Hệ thống pháp luật

TỔNG CỤC THUẾ
CỤC THUẾ TP. HỒ CHÍ MINH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 9440/CT-TTHT
V/v Thuế giá trị gia tăng

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 19 tháng 10 năm 2015

 

Kính gửi: Công ty TNHH Fretz
Địa chỉ: 430 Nguyễn Thái Sơn, P.5, Q. Gò Vấp
Mã số thuế: 0303946269

Trả lời văn thư số 2309/CV-FRETZ ngày 23/9/2015 và văn thư số 2909/CV-FRETZ ngày 29/9/2015 của Công ty về thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với hoạt động chế tác sản phẩm vàng, bạc, đá quý, Cục Thuế TP có ý kiến như sau:

Căn cứ Thông tư số 32/2007/TT-BTC ngày 09/4/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế GTGT;

Căn cứ Khoản 2.1 Mục III Phần B Thông tư số 129/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế GTGT quy định đối tượng áp dụng phương pháp tính trực tiếp trên GTGT:

“Phương pháp tính trực tiếp trên GTGT áp dụng đối với các đối tượng sau đây:

c) Hoạt động kinh doanh mua bán, vàng, bạc, đá quý, ngoại tệ.

Trường hợp cơ sở kinh doanh thuộc đối tượng nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thuế có hoạt động kinh doanh mua, bán vàng, bạc, đá quý và hoạt động chế tác sản phẩm vàng, bạc, đá quý thì phải hạch toán riêng được hoạt động kinh doanh mua, bán vàng, bạc, đá quý để áp dụng theo phương pháp tính trực tiếp trên GTGT”.

Căn cứ Điểm c Khoản 1 Điều 13 Thông tư số 06/2012/TT-BTC ngày 11/01/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế GTGT (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/3/2012) quy định đối tượng áp dụng phương pháp tính trực tiếp trên GTGT:

“Hoạt động kinh doanh mua bán, vàng, bạc, đá quý.

Trường hợp cơ sở kinh doanh vừa có hoạt động kinh doanh mua, bán vàng, bạc, đá quý, vừa có hoạt động chế tác sản phẩm vàng, bạc, đá quý thì áp dụng tính thuế đối với các hoạt động này theo phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng”.

Căn cứ Khoản 1 Điều 13 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế GTGT quy định phương pháp tính trực tiếp trên GTGT:

“Số thuế GTGT phải nộp theo phương pháp tính trực tiếp trên GTGT bằng giá trị gia tăng nhân với thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% áp dụng đối với hoạt động mua, bán, chế tác vàng bạc, đá quý.

Giá trị gia tăng của vàng, bạc, đá quý được xác định bằng giá thanh toán của vàng, bạc, đá quý bán ra trừ (-) giá thanh toán của vàng, bạc, đá quý mua vào tương ứng.

…”

Căn cứ Khoản 4 Điều 3 Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014 sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 13 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế GTGT:

“Số thuế GTGT phải nộp theo phương pháp tính trực tiếp trên GTGT bằng giá trị gia tăng nhân với thuế suất thuế giá trị gia tăng áp dụng đối với hoạt động mua, bán, chế tác vàng bạc, đá quý.

Giá trị gia tăng của vàng, bạc, đá quý được xác định bằng giá thanh toán của vàng, bạc, đá quý bán ra trừ (-) giá thanh toán của vàng, bạc, đá quý mua vào tương ứng.

Giá thanh toán của vàng, bạc, đá quý bán ra là giá thực tế bán ghi trên hóa đơn bán vàng, bạc, đá quý, bao gồm cả tiền công chế tác (nếu có), thuế giá trị gia tăng và các khoản phụ thu, phí thu thêm mà bên bán được hưởng.

Giá thanh toán của vàng, bạc, đá quý mua vào được xác định bằng giá trị vàng, bạc, đá quý mua vào hoặc nhập khẩu, đã có thuế GTGT dùng cho mua bán, chế tác vàng, bạc, đá quý bán ra tương ứng.

Trường hợp trong kỳ tính thuế phát sinh giá trị gia tăng âm (-) của vàng, bạc, đá quý thì được tính bù trừ vào giá trị gia tăng dương (+) của vàng, bạc, đá quý. Trường hợp không có phát sinh giá trị gia tăng dương (+) hoặc giá trị gia tăng dương (+) không đủ bù trừ giá trị gia tăng âm (-) thì được kết chuyển để trừ vào giá trị gia tăng của kỳ sau trong năm. Kết thúc năm dương lịch, giá trị gia tăng âm (-) không được kết chuyển tiếp sang năm sau”.

Trường hợp theo trình bày Công ty nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, được Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cấp Giấy phép kinh doanh số 411043000334 ngày 09/10/2007, chứng nhận thay đổi lần thứ 3 ngày 05/11/2014; Ngành nghề kinh doanh: thiết kế, chế tác sản xuất các mặt hàng nữ trang bằng vàng bạc đá quý và các dụng cụ như dùi nhọn nhỏ ... dùng trong chế tác làm đồ trang sức, sản xuất hàng trang trí nội thất, đúc sắt thép thì trước ngày 01/3/2012 hoạt động chế tác sản phẩm vàng, bạc, đá quý thuộc đối tượng nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ. Từ ngày 01/3/2012 hoạt động chế tác sản phẩm vàng, bạc, đá quý phải áp dụng phương pháp tính trực tiếp trên GTGT. Riêng hoạt động sản xuất dụng cụ để chế tác nữ trang vẫn thuộc đối tượng áp dụng phương pháp khấu trừ.

Trường hợp Công ty chế tác sản phẩm vàng, bạc, đá quý xuất khẩu ra nước ngoài đồng thời có hoạt động gia công chế tác vàng bạc, đá quý cho khách hàng nước ngoài, theo hợp đồng khách hàng cung ứng một phần hoặc toàn bộ nguyên liệu thì hoạt động chế tác sản phẩm vàng, bạc, đá quý (bao gồm cả hoạt động gia công chế tác vàng bạc, đá quý) xuất khẩu áp dụng theo phương pháp tính trực tiếp trên GTGT, số thuế GTGT đầu vào của phần nguyên vật liệu Công ty cung ứng không được kê khai khấu trừ.

Cục Thuế TP thông báo Công ty biết để thực hiện theo đúng quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đã được trích dẫn tại văn bản này.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Phòng KTT số 2;
- Phòng Pháp chế;
- Lưu: (TTHT,VT).
2447-6542043/15
2528-6621405/15-B.Hang

KT. CỤC TRƯỞNG
PHÓ CỤC TRƯỞNG




Trần Thị Lệ Nga

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 9440/CT-TTHT năm 2015 về thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động chế tác sản phẩm vàng, bạc, đá quý do Cục thuế thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 9440/CT-TTHT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 19/10/2015
  • Nơi ban hành: Cục thuế thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Trần Thị Lệ Nga
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 19/10/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản