Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 9001/BNN-TY
V/v tăng cường công tác quản lý, kiểm soát giết mổ động vật bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm

Hà Nội, ngày 08 tháng 12 năm 2023

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Triển khai thực hiện quy định của Luật Thú y năm 2015 và Luật Quy hoạch năm 2017 (tại khoản 3 Điều 57 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thú y quy định: Xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc động vật, sản phẩm động vật; xây dựng mạng lưới cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến sản phẩm động vật theo hướng công nghiệp gắn với vùng chăn nuôi), các văn bản hướng dẫn thi hành các Luật, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (gần đây là Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 14/01/2023 về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm soát giết mổ động vật bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm), đến hết tháng 11/2023, cả nước có 32/63 tỉnh, thành phố đã ban hành Kế hoạch xây dựng mạng lưới giết mổ động vật tập trung, 463 cơ sở giết mổ tập trung (trong đó một số địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Phước, Long An, Hà Nội, Hà Nam, Hải Dương, Bình Định,… đã có những cơ sở được đầu tư rất hiện đại, đạt chuẩn quốc tế). Tuy nhiên, cả nước vẫn còn tồn tại hơn 24.000 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, trong đó chỉ có khoảng 18,6% cơ sở được các cơ quan thú y kiểm soát, nguy cơ không bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm là rất cao. Nhiều địa phương, kể cả địa phương trọng điểm về du lịch nhưng chưa triển khai xây dựng cơ sở giết mổ động vật tập trung như: Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Ninh Bình, Yên Bái, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Gia Lai, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Bình Thuận, Vĩnh Long,... Nguy cơ động vật không rõ nguồn gốc, động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh được giết mổ, làm lây lan dịch bệnh, mất an toàn thực phẩm là rất cao, gây bức xúc cho cộng đồng, cạnh tranh không lành mạnh.

Nguyên nhân do: (i) Các cấp chính quyền chưa quan tâm kịp thời, đúng mức, chưa tổ chức thực hiện đầy đủ các quy định của các Luật và văn bản chỉ đạo nêu trên; (ii) Các địa phương chưa có kế hoạch, quy hoạch, chính sách thu hút, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ động vật tập trung; (iii) Hệ thống thú y các cấp, nhất là cấp huyện, cấp xã bị đứt gẫy, không có lực lượng thú y để tổ chức kiểm soát giết mổ động vật, kiểm tra vệ sinh thú y theo đúng quy định; (iv) Thông tin, tuyên truyền, nhận thức về tầm quan trọng của giết mổ tập trung, giết mổ có kiểm soát của cơ quan thú y còn nhiều hạn chế.

Để khắc phục những tồn tại, bất cập nêu trên, Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở, ngành, chính quyền các cấp khẩn trương tổ chức thực hiện nghiêm, đầy đủ các quy định của Luật Thú y năm 2015, Luật Quy hoạch năm 2017 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bao gồm những nhiệm vụ sau:

1. Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và chính quyền địa phương khẩn trương xây dựng và trình cấp có thẩm quyền của địa phương phê duyệt Kế hoạch xây dựng mạng lưới cơ sở giết mổ động vật theo quy định của Luật Thú y năm 2015, Luật Quy hoạch năm 2017.

2. Tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm Chị thị số 02/CT-TTg ngày 14/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm soát giết mổ động vật bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

3. Khẩn trương kiện toàn và tăng cường năng lực hệ thống thú y các cấp theo quy định của Luật Thú y năm 2015, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 414/QĐ-TTg ngày 22/3/2021 và Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 25/7/2023) để bảo đảm các nguồn lực tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ thú y, nhất là nhiệm vụ kiểm soát giết mổ, bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

4. Tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh, buôn bán, giết mổ, sơ chế, chế biến nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc tuân thủ và thực hành tốt quy trình giết mổ động vật, sơ chế, chế biến sản phẩm động vật để bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm; tuyên truyền nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, không sử dụng các sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.

5. Thành lập các đoàn công tác do Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Ủy ban nhân dân cấp huyện để tổ chức kiểm tra, xác định rõ những tồn tại, bất cập nhằm có giải pháp khắc phục kịp thời, có hiệu quả; xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm trong công tác quản lý giết mổ động vật theo đúng quy định.

Bộ Nông nghiệp và PTNT yêu cầu:

- Cục Thú y thành lập các đoàn công tác đến các địa phương kiểm tra, đôn đốc về công tác kiểm dịch vận chuyển động vật, kiểm tra vệ sinh thú y, quản lý kiểm soát giết mổ động vật, kiểm tra sử dụng chất cấm tại cơ sở giết mổ động vật.

- Cục Chăn nuôi chủ trì, phối hợp với cơ quan chuyên môn về chăn nuôi, thú y tại địa phương thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát sử dụng chất cấm tại các cơ sở chăn nuôi.

Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị đồng chí Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo thực hiện các nội dung nêu trên và thông báo về Bộ Nông nghiệp và PTNT để phối hợp xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- PTTg Trần Lưu Quang (để b/c);
- Bộ trưởng Lê Minh Hoan (để b/c);
- Cục Thú y và các đơn vị thuộc Cục (để t/h);
- Cục Chăn nuôi (để t/h);
- Sở NN&PTNT, Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các tỉnh, thành phố trực thuộc TW (để t/h);
- Lưu: VT, TY.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Phùng Đức Tiến

 

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 9001/BNN-TY năm 2023 tăng cường công tác quản lý, kiểm soát giết mổ động vật bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm do Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 9001/BNN-TY
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 08/12/2023
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Phùng Đức Tiến
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 08/12/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản