Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 877/TCT-HTQT
V/v thuế suất thuế TNDN đối với tiền bản quyền theo Hiệp định thuế giữa Việt Nam và Pháp

Hà Nội, ngày 17 tháng 03 năm 2011

 

Kính gửi: Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh

Tổng cục Thuế nhận được công văn số 3451/CT-KT1 ngày 28/12/2010 và công văn số 183/CT-KT1 ngày 26/1/2011 của Cục Thuế đề nghị hướng dẫn thuế suất thuế TNDN đối với tiền bản quyền theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và Pháp. Về vấn đề này, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:

- Khoản 1, 2 và 3, Điều 11, Hiệp định thuế giữa Việt Nam và Pháp quy định:

1. Tiền bản quyền phát sinh tại một Nước ký kết và được trả cho đối tượng cư trú của Nước ký kết kia sẽ phải chịu thuế tại Nước đó.

2. Tuy nhiên, những khoản tiền bản quyền đó cũng bị đánh thuế ở Nước phát sinh theo luật của Nước này, nhưng nếu người nhận là người thực hưởng thì thuế được tính sẽ không quá 10% tổng số tiền bản quyền được trả.

3. Thuật ngữ “tiền bản quyền” được sử dụng trong điều này có nghĩa là các khoản thanh toán ở bất kỳ dạng nào được trả cho việc sử dụng, hoặc quyền sử dụng, bản quyền tác giả của một tác phẩm văn học, nghệ thuật hay khoa học, kể cả phim điện ảnh hoặc các loại phim khác hoặc các loại băng dùng trong phát thanh và truyền hình, bằng phát minh, nhãn hiệu thương mại, thiết kế hoặc mẫu, đồ án, công thức hoặc quy trình bí mật hoặc quyền sử dụng hoặc việc sử dụng thiết bị công nghiệp, thương nghiệp hoặc khoa học, hay cho thông tin liên quan đến các kinh nghiệm công nghiệp, thương nghiệp hoặc khoa học”.

- Khoản 2(a) Nghị định thư, Hiệp định thuế giữa Việt Nam và Pháp quy định:

Về Điều 10 và 11, nếu trong một Hiệp định về tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn và lậu thuế với một Nước thứ ba là thành viên của Cộng đồng Kinh tế Châu Âu (EEC), Việt Nam thỏa thuận một thuế suất tại gốc thấp hơn (kể cả thuế suất bằng 0) những thuế suất đã được ghi trong Hiệp định này, những thuế suất này sẽ tự động thay thế những thuế suất ghi trong Hiệp định này, được tính từ ngày có hiệu lực của Hiệp định đó giữa Việt Nam và Nước thứ ba đã nói .

Theo các quy định nêu trên, thu nhập bản quyền phát sinh tại Việt Nam và được trả cho đối tượng cư trú của Pháp sẽ là đối tượng chịu thuế thu nhập doanh nghiệp tại Việt Nam với mức thuế suất 10% tổng số tiền bản quyền được trả. Tuy nhiên, nếu Việt Nam ký kết Hiệp định với bất kỳ nước nào là thành viên của Cộng đồng kinh tế Châu Âu (EEC) với một mức thuế suất thấp hơn so với mức thuế suất đã ký với Pháp thì mức thuế suất này được tự động thay thế.

Quy định của khoản 2(a) Nghị định thư, Hiệp định thuế giữa Việt Nam và Pháp có nghĩa là Nghị định thư chỉ áp dụng khi Việt Nam ký Hiệp định với một Nước EEC mà tại Điều 10 và 11 chỉ có một mức thuế suất và mức thuế suất này thấp hơn mức thuế suất đã ký với Pháp.

Trong số các nước EEC Việt Nam đã ký kết Hiệp định thuế, liên quan đến thuế khấu trừ tại nguồn đối với tiền bản quyền, có 4 Hiệp định với các nước là Bỉ, Hà Lan, Đan Mạch và Ireland có mức thuế suất 5% thấp hơn so với Hiệp định Pháp nhưng các Hiệp định này có hai mức thuế suất (Hiệp định với Đan Mạch) hoặc ba mức thuế suất (Hiệp định với Bỉ, Hà Lan và Ireland) không phải chỉ một mức thuế suất như với Hiệp định Pháp.

Như vậy, đề nghị áp dụng mức thuế suất 5% đối với thu nhập bản quyền của Công ty L’Air Liquide phát sinh tại Việt Nam theo các Thỏa thuận đã ký là không có cơ sở để giải quyết.

Tổng cục Thuế thông báo để Cục Thuế biết và hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện./.  

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Lưu: VT, HTQT (2b).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Trần Văn Thu

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 877/TCT-HTQT về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đối với tiền bản quyền theo Hiệp định thuế giữa Việt Nam và Pháp do Tổng cục Thuế ban hành

  • Số hiệu: 877/TCT-HTQT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 17/03/2011
  • Nơi ban hành: Tổng cục Thuế
  • Người ký: Trần Văn Thu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 17/03/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản