháp cơ cấu lại được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, gồm :

1. Công ty nhà nước, công ty thành viên hạch toán độc lập và đơn vị sự nghiệp thuộc Tổng công ty do Nhà nước quyết định đầu tư và thành lập (sau đây gọi là Tổng công ty) thực hiện cơ cấu lại theo Điều 17 của Bộ luật Lao động.

2. Công ty nhà nước, công ty thành viên hạch toán độc lập thuộc tổng công ty chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.

3. Công ty nhà nước, đơn vị hạch toán phụ thuộc của công ty nhà nước, công ty thành viên hạch toán độc lập, đơn vị hạch toán phụ thuộc của công ty thành viên hạch toán độc lập thuộc tổng công ty chuyển thành công ty cổ phần; công ty cổ phần được chuyển từ các công ty, đơn vị hạch toán phụ thuộc của các công ty nêu trên có phương án cơ cấu lại được Hội đồng quản trị công ty quyết định phê duyệt và cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận trong vòng 12 tháng kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp.

4. Công ty nhà nước, công ty thành viên hạch toán độc lập thuộc Tổng công ty thực hiện sáp nhập, hợp nhất, chia, tách.

5. Công ty nhà nước, công ty thành viên hạch toán độc lập thuộc Tổng công ty thực hiện giao, bán, khoán kinh doanh, cho thuê.

6. Công ty nhà nước, công ty thành viên hạch toán độc lập thuộc Tổng công ty thực hiện phá sản, giải thể.

7. Công ty nhà nước, công ty thành viên hạch toán độc lập thuộc Tổng công ty chuyển thành đơn vị sự nghiệp.

8. Nông, lâm trường quốc doanh sắp xếp lại theo Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2003 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh.

9. Công ty nhà nước thực hiện các hình thức khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

10. Công ty nhà nước thuộc tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ trưởng Bộ quản lý ngành kinh tế - kỹ thuật của ngành, nghề kinh doanh chính quyết định thành lập chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc chuyển thành công ty cổ phần hoạt động theo Luật Doanh nghiệp''.

2. Điều 2 được sửa đổi, bổ sung như sau:

''Điều 2. Đối tượng áp dụng Nghị định này là người lao động đang thực hiện hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc có thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng, gồm:

1. Người lao động dôi dư trong công ty, đơn vị (sau đây được gọi chung là công ty) thực hiện sắp xếp theo quy định tại Điều 1 (trừ khoản 6) của Nghị định này đã được tuyển dụng vào khu vực nhà nước trước ngày 21 tháng 4 năm 1998 (thời điểm thực hiện Chỉ thị số 20/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh sắp xếp và đổi mới doanh nghiệp nhà nước), gồm:

a) Người lao động đang làm việc, khi sắp xếp lại, công ty đã tìm mọi biện pháp tạo việc làm, nhưng không bố trí được việc làm;

b) Người lao động có tên trong danh sách thường xuyên của công ty nhưng không có việc làm (đang chờ việc), tại thời điểm sắp xếp lại, công ty vẫn không bố trí được việc làm.

2. Người lao động trong công ty bị giải thể, phá sản.

3. Người lao động có tên trong danh sách thường xuyên của nông, lâm trường quốc doanh, được tuyển dụng vào khu vực nhà nước trước ngày 21 tháng 4 năm 1998, tại thời điểm sắp xếp lại, nông, lâm trường quốc doanh đã tìm mọi biện pháp tạo việc làm, nhưng không bố trí được việc làm hoặc không thực hiện chế độ giao đất, giao rừng của nông, lâm trường quốc doanh.

Riêng đối với trường hợp người lao động được giao đất, giao rừng của nông, lâm trường quốc doanh nếu thực hiện chấm dứt quan hệ lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động thì không thực hiện chế độ theo Nghị định này mà được giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 42 của Bộ luật Lao động''.

3. Điều 5 được sửa đổi, bổ sung như sau :

''Điều 5. Người lao động đã nhận trợ cấp theo quy định tại khoản 3 Điều 3 của Nghị định này nếu được tái tuyển dụng vào công ty hoặc nông, lâm trường đã cho thôi việc hoặc các công ty, cơ quan khác thuộc khu vực nhà nước hoặc được nông, lâm trường giao đất, giao rừng thì phải trả lại số tiền trợ cấp theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 3 của Nghị định này.

Công ty, nông, lâm trường quốc doanh, cơ quan khác thuộc khu vực nhà nước tuyển dụng lao động hoặc nông, lâm trường giao đất, giao rừng có trách nhiệm thu hồi số tiền nêu trên từ người lao động và nộp toàn bộ vào Quỹ hỗ trợ lao động dôi dư do sắp xếp lại công ty nhà nước thành lập theo Điều 7 của Nghị định này''.

4. Khoản 2 Điều 7 được sửa đổi, bổ sung như sau:

''2. Quỹ hỗ trợ lao động dôi dư chịu trách nhiệm cấp kinh phí cho các công ty (kể cả kinh phí để chi trả chế độ đối với các chức danh quy định tại điểm 4 mục II Nghị quyết số 09/2003/NQ-CP ngày 28 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 16/2000/NQ-CP ngày 18 tháng 10 năm 2000 của Chính phủ về tinh giản biên chế trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp); cơ quan bảo hiểm xã hội; cơ sở dạy nghề cho người lao động dôi dư; các tổ chức được thành lập để giải quyết lao động dôi dư trong các công ty bị giải thể, phá sản; đơn vị sự nghiệp thuộc Tổng công ty nhà nước; nông, lâm trường quốc doanh kể cả phần kinh phí giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 42 của Bộ luật Lao động quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị định này''.

5. Cụm từ ''doanh nghiệp nhà nước'' đã được thể hiện tại Nghị định số 41/2002/NĐ-CP ngày 11 tháng 4 năm 2002 của Chính phủ nay được thay bằng cụm từ ''công ty nhà nước''.

Điều 2. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Các quy định trước đây trái với Nghị định này đều bãi bỏ.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Phan Văn Khải

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 155/2004/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 41/2002/NĐ-CP về chính sách đối với lao động dôi dư do sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước

  • Số hiệu: 155/2004/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 10/08/2004
  • Nơi ban hành: Chính phủ
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: 22/08/2004
  • Số công báo: Từ số 27 đến số 28
  • Ngày hiệu lực: 06/09/2004
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản