Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 10706 TC/CST
V/v Thuế nhập khẩu, thuế VAT đối với Malt

Hà Nội, ngày 22 tháng 9 năm 2004

 

Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ

 

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 3321/VPCP-KTTH ngày 1 tháng 7 năm 2004 của Văn phòng Chính phủ về việc xem xét kiến nghị của Công ty Đường Man giảm thuế nhập khẩu đối với lúa mạch từ 3% xuống 0%, tăng thuế nhập khẩu đối với malt từ 5% lên 20% và kiến nghị về nộp thuế giá trị gia tăng, Bộ Tài chính đã có ý kiến trao đổi với Bộ Thương mại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công nghiệp. Sau khi tổng hợp ý kiến của các Bộ, Bộ Tài chính xin báo cáo Thủ tướng Chính phủ như sau:

1. Về kiến nghị giảm thuế nhập khẩu đối với lúa mạch:

Mặt hàng lúa mạch là nguyên liệu đầu vào của ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, trong đó có sản phẩm malt. Hiện nay lúa mạch sử dụng trong nước chủ yếu là từ nguồn nhập khẩu, sản xuất trong nước không đáng kể do Điều kiện tự nhiên và khí hậu không phù hợp để sản xuất lúa mạch. Theo đó, để tạo Điều kiện cho các doanh nghiệp giảm giá thành, đồng thời khuyến khích việc sản xuất malt trong nước từ nguồn lúa mạch nhập khẩu, Bộ Tài chính thấy có thể Điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu đối với lúa mạch từ mức 3% xuống 0% như kiến nghị của đơn vị trong lần sửa đổi Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi sắp tới.

Bộ Công nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều thống nhất với kiến nghị này của Bộ Tài chính. Riêng Bộ Thương mại đề nghị cân nhắc xem xét thêm vấn đề này vì cho rằng lúa mạch không phải là mặt hàng cấp bách nên nếu có giảm thì đưa vào cam kết đàm phán song phương và đa phương.

2. Về kiến nghị tăng thuế nhập khẩu đối với malt:

Hiện nay mức thuế suất nhập khẩu đối với malt đang được quy định là 5%. Nếu Điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu đối với mặt hàng malt sẽ phát sinh một số bất cập sau:

- Malt là nguyên liệu chính cho sản xuất bia, chất lượng và chủng loại malt quyết định đến hương vị và đặc trưng riêng của từng loại bia. Để đảm bảo được chất lượng của bia sản xuất ra hiện nay, hầu hết các nhà máy bia trong cả nước, đặc biệt là các liên doanh đều nhập khẩu malt từ nước ngoài. Theo đó, nếu đặt vấn đề Điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu mặt hàng malt quá cao để khuyến khích việc sử dụng của malt sản xuất trong nước thì các nhà máy bia sẽ bị tăng chi phí và sẽ phản ứng tiêu cực, ảnh hưởng không tốt đến môi trường đầu tư trong nước.

- Theo Bản chào WTO của Việt Nam đã gửi cho các nước thành viên WTO và Ban thư ký WTO thì mức thuế suất thuế nhập khẩu trần đối với mặt hàng malt mà Việt Nam đã cam kết là 10%. Theo đó, nếu Điều chỉnh tăng thuế suất thuế nhập khẩu đối với mặt hàng malt thì mức tăng tối đa cũng không thể vượt quá ngưỡng 10%. Tuy nhiên, việc tăng thuế nhập khẩu đối với Malt lên 10% cũng không đơn giản và có thể sẽ ảnh hưởng đến tiến trình đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam nhất là hiện nay úc (nhà xuất khẩu malt lớn nhất vào Việt Nam) cũng đã có ý kiến tỏ ra quan ngại nếu như Việt Nam tăng thuế nhập khẩu đối với malt và cho rằng Việt Nam không nên tăng thuế nhập khẩu đối với mặt hàng malt vì đi ngược với nỗ lực của Việt Nam trong quá trình đàm phán gia nhập WTO.

- Trong khuôn khổ AFTA, sắp tới Việt Nam sẽ bỏ mặt hàng rượu và bia ra khỏi danh Mục loại trừ hoàn toàn (GEL). Theo đó, thuế suất thuế nhập khẩu đối với bia từ các nước ASEAN sẽ được giảm đáng kể và chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất bia trong nước. Khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất bia của Việt Nam sẽ trở nên khó khăn hơn nếu như mức thuế nhập khẩu đối với Malt được Điều chỉnh tăng.

Từ phân tích trên, Bộ Tài chính đề nghị giữ nguyên mức thuế suất thuế nhập khẩu đối với Malt là 5% như hiện hành. Bộ Công nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thương mại và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đều thống nhất với đề xuất này của Bộ Tài chính.

3. Về kiến nghị cho phép Công ty nộp thuế giá trị gia tăng đầu vào khi xuất bán thành phẩm:

Theo quy định của Luật thuế giá trị gia tăng và Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật thuế giá trị gia tăng và các văn bản hướng dẫn thi hành thì các cơ sở kinh doanh, người nhập khẩu hàng hoá thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng phải kê khai và nộp thuế giá trị gia tăng cho từng lần nhập khẩu cùng với việc kê khai nộp thuế nhập khẩu. Việc xem xét cho phép Công ty đường Man được nộp thuế giá trị gia tăng đầu vào đối với malt khi xuất bán thành phẩm sẽ gây ra sự bất bình đẳng đối với các doanh nghiệp khác. Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị thực hiện như quy định hiện hành. Thực tế việc nộp thuế giá trị gia tăng khi nhập khẩu Công ty sẽ được kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào ngay trong tháng nhập khẩu.

Bộ Công nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thương mại và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đều nhất trí với đề nghị của Bộ Tài chính.

Bộ Tài chính kính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và cho ý kiến chỉ đạo.

 

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG




Trương Chí Trung

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn số 10706 TC/CST ngày 22/09/2004 của Bộ Tài chính về việc thuế nhập khẩu, thuế VAT đối với Malt

  • Số hiệu: 10706TC/CST
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 22/09/2004
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Trương Chí Trung
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 22/09/2004
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản