Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 885/BTC-QLKT
V/v hạch toán kế toán liên quan đến hợp nhất kinh doanh

Hà Nội, ngày 22 tháng 01 năm 2020

 

Kính gửi: Công ty TNHH Siemens

Trả lời Công văn số 405/VPCP-ĐMDN ngày 15/01/2020 của Công ty TNHH Siemens về việc hạch toán kế toán liên quan đến hợp nhất kinh doanh, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

Tại phần các thuật ngữ trong Chuẩn mực kế toán số 11 - Hợp nhất kinh doanh (VAS 11) quy định:

“Hoạt động kinh doanh: là tập hợp các hoạt động và tài sản được thực hiện và quản lý nhằm mục đích:

a) Tạo ra nguồn thu cho các nhà đầu tư; hoặc

b) Giảm chi phí cho nhà đầu tư hoặc mang lại lợi ích kinh tế khác trực tiếp hoặc theo tỷ lệ cho những người nắm quyền hoặc những người tham gia.”

Hoạt động kinh doanh thường bao gồm các yếu tố đầu vào, các quy trình để xử lý yếu tố đầu vào đó, và các yếu tố đầu ra đang hoặc sẽ được sử dụng để tạo ra doanh thu. Nếu lợi thế thương mại có được từ một tập hợp các hoạt động và các tài sản được chuyển giao thì tập hợp đó được coi là một hoạt động kinh doanh.

Theo hồ sơ mô tả, Công ty TNHH Siemens Gas và Power mua mảng kinh doanh của Ban Khí và Điện của Công ty TNHH Siemens và đề nghị Bộ Tài chính hướng dẫn về hạch toán kế toán. Tuy nhiên, công ty chưa nêu rõ là Ban Khí và Điện có thỏa mãn là hoạt động kinh doanh theo quy định nêu trên hay không do đó đề nghị Công ty căn cứ tình hình thực tế tại đơn vị để hạch toán theo một trong 2 trường hợp sau đây:

(i) Trường hợp Ban Khí và Điện được Công ty TNHH Siemens Gas và Power mua cấu thành một hoạt động kinh doanh và giao dịch hợp nhất kinh doanh không dẫn đến quan hệ công ty mẹ- công ty con thì khoản lợi thế thương mại (nếu có) phát sinh từ giao dịch hợp nhất kinh doanh sẽ được phản ánh là tài sản trên báo cáo tài chính riêng của doanh nghiệp mua để phân bổ dần vào chi phí sản xuất kinh doanh trong thời gian tối đa không quá 10 năm theo quy định tại khoản 2.1 mục 2 phần B Thông tư số 21/2006/TT-BTC và Điều 47 Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp.

(ii) Trường hợp Ban Khí và Điện không cấu thành một hoạt động kinh doanh thì sẽ không phát sinh và ghi nhận một khoản lợi thế thương mại, Công ty phải phân bổ giá phí của nhóm tài sản đó cho các tài sản và nợ phải trả có thể xác định được riêng rẽ trong nhóm tài sản đó dựa trên giá trị hợp lý tương ứng tại ngày mua.

Trên đây là ý kiến của Bộ Tài chính, đề nghị Quý Công ty nghiên cứu, thực hiện. Trường hợp nếu vẫn còn vướng mắc trong việc hạch toán kế toán, đề nghị Công ty liên hệ với Bà Phạm Thị Loan- Cục Quản lý giám sát kế toán, kiểm toán, Bộ Tài chính, email phamthiloan@mof.gov.vn hoặc số điện thoại 02422202828/8649 để được hướng dẫn cụ thể.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Văn phòng Chính phủ;
- VCCI;
- Lãnh đạo Bộ (để báo cáo);
- Vụ Pháp chế;
- Lưu VT, Cục QLKT.

TL. BỘ TRƯỞNG
KT. CỤC TRƯỞNG CỤC QUẢN LÝ GIÁM SÁT
KẾ TOÁN, KIỂM TOÁN
PHÓ CỤC TRƯỞNG




Trịnh Đức Vinh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 885/BTC-QLKT năm 2020 về hạch toán kế toán liên quan đến hợp nhất kinh doanh do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 885/BTC-QLKT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 22/01/2020
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Trịnh Đức Vinh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản