BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 9484/BTC-TCT | Hà Nội, ngày 06 tháng 9 năm 2023 |
Kính gửi: Đại biểu Quốc hội Thái Thị An Chung - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An.
Bộ Tài chính nhận được Công văn số 4485/VPCP-KTTH ngày 17/6/2023 của Văn phòng Chính phủ về việc kiến nghị của Đại biểu Quốc hội Thái Thị An Chung - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An, Quốc hội khóa XV, nội dung kiến nghị như sau:
Nội dung kiến nghị:
Kiến nghị số 3: Giảm kiểm tra và xử phạt để doanh nghiệp có thời gian tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh:
Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo hạn chế kiểm tra rà soát doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này, đặc biệt với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ để doanh nghiệp tập trung tổ chức lại sản xuất, đào tạo nhân sự và phát triển sản phẩm/dịch vụ, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Có nhiều doanh nghiệp phàn nàn chỉ trong năm 2022 có tới 4-5 lần kiểm tra ngay sau dịch Covid, ngay khi doanh nghiệp vừa sống sót sau mấy năm gần như phải đóng cửa hoàn toàn để chống dịch theo yêu cầu của Chính phủ. Trong khi doanh nghiệp khó khăn cần hỗ trợ thì việc kiểm tra có thể đúng về mặt pháp luật, nhưng về mặt đạo lý có thể tạo sức ép quá nhiều cho doanh nghiệp mà không thể hiện được vai trò thúc đẩy, hỗ trợ của Nhà nước đối với doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay.
Thay vì kiểm tra, kiểm soát, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ cần tập trung vào công nghệ hóa các hệ thống báo cáo để doanh nghiệp có thể thực hiện nhanh chóng và dễ dàng mà không tăng thêm chi phí (các chi phí về hóa đơn điện tử phải được cơ quan thuế phê duyệt, các hóa đơn điện tử phải xuất ngay trong ngày..., các token thuế, token bảo hiểm,... cũng là một phần tăng chi phí của doanh nghiệp, tăng thời gian nhân sự làm báo cáo); cần xem xét giảm thiểu các thủ tục hành chính/giảm các loại báo cáo để doanh nghiệp có thời gian tập trung vào các vấn đề nội tại; không xử phạt doanh nghiệp khi thiếu các báo cáo hành chính (ví dụ báo cáo về tình hình sử dụng hóa đơn hàng tháng/quý, báo cáo sử dụng lao động 6 tháng...). Tăng cường đào tạo hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn để doanh nghiệp tuân thủ, thay vì kiểm tra và xử phạt.
Bộ Tài chính xin trả lời:
Triển khai Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2020, trong thời gian qua và sắp tới, ngành Thuế đã và đang chuyển dịch mạnh mẽ phương pháp áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế, đặc biệt là trong công tác thanh tra, kiểm tra thuế. Theo đó, trong những năm qua, Tổng cục Thuế đã hướng dẫn, chỉ đạo toàn ngành thuế thay đổi phương pháp thanh tra, kiểm tra từ chiều rộng chuyển sang chiều sâu thông qua việc tăng cường áp dụng quản lý rủi ro kết hợp với ứng dụng công nghệ thông tin xuyên suốt trong công tác thanh tra, kiểm tra thuế, và được áp dụng ngay từ khi phân tích thông tin, chấm điểm các tiêu chí rủi ro đối với từng người nộp thuế (một trong các tiêu chí có rủi ro cao là người nộp thuế đã nhiều năm chưa được thanh tra, kiểm tra thuế) để lựa chọn danh sách người nộp thuế có rủi ro cao để lập kế hoạch, chuyên đề thanh tra, kiểm tra đến khi phân tích yếu tố rủi ro để xác định nội dung kiểm tra trọng tâm khi thực hiện thanh tra, kiểm tra thuế. Qua đó, giảm thời gian thanh tra, kiểm tra trực tiếp tại trụ sở NNT, hạn chế tối đa việc ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong bối cảnh, ảnh hưởng không nhỏ từ môi trường khách quan (dịch bệnh Covid-19 và khủng hoảng kinh tế thế giới), Tổng cục Thuế ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và đưa ra các giải pháp trong công tác thanh, kiểm tra theo hướng giảm tối đa tác động đến doanh nghiệp, tăng cường kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế, cơ quan thuế cũng ưu tiên tiếp nhận hồ sơ, tài liệu, thông tin giải trình NNT gửi qua cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, email của cơ quan thuế, nhằm hạn chế tối đa tiếp xúc trực tiếp, phòng chống dịch bệnh Covid-19. Cụ thể, năm 2020 toàn ngành thuế đã thực hiện kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế được 819.726 hồ sơ bằng 158,38% so với năm 2019 (517.503 hồ sơ), thanh tra kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế 85.095 cuộc bằng 88,4% so với năm 2019 (96.243 cuộc); năm 2021 toàn ngành thuế thực hiện kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế 1.050.917 hồ sơ bằng 128,2% so với năm 2020, thanh tra kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế 68.391 cuộc bằng 80,4% so với năm 2020...
Bên cạnh đó, tại các công văn hướng dẫn, chỉ đạo triển khai toàn ngành, Tổng cục Thuế luôn yêu cầu cơ quan thuế các cấp khi xây dựng, điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm cần thực hiện rà soát tránh chồng chéo, trùng lặp với kế hoạch thanh tra, kiểm tra của các sở, ban, ngành tại địa phương cũng như kế hoạch của cơ quan cấp trên, cơ quan thanh tra chính phủ, kiểm toán nhà nước. Căn cứ theo quy định tại Chương XV Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 về xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế; Căn cứ quy định tại Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn; Việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế được thực hiện theo từng hành vi vi phạm được quy định chi tiết tại Luật Quản lý thuế và Nghị định quy định chi tiết của Chính phủ nêu trên.
Tại kiến nghị, đại biểu có nêu “cần xem xét giảm thiểu các thủ tục hành chính/giảm các loại báo cáo (ví dụ như báo cáo về tình hình sử dụng hóa đơn hàng tháng/quý..,)”, căn cứ theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ, từ ngày 01/7/2022, hóa đơn điện tử được áp dụng trên phạm vi toàn quốc, theo đó đã bỏ quy định yêu cầu doanh nghiệp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn (trừ trường hợp sử dụng hóa đơn đặt in của cơ quan thuế).
Trên đây là trả lời của Bộ Tài chính đối với kiến nghị, của Đại biểu Quốc hội Thái Thị An Chung - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An./.
| BỘ TRƯỞNG |
- 1Công văn số 17165/BTC-VP về việc trả lời kiến nghị của Đoàn đại biểu quốc hội do Bộ Tài chính ban hành
- 2Công văn số 12071 TC/TCT về việc trả lời kiến nghị của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai do Bộ Tài chính ban hành
- 3Quyết định 851/QĐ-BNV năm 2013 thành lập Ban Chỉ đạo giúp Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong việc trả lời các kiến nghị của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội và kiến nghị của cử tri về những vấn đề thuộc ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ
- 1Công văn số 17165/BTC-VP về việc trả lời kiến nghị của Đoàn đại biểu quốc hội do Bộ Tài chính ban hành
- 2Công văn số 12071 TC/TCT về việc trả lời kiến nghị của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai do Bộ Tài chính ban hành
- 3Quyết định 851/QĐ-BNV năm 2013 thành lập Ban Chỉ đạo giúp Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong việc trả lời các kiến nghị của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội và kiến nghị của cử tri về những vấn đề thuộc ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ
- 4Luật Quản lý thuế 2019
- 5Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ
- 6Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn
Công văn 9484/BTC-TCT năm 2023 trả lời kiến nghị Đại biểu Quốc hội do Bộ Tài chính ban hành
- Số hiệu: 9484/BTC-TCT
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 06/09/2023
- Nơi ban hành: Bộ Tài chính
- Người ký: Hồ Đức Phớc
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 06/09/2023
- Tình trạng hiệu lực: Đã biết